Thứ năm, ngày 28/03/2024

Sổ tay phóng viên

Dấn thân để có tác phẩm hay


(05/09/2014 15:19:08)

Bình Dương là địa phương công nghiệp phát triển, sản xuất sôi động, đời sống xã hội, công nhân tại các khu công nghiệp khá phong phú, nên có thể gọi đây là "mảnh đất màu mỡ" cho báo chí khai thác. Với lợi thế đó, thời gian qua, Cơ quan thường trú (CQTT) Bình Dương đã bám sát địa bàn, thường xuyên theo dõi, thông tin kịp thời về các sự kiện bằng cả ba loại hình: Tin, ảnh và truyền hình. "Công nghệ phù phép tái chế xác bã trà thành trà khô nguyên chất" là phóng sự điều tra truyền hình "đầu tay" của chúng tôi.

Cần nhất phải là say nghề

Thực hiện phóng sự này, tôi gặp khá nhiều khó khăn. Đơn cử như việc xâm nhập vào khu tái chế bã trà, dù tôi đã lên kế hoạch khá tỉ mỉ nhưng khi làm thật thì rất khó. Ban đầu tôi quay lén, nhưng như thế thì chỉ ghi hình được bề ngoài quá trình tái chế chứ không thể biết nguồn ngọn bên trong ra sao. Sau một thời gian bám hiện trường, tôi tìm cách để được Trưởng Khu phố (cũng là cán bộ phường Bình Hòa, thị xã Thuận An) hỗ trợ. Vào vai "tìm hiểu về công tác xã hội tại khu văn hóa phường Bình Hòa", đi cùng Trưởng Khu phố, nên tôi có thể tới thẳng lò tái chế để ghi hình cuộc trò chuyện với các công nhân ở đây.

Trong quá trình tìm hiểu, nhiều sự thật khiến tôi giật mình: "Lò" này thu mua xác trà thải của các công ty nước giải khát (sản xuất Trà xanh không độ và C2) để "hô biến" thành trà khô hảo hạng. Thực chất "Nước giải khát trà xanh" được quảng cáo rầm rộ, nhan nhản khắp nơi, không được làm từ trà xanh nguyên chất như lời nhà sản xuất mà họ mua trà khô về nấu, vắt nước cốt để sản xuất ra... nước trà xanh. Bã trà, sau khi bị vắt hết nước cốt, lại được thu gom, đem về phơi khô, sau đó đưa vào lò tái chế. Sau nhiều công đoạn "hóa kiếp" xác trà trở lại thành trà khô, do được "bắn" thêm hương liệu, nên người tiêu dùng rất khó phân biệt thật - giả.

Trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương, nơi có trụ sở Cơ quan thường trú TTXVN

Điều tôi tâm đắc trong quá trình làm phóng sự điều tra này, là thu thập được những hình ảnh chân thực toàn cảnh về khu tái chế cùng những lời kể rõ ràng của các công nhân. Sự việc còn thú vị hơn, ông Trưởng Khu phố, khi đi cùng tôi, chứng kiến mọi chuyện, đã điện thoại báo cáo với cấp trên về hoạt động trái phép của lò tái chế bã trà. Sau đó, ông cũng trao đổi qua điện thoại với chủ lò tái chế. Tuy nhiên, tay chủ lò cậy có quen biết mật thiết với quản lý thị trường thị xã Thuận An nên tỏ ra thách thức. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tôi đã ghi lại cuộc "điện đàm" này để đưa vào phóng sự, tăng được hiệu ứng cho tác phẩm truyền hình.

Tuy vậy, tôi cũng vẫn có những tiếc nuối. Mặc dù sau khi được Truyền hình thông tấn phát sóng, phóng sự đã gây hiệu ứng tức thời, buộc các ngành chức năng Bình Dương vào cuộc để kiểm tra, xử lý; song cá nhân tôi vẫn thấy, phóng sự điều tra này chưa đi đến tận cùng của vấn đề, đó là sản phẩm tái chế đã tuồn đi đâu, bán cho ai, bán ở chỗ nào và trà này đã được sử dụng ra sao... Vì vậy, cái kết của phóng sự là chưa trọn vẹn.

Vẫn còn những cái khó

Sau 4 năm làm truyền hình, CQTT Bình Dương đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, không chạy đua về số lượng, hạn chế tin hội họp. Nhưng có một thực tế mà PV nào cũng biết: Làm tin dễ hơn phóng sự. Kinh nghiệm của riêng tôi cũng như anh em CQTT Bình Dương là, nếu chịu khó đi cơ sở, dấn thân vào hiện thực cuộc sống thì sẽ có những tin tức, phóng sự hấp dẫn. Nhưng còn nhiều cái khó đối với một phóng viên TTXVN thường trú tại địa phương như tôi: Quá trình tác nghiệp thì "đơn độc", thời gian hạn chế. Chúng tôi cũng chưa được ưu đãi về nhuận bút đối với thể loại phóng sự điều tra. Mà muốn làm được một phóng sự có vấn đề, PV cần phải đầu tư nhiều công sức: Tiến hành 2-3 cuộc phỏng vấn. Rồi để tăng thêm sự thu hút, tính hấp dẫn, cần có phần dẫn hiện trường...

Cũng phải nói đến một vấn đề rất thực tế là để thực hiện những chuyến đi cơ sở, chúng tôi phải di chuyển bằng xe gắn máy, mang vác máy móc cồng kềnh nên rất vất vả, khó bảo quản máy quay. Tôi cho rằng, trở ngại lớn nhất hiện nay khi làm tin truyền hình của PV thường trú địa phương chính là khâu di chuyển. Có thể nói, sau một thời gian dài chạy xe máy làm truyền hình, chúng tôi bắt đầu "đuối".

Chính vì những cái khó đó, tác phẩm của chúng tôi mới chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh, chưa thể đi sâu vào phanh phui tới gốc rễ vấn đề, như trường hợp phóng sự "Công nghệ phù phép tái chế xác bã trà thành trà khô nguyên chất" tôi đã nói trên.

"Để có được những hình ảnh chân thực trong tác phẩm, chắc chắn tác giả đã phải mất nhiều công sức. Phát hiện đề tài hay, nhưng thực hiện được nó không phải là chuyện đơn giản, nhất là trong các phóng sự điều tra. Trong trường hợp này, tác giả đã tìm mọi cách để tiếp cận sự việc, ghi lại được một số hình ảnh, âm thanh đắt giá, nêu bật được bản chất của vấn đề. Nếu chất lượng hình ảnh tốt hơn và tác giả khai thác sâu hơn thì tác phẩm sẽ hoàn thiện hơn". Nhà báo Hoàng Đức Long, Trưởng phòng thông tin chính trị xã hội, Trung tâm Truyền hình thông tấn, thành viên Ban Sơ khảo Giải báo chí TTXVN năm 2013, đã đưa ra nhận xét như vậy về tác phẩm "Công nghệ ‘phù phép’ xác bã trà thải thành trà khô nguyên chất ở Bình Dương" của PV Dương Chí Tưởng.

Truyền hình mở ra nhiều lợi thế

Cách đây mấy năm, truyền hình là lĩnh vực mới toanh đối với cánh PV thường trú địa phương chúng tôi. Nhưng sau 4 năm lăn lộn, phóng viên CQTT TTXVN tại Bình Dương đã để lại dấu ấn đậm nét tại địa phương thông qua sự hiện diện của các sản phẩm thông tin trên Kênh truyền hình thông tấn. Trong tỉnh, bây giờ ai cũng biết việc phóng viên TTXVN làm truyền hình, thậm chí ngay Đài PT - TH Bình Dương cũng bắt đầu có ý thức cạnh tranh với chúng tôi. Báo Bình Dương cũng vừa đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 6 chiếc máy quay để làm truyền hình phát trên báo điện tử.

Sau sự cố gây rối ngày 13/5 vừa qua, tỉnh Bình Dương cũng như các doanh nghiệp rất cần đến chúng tôi, cần đến Truyền hình thông tấn để tuyên truyền các hoạt động lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, ổn định xã hội. Lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao thông tin của TTXVN trong công tác tuyên truyền đúng định hướng, mang tính giáo dục cao để xây dựng nhận thức đúng đắn cho công nhân về cách thức biểu thị lòng yêu nước trong việc phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam.

Vậy là, truyền hình đang mở ra nhiều lợi thế cho sự hiện diện ngày càng sâu đậm của TTXVN tại địa phương.

Dương Chí Tưởng - CQTT TTXVN tại Bình Dương
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ấn tượng khó quên ở Brazil (31/07/2014 10:12:36)

Trưởng thành từ thực tế tác nghiệp (31/07/2014 09:53:50)

Nghề báo tôi yêu (01/07/2014 10:51:33)

Bảy ngày đêm hứng phong ba (01/07/2014 10:06:34)

Thiêng liêng Hoàng Sa (01/07/2014 09:59:22)

Vượt đại ngàn theo tiếng gọi đất nông lâm trường (30/05/2014 15:09:59)

Trong số báo này, Nội san Thông tấn mời độc giả nghe hai tác giả đoạt giải A Giải báo chí TTXVN 2013 kể về "hậu trường" tác nghiệp các tác phẩm vừa được vinh danh: Khát cùng Tây Nguyên (30/05/2014 14:59:13)

Lần đầu làm phim tại nước Mỹ (06/05/2014 10:17:17)

Đỉn xùn trân văng biển Tây Nam của Tổ quốc (06/05/2014 10:09:41)

Đi một ngày đàng... (01/04/2014 10:40:36)