Thứ sáu, ngày 10/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Khi phóng viên thường trú làm cầu nối cộng đồng


(01/07/2014 10:46:28)

Tác nghiệp hiệu quả trong vụ chìm phà Sewol, lại thực hiện khá tốt công tác xã hội, tận tình hỗ trợ thân nhân một "cô dâu Việt"- nạn nhân trong thảm họa lịch sử này - phóng viên Phạm Duy Tuyển của Cơ quan thường trú (CQTT) TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc, chia sẻ về những ngày tất tả thực hiện "nhiệm vụ kép" ở xứ "Kim chi".

Phóng viên Duy Tuyển tác nghiệp trong vụ chìm phà Sewol, tháng 4/2014

Chiều 18/4, đang hỗ trợ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam làm công tác cộng đồng và bảo hộ công dân ta tại thành phố Busan, phía Nam Hàn Quốc (theo đề nghị của đồng chí Đại sứ) tôi được Trưởng CQTT cử đi đưa tin về vụ chìm phà Sewol.

Quả thực khi đó tôi có chút lo lắng. Một phần vì anh em đêm hôm trước đã lái xe 500km từ Seoul xuống Busan để kịp hỗ trợ các thủ tục cho công dân ta về nước trong chuyến bay sớm nhất ngay sáng hôm sau, vậy mà Chindo, khu vực đất liền gần nhất với hiện trường vụ chìm phà, lại ở tận Tây Nam Hàn Quốc, cách Busan chừng 600km. Phần khác, tôi cũng băn khoăn vì phải "đơn thương độc mã" ở Chindo, trong khi yêu cầu của Tổng xã là phải thực hiện cả ba loại hình thông tin và có dẫn hiện trường để thể hiện sự hiện diện của phóng viên TTXVN.

Lo thì có lo, nhưng ý thức trách nhiệm vẫn là trên hết; sau khi cập nhật các thông tin mới nhất về vụ chìm phà, tôi và một tình nguyện viên người Việt tại Busan quyết định lái xe đến Chindo ngay trong buổi chiều 18/4 với mong muốn có được những hình ảnh sớm nhất từ "điểm nóng". Khoảng 8 giờ tối, chúng tôi đến Nhà thi đấu quận Chindo, nơi được trưng dụng làm chỗ tạm trú cho thân nhân các hành khách phà Sewol còn mất tích. Sự đau buồn hằn rõ trên gương mặt những người ở đây. Chindo khi ấy đang có dịch cúm gia cầm nhưng điều đó không ngăn được hàng nghìn thân nhân, tình nguyện viên và PV các báo đài Hàn Quốc và quốc tế đổ về để trực tiếp theo dõi công tác cứu hộ.

Khi chúng tôi xuống đến Chindo cũng là lúc truyền thông Hàn Quốc đưa tin, có một gia đình cô dâu người Việt là hành khách trong chuyến phà Sewol. Sau khi tranh thủ ghi các shot hình đầu tiên, hai anh em chúng tôi chia nhau công việc, người thì nhờ được một chiếc bàn ăn bên ngoài Nhà thi đấu, nơi có nguồn điện, để tranh thủ sạc điện thoại di động làm "đường truyền internet", người thì liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để tìm thông tin về gia đình cô dâu người Việt... Rất may, một nhân viên Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa quận Chindo đã xác thực thông tin trên và nhận trả lời phỏng vấn. Chiếc điện thoại của tôi cũng kịp hoàn thành "sứ mệnh" gửi vài trăm Mb hình ảnh "chưa kịp cắt gọt" về nhà lúc nửa đêm. Tin tức đầu tiên trực tiếp từ Chindo đã lên sóng Vnews trong hoàn cảnh như vậy. Còn những ngày tác nghiệp sau đó thì có rất nhiều tình huống mà tôi chỉ có thể nói rằng, "vất vả nhưng mang lại nhiều kinh nghiệm bổ ích" cho một PV còn ít kinh nghiệm như tôi.

Phóng viên Duy Tuyển xuất hiện trong phóng sự trên Đài truyền hình YTN Hàn Quốc, phản ánh về việc các cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin vụ chìm phà Sewol

Lần đầu đi thường trú nước ngoài, quả thực tôi đã không hình dung hết những tình huống "éo le" trong quá trình tác nghiệp tại Chindo. Trước hết, tôi gặp áp lực vì sự không mấy thân thiện từ phía gia đình các nạn nhân đối với cánh PV nói chung và PV nước ngoài nói riêng, do trước đó nhiều kênh truyền hình Hàn Quốc và quốc tế đã đưa những hình ảnh cận cảnh quá đau buồn, thậm chí còn thông tin sai lệch về số người được cứu sống...

Nỗi "éo le" thứ hai: Sang ngày 19/4, tôi nhận được thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc truyền đạt ý kiến của đồng chí Đại sứ đề nghị tôi hỗ trợ Sứ quán trong việc "tiếp đón, thăm hỏi và hỗ trợ mọi mặt" cho thân nhân chị Phan Ngọc Thanh (cô dâu người Việt trên chuyến phà xấu số này) từ Việt Nam sang, vì lúc đó tôi là "cán bộ Việt Nam" duy nhất có mặt tại hiện trường. Thế là, từ thời điểm đón bố và em gái chị Thanh ở Chindo, tôi bắt đầu kiêm cả vai trò phóng viên lẫn "cán bộ Đại sứ quán", dẫn đến việc bị các cơ quan chức năng sở tại và chính người thân của chị Thanh, nhà chồng chị Thanh nghi ngờ: Sao phóng viên lại làm cả công tác ngoại giao, lãnh sự? Do vậy, từ thời điểm đó, tôi không còn dám đeo thẻ phóng viên kể cả khi tác nghiệp; còn khi hỗ trợ thân nhân chị Thanh làm việc với các cơ quan chức năng thì chỉ biết cầu trời cho không ai trong số họ đã nhìn thấy tôi vác máy quay phim. Nếu không, chắc tôi sẽ "lĩnh vài chai nước vào đầu" giống như ông Thủ tướng Hàn Quốc khi tới thăm hỏi các gia đình một ngày trước đó.

Chindo là vùng nông thôn hẻo lánh, nên việc ăn ở, đi lại và cập nhật thông tin từ ba địa điểm chính là Trung tâm họp báo tại Ủy ban quận Chindo, Nhà thi đấu quận Chindo và Bãi biển Bengmok (cách nhau từ 15 - 25 km) khó khăn. Tại đây cũng có ít nhà nghỉ, trong khi rất đông thân nhân nạn nhân và người dân từ nơi khác đổ về nên hết phòng cho thuê. Chúng tôi phải xin ngủ nhờ nhà dân trong hai ngày đầu xuống Chindo, còn những ngày sau đó, hành lang Nhà thi đấu quận Chindo đã trở thành "đại bản doanh" ngủ, nghỉ và làm việc của tôi. Vất vả, nhưng điều đó chẳng thấm tháp gì so với sự đau thương và tang tóc mà hàng ngày chúng tôi phải chứng kiến trong Nhà thi đấu. Mỗi ngày trôi qua, tại đây lại có những gia đình dời đi sau khi tìm được thi thể người thân, nhưng vẫn còn đó những người héo mòn và dần kiệt sức vì chờ đợi. Cứ khoảng 4 tiếng một lần, bao con người lại hướng lên màn hình lớn đặt trong Nhà thi đấu để nghe thông tin nhận dạng các thi thể đã trục vớt được. Không khí trầm lặng đến đáng sợ, chốc chốc bị xé toang bởi tiếng gào thét thảm thiết của những người biết tin đã vớt được thi thể con em. Những lúc đó, chúng tôi không khỏi xúc động.

Chính việc có mặt tại hiện trường và tác nghiệp trong hoàn cảnh nhiều áp lực như vậy đã giúp tôi có được những kinh nghiệm quý giá. Lần đầu tiên, một mình tôi vừa quay vừa dẫn hiện trường, cùng tác nghiệp với nhiều PV của các hãng thông tấn, truyền hình uy tín trên thế giới. Nhìn các đồng nghiệp quốc tế được "tiền hô hậu ủng" với xe cộ, thiết bị chuyên dụng và ê kíp hùng hậu, một PV ít kinh nghiệm như tôi quả thực không khỏi "run tay". Có lẽ thấy PV TTXVN liên tục tự ngắm khuôn hình, tự nhìn vào màn hình camera để dẫn... hơi "lạ" hay sao mà các Đài YTN và KBS của Hàn Quốc lại chộp hình ảnh tôi dẫn hiện trường, đưa lên phát sóng!?

Có một điều phải nhấn mạnh là, tôi sẽ không thể có một shot hình nào trên VNews về vụ chìm phà Sewol cũng như không thể hoàn thành tốt việc hỗ trợ thân nhân của chị Thanh nếu không có sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp ở Tổng xã và các tình nguyện viên người Việt tại Hàn Quốc, đặc biệt là "Hội Những người con đất Việt" tại phía Nam Hàn Quốc. Họ đã trực tiếp hỗ trợ tôi trong quá trình tác nghiệp, giúp đỡ gia đình chị Thanh trong việc ăn ở, đi lại, thông dịch, tiếp nhận thông tin từ cơ quan cứu hộ... cũng như kêu gọi cộng đồng người Việt ở khu vực chung tay chia sẻ.

Cũng chính nhờ mối quan hệ gắn bó từ trước với "Hội Những người con đất Việt" nên trong cuộc tuần hành của cộng đồng gần 3.000 người Việt tại Busan để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông, ngày 18/5, cán bộ CQTT TTXVN tại Seoul đã cùng với Ban lãnh đạo Hội, phát động phong trào quyên góp và thu được số tiền gần 80 triệu đồng để ủng hộ "Quỹ hướng về biển đảo quê hương". Đồng thời, do PV thông tấn phải trực tiếp ghi hình các cuộc xuống đường cùng ngày của cộng đồng người Việt tại khu vực thủ đô Seoul, một lần nữa các tình nguyện viên của Hội đã trở thành cộng tác viên, cung cấp các thông tin, hình ảnh về cuộc tuần hành tại Busan để gửi về Tổng xã. Số tiền quyên góp không lớn, những hình ảnh, clips mà các cộng tác viên cung cấp còn có những hạn chế nhất định về chuyên môn, nhưng tình cảm, sự chia sẻ là trên hết. Tôi rất thấm thía bài học về "công tác cộng đồng" đối với một phóng viên TTXVN thường trú tại nước ngoài.

Phạm Duy Tuyền - Cơ quan thường trú TTXVN tại Seoul
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phóng viên thường trú yêu ngành và mong ngành yêu mình (01/07/2014 10:38:57)

Vụ " MH -370" và những cuộc họp báo trường kỳ  (02/06/2014 10:27:40)

Hành trình vào vùng chiến sự (01/04/2014 10:47:29)

Những trải nghiệm khi tác nghiệp tại Đông & Tây  (09/10/2013 10:22:21)

Phân xã TP. Hồ Chí Minh - xây dựng đội ngũ tinh gọn, chất lượng (09/10/2013 10:12:01)

Diễn đàn thu hút những ý kiến trí tuệ và nhiệt tâm (28/06/2012 10:53:01)

Cốt lõi vẫn là yếu tố con người (29/05/2012 14:01:30)

Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng phóng viên trong nước (29/05/2012 10:56:34)

Hội nghị các Trưởng phân xã phía Bắc: Thời gian ngắn, chất lượng cao (02/05/2012 17:12:40)

Nâng cao chất lượng thông tin ảnh tai các phân xã (27/03/2012 16:01:11)