Thứ năm, ngày 25/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Những yếu tố làm giảm tốc độ đọc


(02/08/2012 09:22:17)

Trong khi thưởng thức bài báo, đôi khi người đọc bắt gặp những chi tiết nhỏ gây khó khăn cho việc đọc và định hướng, thậm chí gây mệt mỏi, và trong một số trường hợp còn cản trở việc đọc. Những vật cản này xuất hiện trong bài viết và hình ảnh cũng như trong cách trình bày. Dưới đây là danh sách những vật cản thường gặp nhất và một số gợi ý để tránh những vật cản đó.

             Trong bài viết, Pv cần tránh

- Từ ngữ khó hiểu. Ngôn ngữ kỹ thuật, chuyên ngành: Cần đơn giản hoá

- Các con số và các phép đo lường: Thay vì dùng năm 2012 có thể thay là năm nay, và mười năm trước là năm 2002.

Những gì tăng 100% nghĩa là tăng gấp đôi. Tăng 94, 95% là gần gấp đôi. Giá trị giảm từ 64 nghìn đồng xuống còn 34 nghìn nghĩa là giá trị bị giảm một nửa.

Cân nhắc để lập ra các biểu đồ dễ nhìn hoặc các hộp dữ liệu để trình bày những con số quan trọng.

Không làm lẫn lộn các phép đo lường. Nếu bạn đang nói đến giá trị tính bằng tiền đồng thì không đột ngột chuyển sang tiền đôla Mỹ nếu không cần thiết. Nguyên tắc cơ bản là bạn đọc không có nghĩa vụ phải quy đổi hoặc tính toán gì khi đang đọc. Nếu không giỏi môn toán thì bạn đọc sẽ bỏ qua không đọc, hoặc đọc cũng không hiểu.

Bài báo chứa rất nhiều con số nên khó theo dõi và nhiều từ viết tắt khó hiểu 

- Câu dài: Cắt ngắn câu.

- Cấu trúc lỏng lẻo, thiếu trọng tâm và thông tin ngoài lề: Thực hành phương pháp Maestro (NSTT đã giới thiệu trong số 5/2012)! Có thể dùng thông tin ngoài lề để viết bài báo khác. Viết tin ngắn? Hay đưa vào hộp dữ liệu?

- Từ viết tắt: TDTVT (Tránh dùng từ viết tắt). VTVTGMM (Vì từ viết tắt gây mỏi mắt).

Nếu tên tổ chức hoặc công ty được viết tắt, ví dụ là TNHH thì cần chú thích tên đầy đủ là Trách nhiệm hữu hạn ngay từ đầu bài viết. Sau đó, khi nhắc tới tổ chức thì dùng các từ khác như "cơ quan", "công ty" hoặc "họ" Vì khi bạn đã chú thích tên đầy đủ của tổ chức ngay từ đầu bài viết thì bạn đọc biết bạn đang nói đến tổ chức nào.

- Tít một đằng bài một nẻo: Chẳng hạn tít là "Đây là dòng xe an toàn nhất trên thị trường" còn nội dung bài lại là làm thế nào để giảm tai nạn giao thông.

- Cái tôi của nhà báo: Chúng tôi hiểu rằng việc thể hiện dấu ấn cá nhân là rất quan trọng và có thể dùng trong các bài phóng sự. Nhưng đôi lúc nhà báo đứng chắn giữa bạn đọc và thông tin, nhà báo kể chứ không cho thấy thông tin. Trường hợp này xảy ra khi nhà báo dùng những đại từ nhân xưng "tôi" trong bài phóng sự.

Hai ví dụ:

1. Tôi nhìn thấy căn nhà sắp sập đổ và tôi cảm thấy trời nắng nóng. Sau đó tôi nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ.

2. Căn nhà sắp sập đổ. Trời nóng. Một đứa trẻ khóc thét.

Tránh dùng đại từ nhân xưng "tôi", "chúng tôi", bởi điều đó giúp bạn đọc dễ hình dung những điều bạn muốn truyền tải hơn. Bạn đọc vẫn biết thông tin được phản ánh qua con mắt hoặc đôi tai của người viết. Bạn vẫn hiện hữu mà không làm cho độc giả xao lãng.

- Văn phong hàn lâm: Văn phong hàn lâm không có chỗ đứng trên mặt báo. Nếu cấu trúc câu mang phong cách hàn lâm thì bài viết không phải dành cho đại chúng.

- Lặp lại, đặc biệt là tên riêng, từ viết tắt.

- Câu bị động: Rõ ràng là câu "Bạn có thể sẽ đọc bài này" hay hơn câu "Bài này có thể sẽ được đọc bởi bạn".

- Dấu ngoặc đơn: Chuyển động của mắt (khi đọc) có thể (hoặc không) bị ngắt quãng (bị mỏi mắt) khi bài viết đầy dấu ngoặc đơn.

- Thiếu, hoặc dùng sai... dấu chấm câu; dấu chấm hỏi, dấu chấm than.

- Tiếng lóng: Tiếng lóng khiến độc giả không hiểu cảm thấy mình trở thành người ngoài cuộc. Tiếng lóng cũng có thể được dùng, nhưng chỉ khi bạn hoàn toàn chắc chắn rằng nhóm công chúng mục tiêu của bạn hiểu tiếng lóng đó. Hoặc tiếng lóng trong câu trích dẫn.

- Chữ viết hoa

CHỮ VIẾT HOA NHƯ QUÁT VÀO MẶT BAN ĐỌC VÀ LÀM CHO BÀI VIẾT NHÌN NHƯ DÍNH VÀO NHAU VÀ KHÔNG THỂ ĐỌC LƯỚT ĐƯỢC, MẮT SẼ RẤT DỄ BỊ MỎI. CẢ CẶP MẮT VÀ BỘ NÃO SẼ NHANH CHÓNG TÌM QUA TRANG KHÁC, BÀI VIẾT KHÁC. HOẶC VỨT CẢ TỜ BÁO ĐI ĐỂ NGỦ MỘT GIẤC,

HÃY NÓI THẬT XEM BẠN CÓ ĐỦ KIÊN NHẪN ĐỂ ĐỌC TẤT CẢ ĐOẠN NÀY KHÔNG? BẠN Đà BUỒN NGỦ CHƯA? BẠN Đà LẬT SANG TRANG KHÁC CHƯA? HAY LÀ BẠN Đà QUẲNG TỜ BÁO ĐỂ ĐI XEM TIVI RỒI?

 

Trong cách trình bày báo

- Phá vỡ mạch đọc: Ngay khi cặp mắt không biết dừng tại vị trí nào trên trang báo, hoặc không biết nên chuyển sang đọc vị trí nào, thì các tín hiệu từ mắt sẽ được truyền lên não. Mắt nói: "Này anh não! Xin lỗi nhé, nhưng chúng tôi chịu chết trong đống chữ này. Chúng rối hết cả lên". Não nói: "Tôi mệt lắm rồi. Tôi phải tiết kiệm sức lực để làm việc khác quan trọng hơn. Thôi đừng đọc nữa!"

Bởi vì bộ não của chúng ta vốn mang bản chất lười biếng và não không muốn tiếp năng lượng cho những việc vô nghĩa. Bộ não của những người khác cũng vậy. Bộ não của bạn đọc cũng thế.

- Thiếu khoảng trống, ít cửa vào: Những trang báo kín đặc chữ, không có khoảng trống nào, làm cho bạn đọc khó thở, khó đọc.

- Cỡ chữ nhỏ: Đặc biệt đối với độc giả trên 40 tuổi và những người không đủ tiền mua kính (hoặc không có thói quen đeo kính), cỡ chữ nhỏ loại bạn đọc ra ngoài trang báo và làm cho họ bực tức.

- Dùng nhiều kiểu phông chữ khác nhau: Vui chơi một chút với các kiểu chữ khác nhau trên máy tính thì khá vui mắt, nhưng để đọc thì không phải là ý hay.

 

Hình ảnh

- Hướng nhìn bị rối: Khi biên tập hình ảnh, việc quan trọng là nhìn tổng thể cả trang báo theo cách của bạn đọc. Tận dụng những chuyển động và hướng nhìn trong các bức ảnh để tạo sự tập trung trong trang.

- Thiếu chú thích ảnh: Chú thích ảnh thường bị bỏ qua. Đây là phần mang giá trị thông tin vô cùng lớn vì nó là một trong những phần đầu tiên độc giả sẽ đọc. Chú thích ảnh phải bổ sung thêm thông tin cho bức ảnh và nội dung bài viết

- Những thông điệp trái ngược: Chuyện buồn - ảnh có mặt cười hớn hở.

- Hình bị cắt cúp không đúng: Nếu ảnh bị cắt cúp không đúng thì không ai hiểu được. Ví dụ bạn cắt bức ảnh một người nhưng lại có cánh tay người khác thò vào thì người trong ảnh trông như có ba cánh tay.

(Theo cuốn "Cẩm nang phóng viên")

Theo Nội san Thông tấn, số 7/2012