Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Kỹ thuật - Công nghệ

Kinh nghiệm sử dụng điện thoại di động khi đi nước ngoài


(29/02/2012 10:14:04)

Khi đi công tác nước ngoài, một số người luôn mang theo điện thoại và đăng ký kết nối roaming (dịch vụ chuyển vùng cuộc gọi quốc tế) để luôn được cập nhật thông tin và giữ các mối liên lạc cần thiết.

    Roaming là một trong những dịch vụ quan trọng để nhà mạng khẳng định khả năng chăm sóc khách hàng. Viettel miễn phí cước nhận tin, MobiFone có dịch vụ SMS roaming, còn VinaPhone giúp khách quản lý cước truyền dữ liệu qua gói U1 roaming. Tuy nhiên, ngoài những tiện ích có được, vẫn còn những nỗi lo tiềm ẩn sau mỗi lần sử dụng dịch vụ.
    
       Cú "sốc" khi bị đòi cước phí

U1 roaming là gói cước truyền dữ liệu không giới hạn cho thuê bao VinaPhone chuyển vùng quốc tế đến các mạng là thành viên Conexus và có ký thỏa thuận triển khai với VinaPhone. Đây là gói cước truyền dữ liệu đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Việt Nam giúp khách hàng quản lý được hạn mức sử dụng dịch vụ GRPS khi ở nước ngoài. Sử dụng gói cước này, các thuê bao trả sau khi chuyển vùng đến các mạng đã đăng kí thỏa thuận triển khai U1 với VinaPhone được sử dụng dịch vụ truyền dữ liệu không giới hạn với mức cước thanh toán tối đa là 10 USD/thuê bao/ngày (đã bao gồm VAT và phụ thu).

 

Đi công tác Thái Lan chưa đầy một tuần, sử dụng dịch vụ roaming, anh Minh- cán bộ ngành y tế- tái mặt khi nhận thông báo cước lên tới 30 triệu đồng. Theo như kiểm tra dữ liệu của nhà mạng, anh đã sử dụng dịch vụ GPRS khi ở Thái Lan với số tiền phát sinh gần 30 triệu đồng (bao gồm 15% phụ phí).

Một nhà báo cũng có "kinh nghiệm thương đau" về chuyện roaming nước ngoài. Anh có chuyến công tác tại Hồng Kông và đăng ký dịch vụ chuyển vùng cuộc gọi quốc tế. Thấy biểu tượng 3G bên góc trái màn hình, anh vô tư vào mạng, lướt web. Khi đi ngủ, anh quên không tắt web trên điện thoại. Hai hôm sau khi về Việt Nam, anh phải móc ví ra trả số tiền cước phát sinh lên tới 10 triệu đồng.

Một người khác thì phải trả tới 20 triệu đồng cho 4 ngày ở Nhật với vài lần kiểm tra e-mail.

Gần đây, xu hướng sử dụng Iphone và Smartphone đang rất thịnh hành, nhưng những câu chuyện nói trên cho thấy không phải ai cũng biết được cách bật, tắt các dịch vụ mạng 3G, GPRS khi ra nước ngoài công tác và sử dụng mạng di động. Ngay cả những người khá am hiểu về mạng di động nhưng do chủ quan vẫn mắc phải những lỗi không thể ngờ đến.

Dưới đây là bảng cước phí di động của một thuê bao Vinaphone trả sau có sử dụng dịch vụ roaming.

Bảng cước phí này cho thấy: Khách hàng đang sử dụng dịch vụ roaming ở Hồng Kông, có cuộc gọi đến từ một số máy lạ, dù không nghe chủ thuê bao cũng bị tính 500đ phí dịch vụ. Còn trong khoảng thời gian 1267 phút phải trả 10$ cho phí dịch vụ sử dụng GPRS mặc dù khách hàng chắc chắn là đã tắt khả năng sử dụng này của máy ngay sau khi bật nó lên. Số 1965 được nhà mạng giải thích là dung lượng 1965Mb dữ liệu khách đã tải về máy khi sử dụng GPRS kết nối internet trong khi khách không hề tải bất kỳ một tài liệu nào. 

 

Do đâu?

Những điều tưởng như vô lý đó chính là cách móc tiền của các nhà mạng nước ngoài. Thực tế đó là dữ liệu mạng nước ngoài thống kê lại và gửi cho mạng di động của Việt Nam, nhà mạng Việt Nam không thể chứng thực và bảo vệ cho khách hàng của mình được. Khi ở nước ngoài, bạn không thể biết hết về mạng di động của họ và chi phí phải trả đó là phí thuê bao GPRS khi sử dụng roaming quốc tế. Phí này rất đắt và dù bạn chỉ cần kết nối mạng một lần thì bạn sẽ phải tính nó cho cả chuyến đi trong thời gian bạn bật máy. Và bạn khó mà biết cú pháp để hủy dịch vụ tự nhiên phải dùng đó.

Đối với một số bạn hay chơi game online trên điện thoại thì dữ liệu máy tải về là một con số không tưởng tượng được. Điện thoại di động có tính năng tự động tìm kiếm dữ liệu mới của email nên sẽ tự động kết nối GPRS mà ta không hề biết. Bên cạnh đó, truy cập Internet bằng Wifi khi máy để chế độ UMTS hoặc Dualmode là đã cài đặt GPRS, 3G. Nếu mất sóng Wifi, khách hàng vào mạng internet máy sẽ tự động sử dụng sóng GPRS/3G để truy cập.

 

Giải pháp

Các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông "bật mí" một số mẹo cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ roaming quốc tế trong thời gian ở nước ngoài.

- Chỉ sử dụng những nhà cung cấp mạng quen thuộc: Mỗi nhà khai thác mạng đều đã có những thỏa thuận ngầm với nhau, khi bạn chuyển vùng rất có thể điện thoại của bạn sẽ tự động chuyển mạng lưới cung cấp, khi đó nếu truy cập mạng khác bạn sẽ bị tính phí cao hơn. Bạn nên kiểm tra thông tin này với nhà cung cấp mạng quen thuộc để đảm bảo luôn nằm trong vùng phủ sóng của họ.

- Tắt hộp thư thoại: Ít ai biết là khi nghe các cuộc gọi bằng hệ thống hộp thư thoại bạn sẽ phải trả tiền đến hai lần. Trước tiên khi mở hộp thư thoại, bạn phải trả tiền bằng với số tiền của người gửi (vì đây là cuộc gọi liên mạng quốc tế), và tiếp theo bạn phải trả tiền lần hai để nghe các thư thoại đó. Lời khuyên là, hãy tắt hệ thống hộp thư thoại cũng như tắt chế độ chuyển hướng cuộc gọi, khi máy báo có cuộc gọi nhỡ thì chỉ việc gọi lại số máy đó, như vậy sẽ chỉ tốn tiền cho một lần gọi đi.

Ngày

Giờ

Số bị gọi

Tên nước

Thời gian

Tiền VND

Tiền QT1($)

Tiền QT2($)

28/05/11

14:24:05

8491020005

(out)HONG

0’00"

0

0

0.433

28/05/11

14:29:53

85250434357

(in)HONG

0’00"

500

0

0

28/05/11

14:30:00

85250434357

(in)HONG

0’00"

500

0

0

28/05/11

14:30:09

 

(163)HONG

105’04"

0

0

2.512

28/05/11

16:15:14

 

(1965)HONG

1267"55"

0

0

10

 
- Cẩn thận với những cuộc gọi đến: Khi đang ở Việt Nam, bạn có thể thoải mái nhận cuộc gọi vì người gọi sẽ trả tiền, nhưng khi ra nước ngoài thì không phải vậy. Trong các cuộc gọi quốc tế cả người gọi và người nhận đều phải trả phí vì để kết nối được một cuộc gọi quốc tế khó khăn và tốn kém hơn, việc bắt buộc cả hai bên đều phải trả phí sẽ giúp chúng ta đàm thoại ngắn gọn và thiết thực, tránh "nấu cháo điện thoại đường dài". Cái khó ở chỗ có nhiều cuộc gọi ở một số quốc gia, ở một số thời điểm, không hiện số hoặc không hiện chính xác số của người gọi.

- Gửi hình ảnh thay vì văn bản: Câu nói "Một tấm hình có thể nói lên được rất nhiều điều" rất thích hợp khi bạn nhắn tin quốc tế. Phí gửi một tin nhắn đa phương tiện (MMS) rẻ hơn phí gửi một tin nhắn văn bản thông thường; thậm chí trong tin nhắn MMS, bạn có thể chèn thêm cả 1.000 ký tự, thay vì chỉ 160 như SMS. Mẹo nhỏ: mỗi khi nhắn tin quốc tế, bạn hãy chọn tin đa phương tiện (Create a new MMS), kể cả khi không muốn gửi âm thanh và hình ảnh thì MMS cũng cho phép soạn được nội dung tin nhắn dài hơn nhiều so với SMS.

Và điều cuối cùng các chuyên gia khuyên là, nếu có thể bạn nên mang theo một máy điện thoại khác, tắt toàn bộ các dịch vụ roaming từ máy chính, mua một sim điện thoại trả trước mới của nhà mạng tại quốc gia đó, lắp vào máy phụ và sử dụng các cuộc gọi một cách bình thường. Sim điện thoại bạn có thể mua ngay tại sân bay ngay khi bạn vừa hạ cánh. Bạn cũng có thể chỉ cần thay sim mới vào và cất sim cũ đi. Đây là cách phòng tránh "thâm hụt tài khoản", có lẽ hiệu quả và đơn giản nhất, đối với người phải liên tục sử dụng di động khi đi công tác nước ngoài.

                                                                                  
                                                                                        Chi đoàn thanh niên TTKT (st) 

Theo Nội san Thông tấn, số 02/2012