Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Sổ tay phóng viên

Về một bài báo...không phải đăng


(13/02/2015 16:06:33)

Thông thường, tin bài không đến được với bạn đọc, người làm báo sẽ buồn. Nhưng nhà báo Bùi Văn Doanh (ảnh), Tổng biên tập tạp chí Khoa học & Công nghệ lại có câu chuyện hy hữu trong nghề cầm bút của mình: Bài viết rồi nhưng may mắn không phải đăng!

Một điều hiển nhiên: Viết báo là để đăng, phát; tác phẩm, sản phẩm báo chí phải đến được với bạn đọc thì mới thực hiện được sứ mệnh truyền tải thông tin của mình. Ai viết báo cũng đều muốn bài viết của mình được đăng, phát. Ấy vậy mà, tôi lại có một kỷ niệm khi viết một bài báo nhưng may mắn... không phải đăng.

Dạo ấy là vào cuối tháng 5/2006, ông Hoàng Minh Chính ngày càng ráo riết xúc tiến cho cái gọi là "phục hoạt đảng Dân chủ". Thế rồi, nhân Quốc khánh Italia (2/6/1946), Đại sứ quán nước này tại Việt Nam có kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm vào tối 1/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và có mời "nhóm chống đối" của Hoàng Minh Chính dự. Tất nhiên, trong buổi lễ đó sẽ có đông đảo các nhà ngoại giao và phóng viên nước ngoài. Vì vậy, các cơ quan chức năng lường trước khả năng có thể Hoàng Minh Chính sẽ cướp diễn đàn, tuyên bố phục hoạt đảng Dân chủ. Nhân đó, một số nhà ngoại giao nước ngoài sẽ lên tiếng công nhận và phóng viên nước ngoài sẽ đưa tin, "làm lớn" chuyện này trước dư luận thế giới. Cùng với các phương án của các cơ quan, lực lượng chức năng, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) chỉ đạo TTXVN chuẩn bị sẵn để nếu tình huống xấu xảy ra thì sáng hôm sau có bài phản ứng kịp thời, vạch trần chân tướng sự việc để nhân dân trong nước và dư luận thế giới thấy được bộ mặt thật của Hoàng Minh Chính trong việc "phục hoạt đảng Dân chủ".

Sáng 1/6, sau khi giao ban cơ quan xong, Phó Tổng giám đốc Trần Mai Hưởng triệu tập "nhóm viết bài phản hồi" của cơ quan để triển khai nhiệm vụ. Công việc rất khẩn trương. Để có bài viết theo đúng chỉ đạo trong thời gian ngắn nhất cần huy động sức mạnh tổng thể của các đơn vị trong cơ quan, đặc biệt trong việc chuẩn bị thông tin, tư liệu... là khâu quan trọng nhất. Tôi được giao nhiệm vụ chắp bút viết bài.

Sau khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị xong (chủ yếu là Ban tin Trong nước, Ban tin Thế giới, Trung tâm tư liệu, Ban tin Đối ngoại, Văn phòng B2...), anh Trần Mai Hưởng trực tiếp trao đổi với tôi về tinh thần bài viết. Cái khó trong việc thực hiện bài phản hồi này không phải chỉ là bảo đảm đúng đường lối, lập trường, quan điểm của Đảng mà là viết làm sao cho thấu tình đạt lý, làm cho bạn đọc, nhất là dư luận quốc tế tâm phục khẩu phục, hiểu đúng bản chất sự việc, thấy được bộ mặt thật của Hoàng Minh Chính, chí ít cũng không cho là ta "nói lấy được". Sau đó, anh Hưởng còn gợi ý mà cũng là "đặt hàng" bằng cách "ra đầu bài" hết sức cụ thể với tít bài là "Trò khiêu khích của những kẻ giả danh".

 Ngay sau đó, Trung tâm Tư liệu, Ban thông tin Đối ngoại, Ban tin Thế giới... đã cung cấp những tư liệu, bài báo liên quan đến vấn đề này và nhân vật Hoàng Minh Chính. Đặc biệt, anh Hà Huy Hiệp ở B2 đã gặp, phỏng vấn Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng - nguyên là thành viên sáng lập ra Đảng Dân chủ năm 1944 và Uỷ viên Trung ương của Đảng Dân chủ; ông Huỳnh Văn Tiểng, nguyên Uỷ viên Trung ương đảng Dân chủ chân chính trước đây... rồi gửi thông tin về Tổng xã. Sau khi nhận được đầy đủ thông tin và tư liệu, tôi bắt tay vào viết bài ngay. Tôi chỉ là người thực hiện bài viết mà thôi còn toàn bộ chất "bột" để "gột nên hồ" là do các đơn vị trong cơ quan TTXVN cung cấp, cùng với một số tài liệu mật do cơ quan chức năng cung cấp.

Bám vào định hướng, tôi xác định cần tập trung làm rõ ba nội dung là: Ông Chính nhân danh ai, "dân chủ" như thế nào và thực chất ông ta muốn gì? Tôi cũng xác định trong phân tích, chứng minh và lập luận cần bám vào chính những lời nói, việc làm của ông Hoàng Minh Chính và nhất là cái gọi là "Dự thảo Điều lệ Đảng Dân chủ Việt Nam" của ông Chính... Có như vậy mới lột trần được bộ mặt thật của Hoàng Minh Chính, sự giả dối, trò lừa đảo và dã tâm của ông ta. Như vậy, bài viết sẽ khách quan hơn, tránh được cái mà những bài phản hồi, đấu tranh tư tưởng hay mắc phải là "nói lấy được", áp đặt chủ quan, thiên kiến của ta nên thiếu sức thuyết phục. Lúc này, công việc dễ dàng hơn rất nhiều và bài viết nhanh chóng hoàn thành. Ngay sau đó, tôi chuyển bài cho anh Trần Mai Hưởng. Anh Hưởng sửa lại một số chỗ quan trọng và sửa lại tít thành "Trò khiêu khích của một kẻ giả danh" rồi chuyển lên Ban Tư tưởng - Văn hóa. Sau đó, tôi được thông báo lãnh đạo Ban đã thông qua và đánh giá bài viết tốt.

Tất cả đã sẵn sàng trên mặt trận tư tưởng để đối phó với tình huống xấu. Rất may là việc cướp diễn đàn tuyên bố phục hoạt đảng Dân chủ của ông Hoàng Minh Chính đã không xảy ra, vì thế mà bài báo được viết nên bởi công sức của cả một tập thể mãi mãi được nằm trong ngăn bàn, không phải... đăng. Riêng tôi qua việc này rút ra được bài học trong việc viết bài phản hồi đó là tính chủ động trong chỉ đạo thông tin, sự phối hợp của các cơ quan đơn vị, tính tư tưởng trong việc bám sát định hướng nhưng khi viết phải có sự luận giải khách quan, có lý có tình, tránh "nói lấy được" thì đấu tranh tư tưởng mới có hiệu quả.

Ngày Xuân nhân lúc trà dư tửu hậu, xin ôn lại kỷ niệm nhỏ về bài báo... không phải đăng ngày ấy, để thấy được công sức của cả một tập thể, sự hoạt động của cả guồng máy trong một sản phẩm thông tin của ngành, và cũng là một kinh nghiệm có thể tham khảo.

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2015