Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tự hào góp phần bảo vệ dòng sông Đồng Nai


(01/04/2014 10:52:55)

Trong gần 4 năm (từ 2010 đến cuối năm 2013) các cơ quan truyền thông, trong đó có các đơn vị thông tin của TTXVN, liên tục thông tin phản biện, đánh giá những được - mất nếu triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

PV Sỹ Tuyên (thứ hai) cùng nhóm các nhà báo, nhà khoa học lội rừng đi thực địa tại khu vực trước kia dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Qua nhiều cuộc khảo sát của giới khoa học, cơ quan quản lý về tài nguyên môi trường, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội và cả giới truyền thông, sau nhiều ý kiến phân tích, phản biện, cuối cùng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã loại hai dự án thủy điện này ra khỏi quy hoạch. Trên 327 ha rừng nguyên sinh trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên được bảo toàn. Hệ sinh thái và môi trường nước vùng hạ lưu sông Đồng Nai được "cứu". Đặc biệt, hàng chục triệu dân vùng hạ lưu sông Đồng Nai vẫn tiếp tục được sử dụng nguồn nước từ con sông này cho sinh hoạt và sản xuất.

Phải nói rằng, trong kết quả đó có sự đóng góp rất tích cực của giới truyền thông. Ngay từ những ngày đầu tham gia thông tin về những hậu quả trong trường hợp triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, tôi, với tư cách phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) TTXVN tại Đồng Nai, đã nhiều lần trực tiếp tới hiện trường và tham gia nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về chủ đề này. Có trực tiếp đi, nghe và chứng kiến mới thấy đây thực sự là một "cuộc chiến". Chủ đầu tư hai dự án thủy điện trên là Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai chắc đã bỏ ra nhiều tiền và công sức để thực hiện các bước đầu tư xây dựng công trình. Cho đến thời điểm cuối năm 2013 khi dự án chính thức bị loại khỏi quy hoạch, đơn vị đầu tư đã ba lần xin rút lại hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường để điều chỉnh. Dù vậy, hội đồng phản biện và các chuyên gia môi trường đều chỉ ra những lỗ hổng lớn và cảnh báo "những tác động về môi trường là không thể đo đếm được".

Một công nhiều việc

Một lần đi khảo sát thực địa về hai dự án thủy điện này, trên đường vào rừng, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện sinh học Nhiệt đới, đã phát hiện được loài hoa trà mới (tên khoa học là Camellia longii), loài đặc hữu, chỉ duy nhất ở vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên mới có. Cơ hội "trời cho" thông tin hay. Cánh báo chí chúng tôi đã rất háo hức ghi hình và phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Ngọc Long ngay tại hiện trường về phát hiện quý báu trên. Vậy là, một công, tôi làm được nhiều việc!

Quyết tâm theo đuổi vấn đề, tôi đã nhiều lần cùng với các nhà khoa học vượt nhiều cây số đường rừng để vào tận khu vực dự kiến xây dựng hai dự án thủy điện. Trời mưa, đường rừng dốc và trơn trượt. Nhóm phóng viên khoảng chục người và hơn 10 nhà khoa học được trang bị các phương tiện bảo hộ (như giày đi rừng, tất bó cao, áo mưa...) để lội rừng. Phóng viên TTXVN còn phải vác máy quay loại Sony Ex01 (khoảng 10kg, gồm cả ba lô và phụ kiện) vào rừng. Còn đồng nghiệp ở Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC thì vác theo máy quay khủng loại BTCAM quay băng. Nhóm VTC còn "tham" mang theo chân máy nặng cả chục ký. Trên đường, họ thường xuyên bị trượt ngã, may là máy móc không hề hấn gì. Vất vả, nhưng nhờ chuyến đi đó, tôi đã viết được một số tin, bài cho Ban biên tập tin Trong nước và thực hiện phóng sự sâu cho Kênh Truyền hình thông tấn. Sau này tôi còn có thêm hai, ba chuyến đi vào Vườn quốc gia Cát Tiên và vùng dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A để thực hiện các sản phẩm thông tin cho các đơn vị của ngành.

Tính ra, trong "cuộc chiến" với hai dự án thủy điện trên, riêng CQTT tại Đồng Nai đã thực hiện nhiều tin, bài, phóng sự phát trên các kênh thông tin của TTXVN. Chúng tôi tự hào được góp phần công sức nhỏ bé của mình để bảo vệ dòng sông "nội sinh" Đồng Nai hiền hòa, dòng sông "chiến lược" có đóng góp lớn lao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sỹ Tuyên
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2014