Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Hành trình vào vùng chiến sự


(01/04/2014 10:47:29)

Tôi xin mạn phép nói Bangkok là "vùng chiến sự" bởi những ngày đầu năm 2014 vừa qua, mọi chuyện ở Bangkok diễn ra khác hẳn với Vientiane (Lào)- nơi tôi thường trú- luôn luôn êm đềm và thanh bình. Tôi sinh ra và lớn lên sau khi chiến tranh đã kết thúc, chưa khi nào biết đến súng đạn. Thế mà lần này, tôi đã trải qua tất cả...

 

Trưởng CQTT tại Bangkok Phạm Hà Linh cùng quay phim Quyết Chiến đưa tin biểu tình trên đường phố Bangkok (Thái Lan)

Chuyến đi đầy những bất ngờ

Ngày 12/1, tôi đặt chân tới Bangkok, thực hiện chỉ đạo của Ban lãnh đạo cơ quan "tăng cường thông tin về tình hình Thái Lan". Người đón tôi là anh Phạm Hà Linh, Trưởng Cơ quan thường trú (CQTT) TTXVN tại Bangkok. Anh em tôi đã biết nhau từ trước nên hòa nhập rất nhanh. Khi ở Lào, nghe thông tin về biểu tình chống chính phủ Thái Lan, tôi cứ nghĩ mọi việc phải diễn ra khẩn trương và chúng tôi có thể sẽ tác nghiệp ngay, làm luôn một vài tin gửi về nhà, bởi thế các thiết bị, máy móc cần thiết đã được tôi chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng suốt dọc đường từ sân bay về trụ sở CQTT mấy chục cây số, tôi ngạc nhiên khi chẳng thấy có dấu hiệu gì của sự hỗn loạn do biểu tình gây ra. Cảm nhận đầu tiên của tôi về Bangkok là một trung tâm du lịch và mua sắm rộng lớn.

Nhưng khi bước vào trụ sở CQTT Bangkok, tôi lại bị bất ngờ khi thấy áo chống đạn, mặt nạ phòng độc, kính và mũ bảo hiểm của lính đặc nhiệm, những trang bị mà chúng tôi sẽ phải sử dụng để phòng thân trong khi tác nghiệp. Tôi bắt đầu nhận ra rằng, mình sắp phải đối diện với những nguy cơ nên tự nhủ, phải chuẩn bị kỹ các kịch bản cho những ngày tới. Bất ổn chính trị tại Thái Lan và quyết tâm lật đổ chính quyền của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban khiến cho giới truyền thông thế giới đổ dồn về "chảo lửa Bangkok" và chúng tôi là một phần trong đó.

Chuyến biệt phái này đã để lại cho tôi hai điều khó quên. Thứ nhất là cảm xúc mạnh trong những lần tác nghiệp trong lòng khu vực biểu tình (với khung cảnh đầy bạo lực, có những khi đạn nổ). Tôi từng rất lúng túng vì chưa hề có kinh nghiệm ghi hình tại nơi xung đột. Sau này khi thấy tin về số lượng thương vong, trong đó có cả phóng viên, tôi mới thấy run.

Điều thứ hai là khi đang say việc, sự kiện còn nhiều bộn bề, kế hoạch thông tin về cuộc tổng tuyển cử còn chưa hoàn thành thì tôi lại được lệnh trở về CQTT tại Vientiane, bởi những quy định về chế độ và chính sách không cho phép tôi đi dài ngày hơn nữa.

Tác nghiệp lần đầu trên "chiến trường"

Ngày đầu tiên vào việc, tôi được anh Linh đưa đến 4 trong số 7 điểm người biểu tình cắm trại. Hầu hết các tuyến giao thông tại thủ đô đều bị tê liệt, đúng như những gì người biểu tình tuyên bố khi họ thực hiện chiến dịch "Đóng cửa Bangkok". Họ đã dùng lốp ôtô, bao cát, sào tre và vải lưới quân sự để dựng thành những chiến lũy ngay trên đường phố. Trên các tuyến phố lớn trước trung tâm thương mại, những người tham gia biểu tình còn dựng cả sân khấu và mái che lớn bằng vải bạt.

Phương tiện để chúng tôi đi lại những ngày này là tàu điện, xe ôm, hoặc... đôi chân. Bất cứ ai từng qua Bangkok đều cảm thấy mệt mỏi về tình trạng giao thông ở đây. Trong những ngày người biểu tình phong tỏa đường phố, tình trạng giao thông còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần. Nếu không có chuyến đi này, không có trải nghiệm thực tế, có lẽ tôi sẽ khó hình dung được những vất vả trong việc đi lại của phóng viên ở Bangkok.

Phóng viên Hà Linh gửi tin từ hiện trường

Việc truyền tin từ hiện trường về Tổng xã cũng gặp muôn vàn khó khăn, nhiều khi lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười", vì phương tiện duy nhất của chúng tôi là chiếc USB 3G nhưng tại khu vực biểu tình, người ta thường phá sóng (để tránh nổ bom), nên chúng tôi phải đi rất xa mới truyền được về nhà. Có hôm máy tính báo gửi xong, hoàn thành 100%, nhưng ở nhà không kiểm tra kỹ, cứ khẳng định hình chưa về đủ. Lúc đó chúng tôi đang ở khu biểu tình, lại phải chạy ra ngoài và kiểm tra lại, mất cả tiếng đồng hồ, để rồi lại nhận được thông báo "nhận đủ rồi"...           

Phối hợp thế nào cho hiệu quả?

Cơ quan rất khuyến khích các phóng viên tới tận nơi xảy ra sự việc để có được những thông tin "made in TTXVN". Nhưng qua thực tế công tác, tôi thấy, để sự hiện diện của phóng viên tại địa bàn đạt hiệu quả tốt cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ phận liên quan ở nhà.

Chúng tôi thường bị phàn nàn là hình phát về muộn hơn các hãng phương Tây. Nhưng tại hiện trường, mỗi hãng tin phương Tây có ít nhất năm người (thậm chí có hãng điều động cả chục nhân lực) từ chụp ảnh, quay phim, viết tin, dựng hình, lấy cơ sở dữ liệu, biên tập toàn bộ và truyền phát; chưa kể có lúc họ còn sử dụng cả thiết bị để làm và phát sóng trực tiếp. Còn ta thì... chỉ có hai phóng viên làm "từ A đến Z".

Thủ lĩnh biểu tình ăn cơm giữa đường phố - một bức ảnh hay của PV Quyết Chiến

Trên thực tế, chúng tôi thường phát tin về Tổng xã vào lúc 16 hoặc 17 giờ. Nếu ở nhà không kịp dùng cho bản tin 18 giờ thì vẫn có thể lấy hình của CQTT vừa gửi về để dùng cho những bản tin đầu giờ tiếp theo. Tuy nhiên, khi thấy các bản tin này vẫn dùng hình ảnh cũ, không hề có sự thay đổi hay điều chỉnh, chúng tôi cảm thấy bị ức chế.

Sau khi anh Linh trao đổi với những biên tập viên ở nhà, tình trạng này đã được cải thiện. Trong giai đoạn trước và trong cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2, tin hình của chúng tôi đã được lên sóng nhiều hơn. Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn và hiểu hơn về sự phối hợp giữa phóng viên hiện trường và biên tập viên. Trên cơ sở trải nghiệm thực tế, tôi thấy rằng để công việc của phóng viên ở tuyến đầu được thuận lợi, các biên tập viên cần chủ động đề xuất, định hướng cho phóng viên tác nghiệp. Tránh việc mỗi bên làm theo một hướng khiến cho sự có mặt của phóng viên kém hiệu quả, chưa đáp ứng trúng những yêu cầu và chỉ đạo của cơ quan.

Tuy vất vả, tuy có những trục trặc, nhưng chúng tôi rất vui vì ngay sau chuyến công tác, lãnh đạo cơ quan đã động viên kịp thời, khen thưởng tinh thần làm việc của hai anh em. Điều đó giúp chúng tôi có thêm động lực làm việc và cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ mới.

Quyết Chiến
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những trải nghiệm khi tác nghiệp tại Đông & Tây  (09/10/2013 10:22:21)

Phân xã TP. Hồ Chí Minh - xây dựng đội ngũ tinh gọn, chất lượng (09/10/2013 10:12:01)

Diễn đàn thu hút những ý kiến trí tuệ và nhiệt tâm (28/06/2012 10:53:01)

Cốt lõi vẫn là yếu tố con người (29/05/2012 14:01:30)

Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng phóng viên trong nước (29/05/2012 10:56:34)

Hội nghị các Trưởng phân xã phía Bắc: Thời gian ngắn, chất lượng cao (02/05/2012 17:12:40)

Nâng cao chất lượng thông tin ảnh tai các phân xã (27/03/2012 16:01:11)

Hai ýº¿u tố nâng cao vị thế phân xã (27/03/2012 15:51:08)

Phân xã trong nước với tầm nhìn năm 2020 (28/02/2012 15:20:23)

Cần một "bản quy hoạch tổng thể" cho hệ thống Phân xã  (28/02/2012 15:09:41)