Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Giải cứu chim di cư ở Cát Bà


(04/05/2021 15:19:20)

Tháng 10/2020, khi được mời tham gia chia sẻ kinh nghiệm viết bài điều tra tại một khóa tập huấn dành cho sinh viên báo chí, tổ chức ở huyện đảo Cát Bà, TP. Hải Phòng, tôi tình cờ phát hiện hiện tượng bẫy bắt, sát hại và buôn bán trái phép chim di cư đang diễn ra rất rầm rộ, “che mắt” được cả chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm ngay trên Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngay lập tức, tôi đã lên kế hoạch triển khai loạt bài “giải cứu”.

Phóng viên Võ Mạnh Hùng, báo điện tử VietnamPlus - TTXVN, nhập vai điều tra, tiếp cận một điểm buôn bán chim hoang dã trái phép, tháng 10/2020

1. Ngày đầu mới đặt chân lên đảo Cát Bà - nơi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2005 - tôi thực sự ấn tượng bởi những hòn đảo bạt ngàn sắc xanh của cây cối, mang vô vàn dáng vẻ kỳ thú, tạo nên một bức tranh non nước hữu tình hiếm có. Hôm ấy, bầu trời Cát Bà trong xanh vời vợi, những tia nắng vàng rọi xuống mặt nước biển lấp lánh, thân thiện đến lạ kỳ.
 
Dạo khắp đảo, ngắm vẻ đẹp của biển xanh, cát trắng, nắng vàng, tôi háo hức chờ đợi được hòa mình vào thiên nhiên, được ngắm đàn voọc “sách đỏ” quý nhất thế giới và nghe tiếng hót ríu rít chuyền cành của muôn vàn loài chim di cư trên tuyến Australia-Đông Á đang kéo đến Cát Bà tìm “bến đậu”. Mường tượng là vậy, nhưng từ sáng tới chiều, sự im lặng đến lạ thường cứ bao trùm khắp hòn đảo này.
 
Ban ngày, nơi đây tuyệt nhiên không có tiếng chim hót. Đi quanh đảo quan sát cũng chỉ thấy một vài chú diều hâu bay lượn trên bầu trời xa vời vợi. Sự im ắng ấy càng trở nên khó hiểu khi màn đêm buông xuống, trên khắp đảo Cát Bà, đâu đâu cũng vang tiếng chim hót không ngưng nghỉ. Thật lạ kỳ!
 
Điều gì đã khiến Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà - ngôi nhà của muôn loài chim di cư “ngày tĩnh lặng, đêm văng vẳng tiếng chim kêu trời” khó hiểu đến thế? Liệu có hay không những tác động tiêu cực đến tuyến đường bay di cư của chim? Những câu hỏi ấy cứ thôi thúc tôi đi tìm sự thật đằng sau “tấm thảm xanh” khổng lồ này.
 
2. Ngày hôm sau, tranh thủ thời gian dẫn các bạn sinh viên đi thực tế trên đảo, tôi quyết định vào vai “đại gia” và tìm tới một số khu chợ. Để thuận tiện cho việc tiếp cận những đầu mối chuyên buôn bán các loài chim di cư có nguồn gốc từ tự nhiên, tôi ngỏ ý muốn mua chim tự nhiên đưa về Hà Nội, chuẩn bị cho bữa đại tiệc. Với kinh nghiệm gần 10 năm xâm nhập thực tế để điều tra, tôi đã phát hiện ra “thế giới ngầm” chuyên đi bẫy bắt, đưa chim di cư vào lò mổ và tuồn bán khắp nơi để phục vụ sở thích ăn các loài “chim to dần” của các “thượng đế”.
 
Sau khi bắt được đầu mối, tôi tiếp tục theo chân người dân thâm nhập vào “lãnh địa bẫy bắt chim trời” để ghi lại vấn nạn bẫy bắt chim trời đã và đang diễn ra rất rầm rộ. Hành trình của tôi bắt đầu từ 2 giờ 30 phút sáng. Địa điểm được lựa chọn là xã Xuân Đám - một trong những xã vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Bà, cũng là khu vực xuất hiện nhiều bẫy lưới bắt chim và tiếng loa nhái tiếng chim ầm ĩ nhất vùng. Trên đường đi, đâu đâu cũng nghe văng vẳng “bản đồng ca” của những loài chim kêu như xé toang màn đêm. Thoạt nghe, hẳn nhiều người sẽ nghĩ, đó là những âm thanh yên bình của sự sống, những tiếng “nhạc” của thiên nhiên… Nhưng tiếc thay, âm thanh đó phát ra từ hàng chục chiếc loa nhằm đánh lừa những chú chim sa vào bẫy, như chính cái cách mà thứ âm thanh ấy đã đánh lừa tôi khi mới đặt chân tới vùng đảo này.
 
Điều đáng nói, thực trạng trên không chỉ làm xấu hình ảnh Cát Bà, mà còn khiến nhiều loài chim di cư, nhất là các loài chim hoang dã quý hiếm, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, ảnh hưởng xấu đến tính đa dạng sinh học cũng như tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh từ động vật sang người.
 
Hình ảnh cắt từ clip “Thâm nhập ‘lò mổ’ chim hoang dã ở đảo Cát Bà”, báo điện tử VietnamPlus - TTXVN ngày 30/11/2020

3. Để ngăn chặn dứt điểm tình trạng trên, giữa tháng 11/2020, sau khi nắm bắt được thông tin, tôi quyết định xây dựng sáng kiến “tiếp cận nhanh - phản ứng kịp thời, quyết liệt”. Sở dĩ tôi đưa ra sáng kiến này bởi tình trạng bẫy bắt, giết hại, buôn bán chim di cư ở Cát Bà đã diễn ra như “cơm bữa” suốt 20 năm, “che mắt” được chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm địa bàn.
 
Theo đó, để hóa giải sự đối nghịch khó hiểu trên, trước khi đăng tải loạt bài, tôi đã trực tiếp liên hệ với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm để chia sẻ thông tin và đề nghị cử lực lượng vào cuộc, chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm sau khi thông tin được phản ánh.

https://www.vietnamplus.vn/tieng-keu-cuu-cua-chim-troi-cat-ba-noi-dau-ai-thau/679474.vnp
 
Nhờ đó, ngay sau khi loạt bài “Tiếng kêu cứu của chim trời Cát Bà: Nỗi đau ai thấu?” được đăng tải, lan tỏa trên khắp các diễn đàn và tạo hiệu ứng mạnh mẽ của dư luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tổng cục Môi trường thành lập đoàn kiểm tra do bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học làm trưởng đoàn, làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của TP. Hải Phòng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp ra văn bản gửi UBND TP. Hải Phòng, đề nghị tổ chức kiểm tra, xử lý vấn nạn.
 
Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP. Hải Phòng kiểm tra thông tin báo nêu; có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng săn bắt, vi phạm trong bảo vệ động vật hoang dã, nhất là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà.
 
Trên tinh thần đó, UBND TP. Hải Phòng đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan vào cuộc điều tra, xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bẫy bắt, giết hại, buôn bán chim di cư trên quần đảo Cát Bà. Nhờ đó, đến nay, tình trạng này đã được ngăn chặn hiệu quả. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác quản lý các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam” trình báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và hiện đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành.
 
Với nhiều thông tin mới, thể hiện sự dấn thân, tìm kiếm những vấn đề gai góc bấy lâu nay chưa được xử lý, cũng như có tác động tích cực, thúc đẩy sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành, địa phương, góp phần ngăn chặn vấn nạn bẫy bắt, buôn bán chim hoang dã di cư ở Cát Bà, loạt bài phóng sự “Tiếng kêu cứu của chim trời Cát Bà: Nỗi đau ai thấu?” đã được Hội đồng Giải báo chí TTXVN năm 2020 đánh giá cao.


 

Hùng Võ
Nội san Thông tấn số 4/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021): Nhớ về những khoảnh khắc lịch sử (04/05/2021 15:14:17)

5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị: Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng (04/05/2021 15:10:10)

Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021): Nhà báo Trần Thanh Xuân nghị lực và ý chí kiên cường (04/05/2021 14:56:30)

Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng quý II (04/05/2021 14:24:40)

Bản nghèo trên đỉnh núi (04/05/2021 14:22:18)

Giới thiệu kỹ năng chụp ảnh tại Bệnh viện Xanh Pôn (04/05/2021 14:21:22)

“Hãy tỉnh táo và luôn nghi ngờ” để loại trừ tin giả (04/05/2021 14:20:31)

Làm căn cước công dân gắn chip cho cán bộ, phóng viên (04/05/2021 11:27:56)

Tầm soát ung thư cho nữ công chức, viên chức (04/05/2021 11:26:57)

Tiếp đoàn công tác Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật  (27/04/2021 19:02:05)