Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Sổ tay phóng viên

Nữ phóng viên ra đầu sóng


(08/06/2015 15:10:22)

Khi hướng dẫn tôi những bước đi đầu tiên trong nghề báo, một đồng nghiệp đã nói rằng: "Làm công việc này em sẽ được đi nhiều và sẽ có những chuyến đi vất vả nhưng bù lại là những trải nghiệm quý giá...". Với đam mê khám phá những vùng đất mới, tôi đã háo hức chờ đợi những chuyến đi như thế.

 

Phóng viên Đỗ Huyền (thứ hai bên trái) tác nghiệp trên Nhà giàn DK1/10
Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, tôi may mắn được theo chân đoàn công tác thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tới thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các nhà giàn DK1 nằm trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Chúng tôi đi vào những ngày cuối năm 2014. Biển Vũng Tàu xanh ngắt, êm ả cùng với nắng vàng đón chúng tôi trong niềm vui dào dạt.

 

Say sóng kéo nhau lại gần

Trước khi khởi hành, là 1 trong 7 nữ PV tham gia chuyến đi này, tôi được các cán bộ quân y trong đoàn dặn dò rất cẩn thận về các tình huống trên biển, đặc biệt là cách "đối phó" với say sóng. Tôi cười vui vẻ và tự tin: "Các anh yên tâm, cả tháng nay em đã chuẩn bị rất cẩn thận về sức khỏe cho chuyến đi này".

Tàu nhổ neo sau hồi còi rúc dài, cánh PV háo hức chạy lên boong tàu ríu ran chuyện trò, ghi chép, chụp hình.

Tuy nhiên, càng ra khơi xa, sóng biển càng mạnh dần lên, tiếng trò chuyện và sự năng động của chúng tôi giảm dần theo độ tăng của sóng gió. Con tàu HQ621 trọng tải 450 tấn tròng trành giữa biển khơi đang dậy sóng. Hai tiếng "say sóng" bắt đầu được nhắc tới. Ngồi ăn bữa cơm chiều đầu tiên trên tàu, tôi thầm tự tin rằng mình đã vượt qua được sóng gió bởi các nữ đồng nghiệp khác đã bắt đầu say sóng và phải nằm yên. Nhưng sau bữa ăn ít phút, tôi bắt đầu thấy chóng mặt, ruột gan như đang đảo lộn. Lựa chọn duy nhất của tôi là nằm, bởi ngồi hay đứng đều khiến đầu óc quay cuồng. Cơ thể bồng bềnh, chân tay như không thuộc về mình nữa. Đến ngày hôm sau, tôi bắt đầu nôn sau khi ăn bất cứ thứ gì, miệng đắng ngắt và chẳng thể điều khiển được đôi chân của mình, thậm chí việc di chuyển từ phòng ngủ ra nhà vệ sinh cũng rất khó khăn, phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác. Lần đầu trong đời tôi nếm trải cảm giác khó chịu đến vậy.

Giao lưu với chiến sĩ Bộ Ttư lệnh Vùng 2 Hải quân

Trong lúc chả thiết tha thứ gì, tôi nghe váng vất tiếng một nữ PV: "Các chị ơi, em muốn trở lại đất liền ngay bây giờ". Sáu cô gái còn lại bắt đầu khóc.... Nhưng rồi, bảy đại diện phái nữ hiếm hoi trong đoàn công tác gần 100 người đã nhận được sự chăm sóc đặc biệt. Tôi được biết, trong ngày đầu tiên của hải trình không chỉ những người đi biển "nghiệp dư" say sóng mà nhiều chiến sỹ Hải quân cũng say chao đảo. Nhưng chúng tôi vẫn nhận được sự chăm sóc tận tình. Không kể cấp bậc, chức vụ, các anh thay phiên nhau nấu cháo mang đến tận phòng và xử lý giúp chị em những túi nôn. Bảy cô gái, mới hôm qua còn chưa biết hết tên nhau thì hôm nay bỗng gần gũi, đùm bọc nhau như trong một gia đình. Lúc này tôi mới thấy cụm từ "tàu là nhà" mà tôi bắt gặp khi bước chân lên con tàu này ý nghĩa đến thế. Ở nơi mà hai từ "Tổ quốc" thiêng liêng chiếm trọn, con người Việt Nam bỗng dưng trở lên gần nhau hơn bao giờ hết.

 

Nhà giàn và trái tim người lính

Cả bốn nhà giàn đầu tiên mà chúng tôi qua trong hải trình đều không đủ độ an toàn để có thể đưa người lên thăm. Song sóng to, gió lớn đã không cản được tấm lòng của đất liền. Quà Tết cho các anh được dùng dây kéo để chuyển lên, những lời chúc Tết, thăm hỏi được chuyển qua điện đàm. Sang đến ngày thứ 6, biển bớt dữ dội hơn và dường như đã quen dần với sóng biển, tôi bắt đầu ngồi dậy được và có thể mon men ra boong tàu ngắm biển. Đây cũng là lúc đoàn chúng tôi chuẩn bị hạ xuồng lên thăm Nhà giàn DK1/10.

Được lên thăm Nhà giàn là một trải nghiệm thật đáng nhớ. Qua gần nửa ngày, ngót ba chục PV chúng tôi mới được đặt chân lên Nhà giàn DK1/10, tham gia chuẩn bị Tết sớm cùng các anh. Tôi ngỡ ngàng khi tận mắt màu xanh của rau được trồng trong những thùng xốp và đang được che chắn rất cẩn thận. Cùng rửa lá dong, vo gạo nếp, chúng tôi háo hức cùng các anh gói bánh trưng xanh. Không khí đầm ấm khiến tôi có cảm giác như được đón Tết bên gia đình mình.

Trò chuyện cùng các anh, tôi hiểu hơn về những hy sinh và đóng góp lớn lao của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Và thật tình cờ khi tôi được gặp đồng hương Hưng Yên ở nơi mênh mông biển trời này- Thiếu tá quân y Hoàng Văn Thảnh, người đã 20 năm ăn Tết trên Nhà giàn và anh coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng, đầy tự hào. Anh chia sẻ, khi con anh còn nhỏ, mỗi lần về phép, anh phải mất vài ngày con mới quen và theo bố; còn bây giờ, mỗi lần anh Thành về phép đều là ngày Tết của gia đình. Câu chuyện của anh cũng là câu chuyện chung của nhiều anh lính hải quân khác mà tôi tiếp xúc.

Có câu nói đùa của một anh Thượng úy cứ ám ảnh tôi mãi:" Các anh chị ở trong đất liền, mỗi ngày thức dậy ra đường toàn thấy người lạ, còn chúng tôi ngoài này toàn thấy người quen". Dường như với các anh, ra khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim! Đó là điều mà tôi thấy bằng tai, bằng mắt chứ không phải qua sách báo. Và tôi nhận thấy, những cơn say sóng vật vã mà mình vừa trải qua không là gì so với sự hy sinh lớn lao của các anh.

            Đến lúc có sóng điện thoại, tôi nhận được tin nhắn là Ban biên tập đang chờ bài viết của tôi để ra số Tết. Và thế là tôi hăm hở viết trong tiếng sóng ào ạt vỗ vào mạn thuyền và viij mặn mòi của gió biển táp vào mặt. Hình ảnh những người lính ngời sáng giữa muôn trùng gian khó, như lửa thử vàng, mà tôi đang tận mắt thấy là cảm hứng chủ đạo cho bài viết.

Khi tôi hoàn thành bài viết "Chuyến tàu cuối năm chở mùa xuân ra nơi đầu sóng" cũng là lúc căn phòng nữ PV ríu ran lời thăm hỏi, chào mừng "những bông hoa trên biển" đã tươi trở lại! Không giấu nổi cảm xúc, tôi đã hân hoan khoe với các anh rằng, những cơn say sóng cùng tinh thần cao đẹp của các anh đã cho tôi những trải nghiệm không thể nào quên và điều đó được thể hiện thành bài báo. Ngay lập tức, tôi được đề nghị đọc bài viết cho các anh nghe trước khi gửi về cơ quan. Đó là lần đầu tiên trong đời làm báo, tôi đọc tác phẩm của mình một cách hứng thú và đầy cảm xúc. Căn phòng đang ồn ào bỗng trở nên im ắng, có anh chiến sĩ đã kịp rút điện thoại ra quay phim và ghi âm. Khi lời cuối cùng vừa dứt cũng là lúc rất nhiều đôi tay nắm chặt tay tôi nghẹn ngào... Những cái nắm tay rất chặt khiến tôi có cảm giác như đang được nhận giải thưởng báo chí. Một món quà vô giá giữa trùng khơi!

Theo Nội san Thông tấn, số 5/2015