Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Sổ tay phóng viên

ChuýãƯn ẵỔi nhõỪƠ ẵỔõỪŨi lẳàn ẵỔõỪẮn Preah Vihear


(02/04/2015 15:50:20)

Nhà báo lão thành Lê Sơn, nguyên Tổng biên tập báo Tin Tức buổi chiều, là một trong số những phóng viên TTXVN sang Campuchia năm 1979 "giúp bạn như giúp mình". Giờ đây, nhiều kỷ niệm trong đợt công tác ấy vẫn còn làm ông day dứt.

Đền Preah Vihear

Tôi không nhớ rõ, đó là tháng mấy của năm 1979, lúc bấy giờ Campuchia đã vào mùa mưa, có thể là đầu tháng Năm. Tôi và Phạm Tiến Dũng (sau này là Trưởng Ban biên tập Ảnh) được lệnh sáng hôm sau đi Preah Vihear để làm tin, chụp ảnh về tội ác của phía Thái Lan đẩy hàng nghìn người Campuchia tị nạn vào một bãi mìn, làm hàng trăm người chết. Được đi máy bay lên thẳng! Trời ơi, chưa bao giờ trong đời làm phóng viên tôi lại được đi công tác bằng máy bay lên thẳng! Trước khi đi, lãnh đạo Đoàn chuyên gia Thông tấn xã dặn, đây là chuyến đi "quan trọng", rất gấp, "cấp cao nhất chỉ thị" cho nên mới được đi máy bay lên thẳng. Chứ nếu không thì, thời ấy, Campuchia mới giải phóng, phóng viên của ta muốn đi công tác các tỉnh Đông Bắc Campuchia (tỉnh Preah Vihear ở cực Bắc) đều phải về TP. Hồ Chí Minh, vòng lên Tây Nguyên, đi theo bộ đội thì mới an toàn. Đi như vậy phải mất cả tuần lễ.

Sáng hôm sau, chúng tôi ra sân bay Pochentong. Gần một giờ sau thì chiếc HU1A từ TP. Hồ Chí Minh lên đưa chúng tôi đi. Cùng đi còn có Keo Suka, một phóng viên của Thông tấn xã SPK, mới mười bảy tuổi, trước đây cùng gia đình sinh sống trong một ngõ lớn phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, rất thông thạo Hà Nội (có thể bây giờ cậu đã thành "lục thum- ông lớn" rồi cũng nên).

Máy bay theo sông Mê Kông, bay ngược lên phía Bắc. Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, máy bay đáp xuống một khoảng đất trống, xung quanh không thấy nhà cửa. Đây là ngoại vi thành phố Stung Treng, nơi đóng quân của Bộ tư lệnh tiền phương của Quân khu Năm. Chúng tôi nghỉ lại, ăn uống, máy bay lấy thêm xăng để hai giờ chiều bay tiếp. Nhưng càng bay càng thấy bầu trời mỗi lúc một âm u, bắt đầu đổ mưa. Chừng mười lăm, hai mươi phút sau, máy bay lại quay về chỗ cũ. Thì ra, bộ đội bảo vệ vùng đền Preah Vihear báo về, trên đó đang mưa to, sấm sét dữ dội, máy bay không thể đáp xuống được.

Từ trái sang: Các nhà báo Lê Sơn, Trần Hữu Năng, Trần Mai Hưởng, Vũ Khắc Cư, Nguyễn Quang Vinh,

Lê Trọng Thư, Phạm Quốc Khánh tại Campuchia (1979)

Vậy là chúng tôi ở lại Stung Treng một buổi chiều. Trời không mưa, ba anh em rủ nhau ra bờ sông Mê Kông chơi, rồi cứ theo con đường vắng vẻ ven rừng đi miết. Chúng tôi rẽ vào một cánh rừng bên đường, bắt gặp một đống giày dép trẻ con ở ngay cửa rừng; chắc chắn là của con em những gia đình bị lính Pol Pot đuổi ra khỏi thành phố. Cách đấy không xa là một cái ao cạn, để lộ ra những bộ xương người. Thật thảm thương, có thể trong đó có cả xương của các em nhỏ, chủ nhân của những giày dép bỏ lại ở kia!

Sáng hôm sau, chúng tôi bay tiếp. Mưa đã tạnh. Ngồi trên máy bay nhìn xuống thấy rõ người và xe dưới mặt đất. Nhưng khi lên đến nơi thì vùng trời quanh đền là một tầng mây trắng dày đặc. Máy bay lượn nhiều vòng mà không thấy bãi đáp. Bốn bề toàn mây trắng, mây tràn cả vào khoang máy bay, chúng tôi như bị trùm kín trong một lớp vải trắng dày. Bỗng máy bay vọt lên. Trước mặt chúng tôi sừng sững một ngọn núi đá. Hai đồng chí phi công vẻ mặt căng thẳng (hôm về, các đồng chí mới thổ lộ, nếu lúc ấy không vọt lên mà cứ lượn vòng thì chỉ nửa phút nữa là đâm vào núi). Máy bay vòng lại thì thấy dưới đất có một cột khói, ấy là bộ đội đốt lửa báo cho phi công biết đó là bãi đáp.

Ra khỏi máy bay, bộ đội đưa chúng tôi đến ngay bãi mìn, nơi có chừng một nghìn con người đang mắc kẹt trong đó, chờ bộ đội ta mở đường thoát an toàn. Đây là bãi mìn dày đặc, ở vị trí hiểm yếu sát biên giới Campuchia - Thái Lan: Một thung lũng nằm sát vách đá dựng đứng, phía trên vách đá là Thái Lan. Những người bị đẩy xuống thung lũng không có cách nào leo lên, chỉ còn biết đi vào giữa bãi mìn. Họ là dân lành Campuchia, khi Pol Pot tháo chạy đã đẩy họ sang Thái Lan, tạo thành một trại tị nạn lớn. Mìn nổ, người chết như rạ, nằm rải rác khắp rừng. Chúng tôi đau lòng chứng kiến cảnh người sống ngồi bên cạnh người chết. Một vũng nước chừng 30 thước vuông, nước đục ngầu, phía bên này người sống múc nước uống, rửa mặt..., phía bên kia là bốn năm xác chết nằm sát mép nước, không ai dám chôn cất vì sợ nhỡ lại vướng mìn. Góc khác là một người cha vừa khóc, vừa dùng hai tay bới đất chôn đứa con gái chừng bốn năm tuổi. Bên gốc cây, một phụ nữ đơn độc nằm trút hơi thở cuối cùng, không người thân, không bạn bè bên cạnh. Lúc này đang là đầu mùa mưa, mưa đêm, ban ngày nắng, các thi thể phân hủy nhanh chóng, mùi của chết chóc bao trùm cả khu rừng. Hơm ba chục năm rồi nhưng cho đến nay, những hình ảnh rùng rợn, đau thương đó vẫn cứ ám ảnh tôi.

Quá trưa, công việc thông tin của chúng tôi kết thúc. Buổi chiều chúng tôi được các đồng chí bộ đội đưa lên thăm đền Preah Vihear. Một đại đội của ta làm nhiệm vụ canh giữ ngôi đền. Phía Campuchia dốc núi đá thẳng đứng, không có đường lên, bộ đội phải chặt cây rừng, làm thang. Chúng tôi phải leo chừng bốn hoặc năm cái thang, mỗi thang vài chục bậc. Đó là đường bộ đội ta hàng ngày lên xuống để lấy nước (nước cho vào bọc ni lông, đựng trong những cái gùi đan bằng dây rừng; một buổi sáng mỗi người chỉ lấy được một gùi nước, đủ ăn uống trong ngày). Lên đến nơi chúng tôi mới thấy, ngôi đền nằm trên đỉnh dãy núi Dângrêk, nếu lấy đường phân thủy làm ranh giới, thì ngôi đền nằm hẳn sang phía bên kia đường biên. Nghĩa là đền của Campuchia nhưng đất của Thái Lan. Phía Campuchia không có đường lên, nhưng phía Thái Lan là dốc thoai thoải, bên dưới là con đường tuần tra biên giới rải nhựa; trước kia, từ phía Campuchia, khách muốn lên thăm đền đều phải đi vòng qua đất Thái. Cho nên, cũng dễ hiểu về cuộc tranh cãi giữa hai nước về ngôi đền này cách đây mấy năm.

Chuyến thăm đền Preah Vihear ấy để lại trong tôi nhiều kỉ niệm và những ký ức không thể nào quên về những tội ác dã man của bè lũ Pol Pot. Đã thua chạy mà chúng vẫn cố tình sát hại hàng trăm con người, khác nào một cuộc thảm sát quy mô?

Cho tới năm 1979, hẳn chúng tôi là những phóng viên TTXVN đầu tiên lên thăm đền Preah Vihear. Nay thì rất nhiều người Việt Nam từng thăm viếng ngôi đền ấy rồi, nhưng đi theo con đường du lịch, không trải qua hành trình ly kỳ, nhiều nguy hiểm, không biết con đường trèo thang, leo vách núi hàng tiếng đồng hồ mà chúng tôi đã đi.

Theo Nội san Thông tấn, số 3/2015