Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Công tác nghiên cứu khoa học

Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin kinh tế của TTXVN phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước


(11/10/2016 09:49:30)

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học (NGKH) cấp ngành do ban biên tập tin Kinh tế thực hiện trong năm 2015. Được biết, có một số giải pháp đã và đạng được Ban triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong số này, Nội san Thông tấn xin trích giới thiệu một số nội dung chính trong đề tài để bạn đọc cùng tham khảo.

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học (NGKH)  cấp ngành do ban biên tập tin Kinh tế thực hiện trong năm 2015. Được biết, có một số giải pháp đã và đạng được Ban triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong số này, Nội san Thông tấn xin trích giới thiệu một số nội dung chính trong đề tài để bạn đọc cùng tham khảo.
Cũng giống như thông tin, thông tin kinh tế (TTKT) có vai trò rất quan trọng đối với một nền kinh tế cũng như các bộ phận cấu thành nên nền kinh tế (gồm doanh nghiệp với tư cách là người sản xuất; hộ gia đình với tư cách là người tiêu dùng cuối cùng; Chính phủ với tư cách là người tiêu dùng đại diện; và người nước ngoài với tư cách vừa là nhà sản xuất, vừa là người tiêu dùng cuối cùng). Thông qua việc nghiên cứu TTKT, chúng ta có thể đánh giá chính xác thực trạng, triển vọng phát triển, nguy cơ tiềm ẩn của mỗi nền kinh tế và các bộ phận cấu thành trong nền kinh tế đó.
Ở Việt Nam, tầm quan trọng của TTKT càng lớn hơn trong bối cảnh chúng ta đang “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” và “đẩy mạnh CNH-HĐH” với mục tiêu đưa nước ta “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó của TTKT, kể từ cuối những năm 1990, TTXVN đã bắt đầu xây dựng hệ thống thu thập và xử lý TTKT, trong đó đáng chú ý có việc thành lập Ban biên tập tin Kinh tế (BTTKT) vào giữa năm 1999. Những nỗ lực đó của TTXVN đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ. TTKT đã bước đầu đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Mặc dù vậy, tại thời điểm hiện nay, hệ thống thu thập và xử lý TTKT của TTXVN vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như thông tin vẫn còn chậm và còn trùng lặp giữa các đơn vị trong cơ quan, thiếu các bài phân tích chuyên sâu, thiếu các thông tin mang tính dự báo... Do đó, việc nâng cao chất lượng TTKT là một trong những vấn đề cấp bách đặt ra cho TTXVN.
 
Đổi mới nội dung thông tin
Xã hội ngày càng phát triển, trình độ nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, đòi hỏi chất lượng nội dung thông tin ngày càng cao. Chính vì vậy, ngoài việc truyền tải thông tin theo đúng mục đích, các đơn vị làm công tác TTKT ở TTXVN cần không ngừng đổi mới nội dung thông tin cũng như hình thức thể hiện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Việc đổi mới cần tiến hành theo hướng đa dạng hóa nội dung và cung cấp các thông tin thiết thực hơn, chuyên sâu hơn cho khách hàng là yêu cầu bức thiết.
Thứ nhất, việc đổi mới TTKT tại Ban BTTKT - đơn vị cung cấp tin nguồn - cần thay đổi theo hướng thay vì cung cấp TTKT tổng hợp cho tất cả các khách hàng thì cần phân loại các khách hàng để cung cấp thông tin cho phù hợp. Cụ thể, cần phân chia khách hàng thành những nhóm sau:
- Nhóm các cơ quan báo chí
- Nhóm doanh nghiệp
- Nhóm cơ quan Nhà nước
- Nhóm chuyên gia, cơ quan nghiên cứu và các đối tượng khác có nhu cầu TTKT
Riêng đối với nhóm doanh nghiệp, cần tiếp tục phân loại theo các ngành, nghề mà các doanh nghiệp này hoạt động để cung cấp các gói tin dịch vụ riêng, phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp.
Thứ hai, tính thời sự là nguyên tắc quan trọng của thông tin. Vì vậy, để đối phó với sự cạnh tranh gay gắt từ các cơ quan báo chí khác ở trong và ngoài nước, Ban BTTKT cần phải phản ánh một cách nhanh chóng và kịp thời hơn những sự kiện kinh tế đã và đang xảy ra, đồng thời dự báo được xu hướng biến động của sự việc. Để đạt mục tiêu đó, các phóng viên (PV) cần phải thay đổi phương thức tác nghiệp và đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin.
Thứ ba, Ban BTTKT cần có nhiều bài phân tích, bình luận hoặc dự báo chuyên sâu về các vấn đề kinh tế nổi bật đang diễn ra ở trong và ngoài nước bởi hầu hết các khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức nghiên cứu đều có nhu cầu đối với các tin, bài này. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nội dung liên quan đến sự thay đổi các chính sách kinh tế, qua đó đánh giá được vấn đề kinh tế một cách đa chiều và khoa học. Cần đổi mới nội dung của các bài phân tích hay bình luận theo hướng thể hiện rõ hơn quan điểm của cơ quan thông tấn quốc gia.
Thứ tư, kết quả điều tra dư luận mà Ban BTTKT đã tiến hành trong tháng 9/2014 cho thấy tất cả các khách hàng (từ doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức nghiên cứu hay các cơ quan báo chí) đều có nhu cầu thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô. Vì vậy, Ban phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng thông tin về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Ban BTTKT cũng cần chú trọng hơn các thông tin về thị trường - giá cả bởi vì, đây là những thông tin được các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước - các đối tượng khách hàng chủ yếu của Ban - quan tâm.
Thứ năm, với tư cách đơn vị thông tin nguồn của TTXVN, Ban BTTKT phải làm tốt vai trò định hướng thông tin trong lĩnh vực kinh tế; phải là kênh thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần hiệu quả trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, Ban cần đổi mới nội dung TTKT theo hướng gần hơn với cuộc sống, phản ánh sát thực con đường chính sách đi vào cuộc sống.
Thứ sáu, hạn chế thông tin theo dạng trích dẫn báo cáo. Các tin kinh tế hiện nay của Ban đưa ra khá nhiều con số theo kiểu liệt kê, trong khi phần phân tích lại ở mức khiêm tốn. Vì vậy, các PV cần thay đổi tư duy thông tin, tập trung chủ yếu vào một vài số liệu quan trọng và phân tích sâu hơn ý nghĩa của các con số đó.
Thứ bảy, nội dung TTKT cần được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ vào việc trình bày để diễn đạt nội dung thông tin một cách sinh động và dễ hiểu hơn. Cụ thể, cần tăng cường diễn đạt bằng đồ thị, bảng biểu hay đồ họa để nội dung TTKT được cuốn hút và bao quát. Ban BTTKT cần đa dạng các loại hình thông tin bằng trang thông tin điện tử, thông tin theo phương thức đa phương tiện…
Đối với các đơn vị khác có nhiệm vụ cung cấp TTKT, ngoài việc thực hiện các giải pháp như đối với Ban BTTKT, việc đổi mới nội dung thông tin cần thực hiện theo các định hướng sau:
- Đối với khối các đơn vị cung cấp thông tin đối nội, cần tăng số lượng và thời lượng TTKT. Việc tổ chức phân trang mục theo hướng cần có những trang mục chuyên sâu và có những thông tin phản ánh nhanh.
- Đối với các đơn vị cung cấp thông tin đối ngoại, cần tăng số lượng và thời lượng TTKT; tăng tính thời sự của thông tin; giảm bớt thông tin mang tính báo cáo, tăng thông tin về thực tế đời sống kinh tế của Việt Nam.
 
Thay đổi phương thức tác nghiệp của phóng viên
Trong thời đại bùng nổ thông tin và cách mạng khoa học - kỹ thuật đang phát triển như vũ bão, các PV kinh tế ở TTXVN phải thay đổi phương thức tác nghiệp để có thể tiếp cận nguồn tin một cách hiệu quả và đưa tin một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời hơn. Để thay đổi phương thức tác nghiệp, các phóng viên kinh tế TTXVN cần phải:
Thứ nhất, cần thoát khỏi tư duy kiểu công chức. Các phóng viên kinh tế cần phải chủ động tiếp cận các nguồn tin, nắm bắt trước sự kiện, theo đuổi sự kiện; lăn lộn với cuộc sống để tìm tòi, phát hiện vấn đề.
Thứ hai, cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về kinh tế.
Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, không phải tất cả PV, BTV đều được đào tạo theo chuyên ngành theo dõi, nhưng vì say mê nghề báo cộng với năng khiếu có sẵn và ý thức tự học nên vẫn có thể trở thành PV kinh tế giỏi. Viết về kinh tế không được hời hợt mà phải rõ ràng, dễ hiểu. Để làm được điều này, PV phải tự trau dồi kiến thức để có tư duy sâu sắc về các vấn đề kinh tế - xã hội. Khi được phân công chuyên sâu về lĩnh vực nào, các PV cần phải tự học hỏi để có thể trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực đó.
Thứ ba, cần chủ động tìm tòi để ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào công tác PV.
Thứ tư, cần rèn luyện kỹ năng thu thập thông tin, tiếp cận nguồn tin.
 
Mở rộng nguồn thông tin
a, Các đơn vị làm công tác TTKT ở TTXVN cần xây dựng kế hoạch tạo lập và mở rộng đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài nước, nhất là các chuyên gia và học giả kinh tế, để thu thập thông tin hoặc nâng cao chất lượng của các bài phân tích/dự báo.
b, TTXVN cần tăng cường và mở rộng hoạt động trao đổi thông tin với các hãng thông tấn uy tín của nước ngoài, tăng khối lượng trao đổi và mua bán thông tin.
c, Để có nhiều tin, bài phân tích sâu hơn về tình hình kinh tế thế giới, TTXVN cần nghiên cứu phương án mua tin từ một số hãng chuyên cung cấp tin tức về kinh tế - tài chính như Bloomberg, Dow Jones và Nikkei.
 
Phát triển các sản phẩm thông tin phù hợp với yêu cầu bạn đọc và các xu thế báo chí hiện đại
Để mở rộng “diện phủ sóng” trong lĩnh vực TTKT, TTXVN cần phát triển các sản phẩm thông tin mới, phù hợp với nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng của độc giả, sản xuất các gói sản phẩm thông tin theo yêu cầu của từng đối tượng khách hàng. Các biện pháp cụ thể gồm:
- Tăng cường nội dung chuyên sâu cho các bản tin phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu.
- Mỗi đơn vị biên tập có kế hoạch lập bản ‘‘tóm tắt tin phổ biến’’ để hình thành sản phẩm cung cấp cho các thiết bị di động dưới dạng application cài vào các máy di động cũng như qua các kênh Internet radio, Internet TV, dịch vụ audio/video theo yêu cầu, dịch vụ cung cấp thông tin theo thuê bao, dịch vụ tra cứu...
- Đẩy mạnh thông tin đặt hàng theo yêu cầu của từng cơ quan thông tin đại chúng; hình thành quy trình phối hợp giữa các ban biên tập, tư liệu, kỹ thuật để tạo ra các gói sản phẩm thông tin đáp ứng yêu cầu của các khách hàng cụ thể, đặc biệt là về TTKT và thông tin ảnh theo sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại.
- Nhằm tăng tính hấp dẫn của thông tin để thu hút người đọc, các đơn vị TTKT ở TTXVN cần nghiên cứu xây dựng mô hình cung cấp TTKT đa phương tiện, trên tất cả các loại hình từ tin bán qua mạng cho khách hàng, ấn phẩm in phổ biến và không phổ biến, truyền hình…
- Xem xét lại cơ cấu các loại hình sản phẩm thông tin (các bản tin in, các báo, tạp chí, các sản phẩm thông tin đa phương tiện) để có định hướng đúng cho việc phát triển từng loại sản phẩm, đặc biệt chú ý đến xu thế phát triển chung của truyền thông báo chí hiện đại để có chiến lược đầu tư phát triển những sản phẩm thông tin mũi nhọn trong thời kỳ mới

Theo Nội san Thông tấn, số 8/2016