Thứ tư, ngày 04/12/2024

Trao đổi - Thảo luận

Hai tháng với ba phiên tòa trọng điểm


(02/05/2018 16:59:14)

Nhóm phóng viên trao đổi trước phiên khai mạc xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào ngân hàng OceanBank

Đưa tin về phiên tòa - với phóng viên nội chính, đơn thuần là công việc hằng ngày. Tuy nhiên, nếu phải thực hiện công việc này suốt hơn hai tháng với ba phiên tòa, trong điều kiện bị phá sóng, không điện thoại, kiểm soát an ninh ngặt nghèo, phải căng tai, căng mắt liên tục từ đầu giờ sáng đến chiều tối, áp lực công việc căng thẳng, đòi hỏi độ chính xác với tần suất mỗi ngày trung bình hai tin truyền hình, hai tin văn bản và một báo cáo nội bộ, thì không đơn giản chút nào.

Ba phiên tòa trọng điểm xét xử các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm diễn ra từ ngày 8/1 - 29/3, được Ban lãnh đạo cơ quan xác định là một trong những tuyến thông tin quan trọng, cần thực hiện thông tin đầy đủ, kịp thời, đúng định hướng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật cũng như đúng tinh thần cải cách tư pháp. Phó tổng giám đốc Vũ Việt Trang trực tiếp chỉ đạo đợt thông tin này.
 
Phóng viên TTXVN trao đổi với thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân (chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ sai phạm xảy ra tại PVC) ngay sau khi tuyên án

Nhóm chúng tôi tác nghiệp tại hiện trường có sáu người, gồm: Hai phóng viên của Ban biên tập Ảnh, hai phóng viên CQTT Hà Nội và hai quay phim của Trung tâm Truyền hình Thông tấn. Để quá trình tác nghiệp được thuận lợi, Văn phòng cơ quan đã bố trí một xe ô tô đưa đón phóng viên. Ô tô đỗ cố định tại một điểm không quá xa cổng tòa án, bảo đảm ở ngoài vùng bị phá sóng. Trên xe lắp đặt thiết bị truyền phát wifi để phóng viên có thể phát tin, hình ảnh về Tổng xã ngay tại xe. Để đảm bảo thông tin được thông suốt, kỹ thuật viên của Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn đến tận nơi đỗ xe để kiểm tra chất lượng phát sóng. Do thời gian xét xử kéo dài, hằng ngày thường bắt đầu từ sáng sớm, kết thúc vào chiều tối nên nhóm phóng viên được cơ quan tổ chức ăn trưa tại căng tin, để đảm bảo thời gian cho công việc.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo ngành, mỗi ngày, nhóm chúng tôi làm hai tin truyền hình cập nhật diễn biến phiên tòa vào sáng và chiều, cuối ngày tổng hợp một tin văn bản, phát trên bản tin trong nước, nếu xuất hiện tình tiết mới và diễn biến bất ngờ tại phiên tòa, sẽ đưa tin ngay. Đặc biệt, phiên sáng 22/1/2018, tòa tuyên án xét xử sai phạm xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), nhóm đã làm tin cập nhật liên tục. Buổi sáng hôm đó, chúng tôi đã thực hiện 5 tin văn bản và 2 tin truyền hình; cập nhật liên tục, chính xác và đầy đủ thông tin tuyên án bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm. Trong suốt quá trình diễn ra ba phiên tòa, thông tin của TTXVN được các báo khai thác sử dụng, làm cơ sở để rà soát lại thông tin của họ.

Ngoài việc đưa tin phiên tòa, mỗi ngày, các phóng viên tin còn phải thực hiện một bản báo cáo tổng hợp các hoạt động bên lề, những chi tiết nhạy cảm về diễn biến trong và ngoài phiên tòa. Để có thông tin viết báo cáo, các phóng viên tin chia nhau quan sát, theo dõi tâm lý bị cáo, tìm hiểu các thông tin từ phía cơ quan chức năng, người thân bị cáo…

Một ngày làm việc của nhóm thường bắt đầu từ 7 giờ 30 phút, riêng phiên khai mạc và tuyên án, phải xuất phát từ 5 giờ 30 phút cho kịp chụp và ghi hình dẫn giải các bị cáo. Đến gần 12 giờ, Tòa nghỉ trưa, chúng tôi tiếp tục tổng hợp cho tin văn bản buổi sáng. Tranh thủ ăn trưa và nghỉ, đến 13 giờ 15 phút chúng tôi lại lên xe đi cho kịp phiên xử buổi chiều. Cứ thế làm việc cho đến 18 giờ, thậm chí là 19 giờ mới kết thúc. Lúc đó, công việc của phóng viên ảnh và quay phim đã xong, nhưng phóng viên tin vẫn tiếp tục hoàn thành tin văn bản tổng hợp trong ngày, dẫn hiện trường chuẩn bị cho bản tin trên Vnews lúc 6 giờ, 8 giờ sáng hôm sau.
 
Nhóm phóng viên tổng hợp thông tin tại phiên tòa

Đầu giờ sáng, trên đường đến tòa án, chúng tôi tranh thủ trao đổi nhanh về công tác phối hợp tác nghiệp, vị trí đặt máy, các góc chụp, sao cho phù hợp với tính chất và diễn biến phiên xét xử ngày hôm ấy. Đặc biệt, tin về phiên xử có trích tiếng động của Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo… đều cần sự phối hợp ăn khớp để có thể cắt đúng đoạn tiếng động cần trích cho kịp bản tin truyền hình lúc 11 giờ và 18 giờ. Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi giữa các thành viên trong nhóm để thống nhất hình quay với text truyền hình, chú thích ảnh cho đồng bộ và chính xác. Những ngày đưa tin tại tòa, phóng viên tin chịu áp lực về độ chính xác và hướng xử lý thông tin bởi diễn biến tại phiên tòa thường rất nhanh, mỗi phút trôi qua có thể xuất hiện những tình tiết mới, luận cứ mới. Phóng viên ảnh, quay phim chịu áp lực về góc máy và phải ghép được đúng tên với hình ảnh của hàng chục bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa. 

Tranh thủ giờ giải lao, phóng viên tin tìm cách tiếp cận và trao đổi với đại diện Tòa án, Viện kiểm sát, luật sư… để kiểm chứng lại các thông tin vừa ghi chép được (mà chưa có điều kiện soát lại file ghi âm do không đủ thời gian) và nắm bắt định hướng thông tin cho chuẩn xác. Phóng viên ảnh, quay phim canh cánh lo chọn góc máy sao cho vừa thể hiện được tính nghiêm minh trong phiên tòa, vừa lột tả được sắc thái của từng bị cáo. Trong phiên tuyên án, thẩm phán tập trung đọc bản án, không nhìn xuống phía dưới nên phóng viên ảnh phải đứng chờ hàng giờ mới chớp được hình Hội đồng xét xử công bố bản án.

Còn nhớ sáng 19/3, khai mạc phiên tòa xét xử vụ góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào ngân hàng OceanBank, phóng viên ảnh Doãn Tấn và Văn Điệp cùng hai quay phim được Tòa án đặc cách cho vào trong sân từ trước khi đoàn xe dẫn giải bị cáo đến. Vẫn nghĩ như mọi lần, bị cáo xuống xe sẽ lên phòng cách ly theo lối cầu thang phía ngoài sân, nên hai phóng viên ảnh và hai quay phim đều đứng chờ và hướng ống kính về phía đó. Tuy nhiên, bất ngờ lần này, bị cáo “đầu vụ” Đinh La Thăng lại không được dẫn giải lên hướng đó mà lặng lẽ đi lối vào phía trong khu xét xử của Tòa án. Rất nhanh, phóng viên Doãn Tấn lập tức chuyển hướng và kịp thời “bắt” được hình ảnh bị cáo Đinh La Thăng với gương mặt căng thẳng đi giữa hai cảnh sát dẫn giải. Đó là tấm ảnh dẫn giải duy nhất của TTXVN mà không cơ quan báo chí nào có được.
 
Quay phim Mai Đăng Quang tác nghiệp tại tòa

Xác định tính chất nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng của thông tin phiên tòa, nhóm phóng viên đã tập trung cao độ theo sát từng diễn biến phiên xử, không lơ là, để không bị sót lọt lời khai hoặc thông tin nào được coi là nhạy cảm. Trong cả ba phiên tòa, với tổng cộng gần 60 tin văn bản, 62 tin truyền hình, hơn 2.000 bức ảnh và 32 báo cáo nội bộ, chúng tôi đã không để xảy ra sai sót đáng tiếc nào.

Với khối lượng công việc và đặc thù của các phiên xét xử như vậy, nếu như không có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cơ quan, không có sự hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa của Ban biên tập tin Trong nước, Ban biên tập Ảnh, Trung tâm Truyền hình Thông tấn và  các đơn vị trong ngành, đặc biệt là không có sự phối hợp, nhịp nhàng của mỗi thành viên, thì nhóm phóng viên hiện trường chúng tôi khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
 
Phóng viên ảnh Bùi Doãn Tấn: 
Tôi và các đồng nghiệp đã phối hợp chọn các góc chụp thích hợp để chớp được những khoảnh khắc đầy hối hận, ăn năn của bị cáo, gương mặt thất thần của các bị cáo khi nghe bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát, những hình ảnh phiên xét xử vừa nghiêm minh, dân chủ nhưng cũng đầy tính nhân văn. Góp công sức nhỏ bé trong hơn 2.000 bức ảnh của cả ba phiên tòa, với tôi đây là những kinh nghiệm tác nghiệp rất quý giá.

Phóng viên Nguyễn Thị Cúc: 
Trong thời gian đưa tin ba phiên tòa nhóm phóng viên luôn nhận được sự chỉ đạo, động viên kịp thời của Ban lãnh đạo cơ quan, sự hỗ trợ, phối hợp hết mình của các đơn vị trong ngành. Đó chính là sự tin tưởng nhưng cũng là áp lực không nhỏ với mỗi chúng tôi.


Quay phim Mai Đăng Quang: 
Đây là lần đầu tiên tác nghiệp đưa tin phiên tòa, tôi không khỏi bỡ ngỡ về các thủ tục, diễn biến các phiên xét xử. Với sự giúp đỡ, phối hợp của đồng nghiệp, tôi đã tự tin thực hiện các góc quay thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật, tính thời sự của phiên tòa. Đặc biệt, trong các phiên xét hỏi giữa Hội đồng xét xử và bị cáo, giữa luật sư và bị cáo; phiên đối chất giữa các bị cáo, tôi cố gắng có được những hình ảnh chân thực, lột tả được tâm trạng của các bị cáo.

Lái xe Nguyễn Văn Trọng: 
Nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng, tôi xác định ngay từ đầu đây là nhiệm vụ quan trọng. Tôi luôn tâm niệm mình phải luôn tập trung, nghiêm túc, đảm bảo về giờ giấc mọi lúc, mọi nơi theo yêu cầu của nhóm phóng viên. Bên cạnh đó, tôi cũng ý thức để giữ gìn, bảo quản thiết bị truyền phát sóng lắp đặt trên xe để các phóng viên tác nghiệp thuận lợi nhất.
 

Kim Cúc
Theo Nội san thông tấn số 4/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hội tụ truyền thông tại TTXVN (02/04/2018 16:56:34)

Hành trình trở thành Báo điện tử đối ngoại quốc gia (02/04/2018 15:57:41)

"Đơn thương độc mã” ở sự kiện đa phương (02/04/2018 15:32:41)

Báo chí trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (22/02/2018 16:31:47)

Sự đổi thay phải bắt đầu ngay! (21/02/2018 10:44:28)

Nhà báo Trần Ngọc Thiện, Trưởng CQTT tại Cần Thơ: Chuyện nghề ở cơ quan thường trú trọng điểm (13/02/2018 16:04:20)

Nhà báo Nguyễn Khánh Linh, Trưởng CQTT tại Sydney: Sẵn sàng cho 2018! (13/02/2018 15:59:10)

Báo chí với công nghệ thực tại ảo (15/01/2018 10:54:05)

Biết sớm, phát sớm, không để sót lọt thông tin  (03/01/2018 16:04:53)

Liên hoan ảnh khu vực phía Nam lần thứ III (01/11/2017 15:01:34)