Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Sổ tay phóng viên

Trưởng thành từ thực tế tác nghiệp


(31/07/2014 09:53:50)

Trong Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất (diễn ra từ 25 đến 29/4 tại Bạc Liêu) Cơ quan thường trú (CQTT) Bạc Liêu đã thực hiện được hơn 40 tin, bài và tin, phóng sự truyền hình, phản ánh tất cả các hoạt động của Festival. Con số này, có lẽ không nhiều hơn các cơ quan báo chí địa phương, nhưng với một đơn vị chỉ có hai nhân sự, Trưởng CQTT Quách Cao Thăng và tôi - phóng viên mới về nhận nhiệm vụ tại CQTT chưa đầy nửa năm, thì đó là một nỗ lực không nhỏ.

Tác nghiệp tại công  trường xây dựng công trình chuẩn bị cho Festival
Lâu lắm rồi, Bạc Liêu mới có một sự kiện lớn, mang tầm quốc gia là Festival Đờn ca tài tử. Nhận thức được tầm quan trọng của sự kiện, ngay từ đầu tháng 4, CQTT Bạc Liêu đã bắt đầu thông tin về các công tác chuẩn bị cho Festival. Khi sự kiện diễn ra, Trưởng CQTT đã họp, xác định những tin, bài cần thực hiện trong đợt thông tin này, sau đó chú cháu tôi ("sếp" Quách Cao Thăng lớn tuổi hơn tôi rất nhiều nên tôi chọn cách xưng hô này cho gần gũi) phân công nhau làm nhiệm vụ. Có hơn 30 hoạt động diễn ra trong 5 ngày Festival, ngày nhiều nhất có đến 9 hoạt động xuyên suốt từ sáng đến tối, có những sự kiện chỉ cách nhau 30 phút. Để có thể đảm bảo thông tin nhanh chóng, kịp thời, hai chú cháu phải tính toán kỹ lưỡng về thời gian, địa điểm diễn ra các hoạt động, đề ra lịch tham dự sự kiện thật hợp lý để sau đó có thể về cơ quan làm tin và phát ngay về Tổng xã, rồi tiếp tục đi đưa tin về sự kiện khác.

Ngoài thông tin văn bản và ảnh, tôi được phân công đảm nhận phần tin truyền trình. Công việc khá vất vả, bởi mỗi khi ghi hình xong một hoạt động tôi lại phải về cơ quan để viết text và dựng hình gửi cho Truyền hình Thông tấn; nhưng do đã được học tập và rèn luyện để trở thành PV đa năng trong những ngày tham gia khóa học K27 nên dù là lần đầu tiên tác nghiệp tại một sự kiện lớn, tôi đã tránh được bỡ ngỡ và bị động.

Ai cũng biết, để làm tin truyền hình, nếu có hai người, người này ghi hình, người kia theo dõi thông tin và tranh thủ viết text, thì rất thuận lợi, tiết kiệm được thời gian. Nhưng với điều kiện nhân lực của các CQTT tại địa phương thì điều đó khó khả thi. Có một kỷ niệm vui khi tác nghiệp tại Festival đờn ca tài tử làm tôi nhớ mãi. Một đồng nghiệp là quay phim của Đài truyền hình Bạc Liêu đã hỏi tôi: "Sao sự kiện nào cũng thấy em hết vậy? Bên Đài, kíp nào cũng có quay phim với phóng viên mà còn thấy mệt". Tôi không do dự trả lời: "Anh ơi, phóng viên TTXVN là phải vậy đó". Quả thực, việc tác nghiệp "3 trong 1" đã tạo nên bản lĩnh cho các phóng viên thông tấn thường trú ở địa phương. Riêng tại Bạc Liêu, chúng tôi có thể tự hào rằng điều đó đã góp phần tạo nên "thương hiệu" cho TTXVN.

Cũng nhờ Fesstival đờn ca tài tử, tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm nghề nghiệp. Điều đầu tiên là các phóng viên mới về CQTT nên nhanh chóng làm quen với các đồng nghiệp ở báo, đài địa phương để nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong quá trình tác nghiệp. Đặc biệt trong các sự kiện lớn mà PV thông tấn phải tác nghiệp một mình thì những mối quan hệ này vô cùng hữu ích.

 
Điều thứ hai là đến sự kiện nào PV cũng phải quan sát để nhanh chóng tìm những vị trí tốt nhất đặt máy quay. Sự kiện càng lớn, càng đông phóng viên tham dự thì sự cạnh tranh càng cao. Do đó, cần đến sớm để quan sát, tìm chỗ tốt nhất để ghi hình. Trong Festival vừa qua, một số sự kiện có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phần hình ảnh chỉ đơn vị truyền hình trực tiếp được ưu tiên, còn các cơ quan báo chí khác được bố trí tác nghiệp ở hai bên, cách rất xa sân khấu chính, máy quay thì khả năng zoom có hạn nên khó có được hình ảnh đẹp. Vậy phải làm thế nào? Tôi thấy, thay vì phản ứng với lực lượng cảnh vệ thì nên thuyết phục họ, nói rõ nhiệm vụ đang làm và xin được vào quay hình, lúc sự kiện trên sân khấu chưa diễn ra. Với kỹ năng tốt, một phút là quá đủ.

Một kinh nghiệm nho nhỏ nữa là nên thu thập thông tin, xin kịch bản, bài phát biểu để viết sườn tin trước, khi ghi hình xong về, việc viết text sẽ nhanh hơn. Nếu kịch bản có thay đổi thì chỉ cần chỉnh sửa lại.

Trên đây là một số kinh nghiệm mà tôi đã rút ra được sau lần đầu tiên tác nghiệp tại một sự kiện lớn. Còn rất nhiều điều mà phóng viên trẻ như tôi cần phải học để có thể vững vàng, tự tin tác nghiệp một mình và cũng để có thể tự hào khi là một phóng viên "3 trong 1" của TTXVN.
 

Mấy năm gần đây, do công tác thi tuyển PV kỹ càng nên đã tuyển chọn được PV "đầu vào" đáp ứng các yêu cầu của TTXVN. Một điều nữa cũng rất hay, đó là các PV sau khi trúng tuyển đều phải học qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn rồi mới đi thường trú ở các địa phương. Có xuất phát điểm tốt, lại được trang bị kiến thức chuyên ngành, cộng với sức trẻ, nên các PV này đã tiếp cận khá nhanh với công việc. PV Nguyễn Thanh Liêm là một trong số PV trẻ tăng cường cho các CQTT. Qua hơn 8 tháng làm việc tại Bạc Liêu, Liêm đã tỏ rõ niềm đam mê nghề nghiệp, thành thạo trong tác nghiệp các loại hình thông tin mới, góp phần cùng CQTT hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

(Nhà báo Quách Cao Thăng, Trưởng CQTT Bạc Liêu)

Theo Nội san Thông tấn, số 7/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nghề báo tôi yêu (01/07/2014 10:51:33)

Bảy ngày đêm hứng phong ba (01/07/2014 10:06:34)

Thiêng liêng Hoàng Sa (01/07/2014 09:59:22)

Vượt đại ngàn theo tiếng gọi đất nông lâm trường (30/05/2014 15:09:59)

Trong số báo này, Nội san Thông tấn mời độc giả nghe hai tác giả đoạt giải A Giải báo chí TTXVN 2013 kể về "hậu trường" tác nghiệp các tác phẩm vừa được vinh danh: Khát cùng Tây Nguyên (30/05/2014 14:59:13)

Lần đầu làm phim tại nước Mỹ (06/05/2014 10:17:17)

Đỉn xùn trân văng biển Tây Nam của Tổ quốc (06/05/2014 10:09:41)

Đi một ngày đàng... (01/04/2014 10:40:36)

Nhớ Yangon... (11/02/2014 15:42:06)

Cơ hội để tích lũy kinh nghiệm và vốn sống (11/02/2014 10:05:52)