Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Nhớ một thời sinh viên trường TASS


(03/05/2019 15:34:42)

Gần 40 năm đã qua, kể từ khóa học đầu tiên (năm 1980) do hãng thông tấn TASS giúp Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các kỹ thuật viên Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn, phục vụ quá trình phát triển hạ tầng kỹ thuật của ngành, nhìn lại một thời sinh viên trường TASS, những kỷ niệm đẹp không phai mờ trong mỗi chúng tôi.

Sinh viên Việt Nam và các bạn cùng khóa với cán bộ hãng thông tấn TASS

Vượt qua rào cản ngôn ngữ
 
Theo Hiệp định trao đổi hợp tác giữa hai cơ quan thông tấn cách đây 40 năm, TASS (hiện nay thuộc Liên bang Nga) tổ chức đào tạo và đài thọ toàn bộ chi phí cho các điện báo viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) sang học tập tại nước bạn. Trong vòng 10 năm (1980 - 1990), đã có tổng số 24 điện báo viên, kỹ thuật viên của TTXVN được cử tham gia các khóa học do TASS tổ chức, mỗi khóa có 2 hoặc 3 người.
 
Khóa 9 của chúng tôi có hơn chục sinh viên, chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Campuchia) và một số từ khu vực Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh… Chương trình đào tạo có nhiều nội dung trong khi thời gian ngắn, nên sau một tháng học tiếng Nga, sinh viên phải học song song các môn đại cương với chuyên ngành mà không có phiên dịch (trong khi chương trình dự bị đại học, thường được học tiếng ít nhất 6 tháng đến một năm).
 
Sinh viên Việt Nam, Lào, Campuchia có phần bất lợi hơn so với sinh viên các nước nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Vì vậy, thật khó khi tiếng Nga chưa sõi đã phải tiếp xúc ngay với các môn học. Trong “cái khó ló cái khôn”, chúng tôi sử dụng tối đa ngôn ngữ hình thể, gọi vui là “dùng cách sáu” để giao tiếp nên cũng nhanh chóng hòa nhập được với thầy cô và các bạn.
 
Nhưng khi học các môn chuyên ngành, đặc biệt là môn lý thuyết vô tuyến điện của thầy Mikhail, mọi chuyện lại không dễ dàng như thế. Thầy vừa là giáo viên bộ môn vô tuyến điện, là chủ nhiệm lớp đồng thời là Hiệu trưởng nên rất nghiêm khắc. Vào đầu mỗi giờ học, thầy thường kiểm tra lại bài cũ, gồm cả tiếng Nga và kiến thức đã học của sinh viên. Chính nhờ sự nghiêm khắc của thầy Mikhail, chúng tôi càng chăm chỉ, chịu khó học tiếng Nga và chuyên tâm hơn trong các môn chuyên ngành. Trên lớp, chúng tôi thường xuyên mang theo từ điển để tra cứu, hoặc hỏi thêm các bạn cùng lớp. Dần dần, chúng tôi vượt qua được những trở ngại về ngôn ngữ, cộng với sự miệt mài, nên cũng khắc phục được khó khăn trong học tập.
 
Cuối khóa học, sinh viên phải viết tiểu luận bằng tiếng Nga. Sinh viên Việt Nam được các thầy, cô khen về tính chịu khó và thường có kết quả tốt hơn sinh viên các nước khác, nhất là về các môn toán, lý và phần thực hành kỹ thuật thông tin.
 
Bằng tốt nghiệp trường TASS của sinh viên Nguyễn Văn Trình, khóa 1985 - 1987

Ấn tượng buổi học đầu tiên
 
Nhớ lại buổi học đầu tiên được phân công trực nhật, tôi đến lớp rất sớm, chăm chú và tỷ mỷ trong từng công việc, từ giặt giẻ lau bảng, quét dọn đến lau sạch sàn. Lớp học sạch sẽ, gọn gàng cũng là lúc các bạn và thầy Mikhail bước vào lớp. Vừa vào đến cửa, với gương mặt nghiêm nghị, thầy hỏi:
 
Trường TASS đào tạo mỗi khóa trong thời gian hai năm, với 9 nội dung và môn học chuyên ngành, bao gồm: Tiếng Nga, Lịch sử, Hệ thống quản lý hành chính nhà nước Liên bang Xô viết, Thông tin vô tuyến điện (VTĐ), Liên lạc VTĐ, Điện tử VTĐ, Đo điện VTĐ, Vật liệu điện và thực hành sản xuất (riêng thực hành chiếm thời lượng khá nhiều, tới gần 2.000 giờ).

- Hôm nay ai trực nhật?
 
Tôi hồ hởi đáp:
 
- Thưa thầy, em Phúc ạ!
 
Tôi thoáng nghĩ, với tính kỷ luật cao, ngăn nắp của một điện báo viên Thông tấn, từng là một người lính chiến trường, nên tôi rất tự tin chờ những lời khen từ thầy. Nhưng thầy im lặng tiến về dãy bàn giữa phòng học, một tay nâng bàn, một tay lấy ngón trỏ quệt xuống chỗ chân bàn vừa được nhấc lên, rồi bôi lên áo. Tôi tái mặt khi nhìn thấy áo sơ mi trắng của thầy hiện lên vết bẩn. Thầy nói:
 
-  Mọi người ra ngoài để chờ làm lại vệ sinh lớp!
 
 Tôi nhanh chóng lau lại tất cả các chân bàn và cảm thấy hơi xấu hổ về phiên trực nhật của mình. Tiết học hôm đó bị chậm ít phút. Bỗng có tiếng chuông báo sinh viên đến muộn xin vào lớp. Tôi đứng dậy định ra mở cửa cho bạn thì thầy gằn giọng:
 
- Không mở!
 
Rồi thầy tiếp:
 
- Đi muộn năm phút, sinh viên phải chờ bên ngoài, hết tiết học mới được vào lớp.
 
Tôi thấy ái ngại vì sự nhanh nhảu của mình và lại được một bài học nữa về tính kỷ luật, càng thấm thía được sự nghiêm túc trong công việc của thầy.
 
Đúng giờ, cẩn thận từ việc đơn giản nhất chính là bài học đầu tiên và kỷ niệm không bao giờ quên của tôi khi học tại trường TASS. Dù thời gian học tập ở nước Nga đã lùi xa nhưng tình cảm sâu đậm, tấm lòng biết ơn với đất nước Nga, con người Nga và những người thầy, người đồng nghiệp luôn thường trực trong mỗi trái tim cựu sinh viên trường TASS chúng tôi.
 
Gặp mặt các kỹ thuật viên TTXVN là cựu sinh viên trường TASS, tháng 1/2019

Những sinh viên trường TASS năm ấy, hiện chỉ còn 6 người đang công tác, trong đó có các anh: Nguyễn Thanh An, Đỗ Hải, Nguyễn Chí Dũng và Phạm Ngọc Bằng (Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn); Nguyễn Văn Minh (báo Thể thao và Văn hóa) và Phạm Anh Tú (HVTV Cab, Đài Truyền hình Việt Nam).

Nguyễn Văn Phúc
Nội san thông tấn số 4/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chi đoàn Ban biên tập tin Thế giới: Đồng hành cùng dòng chảy thông tin thông tấn (03/05/2019 15:16:07)

Đoàn cơ sở Cơ quan khu vực phía Nam: Xung kích trong thực hiện các tuyến tin, bài chuyên sâu (03/05/2019 15:13:25)

Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019): Tay ghi tin chiến thắng mà nước mắt tuôn trào (03/05/2019 09:52:52)

Hội nghị Ban chấp hành OANA lần thứ 44: Những trải nghiệm thú vị (03/05/2019 09:48:18)

Hội nghị Ban chấp hành OANA lần thứ 44: Thầm lặng công tác lễ tân hậu cần (03/05/2019 09:31:13)

Hội nghị Ban chấp hành OANA lần thứ 44: Câu chuyện về các tình nguyện viên (03/05/2019 09:27:43)

Hội nghị Ban chấp hành OANA lần thứ 44: Cùng nhau xây dựng một môi trường báo chí lành mạnh (02/05/2019 16:39:18)

Hội nghị Ban chấp hành OANA lần thứ 44: Hướng tới nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo (02/05/2019 16:36:57)

Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Quảng Trị (02/05/2019 11:35:55)

Chương trình nghệ thuật “Khát vọng thống nhất”: Trao tặng 1,8 tỷ đồng xây dựng trường học tại Quảng Trị  (02/05/2019 10:07:27)