Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Sổ tay phóng viên

Ấn tượng khó quên ở Brazil


(31/07/2014 10:12:36)

PV Phạm Tuấn Đạt (cầm micro) và PV Đức Lộc tại sân vận động Maracana

Đoàn phóng viên TTXVN được cử đi đưa tin tại World Cup 2014 ở Brazil gồm 4 người, lực lượng hùng hậu thứ hai trong khối báo chí Việt Nam (chỉ sau đơn vị có bản quyền truyền hình trực tiếp các trận đấu World Cup- Đài Truyền hình Việt Nam). Tôi và nhà báo Trương Anh Ngọc làm nhiệm vụ ở ba thành phố Rio de Janeiro, Belo Horizonte và Salvador, còn nhóm hai nhà báo Phạm Tuấn Đạt và Nguyễn Đức Lộc phụ trách Sao Paolo, Brasilia và Curitiba.

Có thể nói, ấn tượng lớn nhất của chúng tôi về Brazil là một đất nước đẹp đẽ, người dân tốt bụng và rất dễ mến. Điều đó khiến cho hơn 30 ngày chúng tôi tác nghiệp ở đây trôi qua khá nhanh và thoải mái, dù công việc không hề nhẹ nhàng.

 

Các PV (từ trái qua): Nguyễn Đức Lộc, Vũ Anh Tú, Trương Anh Ngọc tại SVĐ Maracana nơi diễn ra trận chung kết World Cup 2014, ngày 14/7/2014

Khám phá "ổ chuột"

Với cá nhân tôi, dù đã có khá nhiều chuyến đi từ châu Âu đến châu Á, đã tác nghiệp tại nhiều giải đấu như Euro, SEA Games hay AFF Cup, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Nam Mỹ. Nỗi lo lắng về một đất nước có tỉ lệ tội phạm thuộc loại cao nhất thế giới nhanh chóng được giải tỏa, khi ngay những ngày đầu tiên làm việc, chúng tôi đã được những người Brazil thân thiện giúp đỡ.

"Các anh cất máy ảnh vào túi đi, và đi đến chỗ nào cũng nhìn trước ngó sau nhé", một anh bạn Brazil tên Campo nói với tôi khi biết chúng tôi chuẩn bị đến Rocinha- khu ổ chuột lớn nhất ở Rio de Janeiro với khoảng 70.000 người nghèo sinh sống. Đến các khu ổ chuột (ở đây gọi là favela) tức là vào chỗ nguy hiểm. Trước World Cup, tháng nào ở các khu này cũng có những vụ nổ súng và chết người. Nhưng đã đến Brazil, chúng tôi không thể không tới đây, vì các favela chính là một nét văn hóa, một phần cuộc sống của Brazil.

May mắn thay, cuối cùng chúng tôi đã trở về an toàn. Trong dịp World Cup này, các cảnh sát được bố trí đông hơn, họ và các tội phạm vẫn gằm ghè nhau trong favela, nhưng trừ một vụ nổ súng ở Vila Isabel, hầu như không có vụ va chạm nào lớn xảy ra. Không kể những kẻ buôn ma túy, những người dân ở các khu ổ chuột khá dễ mến, thậm chí là hiền lành và tốt bụng, chứ không đáng sợ như người ta nghĩ. Và thế là chúng tôi thực hiện được tới ba phóng sự truyền hình và hàng chục bài viết về các favela nổi tiếng nhất ở đây, như Vila Perreira da Silva, Rocinha, và Santa Marta.

PV Vũ Anh Tú phải nhờ cổ động viên cầm máy quay hộ để đứng dẫn hiện trường

Sau thất bại của đội tuyển Brazil ở bán kết, rất nhiều người lo sợ các cổ động viên nước chủ nhà sẽ làm loạn và sẽ có bạo động giống như tại Confed Cup một năm trước, nhưng lần này không có chuyện gì lớn xảy ra, ngoài một vài vụ va chạm ở Sao Paolo.

Tuy thế, những chuyến đi không phải không có hiểm nguy. Tôi và PV Trương Anh Ngọc có một kỉ niệm đáng nhớ ở thành phố Belo Horizonte. Buổi tối khi chúng tôi đi dọc một con phố trung tâm bỗng thấy cảnh sát ập tới, gí súng vào đầu và kiểm tra giấy tờ một đám thanh niên. Chắc đó là những kẻ buôn bán ma túy, đã bị cảnh sát theo dõi. Chúng tôi hú vía, nếu đi sâu thêm một chút nữa, có thể đã có chuyện. Ở đây người dân vẫn khuyên người lạ không nên ra đường vào buổi tối!

Phóng viên "n trong 1"

Nhưng nếu không ra đường thì không có chất liệu để viết bài và làm phóng sự truyền hình. Đợt công tác này, chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ "n trong 1", vừa làm truyền hình, vừa chụp ảnh, vừa làm báo in và viết tin dịch vụ cho cơ quan. Có nhiều ngày, tôi và anh Ngọc phải chia nhau, một người lo tác nghiệp trong sân vận động, một người ở ngoài sân, thực hiện phóng sự bên lề. Có thẻ phóng viên ảnh, nên khi trận đấu diễn ra, tôi được vào sân ghi hình cầu thủ và cổ động viên. Những khi đó, anh Ngọc ra các Fan Fest (khu vực các cổ động viên họp mặt) dọc bãi biển, đến những khu ổ chuột hay địa điểm dành cho những người dân nghèo xem bóng đá. Vì chỉ tác nghiệp một mình, nên những lúc cần dẫn hiện trường, chúng tôi phải nhờ đến cổ động viên cầm máy quay hộ. Có lẽ cả kì World Cup này, chỉ có phóng viên TTXVN làm như vậy.

      

Vũ Anh Tú và Trương Anh Ngọc với một gia đình người Brazil

Những người Brazil đáng yêu

Công việc mệt mỏi và khá nặng nhọc, nhưng niềm vui của chúng tôi chính là sự nhiệt tình giúp đỡ của những người dân Brazil. Tôi không thể quên bà Oneida, tuy đã 70 tuổi nhưng vô cùng đam mê bóng đá. Bà đón tiếp nồng hậu khi chúng tôi đến nhà để ghi hình bà và cả gia đình xem trận đấu của đội tuyển Brazil. Khi ra về, mỗi người chúng tôi còn được tặng một chiếc vòng buộc cổ tay màu vàng với lời chúc "Hãy giữ nó đến hết giải để lúc nào cũng may mắn".

Bà chủ cho chúng tôi thuê nhà, Graca, cũng là một người tốt tính và mê bóng đá. Bà không bỏ lỡ một kì World Cup nào. Không khí trong nhà lúc nào cũng vui như hội vì bà hò reo, cổ vũ cho mọi đội bóng. Ông chủ khách sạn Magnata ở Belo Horizonte, anh Yamanishi, một người Brazil gốc Nhật chúng tôi gặp ở nghĩa trang Morumbi khi thực hiện phóng sự về Ayrton Senna đều là những người tốt bụng ấy. Nhờ họ mà chúng tôi đã có chuyến công tác thành công.

Brazil - quốc gia "đẹp đất đẹp người"! Ngay khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh kết thúc, chưa về nước mà chúng tôi đã cảm thấy nhớ nơi này.

Vũ Tú - Báo Thể thao&Văn hóa
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trưởng thành từ thực tế tác nghiệp (31/07/2014 09:53:50)

Nghề báo tôi yêu (01/07/2014 10:51:33)

Bảy ngày đêm hứng phong ba (01/07/2014 10:06:34)

Thiêng liêng Hoàng Sa (01/07/2014 09:59:22)

Vượt đại ngàn theo tiếng gọi đất nông lâm trường (30/05/2014 15:09:59)

Trong số báo này, Nội san Thông tấn mời độc giả nghe hai tác giả đoạt giải A Giải báo chí TTXVN 2013 kể về "hậu trường" tác nghiệp các tác phẩm vừa được vinh danh: Khát cùng Tây Nguyên (30/05/2014 14:59:13)

Lần đầu làm phim tại nước Mỹ (06/05/2014 10:17:17)

Đỉn xùn trân văng biển Tây Nam của Tổ quốc (06/05/2014 10:09:41)

Đi một ngày đàng... (01/04/2014 10:40:36)

Nhớ Yangon... (11/02/2014 15:42:06)