Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Trao đổi - Thảo luận

Một sai sót nhớ mãi


(09/08/2018 15:41:19)

Nhà báo Đàm Đình Dũng (bìa phải) và các đồng nghiệp tại căn cứ Tây Ninh 
những năm 1972 - 1973

Gần 40 năm là PV TTXVN, công tác tại nhiều tỉnh và thành phố, kể cả những năm tháng làm PV tại các chiến trường miền Đông Nam Bộ, tôi đã có không ít trải nghiệm. Mẩu chuyện nhỏ sau hơn 40 năm tôi mới kể lại này liên quan tới phương thức tác nghiệp của PV, tới tính trung thực của người cầm bút.
 
Đó còn là sự ân hận tuy muộn màng, nhưng là nén tâm nhang dành cho người đã khuất. Người ấy là chú Năm Xuân (Phó tổng giám đốc kiêm Phó tổng biên tập VNTTX Trần Thanh Xuân), thủ trưởng trực tiếp của tôi tại cơ quan Thông tấn xã Giải phóng ở căn cứ Tây Ninh, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi làm việc tại trụ sở cơ quan trên đường Hồng Thập Tự (nay là Cơ quan khu vực phía Nam tại 116 - 118, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Hồ Chí Minh). Thời điểm đó, các hoạt động văn hóa văn nghệ, báo chí diễn ra sôi nổi, tôi được tiếp xúc với nhiều đoàn nghệ thuật của Sài Gòn, các đoàn văn công giải phóng, các nhân sỹ trí thức, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các văn nghệ sỹ từ khắp nơi trong nước dồn về.
 
Một ngày giữa tháng 5/1975, nhận được giấy mời của Bộ Văn hóa Thông tin Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thông báo, giáo sư Ca Văn Thỉnh sẽ nói chuyện tại Nhạc viện thành phố về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu. Tôi trực tiếp đến tận nhà giáo sư, nhờ ông nói rõ những nội dung cơ bản của chủ đề này. Sau khi lắng nghe và ghi chép, tôi mau chóng hoàn thành một tin sâu. Tối hôm đó tôi đi xem vở cải lương bên Chợ Lớn và nhờ người bạn đến Nhạc viện, nếu thấy cuộc nói chuyện diễn ra thì về cơ quan nộp tin để lãnh đạo duyệt phát.
 
Sáng hôm sau, các báo Sài gòn Giải phóng, Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Đài phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam… đều sử dụng tin này.
 
Gần 7 giờ sáng, chú Năm Xuân gọi tôi đến cơ quan có việc gấp. Thấy tôi bước vào phòng, chú đẩy một tờ giấy về phía tôi nghiêm nghị: “Cậu làm việc tắc trách như vậy sao? Hãy kiểm điểm nghiêm túc về tin sai sự thật của mình”.
 
Tờ giấy chú đưa là lá thư của giáo sư Ca Văn Thỉnh. “Kính gửi anh Năm Xuân! Người nói chuyện về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu hôm qua là giáo sư Nguyễn Đổng Chi chứ không phải tôi. Anh cho đính chính lại tin này”.
 
Tôi biết mình đã sai nhưng vẫn cố lợi dụng việc giấy mời ghi rõ người nói chuyện là giáo sư Ca Văn Thỉnh để “hạ nhiệt” chú Năm Xuân. Tôi nói: “Thưa chú, cháu không hề biết ai là giáo sư Nguyễn Đổng Chi, ai là giáo sư Ca Văn Thỉnh. Cháu chỉ chú ý nghe nội dung người truyền đạt, không ngờ rằng có sự thay đổi đột xuất này. Cháu xin kiểm điểm nghiêm túc về sai sót ấy”.
 
Nhìn giấy mời có ghi tên diễn giả là Ca Văn Thỉnh, gương mặt chú Năm Xuân dường như dịu lại. Lát sau chú nói có phần thông cảm: “Dù sao thì cũng là một cái sai không ngờ, khó tránh”.
 
Không có ý thức theo đuổi đến cùng sự kiện, có phần bao biện và lẩn tránh trách nhiệm khi có tin sai, không trung thực nhận lỗi về mình… là những điều tôi kiểm điểm được qua bài học này và muốn chia sẻ với các đồng nghiệp.
 

Đàm Đình Dũng
Nội san thông tấn số 7/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia năm 2017: Trúng vấn đề, đúng thời điểm (09/08/2018 15:31:29)

Không có bất cứ thông tin nào quý giá bằng sinh mạng (29/06/2018 17:22:01)

Báo chí và niềm tin với độc giả  (04/05/2018 15:26:12)

Hai tháng với ba phiên tòa trọng điểm (02/05/2018 16:59:14)

Hội tụ truyền thông tại TTXVN (02/04/2018 16:56:34)

"Đơn thương độc mã” ở sự kiện đa phương (02/04/2018 15:32:41)

Nhà báo Trần Ngọc Thiện, Trưởng CQTT tại Cần Thơ: Chuyện nghề ở cơ quan thường trú trọng điểm (13/02/2018 16:04:20)

Nhà báo Nguyễn Khánh Linh, Trưởng CQTT tại Sydney: Sẵn sàng cho 2018! (13/02/2018 15:59:10)

Biết sớm, phát sớm, không để sót lọt thông tin  (03/01/2018 16:04:53)

Liên hoan ảnh khu vực phía Nam lần thứ III (01/11/2017 15:01:34)