Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Tin tức trong ngành

Ghi chép từ Syria


(31/12/2020 16:40:56)

Trong đại dịch COVID-19 mà lại đi công tác Syria là một điều bất ngờ. Tuy nhiên, khi nhận được điện thoại của đại diện Bộ quốc phòng Nga đề xuất tham gia đưa tin hội nghị quốc tế đầu tiên về hồi hương người tị nạn Syria, tôi đã không do dự mà nhận lời ngay. Vì đây là vấn đề rất hệ trọng và có tính nhân văn cao ở một đất nước mà cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 10. Chúng tôi lập tức báo cáo và làm công văn xin ý kiến Ban quản lý và chỉ đạo các Cơ quan thường trú (CQTT) ngoài nước cũng như lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Nhóm phóng viên CQTT tại Moskva dẫn hiện trường tại trại tỵ nạn Hirjila, ngày 12/11

1. Tuy nhiên, sau sự đồng ý là ít nhiều ái ngại. Một phần vì Syria không phải “đất ruột” của chúng tôi. Chúng tôi không biết tiếng Arab, chỉ có thể trông đợi vào tiếng Nga và từ các đồng nghiệp Nga. Ngoài ra, đúng như suy nghĩ từ đầu và sau này là chỉ đạo từ Tổng xã, chúng tôi cần lưu ý đưa thông tin một cách công bằng, khách quan, không thiên vị hay phải chịu áp lực từ phía Nga. Tuy trong lòng cũng có chút háo hức vì được khám phá một vùng đất mà mình chưa từng đặt chân tới, nhưng kèm theo đó là chút lo âu, vì chắc chắn chúng tôi sẽ bay trên những “con chim sắt” cổ lỗ thời Liên Xô, hay tình hình không an toàn ở Syria… Nói chung là cảm xúc rất lẫn lộn, nhưng đã quyết thì phải làm thôi!

Và ngày lên đường cũng đã đến. Đúng như dự tính, chúng tôi được phía Nga thông báo thời điểm khởi hành chỉ trước một ngày. Đúng 14 giờ ngày 10/11, chúng tôi tập trung tại điểm hẹn và bắt đầu chuyến đi gần 10 tiếng, dù là bay thẳng từ Moskva đến Damascus. Từ trên chiếc Tu-154 cũ kỹ chở các phóng viên Nga và quốc tế nhìn xuống, Damascus không rực sáng như thủ đô Moskva, song ấm hơn nhiều so với thời tiết giá lạnh ở Nga. Điểm đầu tiên chúng tôi lưu ý ngay từ sân bay là vấn đề an ninh, dù khi đó đã nửa đêm. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, xe chở nhóm phóng viên được lực lượng an ninh Syria hộ tống chu đáo, đưa thẳng về khu tổ hợp khách sạn gần sân bay, nơi sẽ diễn ra hội nghị vào hôm sau.

Ngày đầu tiên của hội nghị, điểm yếu của chúng tôi đã phát lộ. Trong khi hầu như các đại biểu tham dự hội nghị đều xuất thân từ khu vực Trung Đông, nói tiếng Arab thì cả hai phóng viên CQTT Moskva đều chỉ sử dụng tiếng Nga và tiếng Anh, nên khả năng tác nghiệp ít nhiều bị hạn chế. Phóng viên Trần Hiếu lo chụp ảnh và hỗ trợ quay khi tôi dẫn hiện trường. Còn tôi chịu trách nhiệm nội dung và quay hình. Ở phần triển khai tin khai mạc hội nghị và những tin chính, nhờ có phiên dịch dịch sang tiếng Anh và tiếng Nga nên chúng tôi đã hoàn thành tin viết gửi về trong ngày.

Tuy nhiên, khi nhìn sang các đồng nghiệp, đặc biệt là các đồng nghiệp Syria, thấy họ phỏng vấn hết đại biểu này đến đại biểu khác bằng thổ ngữ, chúng tôi không khỏi có chút buồn. Các đại biểu Nga thì bị cánh phóng viên Nga “bắt hết” nên chúng tôi không phỏng vấn được ai, chỉ có thể dẫn hiện trường để kịp gửi hình về trong ngày cho “nóng hổi”. Damascus chậm hơn Hà Nội tới 5 tiếng, vì vậy, từ lúc 13 giờ, khi hội nghị chưa đi hết một nửa chương trình nghị sự trong ngày, chúng tôi đã phải gói ghém, hoàn tất để gửi tin và hình về cho kịp giờ phát bản tin tối ở Việt Nam. Và ngay trong ngày đầu tiên, chúng tôi chẳng phỏng vấn được đại biểu nào.

2. Rốt cuộc, tôi cũng kịp trò chuyện với một đại biểu người Syria. Ông là một quan chức, cựu sinh viên Liên Xô từng học tập ở Tashkenst, thủ đô của Uzbekistan. Thật tình cờ, đến giờ ăn trưa, khi đang loay hoay tìm chỗ để ăn thì chúng tôi “lạc” vào điểm ăn trưa buffet dành cho các đại biểu tham dự. Hai anh em nhanh chóng lấy đĩa, lấy đồ ăn rồi tìm bàn để ngồi. Thật may, vị đại biểu người Syria kia cùng đồng nghiệp cũng đang tìm bàn trống. Qua trao đổi tiếng Anh với nhau, chúng tôi quyết định ngồi chung một bàn. Sau một vài lời xã giao hỏi thăm, biết ông từng học ở Liên Xô, chúng tôi chuyển ngay sang trao đổi bằng tiếng Nga.
Trong câu chuyện, ông hỏi tình hình kinh tế-xã hội ở Việt Nam thế nào, có phát triển tốt không. Tôi trả lời hiện kinh tế-xã hội Việt Nam đang phát triển tốt, thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 3.000 USD/năm. Ông tính rất nhanh và đưa ra con số thu nhập đầu người Việt Nam mỗi tháng vào khoảng hơn 200 USD. Tỏ ra luyến tiếc, ông cho biết, trước chiến tranh, thu nhập bình quân của người dân Syria là khoảng 500-600 USD/tháng. Điều này cho thấy, Syria trước chiến tranh là một quốc gia khá giả.

Câu chuyện của chúng tôi chuyển sang gần gũi và thân mật hơn. Biết Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, vị quan chức này thành thực hỏi, có nên phát triển kinh tế theo hướng thị trường hay không. Tôi quả quyết rằng rất nên vì cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo ra nhiều của cải cho xã hội. Chúng tôi trao đổi không nhiều song rất chân thật. Vị quan chức Syria kể: “Chúng tôi đã chiến thắng lực lượng khủng bố. Hiện vấn đề khó khăn nhất của chúng tôi là kinh tế. Nền tảng sản xuất bị hủy hoại, lại phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây nên rất khó khăn”. Cuộc trò chuyện rất bổ ích và cũng nhờ vậy, trong bữa ăn, tôi còn được giới thiệu và gợi ý thử vài món rau nghiền của người Syria, quả là thú vị.
 
Trưởng CQTT tại Moskva Bùi Duy Trinh (bên trái) cùng người tỵ nạn Syria tại trại tỵ nạn Hirjila, ngoại ô thủ đô Damascus, ngày 12/11

3. Sau cuộc trao đổi với vị quan chức Syria, tôi cảm thấy tự tin hơn, đặc biệt là chuẩn bị cho chuyến thăm trại tỵ nạn Hirjila ở ngoại ô Damascus vào ngày hôm sau. Trong số khoảng 800 người tỵ nạn ở đây, phần lớn đến từ tỉnh miền Bắc Idlip, nơi lực lượng chính phủ và các phe phái vẫn đang đối đầu căng thẳng. Sử dụng vốn tiếng Anh của mình, tôi đã kịp nhờ hai đồng nghiệp người Syria dịch giúp để phỏng vấn người dân sống trong trại tỵ nạn. Thú vị nhất là câu chuyện với một đồng nghiệp Syria đang làm cho một công ty truyền thông Nhật Bản. Anh cho biết, cuộc sống ở trại tỵ nạn Hirjila này tốt hơn “rất rất nhiều” so với nhiều trại tỵ nạn khác. Người dân không phải sống trong lều tạm mà có nhà ở đàng hoàng, được ăn uống và chăm sóc y tế đầy đủ. Đặc biệt, qua trao đổi với họ, chúng tôi hiểu rõ hơn về thế giới quan, quan điểm của các phóng viên về cuộc chiến tranh này, những hy vọng về hòa bình và cả sự nuối tiếc giá như chiến tranh không xảy ra thì cuộc sống của người dân nơi đây sẽ không khốn khó đến vậy. Nhờ họ, chúng tôi đã hoàn thành việc tác nghiệp tại trại tỵ nạn, có sản phẩm ưng ý gửi về Tổng xã.

Chia tay Syria, vùng đất kỳ diệu của câu chuyện cổ tích Alladin và cây đèn thần, tôi thực sự cảm thấy bùi ngùi, vì đồng cảm với người dân Syria, những con người giờ đây vẫn phải tha phương ngay trên chính mảnh đất quê hương mình./.

Duy Trinh - Trưởng CQTT tại Moskva, Liên bang Nga
Nội san Thông tấn số 12/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hiểu kỹ để đưa đúng về đại hội đảng các cấp (31/12/2020 16:39:28)

Chuyên nghiệp trong từng sản phẩm (31/12/2020 16:37:41)

Kinh nghiệm đưa tin phá rừng (31/12/2020 16:36:22)

Những kỷ vật vượt thời gian (31/12/2020 16:34:15)

Hội nghị Trưởng cơ quan thường trú trong nước: Đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp (31/12/2020 16:32:27)

Thông báo Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2020 (31/12/2020 16:30:08)

Tập huấn nghiệp vụ bảo vệ và lái xe an toàn (31/12/2020 16:06:22)

Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng (31/12/2020 16:05:24)

“Vượt bão” - Chương trình truyền hình đặc biệt mừng Tết dương lịch trên kênh VNews  (28/12/2020 16:41:39)

Giành nhiều giải thưởng báo chí về môi trường (28/12/2020 12:04:01)