Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tạo bước đột phá mới

Trở thành "chứng nhân lịch sử" của Ukraine


(06/05/2014 10:05:51)

Đầu năm 2014, tình hình Ukraine như "chảo dầu sôi". Cả thế giới dồn mắt vào những biến động chính trị dồn dập ở đất nước Đông Âu này. Trong đội ngũ đông đảo phóng viên quốc tế có mặt ở điểm nóng có đại diện của TTXVN. Đang thường trú ở Moskva, nhà báo Bùi Duy Trinh được cơ quan biệt phái sang Kiev và Crimea tác nghiệp. Bài viết dưới đây là những ghi chép còn "ấm tay"của anh về những ngày đáng nhớ đó.

 

PV Duy Trinh trước chiến lũy của người biểu tình tại quảng trường Maidan, Kiev tháng 2/2014

Sau khi nhận quyết định từ Tổng xã đi đưa tin về tình hình các điểm nóng ở Kiev và Crimea, tôi không khỏi lo lắng. Không lo sao được khi tới những vùng đất đầy biến động để làm việc mà tôi lại là đại diện thông tấn duy nhất. Nhưng sở dĩ dám mạnh dạn đề xuất với Tổng xã ra quyết định để tôi đi công tác một mình (sẽ phù hợp hơn với điều kiện địa bàn, con người, đồng thời cũng để hạn chế tối đa rủi ro tại thực địa) bởi tôi tin tưởng những đồng nghiệp Truyền hình Việt Nam (VTV) đã từ lâu chia ngọt sẻ bùi ở Moskva. Những đoàn quan trọng từ Việt Nam sang thường có lịch làm việc dày đặc, tới nhiều nơi trong thời gian ngắn. Thành phố Moskva rộng lớn, xe cộ như mắc cửi, với số nhân lực ít ỏi của mỗi cơ quan thường trú (CQTT) thì khó mà tác nghiệp hiệu quả. Bởi vậy, nhóm các CQTT của TTXVN, VTV và Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) tại Moskva thường chia nhau đến các điểm đoàn công tác sẽ đến làm việc để "đón lõng". Sau đó, chúng tôi hội nhau ở điểm cuối, chia sẻ thông tin. Những vụ phối hợp như vậy đã gắn kết chúng tôi với nhau, củng cố khả năng tương trợ và hiệp đồng.

Sang Ukraine công tác, để cơ động, chúng tôi xác định, đồ nghề và vật dụng cá nhân mang theo phải tối giản, đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu để tác nghiệp. Chúng tôi chỉ mang theo máy quay nhỏ, thậm chí khi ra Quảng trường Maidan (Độc lập) ở Kiev, còn không mang chân máy, ngộ nhỡ gặp trường hợp bất trắc còn có thể chạy cho nhanh. Tình huống ấy mới cảm nhận được người quay phim trẻ bên VTV "đáng giá" thế nào, bởi có lúc, bạn ấy phải giữ máy quay cố định suốt một thời gian dài cho anh em tôi thay phiên nhau dẫn hiện trường.

Trong thời gian làm thông tin tại Quảng trường Maidan, chúng tôi quyết định thuê phòng ở một địa điểm gần đó để tiện đi lại, dù chi phí có đắt đỏ hơn. Phải "chịu chi" như thế vì chênh lệch múi giờ giữa Kiev và Việt Nam tới 5 tiếng, Quốc hội Ukraine thường 10 giờ mới họp, trong khi 13 giờ (tức 18 giờ Hà Nội) công việc của chúng tôi đã phải "hòm hòm", gửi hình và phần dẫn hiện trường về "nhà", nên thời gian tác nghiệp tại thực địa mỗi ngày chỉ vỏn vẹn ba tiếng. Nếu không cập nhật đủ thông tin, kịp ra dẫn và ghi hình thì coi như ngày làm việc đó đi tong. Thực tế, việc thuê nơi ở gần quảng trường của chúng tôi tỏ ra rất hữu ích. Như một lần dẫn tại quảng trường, micro rơi xuống đất mà không ai để ý. Khi về đến nhà, kiểm tra hình mới thấy đoạn dẫn không có tiếng. Chúng tôi lại vội vã bắt taxi phi ra Maidan làm lại, thế mà vẫn kịp thời gian gửi về nhà. Thật hú hồn!

PV Duy Trinh (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp VTV với người biểu tình Kiev

Để đạt hiệu quả thông tin tối đa trong chuyến đi, tôi đặt mục tiêu mỗi ngày phải gửi về Việt Nam ít nhất một file hình dẫn, thời gian còn lại thực hiện thêm tin viết, tin ảnh và tin qua điện thoại dành cho chương trình vào buổi sáng ở nhà. Do những đòi hỏi công việc, cộng với tình hình thực tế tiến triển quá nhanh, cả nhóm phải miệt mài làm việc (cập nhật thông tin, theo dõi truyền hình trực tiếp của nước bạn...), có ngày tôi chỉ ngủ có hai tiếng, ăn uống cũng "đạm bạc".

Mong muốn ghi được những hình ảnh tiêu biểu, phản ánh tình hình sát thực, chúng tôi len lỏi tới tận nơi xảy ra giao tranh ác liệt nhất giữa cảnh sát với người biểu tình. Ngày 21/2, tức là ngay sau ngày đẫm máu nhất tại quảng trường Maidan, ở hiện trường, chúng tôi còn có thể ngửi thấy mùi khét lẹt của lốp xe hay gỗ bị người biểu tình đốt làm chướng ngại vật ngăn cảnh sát, gạch lát đường dưới chân chúng tôi bị bóc hết, xếp thành hàng làm "vũ khí" ném cảnh sát. Các PV quốc tế đều đội mũ bảo vệ, mặc áo giáp tránh đạn, thậm chí bên ngoài còn mặc áo in dòng chữ to "Press" để cả hai phe trên quảng trường nhận biết được. Ấy thế mà tôi và hai đồng nghiệp VTV, chẳng ai mặc áo giáp cũng như đội mũ bảo hiểm. Sau này nghĩ lại, thấy cũng hơi liều; song khi đó, đam mê nghề nghiệp dường như đã chi phối mọi suy nghĩ của chúng tôi.

Việc bám sát hiện trường cùng những quyết định đúng đắn đã giúp chúng tôi thực hiện suôn sẻ những chuyến công tác vào "điểm nóng" này. Ví dụ như đợt công tác tại Crimea, ngay từ ngày đầu xuống thủ phủ Simferopol, chúng tôi đã quyết định thuê xe tới Sevastopol- căn cứ của Hạm đội Biển Đen Nga- để quan sát động thái quân sự trên bán đảo. Chuyến đi đã giúp chúng tôi hiểu thêm mảnh đất, con người Sevastopol và khẳng định được mấy điều: Một là bán đảo Crimea thực sự yên tĩnh, không như truyền thông phương Tây loan tải; hai là những tình cảm sâu đậm người dân ở đây dành cho nước Nga.

Tuy chúng tôi đã cẩn thận, nhưng làm việc ở nơi "đất khách" cũng khó tránh khỏi sự cố. Mối quan hệ với các đồng nghiệp quốc tế đã cứu chúng tôi một "bàn thua trông thấy" khi ở Crimea. Số là, do thời gian hạn hẹp nên chúng tôi đã không đăng ký tác nghiệp tại điểm bỏ phiếu với cơ quan quản lý địa phương. Thế nên khi tới một điểm bỏ phiếu trong "ngày trọng đại", chúng tôi bị các thành viên ủy ban bầu cử từ chối cho vào làm việc, dù họ rất có cảm tình với Việt Nam. Tuy nhiên, khi tới trung tâm báo chí mở ở Simferopol, chúng tôi được một anh bạn đồng nghiệp rỉ tai là ở gần đó, có điểm bỏ phiếu rất nhiều PV tới tác nghiệp nên họ không "soi" thẻ đăng ký. Thế là chúng tôi vội tới đó, và đúng như lời mách nước, chúng tôi đã tiếp cận được các hòm phiếu để phản ánh, dẫn và phỏng vấn.

Ba đợt tác nghiệp - hai ở Kiev và một ở Crimea, đã đem lại cho tôi nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp quý giá. Và tôi thú vị nhất với bình luận của cậu quay phim trẻ bên VTV. Đó là chúng tôi đã trở thành "nhân chứng lịch sử" của hai sự kiện chấn động vừa xảy ra ở châu Âu. Quả như vậy, chúng tôi thực sự là những người may mắn, nhờ nghề nghiệp mà được mắt thấy tai nghe những diễn biến lịch sử trên mảnh đất nóng bỏng "trời Tây".

Bùi Duy Trinh - Cơ quan thường trú tại Moskva
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tăng cường hiệu quả của hệ thống cơ quan thường trú ngoài nước (03/12/2013 09:56:47)

Đúng và Hay (15/01/2007 08:19:50)

Phải chuyển biến ở cả phóng viên phân xã và khâu biên tập (13/12/2006 10:24:39)

Tiếp tục đổi mới thông tin trong nước - Một yêu cầu cấp bách hiện nay (13/12/2006 10:22:57)

Nâng cao hiệu quả báo Tin tức (17/11/2006 09:18:30)

Tạo bước đột phá chất lượng thông tin từ khâu biên tập (25/09/2006 11:22:37)

Kiên quyết không viết và sử dụng những "cái" không phải thông tin. (15/08/2006 11:00:16)

Tạo bước đột phá bắt đầu từ tin thời sự trong nước (15/08/2006 10:59:25)

Làm thế nào để đột phá trong thông tin bằng hình ảnh?  (15/08/2006 10:57:44)

Linh hoạt trong sắp xếp, tổ chức nhân lực  (15/08/2006 10:56:28)