Thứ năm, ngày 25/04/2024

Sổ tay phóng viên

Một nửa của thế giới, quá nửa của Tin tức chúng tôi


(31/10/2014 10:27:24)

Cách đây ít lâu, có một chuyện làm tòa soạn Tin Tức xôn xao. Ấy là chuyện một nữ nhân viên Phòng Thư ký tòa soạn, đi làm về lúc nửa đêm, vừa mở cửa nhà thì bị một tên cướp đe dọa. May mà bà mẹ chồng xuất hiện đúng lúc.... Chuyện này làm dấy lên mối quan tâm - vốn canh cánh trong cán bộ công nhân viên tòa soạn - về những vất vả của lao động nữ. Vẫn biết rằng, đã làm báo ngày thì đừng mong thảnh thơi, nam nữ gì cũng vậy. Nhưng với "phái yếu", gánh nặng thực là... nặng.

Nữ phóng viên Tin Tức nơi đầu sóng ngọn gió...

1. Khi tôi ngẩng lên nhìn ra ngoài, bóng tối đã bắt đầu lan dần trên những ô cửa kính của tầng 7, phòng số 1, nhà số 5 Lý Thường Kiệt. Đồng hồ đã chỉ 18 giờ. Nhìn xung quanh, mọi người, trong đó khá đông là phụ nữ, vẫn miệt mài với công việc. Vào cái giờ phần đông phụ nữ đang ở trong căn bếp, chăm lo bữa tối cho gia đình, thì chị em Tin Tức vẫn cắm cúi với máy tính hoặc giấy bút, lo cho số báo sắp "ra lò".

Vâng, biết thế, nhưng với công việc tại một tòa soạn báo ngày, có ai về sớm hơn 18 giờ 30 được - với ca chiều và 23 giờ 30 - với ca tối. Đó là những "cao điểm" của quy trình làm báo. 18 giờ 30 là cao điểm để hoàn tất mọi bài vở, lên trang. 23 giờ 30 là cao điểm để hoàn thiện những trang PDF và "bắn" xuống nhà in, để sáng mai tờ báo tới tay độc giả.

Tòa soạn báo ngày có thời gian biểu rất riêng. Sau những họp hành, gặp gỡ và phỏng vấn buổi sáng, từ 13 giờ 30 tòa soạn bắt đầu vào giờ làm việc. Nhưng nhiều cuộc họp, sự kiện tận 17 giờ, 18 giờ mới diễn ra, thậm chí là 20 giờ, nên bài vở muộn là thường xuyên, PV làm việc muộn là thường xuyên. Tin bài muộn, đồng nghĩa với lãnh đạo phòng, lãnh đạo tòa soạn sẽ phải chờ để duyệt muộn. Lắm khi có những sự kiện đặc biệt, như khai mạc, bế mạc World Cup 2014 vừa rồi, do chênh lệch giờ, phải tới 23 giờ chúng tôi mới xong bài thể thao, qua các công đoạn biên tập, duyệt... xong xuôi thì đã sang ngày mới...

Phòng Văn hóa thể thao của tôi, 7/10 là nữ. Chúng tôi phụ trách chuyên trang dân tộc- trang quan trọng của tờ báo. Để "đồng bào" hiểu về kinh nghiệm làm ăn, về chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng tôi phải diễn đạt sao cho dễ hiểu, lại phải hấp dẫn, rồi tìm đề tài cho sát thực tế, cho hay... PV phải đến tận địa bàn xa xôi, lăn lộn với đồng bào. Họp phòng, dù yêu nhau lắm vẫn phải nghiêm mặt yêu cầu, tuần sau làm cho tốt hơn nữa. May, ai cũng hiểu mọi tranh cãi, mọi chỉnh lý đều là vì công việc, vì cái chung cả, nên xong thì vẫn vui.

 

2. Tôi ngước nhìn sang phòng đối diện, phòng Kinh tế - Chính trị, cả hai lãnh đạo phòng đều là nữ, vẫn đang ngồi yên vị. Phó phòng Trương Thị Xuân Phong thì trao đổi công việc với PV Thu Phương về kỳ họp Quốc hội sắp tới, chị sẽ làm gì, em sẽ làm gì; trong khi "biết thừa" là ở nhà bà ngoại đang phải đánh vật với hai đứa trẻ lít nhít, nào tắm rửa, nào cho ăn. Về sao được khi cuộc họp phòng vừa kết thúc, dự kiến thông tin cả tuần tới vẫn chưa xong, với lại còn canh cánh trong lòng về kỳ họp Quốc hội lần này, theo chỉ đạo của "sếp" cách làm sẽ phải đổi mới, sát sườn hơn, nhưng cũng phải hấp dẫn hơn.

Như không nghe thấy mọi thông tin xung quanh, nữ trưởng phòng Trần Thu Hường đang chúi đầu vào những trang giấy. Tin bài nội chính phải cẩn trọng. Bài này xong, lại tới bài kia... Đang làm, chợt nhớ ra, vội gọi cho chồng: "Anh đặt hộ em nồi cơm nhé". Rồi lại mải mốt với gạch, xóa, sửa, thêm bớt.

 

3. Phòng Quốc tế, trưởng phòng là nam, hai phó là nữ, thêm kha khá nữ trong phòng. Là phòng Quốc tế, nhưng lại kiêm nhiệm thêm cả báo điện tử baotintuc.vn, nên gần như không có ngày nghỉ, nam nữ gì cũng thế. Trong công việc, nam nữ bình đẳng thôi, ai chả phải có cuộc sống cá nhân, sao mà tính chuyện nam nhường nữ, lại còn nhường triền miên được. Hai nữ phó phòng Hồng Hạnh và Thu Hằng- cứ cách một tuần có một thứ bảy được nghỉ để dành cho con cái. Còn thì, tuần nào cũng vài tối 23 giờ 30 mới về, rồi thứ bảy trực web, chủ nhật trực báo giấy. Đôi khi chỉ ao ước không phải nửa đêm về sáng mới về tới nhà, chồng con đã ngủ say, rón rén chui vào chăn, quá giấc khó ngủ nên cắm tai nghe vào nghe nhạc một mình giữa đêm.

 

4. Phòng cuối cùng tôi nhắc tới là phòng Thư ký tòa soạn, ấy là phòng phải miệt mài trực tối triền miên, mà trong đó không ít người là mẹ, là vợ, thậm chí đã lên chức bà. Các nhân viên mi trang, đọc dò làm ca tối thường kết thúc công việc vào 23- 24 giờ. Vậy mới có chuyện nữ nhân viên gặp cướp. Còn kỹ thuật viên Nguyễn Thị Hà kể: Chồng em giờ biết ru con giỏi hơn cả em, đêm nào cũng hai bố con ôm nhau ngủ. Chị Trần Thị Thành đã là bà nội, ngoài lo toan cho chồng và con trai út, còn bận tâm cả tới gia đình của con trai cả và đứa cháu nhỏ, nên đôi khi, giữa hai ca trực, lúc nhá nhem 19 giờ, lại đi xe ôm về thăm con cháu. Tòa soạn đã quen với hình ảnh chị Trần Nam Hương ôm một bọc bánh mì và pate đến cơ quan, vừa để đảm bảo bữa ăn cho chế độ "bệnh nhân thận" của chị, vừa hỗ trợ anh em trong phòng khi đã tới giờ cơm chiều, nhưng chưa hết ca.

 

5. May mà các chị em trong tòa soạn, ngoài những phút vất vả, vẫn biết "tự lo" cho mình để trông vẫn thời trang, xinh đẹp. May mà với sự tâm lý của Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, chị em (cùng với anh em), lại có những bữa liên hoan, những cuộc hát hò quên cả mệt. May mà ở tòa soạn Tin Tức, cùng với những vất vả, căng thẳng, vẫn đầy tiếng cười.

Tự mang lại hạnh phúc cho nhau, nên dù làm việc đêm hôm, có quá giờ ra chợ, có nhiều bữa phải "rinh" cả nhà ra ăn cơm bụi, có nhiều khi hết giờ làm chỉ muốn ngã vật ra một cái giường, ngủ mê mệt, thay vì phải đi cả chục cây số về nhà (vì ở tận Đông Anh, Cổ Nhuế...) vẫn thấy đó là công việc của mình, là nghề nghiệp của mình, đó là mình đang hòa trong dòng chảy của tòa soạn, nên vẫn miệt mài, miệt mài- mệt rồi khỏe, cáu kỉnh rồi lại vui, chán rồi lại hào hứng- để mỗi ngày, một tờ báo ra đời.

 

Tòa soạn có hơn 60 người, thì 35 thuộc phái nữ, trong đó có 11 người là cán bộ quản lý. Có những phòng cả hai "sếp’ đều là nữ. Phái yếu của báo Tin Tức không hề "yếu" chút nào!

Theo Nội san Thông tấn, số 10/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Dấn thân để có tác phẩm hay (05/09/2014 15:19:08)

Ấn tượng khó quên ở Brazil (31/07/2014 10:12:36)

Trưởng thành từ thực tế tác nghiệp (31/07/2014 09:53:50)

Nghề báo tôi yêu (01/07/2014 10:51:33)

Bảy ngày đêm hứng phong ba (01/07/2014 10:06:34)

Thiêng liêng Hoàng Sa (01/07/2014 09:59:22)

Vượt đại ngàn theo tiếng gọi đất nông lâm trường (30/05/2014 15:09:59)

Trong số báo này, Nội san Thông tấn mời độc giả nghe hai tác giả đoạt giải A Giải báo chí TTXVN 2013 kể về "hậu trường" tác nghiệp các tác phẩm vừa được vinh danh: Khát cùng Tây Nguyên (30/05/2014 14:59:13)

Lần đầu làm phim tại nước Mỹ (06/05/2014 10:17:17)

Đỉn xùn trân văng biển Tây Nam của Tổ quốc (06/05/2014 10:09:41)