Thứ tư, ngày 03/07/2024

Sổ tay phóng viên

Những nữ phóng viên "ba lô"


(02/04/2015 15:33:28)

Làm báo, trước hết cần có sức khỏe, thể lực để xông pha mọi lúc mọi nơi. Với nữ phóng viên (PV), công cuộc làm báo còn gian nan, vất vả hơn rất nhiều và đương nhiên những "đòi hỏi" thiết yếu với người làm báo cũng phải nhân lên gấp bội phần. Nhưng trở ngại đó không cản được "bước chân" say nghề của những nữ PV thường trú TTXVN. Họ không chỉ viết báo đơn thuần mà đã và đang trở thành những nhà báo đa năng, nhà báo "n trong một", những nữ PV "ba lô" thực thụ.

Hai nữ phóng viên Lan Anh và Thu Hằng, CQTT Thái Nguyên, tác nghiệp tại một sự kiện

Khác biệt đến đặc biệt

Ai cũng bảo nghề báo lắm vất vả và nguy hiểm. Con gái mà làm báo và đi thường trú thì sự gian nan ấy càng nhân lên gấp bội. Do tính chất công việc, PV phải di chuyển đến nhiều địa bàn khác nhau; đặc biệt là những chuyến công tác dài ngày về địa bàn vùng núi, biên giới xa xôi... PV TTXVN thường trú tại tỉnh có một sự "khác biệt đến đặc biệt". Họ không chỉ đơn thuần là một PV viết bài mà còn phải "đóng nhiều vai" khác: PV ảnh, PV truyền hình... Ấy là bởi mô hình tác nghiệp đa phương tiện hiện nay ở tất cả các CQTT trong và ngoài nước của TTXVN, PV phải khoác lên vai rất nhiều trọng trách vừa phải đảm bảo có tin bài, vừa phải có những bức ảnh phản ánh khoảnh khắc quan trọng của sự kiện, lại vừa phải có những tác phẩm truyền hình nóng hổi. Và sự khác biệt này đặt lên đôi vai những nữ PV thường trú nặng gánh hơn. Bởi với "phận liễu" làm báo đã là cả một sự gian truân vất vả với nghề, khi trở thành những nhà báo đa năng, nhà báo "n trong 1" như thế, đối với nữ PV thường trú quả là một thử thách.

Tác nghiệp đa phương tiện là cơ hội để PV thường trú thể hiện bản lĩnh, cũng như niềm đam mê với nghề báo. Tuy nhiên đối với những sự kiện mà CQTT không thể bố trí thêm người hỗ trợ thì PV phải "độc lập tác chiến". Điều này là trở ngại không nhỏ với cánh nữ làm báo. PV Lan Anh, CQTT Thái Nguyên, bộc bạch: Ở những sự kiện có nhiều cơ quan báo chí tham gia, quay phim hầu hết là nam với máy quay lớn, hiện đại. PV thông tấn là nữ, lại sử dụng máy quay dạng "cầm tay", nên có cảm giác yếu thế và ngượng ngùng trong những ngày đầu. Bên cạnh đó, trong nghề báo, việc "chớp" được những khoảnh khắc là cực kỳ quan trọng. Đối với tin, nếu không ghi chép được có thể để điện thoại trong túi ghi âm; song giữa tác nghiệp ảnh và truyền hình thì có những lúc PV bắt buộc phải chọn một, bởi không thể đang quay lại buông máy để chụp ảnh. Nếu muốn "vớt vát" một vài tấm ảnh thì lại phải nhờ đồng nghiệp trông máy quay giúp.

PV thường trú cần sự nhanh nhạy, linh hoạt trong công việc, đặc biệt là khả năng tác nghiệp độc lập. Mức độ khó khăn có thể còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như địa bàn công tác, độ "nóng" của sự kiện... PV Vũ Thị Bắc, CQTT Phú Thọ, tâm sự: Khi tác nghiệp đa phương tiện khó khăn lớn nhất là phải sử dụng cả máy quay, máy ghi âm và máy ảnh cùng lúc. Như ở sự kiện khánh thành một cây cầu, ngoài việc đưa tin văn bản cần có những bức ảnh ghi lại được khoảnh khắc và hoạt động của con người, tin truyền hình cũng vậy. Nhưng khoảnh khắc ấy chỉ diễn ra trong tích tắc, nếu tôi tập trung quay thì gặp khó trong việc chọn đúng "thời điểm vàng" để bấm máy ảnh. Những tình huống ấy đòi hỏi PV phải nhanh nhạy và sử dụng thành thạo các phương tiện tác nghiệp.

Phóng viên Trần Hiền Hạnh, CQTT Nam Định, phỏng vấn người dân trong phóng sự "Tinh hoa làng nghề làm khăn xếp Giáp Nhất, Nam ĐỊnh"

Cũng phải kể đến những khó khăn chẳng hề liên quan đến chuyên môn mà là từ thực tế cuộc sống. Như khi tác nghiệp trong mùa mưa gió bão lũ, các nữ PV "liễu yếu đào tơ" phải chấp nhận việc bản thân có thể bị ướt sũng nhưng máy quay, máy ảnh phải tuyệt đối khô ráo, nếu không thì lấy đâu "trâu" để đi "cày". Tác nghiệp đa phương tiện dường như tạo nên một phong cách rất riêng, rất đặc biệt cho những PV thường trú TTXVN. Đi đâu họ cũng phải mang vác đủ các thiết bị: máy quay, chân máy, máy ảnh, máy tính, máy ghi âm... rất cồng kềnh và nặng tới vài chục kg. Đây là việc không hề dễ dàng với PV nữ, họ tha lôi chẳng khác nào "con chuột tha con mèo". Chưa kể,"phái đẹp" ai cũng thích được diện những bộ đồ nữ tính. Thế nhưng, khi tác nghiệp đa phương tiện, PV nữ phải xốc vác, lăn lộn với sự kiện chẳng khác gì nam giới; vì vậy, việc diện váy trở nên "xa xỉ" - Nguyễn Thị Dung, PV CQTT Quảng Bình chia sẻ.

 

Và ước muốn "có 3 tay"

Như Nguyễn Thị Bắc đã nói, khi một sự kiện đang diễn ra, việc ghi lại được cao trào, những khoảnh khắc "đắt giá" là điều rất quan trọng và cần thiết trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, việc cùng một lúc vừa ghi âm, vừa chụp ảnh và quay hình là rất khó. Chính vì vậy, cánh nữ PV thường trú thường đùa rằng "ước gì mình có 3 tay" để có thể thao tác được tất cả cùng lúc. Đùa nhưng mà lại thể hiện đam mê thật: Lòng yêu nghề mãnh liệt, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trắc trở của họ.

Sự "say nghề" dường như đã ngấm vào máu của những nữ PV thường trú. Họ chấp nhận và vượt qua những khó khăn hay tai nạn trong khi tác nghiệp rất nhẹ nhàng. PV Trần Hiền Hạnh - CQTT Nam Định nhớ lại: Trong đêm khai ấn đền Trần đầu năm 2014, tôi đã có "kỷ niệm" nhớ đời vì phải chịu cảnh chen lấn đến ngạt thở để có thể bảo vệ máy móc của mình nhưng lại không bảo vệ được tài sản cá nhân, toàn bộ túi ví, giấy tờ, tiền bạc đã "không cánh mà bay".

Trải qua mỗi khó khăn, thử thách hay những tai nạn bất ngờ trên đường đi tác nghiệp, đã có những nữ PV ấm ức ngồi khóc "Tại sao mình khổ như thế này?..." Nhưng khi đứng dậy, họ lại "lao" vào nghề như "con thiêu thân". PV Vũ Thị Bắc, CQTT Phú Thọ, chia sẻ: Mỗi sản phẩm được hoàn thành sau khi trải qua bao gian nan thử thách là động lực lớn để tôi gắn bó với nghiệp báo. Làm báo đa năng như hiện nay vất vả, nhưng tôi thấy rất hào hứng vì chính điều đó đã hạn chế bớt cách "làm báo salon" của không ít PV trẻ.

Cũng như Vũ Thị Bắc, hầu hết các nữ PV thường trú có chung tâm sự: Mong muốn được trở thành những PV "ba lô" thực thụ, vượt qua mọi trở ngại trong quá trình tác nghiệp, thao tác được mọi lúc, mọi nơi, sống hết mình với nghề.
 

Trưởng ban Biên tập Tin Trong nước Hà Mai An

Trong hệ thống các CQTT trong nước hiện có 46 PV nữ (trong tổng số 189 PV), trong đó có 4 Trưởng CQTT là nữ (thuộc các CQTT phía Bắc). Nhìn chung, nữ PV các CQTT trong nước đều trẻ, đáp ứng được yêu cầu công tác của ngành, trong đó một số nữ PV khóa 25 có sự trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ. Mặc dù điều kiện công tác tại một số địa phương còn khó khăn do địa bàn rộng, chưa có đủ phương tiện đi lại công tác cơ sở, nhưng chị em luôn phấn đấu tốt hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Các nữ PV tại CQTT Phú Thọ, Thanh Hóa, quảng Bình, Quảng Ngãi... đã thể hiện được vai trò khi tham gia thông tin các sự kiện quan trọng trên địa bàn...

Khi tuyển vào TTXVN, cũng như các PV khác, nữ PV được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, với các loại hình thông tin đa phương tiện, nên phần lớn có khả năng tác nghiệp theo yêu cầu công tác. Tuy nhiên, nữ PV thường trú cần nâng cao khả năng tiếp cận, thẩm định thông tin, trau dồi kỹ năng thể hiện thông tin để thông tin thông tấn không chỉ nhanh nhạy, chuẩn xác mà ngày càng phong phú, đa dạng, hấp dẫn, có sự lan tỏa. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng thêm về kỹ năng, phương thức tác nghiệp khi làm thông tin truyền hình.

Theo Nội san Thông tấn, số 3/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Mười xu hướng công nghệ sẽ làm thay đổi cách thức làm báo (13/02/2015 16:33:56)

RapNewsPlus: Thành công đến từ sự học hỏi không ngừng (13/02/2015 16:11:43)

Về một bài báo...không phải đăng (13/02/2015 16:06:33)

Đến lúc chúng tôi và chúng ta cần thay đổi (13/02/2015 15:53:56)

Về việc sử dụng phù hiệu cài áo có logo TTXVN (08/01/2015 13:19:52)

Tình yêu biển đảo trong tôi (08/01/2015 10:06:17)

Sửa tin "mạng trong- mạng ngoài": Những điều cần biết (04/12/2014 11:50:14)

Phũ với công trình phụ (04/12/2014 11:46:04)

Tự phân vùng và cài đặt Windows cho máy tính qua cổng USB và Internet (31/10/2014 11:05:58)

Một nửa của thế giới, quá nửa của Tin tức chúng tôi (31/10/2014 10:27:24)