Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Trao đổi - Thảo luận

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Tư duy bằng hình ảnh để có những "câu chuyện bằng ảnh" tốt


(01/08/2019 16:34:39)

Lựa chọn đề tài phù hợp với thông tin thị giác của ảnh báo chí
 
Việc tổ chức các đề tài phù hợp với thông tin ảnh, phản ánh đúng nhịp sống đương đại sẽ hạn chế bớt các ảnh kỷ niệm, hội nghị… vẫn thường xuyên được rút kinh nghiệm trong mục “Góc ảnh” của Nội san Thông tấn. Đặc biệt, Nội san Thông tấn số 4/2019 có góp ý rất đúng với thực trạng là: “Ảnh lưu niệm, không phải ảnh báo chí”. Vì vậy, việc lựa chọn đề tài, các tuyến đề tài phù hợp với thông tin thị giác của ảnh báo chí cùng sự dấn thân của phóng viên ảnh chính là giải pháp đầu tiên nâng cao chất lượng thông tin bằng ảnh.
 
Nhìn lại thể loại ảnh tại Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy, tuyến đề tài mà các đồng nghiệp thực hiện tạm chia như sau: Các tác phẩm ảnh báo chí cập nhật các sự kiện chính trị, thời sự trong nước và quốc tế; các vấn đề của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa; tuyên truyền về biển đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn…
 
Tại Giải báo chí TTXVN năm 2018, ngoài các đề tài được đánh giá khá cao bởi tính thời sự thì vẫn có nhiều sản phẩm có hàm lượng thông tin không cao, thậm chí đơn điệu, nhàm chán.
 
Có thể tham khảo từ Giải ảnh báo chí thế giới - World Press Photo. Tiêu chí được đặt lên hàng đầu là nội dung chuyển tải thông tin (chủ đề/đề tài) của tác phẩm và sự dấn thân quyết liệt của phóng viên. Nhìn từ cuộc thi ảnh báo chí với quy mô lớn nhất thế giới, phóng viên ảnh của TTXVN có thể xác định cách tổ chức đề tài theo các tuyến thông tin phù hợp để tham khảo và lựa chọn những câu chuyện bằng ảnh của mình.
 
Không giống các thể loại báo chí khác, ảnh báo chí yêu cầu phóng viên ảnh khi đề xuất, thực hiện đề tài luôn phải tư duy bằng hình ảnh thì mới xây dựng được các “câu chuyện bằng ảnh” tốt.
 

Chùm ảnh “Lai Châu tan hoang sau cơn lũ dữ” của phóng viên Quý Trung được trao giải A Giải báo chí TTXVN năm 2018 và giải C Giải báo chí quốc gia năm 2018

Phóng sự ảnh - thể loại vinh danh những câu chuyện ảnh
 
Ảnh báo chí của TTXVN hiện có hai thể loại chính là ảnh đơn và phóng sự ảnh/nhóm/bộ ảnh.
 
Phóng sự ảnh yêu cầu phóng viên ảnh ngoài kỹ thuật và tay nghề, phải có một “tư duy kể chuyện bằng hình ảnh” theo lối phóng sự, ký sự của báo chí… Mục đích cuối cùng của phóng sự ảnh là mang đến cho người xem một câu chuyện ấn tượng về một sự kiện, nhân vật, vấn đề phát sinh trong xã hội, hiện tượng thiên nhiên đặc biệt... Gần đây, thể loại này được phóng viên ảnh tại các cơ quan thường trú (CQTT) trong và ngoài nước thường lựa chọn, đặc biệt là các CQTT: Điện Biên, Lai Châu, Ninh Bình, Hải Phòng… Một số PV “ba trong một” khác cũng thực hiện các phóng sự ảnh tốt như ở các CQTT: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Cà Mau, Hậu Giang...
 
Theo kinh nghiệm của nhiều phóng viên ảnh chuyên nghiệp, một phóng sự ảnh tốt chỉ được thực hiện khi phóng viên ảnh chuẩn bị kỹ và nghiên cứu trước hiện trường. Sự chuẩn bị này giúp phóng viên định hình được các nội dung mà mình sẽ phải chụp khi cầm máy đến hiện trường.
 
Làm như vậy, phóng viên ảnh gần như có ngay sản phẩm cuối cùng khi đóng máy bởi ở khâu biên tập sơ bộ chỉ việc lọc ra những ảnh tốt nhất của các phân cảnh đã dự định trước đó. Sai lầm và thiếu sót của nhiều phóng viên ảnh là khi đi chụp phóng sự ảnh mà không hình dung ra trước hiện trường, đến nơi và chụp rồi về biên tập, chọn ra một bộ ảnh. Đôi khi phương pháp này vẫn hiệu quả nhưng chỉ với một số phóng viên ảnh có tố chất và kỹ năng biên tập ảnh tốt.
 
Kỹ thuật thể hiện với góc nhìn, cắt cúp mạnh, hạn chế dàn dựng, áp đặt vào chủ thể ở hiện trường
 
Hiện đang có sự thay đổi lớn đối với ảnh báo chí thế giới và các phóng viên ảnh Việt Nam làm việc tại các tờ báo lớn, trong đó có VietnamPlus. Xu hướng chung của ảnh báo chí thế giới thường là những tấm ảnh gây “sốc”, tạo cảm giác mạnh, khiến người xem xúc động.
 
Một số phóng viên ảnh của TTXVN hiện cũng bắt đầu với phong cách thể hiện mới mẻ bằng những góc máy đắt, táo bạo, song vẫn còn ít. Đối với ảnh, việc kiếm tìm cái lạ, góc nhìn riêng, chọn những ý tưởng mới và chụp sự kiện dưới con mắt của riêng mình.
 
Cắt cúp, xử lý góc máy không đồng nghĩa với việc phá vỡ các nguyên tắc đạo đức nghề của phóng viên ảnh. Ảnh báo chí vẫn phải là thông tin trung thực, khách quan, sau đó mới đến yếu tố nghệ thuật. Đã từng có những lớp học do Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương và hãng thông tấn AP tổ chức vào các năm 2005 và 2007 tại TTXVN. Các giảng viên sau khi truyền đạt những kỹ năng thường rút ra các nguyên tắc đạo đức nghề của phóng viên ảnh. Sự nghiêm khắc, kỷ luật trong nghề bắt buộc những bức ảnh báo chí không được phép chỉnh sửa photoshop, làm biến đổi nội dung, thêm thắt, vứt bỏ chi tiết, dàn dựng, tác động vào bối cảnh, sự kiện mình chụp…
 
Chụp ảnh là một cách ghi chép lịch sử, ghi chép cuộc sống bằng chiếc máy ảnh. Nó phụ thuộc vào cách nhìn, đầu óc người chụp chứ không phải từ chiếc máy hay ống kính.
 

Trọng Chính
Nội san Thông tấn số 7/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Tác nghiệp ảnh báo chí bằng smartphone (01/08/2019 16:31:31)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Nhu cầu ảnh cho các tòa soạn báo điện tử là rất lớn (01/08/2019 15:13:32)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Để tiệm cận với xu hướng ảnh báo chí thế giới  (01/08/2019 15:13:02)

Đối mặt với khó khăn về bản quyền  (02/07/2019 10:01:47)

Từ việc xử lý hai thông tin giả (03/05/2019 15:42:02)

Tương lai của những "thợ dịch" (03/05/2019 15:40:54)

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí: Chờ đợi hay hành động? (31/01/2019 15:04:51)

Làm chủ kỹ năng tác nghiệp khi đi thường trú (02/01/2019 16:32:28)

"Kiềng ba chân" trong thực hiện tin truyền hình (04/12/2018 14:22:43)

Liên hoan ảnh khu vực phía Nam lần thứ IV - 2018: Kết nối đất phương Nam (30/10/2018 16:44:24)