Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Sổ tay phóng viên

Tình yêu biển đảo trong tôi


(08/01/2015 10:06:17)

Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất gió lào cát trắng Quảng Trị, khi về công tác tại Cơ quan thường trú (CQTT) TTXVN tại Kiên Giang, tất cả đều xa lạ. Buổi ban đầu đối với tôi không dễ dàng... Nhưng rồi, với sự giúp đỡ của Trưởng CQTT Lê Huy Hải và các bạn đồng nghiệp, với những nỗ lực của bản thân, tôi dần bắt nhịp với guồng quay của công việc và đam mê những chuyến đi.

Phóng viên Trường Giang phỏng vấn người nông dân tại huyện Hòn Đất

Tự nhận thức được rằng, muốn hoàn thành tốt công việc thì những kiến thức sách vở không thôi chưa đủ mà cần phải có những trải nghiệm thực tế, việc đầu tiên tôi làm khi về công tác ở Kiên Giang là đi thực tế để nắm bắt địa bàn công tác, thu thập tư liệu phục vụ cho công việc. Là một tỉnh có diện tích rộng lớn, đường biên giới dài với Campuchia, có những đồng lúa mênh mông và cả một vùng biển đảo Tây Nam bao la, Kiên Giang hoàn toàn không thiếu đất cho những kẻ lữ hành mê khám phá như tôi. Tôi đã đặt chân tới nhiều nơi, từ miền rừng núi cho đến biên giới Hà Tiên - Giang Thành, từ những ngọn núi đá vôi, những cánh đồng xanh bát ngát cho đến những hòn đảo xa. Trong những hành trình ấy, chuyến đi tới đảo tiền tiêu Thổ Chu đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất.

Thổ Chu là điểm cực Tây Nam của Tổ quốc, cách đảo Phú Quốc hơn 100 km, cách đất liền hơn 220 km. Thông thường, phải ra Phú Quốc rồi tiếp tục lênh đênh trên tàu Thổ Châu 09 (5 ngày một chuyến, những ngày mưa bão có thể tàu không chạy) suốt 6 tiếng đồng hồ mới ra được Thổ Chu. Nhưng tôi may mắn được ra đảo bằng con tàu CSB-2001 của Cảnh sát biển Vùng 4 cùng với đoàn lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Đó là lần đầu tiên tôi được ra khơi xa, cũng là lần đầu tiên được biết nếp sinh hoạt của các chiến sĩ Cảnh sát biển. Sự hào hứng giúp tôi quên đi cái mệt của những cơn say sóng. Từ lúc rời bến cho đến khi cập cảng Thổ Chu, tôi ngồi miết trên boong tàu để cảm nhận cái nắng cháy bỏng, cái rát của hơi muối trên da thịt và quan sát những con tàu đánh cá nhỏ bé, có lúc cheo leo trên những ngọn sóng vút cao, có lúc khuất xa như bị biển cả nuốt chửng... Những trải nghiệm ấy cho tôi biết được phần nào nỗi vất vả của những người ngư dân, những chiến sĩ ngày đêm bám biển, giữ đảo.

Chúng tôi đến đảo vào giữa trưa. Đập vào mắt tôi là những rặng dừa xanh mát trong nắng trưa, là bờ cát trắng thoai thoải và những con sóng nhẹ xô bờ như vỗ về, ôm ấp xứ đảo. Mặc dù rất mệt sau quãng đường dài, sóng lớn, nhưng tôi không thể nào cưỡng lại được sức hút từ vẻ đẹp yên bình của Thổ Chu, tranh thủ lúc mọi người trong đoàn nghỉ trưa, tôi dạo một vòng quanh đảo, leo lên đỉnh đồi Tây ngắm toàn bộ quần đảo, phóng tầm mắt ra xa nhìn đại dương xanh thẳm, chiêm ngưỡng biển trời bao la của Tổ quốc.

Tại Thổ Chu, tôi được anh Dừng, Bí thư xã đoàn Thổ Châu, dẫn đi thăm gia đình trên đảo và giới thiệu về đời sống người dân nơi đây. Thổ Chu có một ký ức đau thương, tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ tràn lên đảo, thảm sát hơn 500 người dân. Dân Thổ Chu hiện nay chủ yếu là những người tình nguyện ra xây dựng đảo theo chính sách khuyến khích, kêu gọi của tỉnh Kiên Giang những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước; gia đình của các cán bộ, chiến sĩ công tác và định cư trên đảo và một số người tứ xứ ra bám biển làm ăn. Anh Dừng cũng từng là một quân nhân, khi xuất ngũ, vì đã "bén duyên" với đảo nên không muốn rời xa, anh đưa vợ con ra đây sinh sống làm ăn.

Thời gian được ở trên đảo, mặc dù rất ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận được phần nào sự chân thật, hiền lành của người dân xứ đảo, mối tình quân dân khăng khít và những vất vả, thiếu thốn mà họ phải chịu đựng. Ở đây, người dân chỉ tích nước mưa để sinh hoạt, điện chỉ có 6 tiếng mỗi ngày. Hàng năm, họ phải chuyển nhà hai lần (mùa gió tây nam họ chuyển từ bãi Ngự sang bãi Dong, đến mùa gió đông bắc thì quay về bãi Ngự) để tránh gió bão, do vậy nhà cửa cũng rất tạm bợ. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng tôi được tận mắt thấy những chiến sĩ trẻ hồn nhiên, khỏe khoắn canh giữ biển đảo quê hương, những người dân siêng năng lao động, những đứa trẻ tung tăng trên bến cảng đón ba mẹ đi biển về... Trong ánh mắt họ luôn có ánh lạc quan, hy vọng về một ngày mai tươi đẹp hơn.

Chính chuyến ra khơi đầu tiên ấy đã dấy lên trong tôi tình yêu biển, yêu đảo, yêu từng mét đất quê hương. Nó cũng là động lực để tôi vượt qua những ngọn sóng vút cao, tiếp tục hành trình đến với các hòn đảo lớn nhỏ của vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Tôi mong mỏi, bằng những sản phẩm thông tin trong những chuyến đi ấy, tôi được đóng góp một phần công sức cho công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương.

Bùi Trường Giang - Phóng viên CQTT TTXVN tại Kiên Giang
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phũ với công trình phụ (04/12/2014 11:46:04)

Một nửa của thế giới, quá nửa của Tin tức chúng tôi (31/10/2014 10:27:24)

Dấn thân để có tác phẩm hay (05/09/2014 15:19:08)

Ấn tượng khó quên ở Brazil (31/07/2014 10:12:36)

Trưởng thành từ thực tế tác nghiệp (31/07/2014 09:53:50)

Nghề báo tôi yêu (01/07/2014 10:51:33)

Bảy ngày đêm hứng phong ba (01/07/2014 10:06:34)

Thiêng liêng Hoàng Sa (01/07/2014 09:59:22)

Vượt đại ngàn theo tiếng gọi đất nông lâm trường (30/05/2014 15:09:59)

Trong số báo này, Nội san Thông tấn mời độc giả nghe hai tác giả đoạt giải A Giải báo chí TTXVN 2013 kể về "hậu trường" tác nghiệp các tác phẩm vừa được vinh danh: Khát cùng Tây Nguyên (30/05/2014 14:59:13)