Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Trao đổi - Thảo luận

Một số vấn đề thường gặp trong sản phẩm truyền hình của các CQTT


(01/10/2019 10:22:20)

Hội thảo “Nâng cao chất lượng hình ảnh trên Truyền hình Thông tấn” tổ chức ngày 9/9 đã nhận được nhiều ý kiến, tham luận trao đổi nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung và hình ảnh trên kênh Vnews, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị làm thông tin truyền hình trong ngành. Nội san Thông tấn xin trích giới thiệu tham luận của Phó phòng Thư ký biên tập, Trung tâm Truyền hình Thông tấn Lê Minh Đức trình bày tại hội thảo.

PV Phạm Thế Duyệt, CQTT Thái Bình ghi hình lễ khai giảng năm học mới (2019 - 2020) tại trường Tiểu học Lý Nam Đế, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Hiện nay, thông tin của các Cơ quan thường trú (CQTT) chiếm tới 40% lượng tin, bài trên các bản tin thời sự của Truyền hình Thông tấn (THTT). Nguồn tin từ các CQTT nhanh, kịp thời, nhiều thông tin mang tính phát hiện, đặc thù, trở thành đặc sản riêng của kênh THTT.

Do yêu cầu công tác, phóng viên thường trú của TTXVN phải thực hiện đồng thời nhiều loại hình báo chí, nên chất lượng hình ảnh của các sản phẩm truyền hình còn hạn chế. Xin được đi sâu phân tích cụ thể từng thể loại:

Thể loại phóng sự, phản ánh, yếu tố hình ảnh và âm thanh phải tạo được ấn tượng với khán giả; cần có những chi tiết, hình ảnh đắt, có giá trị biểu tượng và giá trị thông tin cao. Phóng viên quay phim cũng cần chú ý các góc máy sao cho sinh động, phù hợp, khai thác được các cỡ cảnh: Toàn, trung, cận, đặc tả, tạo cái nhìn đa dạng, nhiều chiều về sự việc. 

Trong quá trình ghi hình, cần chú ý đến khai thác âm thanh (lời nói, tiếng động hiện trường), giúp người xem cảm giác như được tận mắt chứng kiến. Tuy nhiên, một số phóng sự, phản ánh của CQTT tiếng động hiện trường chưa rõ, thậm chí không có.

Một số phỏng vấn còn có khuôn hình bắt sai, ngược sáng, mất nét, tiếng bị rè, lẫn tiếng tạp âm; phỏng vấn quá dài, lời nhân vật trùng với lời bình…

Sự hiện diện của phóng viên dẫn hiện trường có một vai trò rất lớn, vừa gia tăng tính xác thực của thông tin, vừa tạo sự tương tác với khán giả, dẫn dắt khán giả. Tuy nhiên, phần dẫn hiện trường của phóng viên các CQTT vẫn còn một số hạn chế, như: Nói ngọng, âm thanh không rõ, chưa tự nhiên, chưa nhấn nhá câu chữ, tóm tắt lại thông tin, thậm chí trùng với lời bình trong tác phẩm. Một số trường hợp dẫn hiện trường nhưng trang phục chưa phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh, hoặc đeo kính đen khi dẫn. 

Để có một bài phản ánh tốt, phóng viên cần bao quát nhanh hiện trường, tìm kiếm những hình ảnh, chi tiết đắt, tìm kiếm nhân vật tiêu biểu, phỏng vấn để viết lời bình và chọn ra ý chính, bày tỏ quan điểm, tình cảm cá nhân để nhân vật nói trực tiếp, để họ tự bộc lộ cảm xúc và tình cảm của mình. 
 
Trưởng CQTT Washington (Mỹ) Đặng Huyền tại đồi Capitol, tháng 7/2019

Bài phóng sự chân dung, điển hình tiên tiến thường hay bị loại vì chân dung được chọn giới thiệu không thực sự làm lay động người xem hoặc chất lượng hình ảnh, lời bình không truyền tải được ý tưởng của tác giả. Với thể loại này, Vnews đã nhiều lần đề nghị các CQTT đăng ký đề tài, lên đề cương và cùng trao đổi với Vnews trước khi thực hiện.

Với thời lượng phóng sự từ 2 phút rưỡi đến 3 phút, phóng viên rất dễ làm nếu đã lựa chọn được đề tài, chủ động trong hình ảnh, nhân vật. Chỉ cần thực hiện 3 - 4 ý kiến phỏng vấn và 3 cụm hình là có một phóng sự. Tuy nhiên, sẽ là rất khó nếu phóng viên tham đề tài rộng, diễn giải, dẫn dắt nhiều, nội dung dàn trải dẫn đến việc không thể cắt gọt, thu gọn như báo viết. 

Với nhiều vấn đề tại địa bàn thường trú, phóng viên nhìn nhận theo cách của người sở tại, thiếu cái nhìn mới lạ. Nhất là phần hình ảnh, nhiều khi phóng viên không giới thiệu không gian nơi sự kiện, sự việc xảy ra, thiếu những đại cảnh, ví dụ nói về vùng sản xuất muối mà không có biển, nói về vùng núi mà không có núi, có rừng. Phóng viên nên viết như một người am hiểu địa phương và nhìn nhận hình ảnh như người mới đến. Với cách nhìn của người thứ ba, sẽ thấy rất nhiều vấn đề mà địa phương đang gặp hoặc cần giải quyết.

Ở thể loại tin, cần xác định đặc thù là nhanh, gọn do khán giả không có nhiều thời gian ngồi trước màn hình. Với tin vắn, chỉ cần thời lượng 30 giây (120 từ), tin dài hơn có thể là 50 giây đến 1 phút (200 - 240 từ). Các tin dài hơn 1 phút thường là tin sâu, có thêm ý kiến của nhân vật. Các thông tin quan trọng nhất đưa lên đầu, lược bỏ các chi tiết không cần thiết. 

Nhìn chung, tin hình do CQTT gửi về là khá tốt, tuy nhiên cũng có một số tin không sử dụng được, như: Đề tài nhỏ, mang tính chất địa phương, vụ việc không quá nghiêm trọng; tin quá dài, nặng về mô tả, rườm rà, không phù hợp với truyền hình, thông tin báo cáo… Nếu tin có quá nhiều con số, chỉ lấy một vài số liệu quan trọng nhất. Tít quá dài cũng là điều cần khắc phục, nên tối đa là 13 chữ.

Thể loại phỏng vấn trên các bản tin của Vnews thường được sử dụng khi muốn làm rõ hơn một vấn đề mang tính thời sự. Đối tượng được phỏng vấn thường là chính khách, nhà quản lý, chuyên gia… Phần khó nhất của thể loại này là xây dựng kịch bản, câu hỏi và liên hệ phỏng vấn. Phần hình ảnh tương đối dễ thực hiện song trong một số phỏng vấn của các CQTT vẫn còn thiếu các khuôn hình cơ bản: Một bài phỏng vấn cần có đủ các khuôn hình người hỏi, người trả lời, cảnh hai người đang ngồi trao đổi gồm các cụm cảnh: Toàn, trung, qua vai của cả hai người… và hình trám về vấn đề đang trao đổi. Thực tế có những phỏng vấn CQTT nước ngoài gửi về chỉ duy nhất một file hình ảnh, trong đó nhân vật trả lời phỏng vấn nói rất dài, không có hình người hỏi và các cỡ cảnh cần thiết, biên tập viên không thể cắt ghép hoặc xử lý để phát dưới dạng bài phỏng vấn theo yêu cầu. 
 
PV Phạm Văn Thắng, CQTT Berlin (CHLB Đức), phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, tháng 4/2019

Bên cạnh đó, nội dung dài khó xử lý về mặt hình ảnh, đặc biệt trong các bài phỏng vấn chuyên gia người nước ngoài. Mỗi câu hỏi và trả lời thời lượng có khi lên đến hai phút hoặc hơn. Biên tập viên dịch hoặc biên tập dựa trên bản tiếng Việt bóc băng do phóng viên gửi kèm, sau đó thu âm. Nhưng khi dựng ghép sẽ gặp khó trong việc lựa đoạn để cắt cho hợp lý, cả về khẩu hình và nội dung người trả lời đang nói đến.

Lê Minh Đức
Nội san Thông tấn số 9/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cuộc chiến với Facebook: Mặt trận thật trên mạng xã hội ảo (04/09/2019 10:40:36)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Đổi mới thông tin ảnh thời sự  (01/08/2019 16:37:59)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Thẳng thắn nhìn nhận để tạo đột phá (01/08/2019 16:36:33)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Khi phóng viên thường trú tham gia làm ảnh (01/08/2019 16:35:31)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Tư duy bằng hình ảnh để có những "câu chuyện bằng ảnh" tốt (01/08/2019 16:34:39)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Tác nghiệp ảnh báo chí bằng smartphone (01/08/2019 16:31:31)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Nhu cầu ảnh cho các tòa soạn báo điện tử là rất lớn (01/08/2019 15:13:32)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Để tiệm cận với xu hướng ảnh báo chí thế giới  (01/08/2019 15:13:02)

Đối mặt với khó khăn về bản quyền  (02/07/2019 10:01:47)

Từ việc xử lý hai thông tin giả (03/05/2019 15:42:02)