Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Sổ tay phóng viên

Không ngại khó, ngại khổ


(05/08/2015 15:01:35)

Hơn một năm làm phóng viên Cơ quan thường trú trọng điểm TTXVN tại Đắk Lắk đã để lại cho tôi nhiều bài học bổ ích; trong đó có bài học đặc biệt là làm phóng viên thông tấn không những phải nhanh, nhạy, thông tin chính xác, mà còn phải không ngại khó, ngại khổ.

 

Phóng viên Phạm Cường trong chuyến tìm hiểu về cây thủy tùng

Tôi từng làm phóng viên ở Quảng Nam. Khi trúng tuyển vào Cơ quan TTXVN khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, tôi được Giám đốc Ngô Anh Văn hỏi chuyện: Cháu có chấp nhận công tác tại vùng núi không? Không ngần ngại một giây, tôi trả lời thật nhanh: Cháu chấp nhận!

Thế rồi tôi đặt chân đến Tây Nguyên, chỉ hơn một tuần sau câu nói đó. Khi mới đến với Cơ quan thường trú trọng điểm Đắk Lắk, với tôi, mọi việc đều rất khó khăn, vì ở đây địa bàn rộng, đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Ngay cả việc hỏi đường, hỏi địa danh các buôn làng cũng gặp khó khăn. Nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp, đặc biệt là nhà báo Nguyễn Quang Huy - Trưởng Cơ quan thường trú, tôi đã thực sự vững tin, an tâm công tác...

Đắk Lắk có nhiều huyện xa, phải mất 3-4 tiếng đồng hồ mới đi tới nơi. Ngày mới lên xứ sở "cao nguyên đầy nắng và gió" này, ngoài việc tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc ở nơi đây, tôi thường xin đi cùng các anh, chị về vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của tỉnh để học hỏi kinh nghiệm tác nghiệp, đồng thời khai thác thông tin, phản ánh cuộc sống của người dân.

Tôi muốn kể lại một câu chuyện để minh họa cho tinh thần không ngại khó của anh em PV thông tấn: Vào dịp cuối năm 2014, tôi cùng phóng viên ảnh Dương Giang (lúc đó mới từ Tổng xã vào nhận nhiệm vụ được hai tháng) đi xuống cơ sở, tìm hiểu về cây thông nước (thủy tùng), loài cây nằm trong Sách đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng, chỉ còn lại hai quần thể ở tỉnh Đắk Lắk. Chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe Dream cũ, gần hai tiếng đồng hồ mới tìm đến được thôn Trấp K’sor, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, nơi có loài cây quý này. Thủy tùng còn lại rất ít, đếm chỉ trên đầu ngón tay, nhưng phân bố trên diện rộng tới 20ha, từ trước đến nay chưa có phóng viên nào dám đi tìm hiểu từng cây trong khu rừng sình (bùn) lầy này. Khi nghe phóng viên TTXVN bày tỏ ý định đi thăm khu phân bố từng cây thủy tùng, cán bộ Ban quản lý sinh cảnh loài thông nước tỉnh Đắk Lắk nghiêm nghị hỏi: Các phóng viên có thực sự muốn vào sâu khu sình lầy không? Sau đó họ e ngại: Nước sình ngập ngang đến bụng đấy, có chỗ sâu đến ngang ngực, nhiều đỉa trâu lắm! Lưỡng lự một vài giây, tôi và Dương Giang cùng đồng thanh nói "có". Thế là không để chúng tôi phải chờ lâu, anh Trịnh Duy Hải - cán bộ Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước tỉnh Đắk Lắk, đã vào kho lấy ra các vật dụng cần thiết, như ủng cao su, mũ tai bèo, gậy... để chúng tôi bắt đầu hành trình.

Từ đập Trấp K’sor, lội sình men theo bước chân của anh Trịnh Duy Hải, gần 30 phút chúng tôi mới tiếp cận được cây thủy tùng đầu tiên. Anh Hải giới thiệu với chúng tôi về đặc điểm, quá trình phát triển của loài cây này. Vừa đi vừa trò chuyện, mất hai tiếng rưỡi chúng tôi mới tìm hiểu hết 10 cây thủy tùng. Lúc này trời đã nhá nhem tối, đôi chân của chúng tôi đã mỏi rã rời vì lội sình hàng tiếng đồng hồ nên đành phải dừng lại. Trong chuyến đi này, chúng tôi có một kỷ niệm thật là đáng nhớ. Ấy là chuyện, do không quen với việc lội sình lầy nên hai lần phóng viên Dương Giang bị ngã sụp xuống vũng sình sâu, có lần cả người bị lún sâu xuống bùn nhưng Giang cầm máy ảnh giơ cao lên để cho phương tiện tác nghiệp không bị rớt xuống nước. Chuyến đi đó, chúng tôi đã quay phim, chụp ảnh, và có được nhiều thông tin tốt về công tác chăm sóc, bảo vệ loài cây "báu vật" của rừng.

Thấm nhuần tinh thần không ngại khó, ngại khổ, tôi luôn tự răn mình phải không ngừng học hỏi, thâm nhập và am hiểu thực tế, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

Phạm Cường - Cơ quan thường trú trọng điểm Đắk Lắk
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2015