Thứ tư, ngày 24/04/2024

Sổ tay phóng viên

Đến lúc chúng tôi và chúng ta cần thay đổi


(13/02/2015 15:53:56)

Vụ sập hầm tại công trình thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vào ngày 16/12/2014 với 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm đã thu hút sự quan tâm cực lớn của công luận. Sau sự kiện này, chúng tôi, những phóng viên TTXVN có mặt tại hiện trường vụ tai nạn trong suốt những ngày ấy, đã có thêm những bài học nghề nghiệp.

Nhà báo Hoàng Liên Sơn tác nghiệp tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện
 

Chủ động, chủ động hơn nữa

Xin đừng nghĩ đây chỉ là một câu khẩu hiệu, hô hào suông.

Chủ động nhập cuộc là yêu cầu bắt buộc của mỗi phóng viên (PV), đơn vị trước bất kỳ sự kiện thông tin nào. Với những sự kiện có tính chất nghiêm trọng như sự cố sập hầm thủy điện, người PV buộc phải túc trực tại hiện trường, phải chủ động nhập cuộc từ đầu để cố gắng có thông tin sớm, nhất là trong việc đảm bảo yêu cầu thông tin cả ba loại hình (tin văn bản, ảnh và tin truyền hình).

Trong vụ sập hầm thủy điện tại xã Lát, huyện Lạc Dương - cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 30 cây số, chỉ vài mươi phút sau khi có thông tin về vụ việc, hai PV Nguyễn Dũng và Đặng Tuấn của CQTT Lâm Đồng đã tới hiện trường, nằm trong số ít những PV tiếp cận sớm nhất với thông tin vụ tai nạn và hiện trường vụ việc. Mặc dù ở thời điểm đó chúng tôi chưa mường tượng hết tính chất nghiêm trọng của sự cố nhưng bằng phản xạ nghề nghiệp, Trưởng CQTT đã xác định phải cử hai PV lên đường ngay để hỗ trợ nhau tác nghiệp và có thông tin sớm. Hai nhà báo trẻ Nguyễn Dũng, Đặng Tuấn đã tích cực vào cuộc.

Trong những giờ đầu tiên của vụ tai nạn, CQTT Lâm Đồng đã triển khai nhanh công tác thông tin, cả ở hiện trường lẫn tại trụ sở cơ quan. Trưởng CQTT, ngoài việc liên tục chỉ đạo qua điện thoại cho hai PV tại hiện trường, còn tiếp cận các cơ quan chức năng của tỉnh để có thêm nguồn tin chính thức, đồng thời báo cáo sự việc và nhận sự chỉ đạo thông tin từ lãnh đạo Ngành và Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Do hiện trường nằm trong vùng  rừng núi nên sóng di động và mạng Internet 3G rất yếu, buộc chúng tôi phải tác nghiệp nhanh bằng cách đọc tin qua điện thoại, Trưởng CQTT trực tiếp thực hiện tin (cộng với các nguồn tin từ tỉnh), để rút ngắn thời gian phát tin ra Tổng xã. 11giowf 6 phút, chúng tôi phát tin đầu tiên ra Ban biên tập tin Trong nước. Với cách làm trên, ngày đầu tiên của sự cố sập hầm, CQTT đã phát 4 tin văn bản, 3 tin truyền hình và hơn chục ảnh, cơ bản cập nhật được tìn hình vụ việc.

Đã chủ động là vậy, nhưng so với yêu cầu thông tin đa dạng, nhanh hơn, mạnh hơn, sâu hơn, nhất là ở những ngày tiếp theo của vụ sập hầm, chúng tôi tự thấy chưa đáp ứng thật tốt. "Chủ động hơn nữa" chính là chỉ đạo và yêu cầu của lãnh đạo Ngành đối với chúng tôi. Đó là chủ động tiếp cận các nguồn tin chính thức, tiếp cận để phỏng vấn, ghi nhận ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có mặt tham gia chỉ đạo cứu hộ; chủ động cập nhật tình hình cứu hộ để đưa tin nhanh hơn, theo từng giờ hoặc theo những diễn biến mới nhất của vụ việc; chủ động đa dạng tin, bài, ngoài tin về công tác cứu hộ cần có thêm các "tin, bài bên lề" (nhưng vẫn đảm bảo tính chất thông tin nguồn chứ không sa vào câu khách, ủy mị) về các lực lượng tham gia cứu hộ, về sự quan tâm, tình cảm của người dân địa phương, về sự đợi chờ và hi vọng của thân nhân người bị nạn; đồng thời chủ động đề xuất với lãnh đạo Ngành về sự tăng cường, chi viện nhân lực, vật lực cho đợt thông tin này.

 

Chúng tôi phải thay đổi. Và chúng ta cũng cần thay đổi. Đó là công tác biên tập tin, phối hợp thông tin từ các đơn vị thông tin, các tòa soạn báo trong ngành. Trong những đợt thông tin quan trọng, điều chúng tôi mong mỏi lớn nhất là sự phối hợp nhanh và kịp thời từ các ban biên tập (Tin Trong nước, Ảnh), Truyền hình thông tấn và các tòa soạn. Đó là việc phân công các kíp trực, các khâu biên tập sao cho sản phẩm thông tin của PV gửi về từ hiện trường được biên tập, xuất bản nhanh nhất trong điều kiện có thể. Đó là việc các tòa soạn - nhất là các báo điện tử - chủ động ngay khi có sự kiện xảy ra để vạch hướng thông tin, phối hợp đưa tin cập nhật phục vụ bạn đọc. Đó còn là sự chỉ đạo, tăng cường, chi viện kịp thời và hợp lý để phát huy khả năng, lực lượng của ngành, để thực sự hỗ trợ cho công tác thông tin hiện trường thêm mạnh, thêm sâu, cả về chất lẫn lượng.

Chủ động nhưng đừng chủ quan

Đợt tác nghiệp về sự cố sập hầm thủy điện đã mang lại cho tôi- trong vai trò Trưởng CQTT, "chỉ huy lực lượng tác chiến tại chỗ" - một bài học rất lớn về việc đừng bao giờ chủ quan trong quá trình tác nghiệp đối với các sự cố có quy mô, tính chất như thế này. Ở đây, tôi muốn nói đến sự chủ quan trong việc đánh giá năng lực, đội ngũ của mình nên đã chậm đề xuất để có sự chi viện kịp thời nhằm đẩy mạnh hơn nữa chất lượng và hiệu quả thông tin thông tấn về vụ việc này.

Với ba PV cùng đưa tin về vụ tai nạm, CQTT  Lâm Đồng đã đảm bảo được thông tin- bằng cả ba loại hình- trong thời gian đầu. Nhung khi báo chí cả trong và ngoài nước vào cuộc mạnh hơn, lực lượng PV từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đổ về Lâm Đồng hơn 100 người (có báo cử nguyên e kíp 11 người, có cả các kỹ thuật viên), thì cũng là lúc chúng tôi bộc lộ những hạn chế và điểm yếu của mình. Đồng thời cũng bộc lộ sự chủ quan của trưởng CQTT.

Thực lòng, với đội PV tác nghiệp được cả ba loại hình, tôi đã có phần an tâm với công tác thông tin về vụ tai nạn. Thế nên, khi Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên Ngô Anh Văn và Trưởng CQTT trọng điểm Đắk Lắk Nguyễn Quang Huy hỏi, tôi vẫn tự tin cho rằng CQTT Lâm Đồng đáp ứng được công việc. Chỉ đến khi lãnh đạo Ngành quá "sốt ruột" đã phải phê bình và yêu cầu phải đưa tin đậm hơn, nhanh hơn, nhiều hơn nữa và khi đã chứng kiến một "cuộc chiến thông tin" thực sự, tôi mới đề nghị hỗ trợ. Tuy nhiên, do điều kiện đi lại và do diễn biến công tác cứu hộ chuyển biến nhanh, thành công sớm hơn dự kiến, nên phần lớn các PV được tăng cường chưa kịp tham gia vào đợt thông tin. Rất may, trong ngày cuối cùng của vụ sập hầm, PV ảnh Dương Giang đã kịp góp mặt, san sẻ, hỗ trợ rất nhiều cho chúng tôi.

 

Phải thay đổi!

Chắc chắn chúng tôi phải thay đổi. Trong vai trò của một người PV thường trú, tôi thấy việc đảm bảo các đầu mối thông tin, bám sát các nguồn thông tin từ cơ sở càng trở nên cực kỳ quan trọng để khi có sự cố, sự việc xảy ra có thể nhanh chóng nắm bắt, tiếp cận và thông tin kịp thời. Chủ động nhập cuộc, nhưng các CQTT và Trưởng CQTT cũng đồng thời phải nâng cao khả năng nắm bắt, đánh giá và dự báo tình hình để đưa ra một hướng thông tin, tuyến thông tin cho sự kiện, sự việc; cũng như tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Ngành trong việc mở rộng tuyến thông tin "tổng lực" của cả TTXVN, đặc biệt là trong việc tăng cường cho công tác thông tin đạt kết quả xứng tầm cơ quan thông tấn quốc gia.

Hai PV trẻ Nguyễn Dũng và Đặng Tuấn, cũng như các PV trẻ đang công tác tại các CQTT trong nước, ngay từ bây giờ cần xác định luôn ở tư thế chủ động, sẵn sàng cho mọi sự sự kiện thông tin xảy ra trên địa bàn. Thực tế là, trừ một vài CQTT ở các thành phố lớn có điều kiện tham gia các sự kiện lớn, cạnh tranh thông tin cao, với các CQTT còn lại - như CQTT Lâm Đồng- chỉ có khi có sự cố PV mới có điều kiện "soi lại mình" trong cuộc đua tranh ngày càng khốc liệt của giới truyền thông, cả chính thống lẫn mạng xã hội.

Mặc dù đã chủ động vào cuộc, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên Nguyễn Dũng và Đặng Tuấn (vào nghề, vào ngành được hơn 4 năm), chưa thể phát huy thật tốt vai trò của PV hiện trường, đòi hỏi tác chiến nhanh, tác chiến đa năng, đa dạng. Cả hai đã làm tốt việc đưa những tin ban đầu, nỗ lực đưa tin cả ba loại hình (kể cả việc cố gắng cực lớn để... dẫn hiện trường!). Nhưng khi phải mở rộng, đa dạng thông tin, cần có những tin, bài đi sâu, tin, bài mang tính tổng hợp, hoặc bài viết tình cảm hơn... thì hai PV trẻ bị "đuối sức". Mặt khác, trong tác chiến hiện trường đòi hỏi việc viết tin phải "nhanh - đúng - trúng" và chuẩn về ngôn ngữ. Dù có là PV "2 trong 1", hay "3 trong 1" thế nào đi chăng nữa thì các PV trẻ vẫn phải ưu tiên số một cho tin văn bản, bởi đây là yêu cầu hàng đầu cho người PV thường trú của TTXVN.

Hoàng Liên Sơn -Trưởng CQTT tại Lâm Đồng
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2015