Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Kỹ thuật - Công nghệ

Tự xây dựng một bộ máy vi tính để bàn


(05/09/2014 15:59:38)

Mặc dù hiện nay, điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet) đang được sử dụng ngày càng phổ biến và giúp ích nhiều cho chủ sở hữu, nhưng những thiết bị cầm tay này vẫn chưa thể thay thế máy tính truyền thống (loại để bàn - desktop hoặc xách tay - laptop). Nội san Thông tấn xin giới thiệu cách tự xây dựng một bộ máy vi tính để bàn với chất lượng, giá cả hợp lý.

 

Thông thường, khi quyết định sắm một bộ máy vi tính desktop mới, những người không thành thạo sẽ lựa chọn loại máy đồng bộ của Dell, HP, Lenovo, Acer hay các thương hiệu nội địa (FPT, Tiger - Trần Anh, ISTC - Mai Hoàng...). Vậy là nhanh chóng có được cỗ máy tính "mang về chạy ngay". Nhưng, nhiều khi người dùng sẽ phải chấp nhận những thành phần không như ý, như bộ nguồn kém chất lượng, vi xử lý "hạng hai"...

Với những người biết một chút về máy tính thì việc lựa chọn từng thành phần linh kiện để ráp thành bộ hoàn chỉnh sẽ thú vị hơn nhiều, vì sẽ chọn được những linh kiện tốt nhất, hợp túi tiền nhất và cũng mới nhất.

Bây giờ, hãy cùng bắt tay vào lựa chọn thành phần linh kiện cho cỗ máy tính để bàn với các tiêu chí: Giá rẻ (gần như thấp nhất có thể), chất lượng tốt, bền bỉ, cấu hình đủ mạnh để giải quyết trơn tru những công việc phổ biến (việc văn phòng, duyệt web, xem video, nghe nhạc, chơi game phổ thông...).

1. Vỏ máy tính (case) có tính năng khá đơn giản là che bụi cho các thành phần bên trong. Nó không ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm sử dụng, nhưng một chiếc vỏ máy tính đảm bảo hạn chế bức xạ là điều cần có. Người dùng có thể chọn mua vỏ máy tính loại bình dân, thuộc các thương hiệu CoolerPlus, Orient, Golden Field, Vicom..., kích thước đầy đủ (full size ATX) là được, với mức giá khoảng 275.000 - 300.000 đồng.

Tôi lựa chọn vỏ Golden Field F19 vì giá không quá đắt (309.000 đồng) mà thiết kế đẹp, ấn tượng, chống bức xạ rất tốt.

 

Với nhu cầu thông thường, người dùng không cần phải mua card đồ họa (tốn thêm chi phí không nhỏ) vì card tích hợp đã rất đủ rồi.

Ổ đĩa quang (đọc đĩa DVD, CD) cũng không còn cần thiết, vì hiện giờ USB được dùng phổ biến và nếu cần cài đặt thì chỉ cần USB và mạng Internet là đủ.

2. Bộ nguồn máy tính (PSU: Power Suppy Unit)

Thành phần này rất quan trọng, giúp biến điện xoay chiều thành điện một chiều để cung cấp nguồn cho các linh kiện máy tính. Được ví như "trái tim" của chiếc máy nhưng bộ nguồn lại là thành phần dễ bị xem nhẹ nhất khi người dùng mua máy tính.

Với bộ nguồn rẻ tiền (thường được gọi là "noname") thì máy tính vẫn chạy được nhưng sau một thời gian, các linh kiện của máy sẽ bị xuống cấp vì nguồn cung chập chờn, không đảm bảo, từ đó làm giảm tuổi thọ chung của cả bộ máy. Hiện giờ, loại nguồn "noname" đã dần bị người tiêu dùng quay lưng. Những thương hiệu sản xuất bộ nguồn máy tính chất lượng là FSP Saga, Acbel, Corsair, Thermaltake, Cooler Master...

Cá nhân tôi chọn bộ nguồn FSP Saga 400W - Active PFC có giá 580.000 đồng.

3. Bo mạch chủ (mainboard)

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ nêu bo mạch chủ tương ứng với vi xử lý Intel vốn là dòng phổ biến, còn bo mạch chủ ứng với vi xử lý AMD ít phổ biến hơn.

Việc chọn bo mạch chủ sẽ đòi hỏi phải biết nhiều hơn về máy tính, nhưng chúng ta chỉ cần lưu ý đơn giản là bo mạch chủ được chọn phải tương thích với vi xử lý ở phần socket. Như bo mạch chủ hỗ trợ socket "LGA 1155" thì chỉ lắp được các vi xử lý loại "1155", hỗ trợ socket "LGA 1150" thì phải chọn vi xử lý loại "1150".

Trong trường hợp này thì theo tiêu chí đã nêu, lựa chọn bo mạch chủ hỗ trợ socket LGA 1155 đi kèm vi xử lý thế hệ Ivy Bridge là phù hợp nhất (về giá cả và nhu cầu sử dụng). Vi xử lý thế hệ Haswell mới hơn, ưu việt hơn song giá cao hơn (cho cả bo mạch chủ và vi xử lý).

Những thương hiệu bo mạch chủ phổ biến hiện nay là Gigabyte, MSI, Asus, Asrock... Trong đó, bo mạch Gigabyte được đánh giá là có chất lượng tốt hơn cả, tất nhiên giá cũng cao hơn một chút so với các loại khác, đổi lại, người dùng sẽ có một cỗ máy tính siêu bền với bo mạch chủ "đi cùng năm tháng". Vì vậy, tôi chọn bo mạch chủ GIGABYTEâ„¢ H61M-DS2 V3.0, có giá mềm nhất trong số các bo mạch Gigabyte: 1.350.000 đồng.

4. Vi xử lý (Chipset)

Vì đã lựa chọn socket LGA 1155 nên chúng ta sẽ chọn loại chip Intel thế hệ Ivy Bridge. Tôi chọn bộ vi xử lý INTEL® PENTIUM® DUAL CORE G2010 (IVY BRIDGE) - BOX có giá 1.160.000 đồng, mức giá thấp nhất trong dòng Pentium Dual Core Ivy Bridge nhưng chạy tốt.

5. Bộ nhớ trong (RAM)

Hiện RAM DDR III là loại phổ biến hiện nay, tương thích với bo mạch chủ đã chọn. Những thương hiệu RAM uy tín có Kingston, G.Skill... với các dung lượng phổ biến 2GB, 4GB.

Do mức giá chênh lệch giữa 2GB và 4GB không nhiều nên tôi chọn hẳn RAM Kingston 4GB loại DDR III, 1333 MHz có giá 870.000 đồng.

Nếu có điều kiện thì việc mua hai thanh RAM 2GB để chạy sẽ cho hiệu suất tốt hơn so với một thanh RAM 4GB dù cùng tổng dung lượng (tất nhiên, mua hai thanh RAM 2GB sẽ mất hơn 1 triệu đồng) bởi khi cắm song song, hai thanh RAM sẽ chạy "dual-channel" cho hiệu suất cao hơn, ngoài ra, trong trường hợp một thanh RAM bị hỏng thì vẫn còn thanh kia chạy được.

6. Ổ đĩa cứng (Hard Disk Driver)

Hiện giờ, ổ đĩa cứng loại HDD vẫn phổ biến vì giá rẻ hơn nhiều so với ổ cứng thể rắn (SSD). Những thương hiệu HDD chất lượng hiện nay là Toshiba, Seagate, WD. Tôi chọn ổ đĩa cứng TOSHIBA 500GB (7200RPM/ CACHE 32MB/ SATA 3 (6.0 GB/S)) có giá 1.130.000 đồng.

7. Màn hình (Monitor)

Những thương hiệu màn hình chất lượng là Dell, HP, Samsung, LG... Tôi chọn màn hình HP COMPAQ R191 LED WIDE có kích thước 18,5-inch và giá chỉ 1.850.000 đồng. Chất lượng hiển thị của màn hình này rất tốt, tự nhiên và sắc nét.

8. Bộ bàn phím - chuột (Keyboard & Mouse)

Hiện nay, thị trường đang có rất nhiều bộ bàn phím - chuột giả thương hiệu nổi tiếng. Kinh nghiệm của tôi là chọn mua bộ bàn phím - chuột trong các siêu thị điện máy, hàng thật, giá không hề đắt.

Tôi chọn bộ bàn phím - chuột của hãng Rapoo vì giá hợp lý và chất lượng tốt, trong đó bàn phím Rapoo N2500 có giá 169.000 đồng, chuột quang Rapoo N1162 giá 129.000 đồng.

Khâu lựa chọn đã xong; ráp tất cả lại, chúng ta đã có một cỗ máy tính để bàn hoàn chỉnh, đầy sức mạnh, bền bỉ mà giá cả lại hợp lý.

Nếu bạn băn khoăn là với bộ máy tính không có ổ đĩa quang nói trên, làm sao cài đặt được hệ điều hành Windows và các phần mềm thì mời bạn theo dõi số kế tiếp của Nội san Thông tấn với bài: Tự phân vùng và cài đặt Windows cho máy tính "mới tinh" qua cổng USB và Internet.

Cấu hình máy tính tác giả chọn

Stt

Tên - Mã sản phẩm

Giá (VND)

1

Vỏ case GOLDEN FIELD F19

309.000

2

Mainboard GIGABYTE TM

1.350.000

3

Chip INTEL  PENTIUM DUAL CORE G2010 (IVYBRIDGE)

1.160.000

4

RAM KINGSTON - 4GB DDR3 1333MHZ

870.000

5

Ỏ cứng TOSHIBA 500GB/7200RPM/CACHE 32MB/SÂT 3 (6.0 GB/S)

1.130.000

6

Nguồn FSP Saga 400W -Active PFC

580.000

7

Bộ phím - chuột Rapoo

298.000

8

Màn hình HP COMPAQ R191 LED WIDE 18,5-inh

1.850.000

 

Tổng tiền:

7.547.000

 

 

 

Theo Nội san Thông tấn, số 8/2014