Thứ ba, ngày 23/04/2024

Trao đổi - Thảo luận

Báo chí và niềm tin với độc giả


(04/05/2018 15:26:12)

Trong hai ngày 26 - 27/3 tại Hà Nội, Liên chi hội nhà báo TTXVN, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn và báo điện tử VietnamPlus phối hợp tổ chức lớp tập huấn chuyên đề về thách thức của báo chí trong kỷ nguyên số, sáng tạo trong truyền thông và những mô hình kinh doanh báo chí hiệu quả cho cán bộ quản lý các ban biên tập, tòa soạn báo trong ngành. Báo chí và niềm tin với độc giả là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các học viên.


Theo thống kê của Social và Hootsuite (Tổ chức quản lý truyền thông mạng xã hội và quảng cáo toàn cầu), đến năm 2017, toàn thế giới đã có trên bốn tỷ người người sử dụng Internet, số tài khoản được đăng ký trên các mạng xã hội là trên ba tỷ. Riêng mạng xã hội Facebook, đến tháng 7/2017, đã có trên hai tỷ thành viên, trong đó tại Việt Nam có khoảng 64 triệu tài khoản. 

Theo các chuyên gia, mạng xã hội phát triển, báo chí chính thống sụt giảm. Báo chí Việt Nam nói chung, các đơn vị xuất bản tin tức của TTXVN nói riêng cũng bị ảnh hưởng từ những thách thức đó và cần thích ứng nhanh với xu thế báo chí và nền tảng công nghệ mới. 

Qua phân tích và chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về sự phát triển truyền thông, các giảng viên Bernt Olufsen và Rolf Dyrnes Svendsen, người Na Uy, thuộc Hiệp hội báo chí và nhà xuất bản tin tức thế giới WAN – IFRA đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn mà báo chí hiện nay đang phải đối mặt, gợi mở các giải pháp nâng cao chất lượng nội dung, cách thức quảng cáo hiệu quả, phương thức xây dựng niềm tin của độc giả để tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của tờ báo. 

Trước đây, người đọc tiếp cận trực tiếp các trang báo thì nay hầu hết chuyển sang cập nhật thông tin qua mạng xã hội, nhờ sự tiện dụng và khả năng tương tác với “cư dân” mạng. Hệ quả là các tờ báo in sụt giảm cả về số lượng phát hành và doanh thu quảng cáo, lượng view trực tiếp trên các trang báo điện tử cũng giảm đáng kể. Trong khi đó, những tài khoản mới trên các mạng xã hội vẫn tiếp tục tăng không ngừng. Với việc miễn phí và cung cấp một số tiện ích cho người sử dụng, các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram, Twitter… tràn ngập quảng cáo và kết quả là họ đã thu về nguồn tài chính khổng lồ. 

Thông thường, đối với một tờ báo, một trong những nguồn thu chính là từ các hoạt động quảng cáo và họ nỗ lực tìm cách tăng lượng độc giả qua nhiều kênh, trong đó có kết nối qua mạng xã hội. Tuy nhiên, các trang mạng xã hội đã sử dụng các thuật toán thông minh chặn những quảng cáo kiểu truyền thống từ các kênh báo chí. Vì thế, việc thông qua các trang mạng xã hội để thu hút quảng cáo của các tờ báo không thu được kết quả cao. 

Vậy các tờ báo cần phải làm gì để tồn tại và phát triển? Qua nghiên cứu việc chuyển đổi hướng đi của các tờ báo lớn trên thế giới, hai chuyên gia của WAN - IFRA đã khuyến khích các tòa soạn đầu tư thỏa đáng cho nội dung, với những bài phóng sự chuyên sâu, sản xuất nội dung có tài trợ, tăng tính minh bạch trong thông tin, thành lập nhóm sáng tạo… Trong đó, nội dung được các học viên đánh giá rất thực tế đó là phải xây dựng chiến lược quảng cáo. Lồng ghép quảng cáo vào nội dung bài viết một cách mềm mại, khéo léo, trình bày hấp dẫn theo hướng đa phương tiện, thậm chí gắn code lập trình để “trưng bày” nội dung sẽ giúp tăng lượng truy cập. Quảng cáo được lồng ghép như vậy sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho độc giả, giúp người đọc thỏa mãn thông tin và đặc biệt là quảng cáo đã vượt qua được “bức tường lửa” rất thông minh của các mạng xã hội. Đồng thời, phải minh bạch nội dung quảng cáo với độc giả để xây dựng niềm tin, dẫn dắt người đọc tiếp nhận quảng cáo và giúp họ thu về những thông tin có giá trị. Những tờ báo mà hai chuyên gia từng tư vấn làm nội dung có tài trợ theo cách này đã rất thành công.

Theo các chuyên gia, một cách thức mới đang được một số tờ báo áp dụng hiệu quả là tìm nguồn thu từ chính độc giả. Công chúng báo chí sẽ là những người trả tiền trực tiếp cho những thông tin có giá trị mà báo cung cấp. Để làm được điều đó, các báo phải xây dựng được hệ thống dữ liệu có giá trị và được kiểm chứng để tạo niềm tin với độc giả. Đây là thế mạnh của tờ báo và là yếu tố vô cùng quan trọng để “giữ chân” độc giả.

Ngoài ra, tờ báo đó phải giúp độc giả thỏa mãn được những thông tin mà họ quan tâm. Các tòa soạn cần phát triển những tuyến tin, bài chuyên sâu thông qua các phóng sự dài hơi, có sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và hình thức. Nội dung các bài báo cần được phát triển ở nhiều cấp độ, phục vụ nhu cầu đa dạng và ngày càng khó tính của người đọc. Hình thức trình bày hấp dẫn, độc đáo phù hợp với định dạng, giao diện của máy tính và các thiết bị di động.
 
Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam Nguyễn Thu Hà:
Lớp tập huấn giúp học viên định vị được tờ báo của đơn vị mình trong thế giới phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin. Những điều học để áp dụng trong thực tế mỗi đơn vị chưa nhiều, nhưng cũng giúp các cán bộ quản lý ấp ủ những ý tưởng trong tương lai.
Những thông tin, kinh nghiệm được giảng viên chia sẻ có thể giúp cho tờ báo thúc đẩy mạnh mẽ việc cải tổ và hiện đại hóa trong thời gian tới. Nên tăng cường nhiều hơn nữa những khóa học dành cho cán bộ quản lý, nhất là cán bộ trẻ, để họ có được tư duy lãnh đạo mới, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Phó tổng biên tập báo Tin tức Lê Vũ Hội:
Niềm tin của độc giả đang trở thành một trong những khó khăn mà hầu hết các tòa soạn, cơ quan xuất bản báo chí trong nước đã và đang nhận diện được, nhưng còn lúng túng về giải pháp, đường hướng. Qua nội dung tập huấn, tôi thấy rằng, để tạo dựng niềm tin của độc giả với tờ báo trong thời điểm này, tòa soạn cần tập trung vào các tuyến thông tin với nội dung chuyên sâu, các bài viết mang tính báo chí cao, mảng phóng sự điều tra. Vấn đề không chỉ nằm ở cạnh tranh thông tin, phát triển kinh tế báo chí, mà còn liên quan đến định hướng phát triển để thực hiện tốt vai trò là một tờ báo chính thống của TTXVN, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả vừa góp phần định hướng dư luận xã hội của báo.

Phó trưởng Ban biên tập tin Kinh tế Nguyễn Thu Hằng:
Lớp tập huấn hấp dẫn với nhiều nội dung và thông tin hữu ích. Các mô hình kinh tế báo chí được giới thiệu với nhiều ví dụ cụ thể, sinh động và dễ hiểu, gợi mở những hướng đi mới cho các ấn phẩm, websites của TTXVN. Mô hình BrandStudio, Parner Studio - bộ phận làm các nội dung quảng cáo, nội dung được tài trợ (branded content) cho nhiều ấn phẩm, nhiều loại hình báo chí, rất đáng được xem xét và áp dụng đối với một cơ quan có nhiều sản phẩm báo chí như TTXVN. Các ví dụ về cách thức làm phóng sự điều tra rất thú vị, hấp dẫn. 

Trưởng phòng Thể thao, báo Thể thao và Văn hóa Nguyễn Đức Lộc:
Tổng quan thực trạng và xu hướng báo chí được các giảng viên nêu ra rất hữu ích, nhất là sự đe dọa của Facebook và Google với báo chí trong kinh doanh, quảng cáo. Đây là khó khăn mà báo chí trong nước đang phải đối mặt. 
Xu hướng sáng tạo trong ngắn hạn; áp dụng công nghệ để phục vụ nội dung và kinh doanh báo chí; cách thức đối phó với ảnh hưởng tiêu cực từ Facebook, Google; những nguyên tắc cơ bản phải tuân thủ trong các bài PR, quảng cáo… được các giảng viên đưa ra thiết thực, phù hợp với sự phát triển truyền thông trong từng giai đoạn.

 

Hoàng Vũ
Theo Nội san thông tấn số 4/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hai tháng với ba phiên tòa trọng điểm (02/05/2018 16:59:14)

Hội tụ truyền thông tại TTXVN (02/04/2018 16:56:34)

"Đơn thương độc mã” ở sự kiện đa phương (02/04/2018 15:32:41)

Nhà báo Trần Ngọc Thiện, Trưởng CQTT tại Cần Thơ: Chuyện nghề ở cơ quan thường trú trọng điểm (13/02/2018 16:04:20)

Nhà báo Nguyễn Khánh Linh, Trưởng CQTT tại Sydney: Sẵn sàng cho 2018! (13/02/2018 15:59:10)

Biết sớm, phát sớm, không để sót lọt thông tin  (03/01/2018 16:04:53)

Liên hoan ảnh khu vực phía Nam lần thứ III (01/11/2017 15:01:34)

Sát nhập và sáp nhập, Giành và dành (03/10/2017 15:09:39)

"Nghề chơi" và "Thú chơi" (05/09/2017 10:02:09)

Cứu cánh, Vị tha và Yếu điểm (03/08/2017 11:18:06)