Thứ ba, ngày 23/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Nâng đỡ phóng viên trẻ


(03/06/2014 08:53:15)

Sau gần hai tháng học nghiệp vụ, tôi hăng hái lên đường về Cần Thơ nhận nhiệm vụ. Mang "tư duy tìm đường" của dân Sài Gòn, đi đâu tôi cũng nhìn tên đường, ráng nhớ địa chỉ, chắc mẩm vậy là ổn.

Thế rồi, lạc đường, tự tin dừng lại hỏi bác xe ôm đường từ chợ Xuân Khánh về cầu Nguyễn Trãi, bác bảo: "Từ chợ Tham Tướng về cầu Né phải không?". Bao nhiêu tự tin vụt bay mất, lòng hỏi dạ, chả lẽ mình nhớ lộn (sau này mới biết bác nói tên cũ); tôi đành chuyển hướng: "Dạ đường về 36 Nguyễn Trãi bác ơi!". "Là trong hẻm hay mặt tiền?". Thế là tôi lại một phen bấn loạn. Thấy tôi cứ như "bò đội nón", bác gạt chân chống, đẩy xe xuống đường "Thôi, chạy theo tui nà!". Vậy là tò tò chạy xe theo bác về đến tận cơ quan.

Ngày đầu gặp, anh Trần Ngọc Thiện, Trưởng Cơ quan thường trú, bảo: Anh cho em 10 ngày sắp xếp chỗ ăn ở, tìm hiểu đường xá. Bắt đầu tháng 12 là vô việc nghen. Thế là tôi lang thang đi cho quen đường xá, tiện thể ngó nghiêng nhà cửa để thuê. Nhờ nhỏ bạn thổ địa mách cho vài địa chỉ, thấy chỗ nào cũng "quá xá" hài lòng vì nhà cửa rộng thênh thang, trước nhà lại có con kênh uốn quanh mát rượi, giá thì quá mềm so với Sài Gòn. Thế là gật đầu cái rụp "Mai con quành lại đặt cọc nghen dì!". Về, hí hửng khoe với "sếp", thầm nghĩ thế nào cũng được khen vì mới xuống mà sục xạo giỏi, không ngờ sếp phán: "Không được, chỗ ấy hẻo lánh lắm, em ở không an toàn đâu. Phải kiếm chỗ nào gần cơ quan nè, vừa an ninh vừa tiện cho công việc". Tôi tiu nghỉu. Cơ quan nằm ngay trung tâm, ví như đường Lê Duẩn quận 1 của TP. Hồ Chí Minh vậy, dễ gì mà kiếm ra nhà trọ!

Bất ngờ, anh đồng nghiệp đang ở cơ quan lên tiếng: "Em dọn vào phòng anh mà ở, anh về nhà cũng được, khỏi kiếm nhà thuê em ơi". Sếp im lặng chút rồi nói: "Nếu ảnh đã nhường thì em nhận đi. Đây là giải pháp tốt nhất cho em lúc này". Tôi xúc động nghẹn lời, kiềm chế lắm mới không bật khóc. Anh đồng nghiệp đã lớn tuổi rồi, nhà lại cách cơ quan hơn 40 cây số, vậy mà anh sẵn sàng nhường phòng cho tôi, nhận về mình phần gian nan, vất vả.

Việc quan trọng nhất đã xong, tôi còn ba ngày được tung tăng nữa trước khi bắt tay vào công việc. Sáng, sếp điện thoại: "Hôm nay cả cơ quan đi họp, em ở nhà trực điện thoại ha, rảnh thì lấy báo Tin Tức ra đọc xem các anh chị phóng viên đi trước viết như thế nào để học hỏi nhé!".

Coi đó như nhiệm vụ đầu tiên, tôi hồ hởi vào phòng làm việc, lôi đống báo ra đặt trước mặt. Thế nhưng, chưa đọc xong một tờ, điện thoại reo. Anh đồng nghiệp gọi: "Hôm nay anh có cuộc họp bên Ủy ban nhưng lại kẹt đi họp với cơ quan, em đi thay anh nhé", tôi lúng túng "Dạ, em chưa từng đi họp báo, hổng biết sao anh ơi...",

Anh trấn an: "Bình thường mà em, cứ đi đi".

- "Dạ, vậy để em đi!".

Thế là cây bút, cuốn sổ, tôi chạy qua Ủy ban mà trống ngực đánh dập dồn. Thực tập đã nhiều, nhưng thực tế thì đây là lần đầu. Cuộc họp diễn ra lúc 9 giờ, 10 giờ 30 thì xong. Về lại cơ quan, bắt tay vào gõ tin, viết rồi xóa, xóa rồi viết. Đến 3 giờ chiều mới tạm xong cái tin đầu đời.

Tôi điện thoại cho anh đồng nghiệp, thông báo: "Em viết tin rồi anh ạ". "Chuyển email anh xem". Chuyển rồi ngồi đợi. Một lát sau anh gọi lại: "Em viết được đấy, chuyển qua cho sếp duyệt đi em".

Tôi ngập ngừng gọi điện cho sếp: "Anh ơi, hôm nay em đi dự họp báo, viết thử cái tin, anh coi, sửa cho em rút kinh nghiệm được không anh?". Sếp: "Ừ, gửi vào email cho anh!". Tôi gửi xong rồi cứ nghĩ vài bữa ảnh rảnh, sẽ gọi vào chỉ bảo, sửa chữa.

Nào ngờ sáng hôm sau, tôi thức giấc bởi tiếng chuông điện thoại: "Bài em được đăng rồi đó, em xuống phòng làm việc anh nói chuyện". Vừa gặp, Trưởng CQTT vui vẻ khen ngợi, động viên, chỉ bảo những chỗ trong bài viết chưa phù hợp mà anh đã sửa giùm. "Cố gắng phát huy và trau dồi thêm em nhé. Tuần này anh phân công em đi họp, em xem lịch để đi nhé" - đó là câu nói mà lần thứ hai trong 10 ngày đầu tiên tại Cần Thơ làm tôi muốn bật khóc. Bất giác, tôi thấy anh như một người anh lớn trong gia đình trong niềm vui khi thấy mình buông tay ra mà em nhỏ tự bước được bước đầu tiên.

Tôi, người chưa từng đi đâu ra khỏi Sài Gòn hối hả với bao bon chen, bỗng chựng lại với một nhịp sống, một lối tư duy rất khác ở Tây Đô - Cần Thơ. Một bác xe ôm có thể bỏ việc để dẫn đường cho tôi vì sợ tôi sẽ lạc đường. Một người anh trong nghề tạo mọi điều kiện cho tôi hòa nhập, ổn định cuộc sống, lại tạo cơ hội cho tôi viết tin đầu tiên, cặm cụi sửa tin cho tôi. Trưởng CQTT thân thiện, chỉ bảo cách tiếp cận và khai thác thông tin. Tôi thật sự ấm lòng khi được đầu quân là "xã viên" CQTT TTXVN tại Cần Thơ.

Ánh Tuyết (Cơ quan thường trú TTXVN tại Cần Thơ)
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Vụ " MH -370" và những cuộc họp báo trường kỳ  (02/06/2014 10:27:40)

Chúng tôi làm triển lãm Điện Biên (02/06/2014 10:12:57)

Góp phần bảo vệ chủ quyền bằng những sản phẩm thông tin (30/05/2014 15:17:01)

Tin hoạt động Liên Chi hội Nhà báo (06/05/2014 15:48:49)

Syria, nơi nguy hiểm nhất cho các nhà báo năm 2013 (06/05/2014 15:13:49)

Liệu BBC có bị suy vong? (06/05/2014 15:10:21)

Lần đầu tiên có ngày hội biếm họa tại Việt Nam (06/05/2014 14:28:42)

“Phóng sự, ký sự” thu hút sự quan tâm của các nhà báo trẻ (06/05/2014 10:34:13)

Trở thành "chứng nhân lịch sử" của Ukraine (06/05/2014 10:05:51)

22 bài tập nhiếp ảnh cơ bản (02/04/2014 09:39:35)