Thứ năm, ngày 09/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Khai thác thông tin quốc tế phục vụ nhu cầu trong nước


(06/02/2024 11:42:55)

Với những bước tiến hiện đại của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), các hãng thông tấn tiếp tục phát triển mạnh mẽ các loại hình thông tin mới, cung cấp thông tin đa dạng trên các nền tảng trực tuyến, đa phương tiện. Việc cung cấp thông tin nguồn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết do nhu cầu ngày càng tăng của các cơ quan truyền thông cần có lượng lớn thông tin chuẩn xác, nhanh nhạy, đa dạng, đa loại hình phục vụ các bản tin thời sự cập nhật 24/7, trong bối cảnh thông tin giả, thông tin sai lệch ngày càng tinh vi. Để đáp ứng nhu cầu đó và tạo lợi thế cạnh tranh, các hãng thông tấn trên thế giới đều có chiến lược về thu thập và khai thác thông tin, đặc biệt là thông tin về tình hình quốc tế theo hướng đa dạng, kịp thời hơn.

Nhóm phóng viên CQTT Berlin (Đức) phỏng vấn Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức Jochen Flasbarth về chuyển dịch năng lượng, tháng 3/2023

Thông tin quốc tế là một trong ba trụ cột của TTXVN
 
Với vai trò hãng thông tấn quốc gia của Việt Nam, ngay từ khi thành lập, thông tin quốc tế đã được xác định là một trong ba trụ cột của  Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) gồm: thông tin trong nước, thông tin quốc tế và thông tin đối ngoại. TTXVN chú trọng đa dạng hóa nguồn thông tin quốc tế để đảm bảo thông tin cân bằng, đa chiều, khách quan, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cung cấp những kinh nghiệm tham chiếu cho các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam.
 
Theo số liệu thống kê từ tháng 1/2023 đến hết tháng 11/2023, tổng số thông tin quốc tế phát trên cổng thông tin của TTXVN là 69.198 tin, bài, chiếm 38% trong tổng số 184.113 thông tin nguồn của toàn ngành. Thông tin quốc tế của TTXVN bao trùm trên nhiều lĩnh vực, được thực hiện bằng các loại hình. Số cơ quan báo chí thường xuyên sử dụng dịch vụ tin văn bản quốc tế của TTXVN là 66; hầu hết các đài phát thanh - truyền hình địa phương đều khai thác, sử dụng tin truyền hình thời sự quốc tế do TTXVN cung cấp.
 
Năm 2023 có gần 50 trang, cổng thông tin điện tử trong nước xin phép sử dụng, trích dẫn thông tin của TTXVN, trong đó có thông tin quốc tế. Điều đó cho thấy, thông tin quốc tế của TTXVN đã và đang đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của các đối tượng công chúng và các cơ quan báo chí; góp phần định hướng dư luận trước những vấn đề thời sự diễn ra trong khu vực và trên thế giới.
 
TTXVN hiện khai thác thông tin quốc tế từ ba nguồn chính:
 
Mạng lưới phóng viên thường trú ngoài nước: để có nguồn thông tin quốc tế nhanh nhạy, chuẩn xác, có bản quyền, TTXVN đã sớm mở Cơ quan thường trú (CQTT) tại các địa bàn. Năm 1946, chỉ một năm sau khi thành lập nước và cũng chỉ một năm sau khi TTXVN ra đời, TTXVN đã mở CQTT đầu tiên ở nước ngoài tại Bangkok (Thái Lan). Tiếp đó, lần lượt là các CQTT tại Yangoon (Myanmar), Paris (Pháp) và London (Anh) ra đời trong những năm 1950, 1960… Đến nay, mạng lưới CQTT của TTXVN ở nước ngoài là 30 CQTT đặt tại 28 quốc gia với đội ngũ gần 80 phóng viên.
 
Các phóng viên thường trú ngoài nước của TTXVN đảm bảo thông tin nhanh chóng, chuẩn xác về các sự kiện, vấn đề quan trọng diễn ra tại địa bàn, thực hiện thông tin bằng các loại hình về tất cả các lĩnh vực; thông tin đầy đủ về tình hình nước sở tại và khu vực, quan điểm của nước sở tại đối với các vấn đề khu vực và thế giới…
 
Lực lượng phóng viên thường trú tại địa bàn luôn sẵn sàng có mặt tại những điểm nóng trên thế giới. Trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/2023, các phóng viên của TTXVN đã nhanh chóng di chuyển từ địa bàn Italy lân cận để có mặt đưa tin về hậu quả nghiêm trọng và công tác khắc phục sau động đất cũng như hoạt động cứu hộ, cứu nạn của các đoàn Việt Nam. Hiện nay, tại địa bàn chiến sự Dải Gaza, các phóng viên thường trú của TTXVN tại Israel cũng cập nhật thông tin bằng các loại hình về diễn biến xung đột. Đây vừa là cuộc xung đột vũ trang vừa là cuộc chiến thông tin cam go giữa hai bên. Các phóng viên của TTXVN tại địa bàn đã thông tin khách quan, chuẩn xác để thấy được sự tàn khốc của chiến tranh, sự cần thiết phải ngừng bắn và có các hoạt động nhân đạo để giảm thương vong cho dân thường.
 
Bên cạnh thông tin thời sự quốc tế, các phóng viên thường trú ngoài nước của TTXVN thực hiện bình luận, nhận định, phân tích, thể hiện quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như đưa ra đánh giá, tác động của những vấn đề, sự kiện quốc tế, khu vực tới tình hình trong nước. Cùng với đó, những năm gần đây, TTXVN đã tăng cường tuyến tin tham chiếu kinh nghiệm và bài học của các quốc gia đối với các vấn đề mới nổi ở Việt Nam. Ví dụ như thông tin về điều chỉnh chính sách của một số quốc gia để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, quản lý đất đai...
 
Các hoạt động liên quan đến Việt Nam ở nước ngoài; các đoàn công tác của Việt Nam; hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, trao đổi văn hóa; đời sống của bà con người Việt tại các nước; công tác bảo hộ công dân… cũng được các phóng viên thường trú ngoài nước bao quát toàn diện, thực hiện thông tin.
 
Các phóng viên thường trú đã thiết lập mối quan hệ cộng tác chặt chẽ với các chuyên gia, học giả, các nhà nghiên cứu uy tín nước ngoài để phản ánh ý kiến khách quan về Việt Nam, để bạn bè quốc tế hiểu thêm về Việt Nam, phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cũng như góp phần phổ biến rộng rãi đường lối, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
 
Trước những vấn đề nhạy cảm, phóng viên TTXVN chủ động triển khai thông tin đối ngoại tại địa bàn. Đơn cử như khi vụ tai nạn xảy ra tại Lâm Đồng làm bốn du khách Hàn Quốc thiệt mạng vào tháng 11/2023, phóng viên CQTT tại Seoul đã nhanh chóng cung cấp thông tin của TTXVN cho báo chí sở tại, tránh được sự hoang mang, lo sợ trong xã hội Hàn Quốc do một số mạng xã hội thổi phồng về sự không an toàn khi đi du lịch Việt Nam. Ngoài ra, phóng viên TTXVN tại các địa bàn luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao trong triển khai tuyến tin bảo hộ công dân. Đây cũng là chủ đề dễ bị các thế lực thù địch và thiếu thiện chí lợi dụng làm méo mó hình ảnh Việt Nam.
 
Khai thác nguồn tin dịch vụ mua của các hãng thông tấn: bên cạnh thông tin do các phóng viên thường trú sản xuất, để đáp ứng nhu cầu lớn về sự đa dạng thông tin trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ, thể thao… TTXVN khai thác có chọn lọc, có định hướng nguồn tin của các hãng thông tấn lớn như: AP, AFP, Reuters… và tổ chức biên dịch thông tin để thực hiện nhiệm vụ chính trị của hãng thông tấn quốc gia. Đây là những hãng thông tấn chuyên nghiệp, hiện đại, có nguồn tin đa dạng về nội dung, chất lượng về hình ảnh và thuận tiện để khai thác, đáp ứng hiệu quả nhu cầu thông tin của TTXVN.
 
Trưởng CQTT tại Hong Kong Mạc Thị Luyện phỏng vấn người dân địa phương tại chợ hoa quả, tháng 1/2024

Khai thác thông tin quốc tế do các hãng đối tác cung cấp: việc có nguồn tin chính thức, chính thống từ các cơ quan thông tấn của các nước là rất quan trọng để đảm bảo thông tin trung thực, chuẩn xác. Để đa dạng hóa nguồn tin có thẩm quyền, TTXVN rất coi trọng việc thiết lập quan hệ hợp tác với các hãng thông tấn nước ngoài. Năm 1958, TTXVN (khi đó là VNTTX) đã ký thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ đầu tiên với Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA). Ba năm sau, năm 1961, TTXVN ký thỏa thuận đa phương đầu tiên với Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương (OANA). Hiện nay, TTXVN có mối quan hệ hợp tác với hơn 40 hãng thông tấn và cơ quan báo chí quốc tế.
 
Trên cơ sở các thỏa thuận được ký kết, TTXVN tiến hành trao đổi thông tin với các hãng thông tấn đối tác bằng cách gửi thông tin trực tiếp qua đường truyền FPT hoặc cung cấp tài khoản để khai thác thông tin trên các trang web của nhau. Những năm gần đây, bên cạnh việc khai thác tin văn bản, ảnh, TTXVN tập trung khai thác video để phục vụ sản xuất các sản phẩm thông tin đa phương tiện.
 
Nhờ đó, TTXVN có được những thông tin đáng tin cậy, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí mua thông tin. Đây cũng là xu hướng mà các hãng thông tấn trên thế giới hướng tới, mong muốn mở rộng hợp tác quốc tế để không chỉ trao đổi thông tin mà còn hỗ trợ nhau trong tác nghiệp tại các sự kiện lớn, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi mô hình hoạt động… Những năm gần đây, nhiều hãng thông tấn đã chủ động kết nối với TTXVN để đề xuất ký thỏa thuận hợp tác.
 
Một số vấn đề đặt ra trong khai thác thông tin quốc tế
 
Vấn đề nhân lực: hiện nay, lực lượng phóng viên, biên tập viên của TTXVN khá đồng đều về năng lực chuyên môn để đảm đương công tác thường trú ngoài nước, cũng như khai thác thông tin từ các nguồn dịch vụ và nguồn tin do các hãng thông tấn đối tác cung cấp. Tuy nhiên, rất cần có đội ngũ trẻ kế cận. Thời gian qua, việc tuyển bổ sung lực lượng trẻ của TTXVN gặp khó khăn do buộc phải cắt giảm số lượng người làm việc và nguồn thu sụt giảm. Trong khi đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo cần có thời gian mới có được lực lượng có kỹ năng về nghiệp vụ báo chí và sự nhạy bén chính trị để xử lý những thông tin quốc tế nhạy cảm.
 
Vấn đề trí tuệ nhân tạo: việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp chúng ta có được những bản dịch sơ bộ một cách vô cùng nhanh chóng. Để biến những thông tin “không có tư tưởng” hoặc “tư tưởng vay mượn” trở thành một sản phẩm báo chí đòi hỏi sự hiểu biết và bản lĩnh chính trị của biên tập viên.
 
Trong quá trình sử dụng AI, chúng ta cần tránh hai xu hướng: một là lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo và hai là tẩy chay trí tuệ nhân tạo. Việc quá lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo sẽ làm năng lực tư duy của chúng ta bị bào mòn. Điều này, càng trở nên nguy hiểm khi có những tình huống bất thường xảy ra. Chúng ta mất đi phản xạ nghề nghiệp, trở thành một “quân cờ” trong cuộc chiến thông tin mà lẽ ra chúng ta phải là người chơi cờ. Chúng ta cũng không nên xa lánh AI bởi đây là một nguồn tri thức của nhân loại. Bên cạnh việc dạy cho AI trở nên thông minh hơn thì các nhà báo cũng cần phải học hỏi để làm phong phú thêm tri thức, làm tốt hơn sứ mệnh của những người làm báo cách mạng Việt Nam.
 
Nhóm phóng viên CQTT Cairo (Ai Cập) tại cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập, tháng 12/2023

 Hiện các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đang xây dựng chủ trương, chiến lược để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí ở nước ngoài. Đây là chủ trương rất đúng đắn để hiện thực hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trong đó có Kết luận 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Trong định hướng phát triển thời gian tới, TTXVN mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo để nâng cấp và mở rộng mạng lưới CQTT ngoài nước nhằm trực tiếp sản xuất thông tin quốc tế ở những địa bàn trọng điểm.
 
Triển khai chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TTXVN sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ số để phục vụ công tác thông tin, trong đó có việc thu thập và khai thác thông tin quốc tế. Vì vậy, thời gian tới, TTXVN mong muốn tiếp tục được đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số nói chung và nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin quốc tế nói riêng./.
 
(Trích tham luận của TTXVN tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, ngày 21/12/2023)

Vũ Việt Trang - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc TTXVN
Nội san Thông tấn Xuân 2024

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hội tụ công nghệ, mang đến những giá trị đột phá cho công chúng (19/01/2024 09:00:03)

Chuyển biến trong thực hiện thông tin liên vùng (23/09/2023 21:49:39)

Xây dựng “hệ sinh thái” kỹ thuật cho toàn ngành (03/12/2020 09:17:21)

Quan tâm đến đặc thù của các cơ quan thường trú (01/10/2019 14:44:22)

Tăng cường phối hợp giữa CQTT ngoài nước với Vnews (01/10/2019 10:23:53)

Một số vấn đề thường gặp trong sản phẩm truyền hình của các CQTT (01/10/2019 10:22:20)

Cuộc chiến với Facebook: Mặt trận thật trên mạng xã hội ảo (04/09/2019 10:40:36)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Đổi mới thông tin ảnh thời sự  (01/08/2019 16:37:59)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Thẳng thắn nhìn nhận để tạo đột phá (01/08/2019 16:36:33)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Khi phóng viên thường trú tham gia làm ảnh (01/08/2019 16:35:31)