Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Sổ tay phóng viên

Ký ức về bài báo đầu tiên ở chiến trường


(16/09/2015 14:43:25)

Có lẽ chẳng mấy phóng viên có thể tổng kết mình đã viết được bao nhiêu bài báo trong đời. Song, chắc chẳng ai quên bài viết đầu tiên của mình. Với tôi, bài "Phụ nữ miền Nam - đôn hậu, giản dị và anh hùng ‘’ tôi viết đầu năm 1974 với bao tâm huyết là một kỷ niêm sâu sắc.

Nhà báo Vương Nghĩa Đàn ở Cứ

Bài báo được viết ở chiến trường B2, tại vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia, nhân dịp mít tinh Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam tổ chức. Chủ đề là những người mẹ, người chị miền Nam vô cùng giản dị, đôn hậu, cần cù trong lao động sản xuất, dũng cảm vượt qua mọi gian khổ trong chiến tranh, biết hy sinh hết lòng vì cách mạng, tình nguyện tiễn chồng gửi con "đi giải phóng".

Cuộc mít tinh Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3/1974một sự kiện quan trọng của cách mạng miền Nam. Lần đầu tiên, ngày lễ này được tổ chức quy mô tại vùng giải phóng, với nhiều ý nghĩa đối ngoại và đối nội: Khẳng định trước dư luận thế giới sự lớn mạnh của các tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Mặt trận dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; tôn vinh tinh thần yêu nước, nỗ lực trong chiến đấu và sản xuất của "đội quân tóc dài"; cổ vũ chị em trong nhiệm vụ xây dựng vùng giải phóng vững mạnh; thắt chặt tình quân dân...

 

Những bài học không có trong giáo trình

Khi được lãnh đạo Giải phóng xã (GPX) giao nhiệm vụ đến đưa tin về lễ mít tinh, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đây là lần đầu tiên, kể từ khi rời Hà Nội vào chiến khu B2, tôi được trực tiếp đi viết tin sự kiện. Trước đó, phóng viên GP10 được "tập sự" với việc biên tập các tin, bài gửi từ các chiến trường hay các khu giải phóng về GPX, trước khi chuyển phát qua teletype ra Tổng xã Hà Nội và gửi cho Đài phát thanh Giải phóng. Lo vì địa điểm mít tinh ở cách căn cứ GPX khoảng 4-5 tiếng đạp xe (hồi ấy, khoảng cách các địa điểm được tính bằng giờ đi xe đạp, hoặc giờ đi bộ), phải đi xuyên rừng theo những lối mòn nhỏ ; lo nhất là có khả năng gặp lính Khmer đỏ dọc đường.

Khu sinh hoạt văn hóa của Ban Tuyên huấn R5 (1974)

Chuyến công tác ấy tôi may mắn được đi cùng anh Nguyễn Đình Khuyến, lúc đó là Trưởng phòng tin Chính trị - Ngoại giao của GPX. Anh Khuyến là một trong những phóng viên chiến trường "kì cựu", vào B2 từ năm 1965 (sau này, anh giữ chức Phó giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh qua đời tháng 4/1992 do tai nạn giao thông). Tôi đã học được từ anh nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho công tác phóng viên chiến trường, trong đó có những điều không có trong giáo trình, sách vở. Từ cách viết tin, cách phát hiện, khai thác và chuyển tải đề tài, đến việc "nhìn xa trông rộng" để chuẩn bị cho mỗi chuyến công tác, cách xử trí linh hoạt trong mỗi tình huống bất thường. Nhờ sự thận trọng và nhạy bén của anh, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, và còn "vượt định mức" trong chuyến công tác đầu tiên.

Theo kế hoạch, cuộc mít tinh sẽ diễn ra trước ngày J, vào đầu giờ chiều, tại một trảng lớn (bãi trống rộng giữa rừng) giữa rừng Lò Gò - Xa Mát. Để đến địa điểm đúng giờ, anh Khuyến và tôi phải đi từ mờ sáng, mỗi người một xe đạp "đặc chủng" của "R": không chuông, không phanh, không đèn, không chắn xích chắn bùn... Theo lời dặn của anh, tôi "diện" một chiếc áo bà ba đen mượn của "chị nuôi". Đạp chiếc xe cọc cạch suốt chặng đường dài, đầy " sống trâu ", " ổ gà ", tôi phải thở cả bằng tai, nhưng vững tâm vì anh Khuyến rất thạo đường, cứ đạp phăng phăng phía trước.

Chuyến đi suôn sẻ. Chúng tôi đến địa điểm lúc gần trưa. Trời nắng đẹp. Trảng cỏ rộngmấp mô những bụi cây dại đã được dọn thành bãi phẳng. Phía trước, một khán đài mới được dựng lên bằng những thân cây còn tươi. Trên phông màu xanh nổi bật lá cờ Mặt trận Giải phóng và dòng chữ "Lễ kỷ niệm 64 năm Ngày quốc tế Phụ nữ ...". Dưới các tán lá rừng bao quanh trảng, có rất đông người. Một đồng chí trong đội bảo vệ giải thích: Hơn một ngàn phụ nữ từ các thôn xóm vùng giải phóng miền Đông đã được ô tô chở đến ban sáng, đang nghỉ ngơi, chuẩn bị dự mít tinh chiều nay.

Sau khi gặp Ban tổ chức nắm bắt tình hình, anh Khuyến đi gặp một số cán bộ lãnh đạo, còn tôi được "cử" xuống giúp tổ hậu cần, mang bánh mì và nước uống tới từng nhóm phát cho các mẹ các chị ăn trưa. Một "nhiệm vụ đột xuất" thú vị, nhờ thế tôi có dịp làm quen và hỏi chuyện từng người dân vùng giải phóng, tìm hiểu cuộc sống và tâm tư của họ. Với những nụ cười đôn hậu, họ kể chuyện sản xuất, chuyện chồng con xung phong "đi giải phóng", và cả chuyện "lần đầu tiên được đi dự mít tinh".

"Khi trước má không biết phụ nữ mình cũng có ngày kỷ niệm riêng lớn như vậy?" là câu nói chung nhất của các má. Thế là tôi có dịp giải thích về lịch sử ngày quốc tế phụ nữ, về gương chiến đấu kiên trung bất khuất của phụ nữ miền Nam, sự đảm đang của phụ nữ miền Bắc... Tôi thấy vui và xúc động khi các má tỏ ý "thương mấy đứa con gái miền Bắc dám vào Nam tham gia cách mạng giải phóng".

Đầu giờ chiều, cuộc mít tinh diễn ra trang trọng, đầy khí thế. Các mẹ, các chị chăm chú nghe các vị đại biểu đọc diễn văn, biểu dương những đóng góp to lớn của phụ nữ miền Nam trong đấu tranh chống địch càn, trong sản xuất xây dựng quê hương giải phóng.

 

Những lần "thót tim"

Khi mít tinh kết thúc, trời đã ngả chiều. Tôi chợt thấy lo lắng: Liệu có về kịp trước khi trời tối? Anh Khuyến cười bảo : "Đừng lo, anh đã tính rồi. Giờ mình về nhà mẹ vợ anh ở xóm Trại Bí, cách đây khoảng hai tiếng xe đạp. Nghỉ ở đó đêm nay, mai về sớm". Anh Khuyến mới cưới vợ mấy tháng trước, khi chúng tôi vừa vào tới cứ. Vợ anh- chị Loan, là một phụ nữ bé nhỏ người miền Nam, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, đang làm công tác văn thư trong cứ GPX. Chúng tôi lên xe. Dọc đường, tâm trí cứ vương vấn hình ảnh những khuôn mặt sạm nắng, những nụ cười hồn hậu, và những câu chuyện các mẹ kể. Tôi hào hứng kể lại với anh Khuyến. "Vậy, xong tin mít tinh, em ráng viết thêm một bài về phụ nữ vùng giải phóng đi", anh khuyến khích tôi.

Xuyên rừng khoảng một giờ, trên đường mòn bỗng xuất hiện hai người lính Khmer đỏ. Họ giơ tay ra hiệu cho chúng tôi dừng lại. Anh Khuyến xuống xe, nói gì đó bằng tiếng Khmer, rồi thò tay vào chiếc túi vải ngoắc trên ghi đông lôi ra hai ổ bánh mì đưa cho họ. Họ nhận, rồi khoát tay để chúng tôi đi. Hú vía! Thời gian đó lính Khmer đỏ hay chặn đường "trấn lột"... Anh Khuyến như đã lường trước được mọi chuyện. Tôi dần trấn tĩnh lại và tự nhủ sẽ phải học tiếng Khmer.

       Đến gần xóm Trại Bí, anh cho biết, xómnơi giáp ranh giữa vùng giải phóng và vùng tề nên có thể gặp "ngụy": "Nếu họ có hỏi thì em đừng nói gì, cứ để anh". Xóm chỉ có vài chục ngôi nhà mái tranh dựng rải rác trên một vùng trống. Nhà mẹ vợ anh Khuyến ở giữa xóm, bà bán tạp hóa ở chợ. Trời xẩm tối. Trên đường thỉnh thoảng mới thấy một vài người đi vội vã. Tim tôi lại đập liên hồi khi thấy một người đàn ông tới gần, hỏi chúng tôi đi đâu. Bằng giọng miền Nam đặc sệt, anh Khuyến trả lời: Làm ăn xa, giờ về thăm mẹ vợ là má Hai Nga ở trong xóm. Tối hôm ấy, má Hai Nga đãi chúng tôi một bữa cơm thịt gà chưng tương ngon tuyệt. "Má có 14 đứa con thì 11 đứa đã tham gia cách mạng. Cứ đứa nào lớn là má cho đi", má cười hiền hậu, chẳng nghĩ mình là một "bà mẹ anh hùng". Lời tâm sự mộc mạc của má càng thúc giục tôi phải "chấp bút". Quên cả mệt, tôi thức viết xong tin lễ mít tinh để mai về kịp phát sớm. Còn bài "Phụ nữ miền Nam - đôn hậu, giản dị và anh hùng", tôi đã viết say sưa ngay sau khi về cứ.

Bài học thực tế đầu tiên "nho nhỏ" thế thôi, nhưng đã giúp tôi dần trưởng thành trong "nghề báo". Mỗi chuyến công tác sau này đều có dấu ấn riêng, nhưng kỷ niệm về chuyến công tác đầu tiên, về anh Khuyến - nhà báo đàn anh - như còn mới nguyên trong ký ức. Và tôi đã ước ao có dịp kể với các bạn trẻ về kí ức ấy, bởi có không ít nữ phóng viên trẻ cứ muốn biết : "Thời chiến tranh, ở trong R, các cô đã tác nghiệp như thế nào?".

Vương Nghĩa Đàn - Nguyên phóng viên TTXGP
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2015