Thứ năm, ngày 25/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tôi trưởng thành với những loạt bài "theo" vấn đề


(29/06/2012 12:14:09)

Loạt bài "Hệ lụy bùng nổ các trường đại học" đoạt giải C- Giải báo chí Quốc gia năm 2011 là một vinh dự cho một PV vào nghề chưa lâu như tôi. Tuy vậy, tôi biết rằng, sản phẩm thông tin của mình vẫn cần hoàn thiện hơn. Sau mỗi loạt bài tôi đều nhìn lại xem vấn đề đã được khai thác triệt để chưa, có bị sa vào lối mòn không. Và tôi thấm thía điều mà các đàn anh, đàn chị đã chỉ bảo, nếu "theo" vấn đề một cách thấu đáo sẽ giúp phóng viên trưởng thành hơn.

Phóng viên Lê Vân phỏng vấn sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội 

Những ngày đầu làm việc ở báo Tin Tức, tôi được phân công theo dõi mảng giáo dục. Đây là may mắn với một phóng viên (PV) mới, bởi "có đất để cày". Nhưng ở một tờ báo ngày, một năm có tới 2/3 thời gian chúng tôi phải theo đuổi tin, bài thời sự. Mải miết "chạy đua thông tin", tôi vẫn thấy mình thiếu thiếu cái gì đó. May mắn là Ban biên tập báo luôn khuyến khích PV có những loạt bài mang tính phát hiện. Tôi đã nhận được lời khuyên: Để có thể trưởng thành hơn trong nghề, PV rất cần những bài viết mang tính phát hiện, những loạt bài theo vấn đề". Ghi nhớ điều đó, tôi bắt đầu hướng tới một số chủ đề đối với lĩnh vực được phân công theo dõi và đã có những sản phẩm đóng góp cho tờ báo. Loạt bài "Hệ lụy bùng nổ các trường đại học" là một trong những sản phẩm đó.

Qua các mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, tôi nhận thấy việc mở trường đại học, mở ngành ồ ạt, tăng chỉ tiêu tuyển sinh... đã khiến chất lượng đại học xuống dốc. Để giữ chân thí sinh, nhiều trường đã không ngần ngại tung các chiêu thức về học bổng, ưu đãi tuyển sinh nhưng vẫn không thể thu hút được thí sinh. Thực tế là người học đã chuyển hướng từ "muốn được học đại học" sang "sẽ học đại học nào". Tôi đã xác định và theo đuổi loạt bài về "Hệ lụy bùng nổ các trường đại học". Đó cũng là thời điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo trưng cầu ý kiến về Dự thảo Luật giáo dục đại học, trong đó nhấn mạnh tới những điểm mới về thành lập trường, mở ngành mới.

Xác định trước bố cục chùm sẽ gồm ba bài viết, hai bài đầu đưa ra những số liệu thống kê và dẫn chứng từ các trường ĐH, phân tích nhận định của các chuyên gia về tình trạng bùng nổ các trường ĐH cùng những đề xuất giải pháp, bài cuối cùng hướng tới cách giải quyết vấn đề, đồng thời mở ra hướng với ngành giáo dục, tôi thấy dễ dàng hơn khi triển khai, lấy tư liệu và viết bài.

Để thực hiện loạt bài này, tôi đã tổng hợp tư liệu về tuyển sinh trong ba năm. Tại những buổi hội thảo liên quan đến đại học, có dịp gặp gỡ lãnh đạo nhiều trường đại học, những chuyên gia giáo dục, tôi đều có những chia sẻ về thực trạng đại học hiện nay. Nhiều thầy cô, lãnh đạo ngành đều ủng hộ và sẵn sàng cung cấp số liệu khi tôi đặt vấn đề viết về chủ đề này. Sau khi đã có tư liệu cho bài thứ nhất với tiêu đề: "Thừa trường, thiếu người học", thực hiện bài thứ hai, tôi phải chọn nhân vật để phản biện. Đó phải là một chuyên gia giáo dục có thể nói về vấn đề này một cách thuyết phục. Nhân vật lý tưởng là GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Tuy nhiên lúc đó GS Đào Trọng Thi đang rất bận với kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13. Sau nhiều lần liên lạc, GS đã đồng ý có cuộc trao đổi nhanh với tôi bên lề Quốc hội. Phỏng vấn được GS, cộng với tư liệu được đồng nghiệp cung cấp về vấn đề đại học, tôi đã hoàn thành bài thứ hai trong loạt bài phỏng vấn. Trong bài cuối cùng, để nói về cách giải quyết vấn đề, tôi chọn phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, phụ trách các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học.

Sau khi cả loạt bài được đăng tải, điều khích lệ tôi nhất là phản hồi từ người đọc, từ chính những người trong cuộc. Một số PV báo bạn đã liên hệ với tôi đề nghị được chia sẻ thông tin để viết tiếp về đề tài này. Do đó, vấn đề tiếp tục được "xới" lên trong công luận. Và chắc hẳn, những bài báo về vấn đề này đã tạo nên những hồi chuông gióng giả, kêu gọi sự vào cuộc mạnh hơn nữa của các ban ngành chức năng. Vấn đề loạt bài đặt ra cũng là một trong những nội dung làm nóng nghị trường kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13 về giáo dục đào tạo.

Lê Vân
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Liên Chi hội Nhà báo: Hướng hoạt động về các Chi hội cơ sở  (29/06/2012 12:10:15)

Diễn đàn thu hút những ý kiến trí tuệ và nhiệt tâm (28/06/2012 10:53:01)

Kiểm soát độ sắc nét của hình ảnh (30/05/2012 11:02:50)

Kỹ năng thiết kế báo (30/05/2012 10:50:18)

Phương pháp Maestro - vẻ đẹp từ những điều bình dị (30/05/2012 10:43:41)

Dám nghĩ, dám làm để "cống hiến" (30/05/2012 10:27:18)

Ban Biên tập ảnh:Triển lãm nối tiếp triển lãm (29/05/2012 15:58:10)

Về chùm tác phẩm đoạt giải A Giải báo chí TTXVN: Những ngày ở Mường Nhé (29/05/2012 14:33:30)

Cốt lõi vẫn là yếu tố con người (29/05/2012 14:01:30)

Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng phóng viên trong nước (29/05/2012 10:56:34)