Thứ năm, ngày 25/04/2024

Sổ tay phóng viên

RapNewsPlus: Thành công đến từ sự học hỏi không ngừng


(13/02/2015 16:11:43)

Nhóm thực hiện bản tin RapNewsPlus
Tối ngày 10/9/2014, tôi nhận được email của Tiến sĩ Aralynn Abare McMane thuộc Hiệp hội các Nhật báo và Nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA). Bức thư khá dài, nhưng ngay câu đầu tiên đã làm tôi ngộp thở: "Tôi xin vui mừng thông báo rằng VietnamPlus đã đoạt gải Nhất thuộc hạng mục đặc biệt "Digital First" trong khuôn khổ Giải thưởng Độc gải trẻ thế giới cho sáng kiến Rapping the News".

 Tuy Ban tổ chức cho biết họ không gặp mấy khó khăn để đi đến quyết định trao giải cho bản tin bằng nhạc rap này vì "đây là một ý tưởng xuất sắc khi sử dụng nhạc rap để thu hút người trẻ trên toàn thế giới và có thể trở thành một công cụ tuyệt vời để khuyến khích giới trẻ nói lên những suy nghĩ của mình", nhưng lúc đó tôi chưa hiểu tại sao RapNewsPlus có thể vượt qua rất nhiều sáng tạo khác của các báo trong khu vực. Khi gửi hồ sơ vào tháng 6/2014, tôi chỉ nghĩ là dự thi cho vui, bởi tôi đã tham dự nhiều hội thảo báo chí quốc tế và thực sự ngạc nhiên về cách thức sáng tạo của đồng nghiệp ở các nước khác.

Nhớ lại thời điểm cuối tháng 5/2013, tôi tham dự một hội thảo báo chí ở Montpellier (Pháp). Vừa tham gia thuyết trình tại hai phiên về mobile news và kinh doanh báo chí trên nền tảng di động cũng như mạng xã hội, tôi vừa tranh thủ dự nhiều phiên thảo luận khác. Và trong phiên "Báo chí sáng tạo", có một nhóm đến từ Senegal trình bày về ý tưởng vận động chính trị bằng nhạc rap, sau đó đưua lên mạng xã hội với tên gọi Journal Rappes. Không có nhiều người tại hội thảo quan tâm đến ý tưởng này, tôi là một trong số ít người đến trò chuyện với họ sau đó, xin các file hình về  nghiên cứu. Tôi hỏi, nếu sử dụng ý tưởng này thì có vấn đề gì về bản quyền không, họ bảo: "Cú thoải mái!".

Trở về Việt Nam, ngay từ đầu tháng 7/2013, tôi đồng thời triển khai hai ý tưởng học hỏi được từ hội thảo này Một ý tưởng mà tôi chắc chắn là rất hiệu quả thì rốt cục phải gác lại vì lý do khách quan. Ngay cả ý tưởng bản tin bằng nhạc rap ban đầu cũng thấy nhiều bất cập bởi bản tin quá nặng nề và quá dài. Tôi quyết địnhthay đổi toàn bộ concept, rút gọn từ 12 - 15 phút còn khoảng 4 phút; tôi cũng không muốn trình diễn và lời rap nghiêm túc quá, mà phải dí dỏm nhưng không được suồng sã. Tôi cũng cho rằng trong mỗi bản tin cần có một câu hoặc ít nhất là một cụm từ gây chú ý, dễ nhớ. Việc cuối cùng là tìm một bản nhạc rap với tiêu chí "chất lượng nhưng chưa nổi tiếng".

Tôi được giới thiệu 3 nhóm nhạc, Việc thẩm định và phỏng vấn trực tiếp khá đơn giản để đi đến lựa chọn cuối cùng- đó là ba chàng trai hát ráp chuyên nghiệp nhưng đều có một công việc khác; một người là kỹ sư cầu đường, một nhân viên kinh doanh và người còn lại là sinh viên. Tốc độ được đẩy nhanh vào giữa tháng 10 bởi chúng tôi muốn số đầu tiên ra mắt đúng vào dịp lễ kỷ niệm 5 năm báo điện tử VietnamPlus hiện diện trên mạng.

Đúng 24 giờ trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, tức là khoảng 3 giờ chiều ngày 12/11/2013, tôi đăng tải clip đầu tiên lên YouTube, sau đó chia sẻ trên Facebook chỉ với mục đích thăm dò phản ứng của người dùng, nếu trên 65% người xem thấy thích thì sẽ triển khai chính thức, nếu không sẽ chỉ làm vái số thôi. Không ngờ, khoảng 7 giờ tối, thông tin bàn tán xung quanh clip này như một cơn bão trên mạng xã hội và kéo dài đến tận ngày hôm sau - người ta chía sẻ, đăng lại, thâm chí có bài báo về RapNews, kèm theo những câu bình luận như "có thực sự đây là sản phẩm của TTXVN"...,

Sau những số đầu tiên, bản tin thời sự bằng nhạc rap gây ra khá nhiều tranh cãi. Không ít người tuyên bố rằng họ không chấp nhận được cách đưa tin này. Có ý kiến khá căng thẳng rằng những nội dung thương đau như số người tử vong do lũ lụt thì không thể được thể hiện bằng cách hát... Song xác định ngay từ đầu rằng, nhóm đối tượng mục tiêu của bản tin này là người trẻ từ 15 đến 25 tuổi, nên đánh giá của họ mới thực sự là điều chúng tôi quan tâm. Và kết quả, trong giới trẻ trên mạng xã hội, cứ 1000 người "like" thì mới có 1-2 ngưởi "dislike" - tỷ lệ lên tới 99,9%. Nhưng không vì được nhiều người ủng hộ mà chúng tôi chủ quan, cứ vài số chúng tôi lại phải tìm cách đổi mới: có thêm khách mời (như diễn viên hài Chí Trung, ca sĩ Hà Linh), đôi khi thêm phần điệp khúc như bài hát...

Cũng cần phải nói rằng, trước khi có tin đoạt giải thưởng của WAN-IFRA, chỉ có một số báo trong nước quan tâm và đăng tin, trong khi RapNewsPlus xuất hiện ngay lập tức trên BBC và sau đó là The Guardian (Anh), các kênh phát thanh VOA (Mỹ), Deustche Welle (Đức) và một số quốc gia khác cũng như một số trang công nghệ như VentureBeat. Rồi trước và sau khi chúng tôi lên đường sang Bali (Indonesia) nhận giải vào tháng 11/2014, RapNewPlus được giới thieuj trên các kênh VTV1,VTV3, VTV4,VTVC1... càng thu hút người xem. Sự lan tỏa của RapNewPlus còn vượt ra ngoài phạm vi báo chí khi sản phẩm truyền thông mới này được mời tham dự liên hoan phim Clap! Do Viện Pháp tại Hà Nội  tổ chức vào tháng 1/2015 và VietnamPlus sản xuất riêng clip cho sự kiện đó.YouTube đã lựa chọn VietnamPlus là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự cuộc gặp gỡ dành cho những nhà sáng tạo trên mạng xã hội này tại Singapore vò năm ngoái.

Cá nhân tôi chưa bao giờ đứng trên bục nhận danh hiệu nào cho cá nhân hay tập thể, nên khi lên nhận một giải thưởng quốc tế ở Bali cũng không ít bồi hồi. Song, cái cảm giác nhất thời đó cũng qua đi nhanh chóng. Bản tin thời sự bằng nhạc rap của VietnamPlus đã có được sự thừa nhận nào đó, và tiếp tục vẫn được quan tâm, nhưng không vì thế mà chúng tôi thấy thỏa mãn với thành quả khiêm tốn này. VietnamPlus luôn nhận thức rõ rằng, thành công vừa qua có được là nhờ học hỏi các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi, ấp ủ và thử nghiệm những dự án khác, không phải để đoạt những giải thưởng, mà để chứng minh rằng một đơn vị thông tin của TTXVN có thể sáng tạo không ngừng, có thể phụng sự độc giả, khán giả bằng những cách thức hiệu quả và hấp dẫn.

 

Một trong những sự kiện đáng nhớ là lần làm số đặc biệt về Biển Đông vào cuối tháng 5/2014. Khi đó tôi đang đi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ thì một biên tập viên trong êkíp nói rằng một số bạn bè người nước ngoài rất thích bản tin này nhưng không hiểu nội dung.Thế là chúng tôi quyết định làm thêm phần phụ đề bằng các ngữ khác. Điều đặc biệt là chúng tôi sử dụng mô hình "crowdsource" - kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trên mạng xã hội. Vậy là sau 10 ngày kể từ khi ra bản tiếng Việt, số đặc biệt này có thêm bản tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Một tuần sau đó, nó được hoàn thiện với 5 phụ đề ngữ mới gồm tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Italy, tiếng Hàn, tiếng Bahasa (Malaysia) và tiếng Nga. Rồi đến cuối tháng 6 có thêm bản tiếng Arab. Tổng cộng là 12 ngôn ngữ.

 

Quá trình làm bản tin nhạc rap khá vất vả: Phải có hai biên tập viên của VietnamPlus chọn lựa thông tin nổi bật trong hai tuần, thậm chí viết lời sơ bộ, các rapper viết lại cho phù hợp với giọng hát và bổ sung thông tin từ quan điểm trẻ của họ (nếu được chấp thuận), thu audio, quay hình và làm hậu kỳ. Có những khi gần xong thành phẩm thì xảy ra sự kiện mới, như vụ máy bay Malaysia mất tích, thế là lại phải bổ sung.

Lê Quốc Minh -Tổng biên tập VietnamPlus
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2015