Tin trong ngành
Nơi cơn lũ dữ đi qua
(12/09/2023 08:21:37)
Vùng cao Tây Bắc mùa mưa thường trực nỗ lo sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để đưa đến độc giả những hình ảnh lay động nơi tâm lũ, phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Yên Bái đã không quản ngại gian khổ, khó khăn, kể cả nguy hiểm để có mặt tại hiện trường. Câu chuyện tác nghiệp dưới đây được Trưởng CQTT tại Yên Bái Đỗ Tuấn Anh ghi lại ngay sau khi cơn lũ dữ quét qua vùng cao Mù Cang Chải những ngày đầu tháng 8/2023.
Nhóm phóng viên CQTT tại Yên Bái phỏng vấn Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Hồ Bắc, huyện Mù Cang Chải, ngày 17/8 |
Băng rừng, vượt suối tiếp cận hiện trường
Ngày 5/8, tại tỉnh Yên Bái, mưa lớn đã gây sạt lở, lũ ống, lũ quét làm thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và các công trình công cộng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Trong đó, nhiều địa phương bị cô lập do đường giao thông chia cắt, điện mất trên diện rộng, thông tin liên lạc bị đứt quãng.
Ngay sau khi có thông tin về tình hình mưa lũ, sạt lở đất, phóng viên CQTT Yên Bái lập tức lên đường, mang theo đầy đủ phương tiện tác nghiệp, từ máy tính, máy ảnh đến máy quay phim, sạc dự phòng... Bên cạnh đó, là những đồ dùng không thể thiếu khi đi tác nghiệp trong mưa bão như: áo mưa, túi nilon bảo vệ máy cùng vài chiếc bánh, chai nước phòng khi cần đến.
Sau hơn 4 tiếng ngồi trên ô tô, di chuyển từ trung tâm TP. Yên Bái lên huyện Mù Cang Chải, chúng tôi tiếp tục di chuyển bằng xe máy thêm một tiếng nữa, trước khi cuốc bộ vượt đất đá, bùn lầy để tiếp cận xã Hồ Bốn - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất.
Dọc đường đi, hai bên quốc lộ 32 đoạn từ các xã Khao Mang, Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải) đi huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu la liệt những điểm sạt lở, đồi núi nham nhở chực chờ đổ ập xuống. Dòng suối Nậm Kim bình thường xanh hiền hòa, giờ nước réo ầm ào, đục ngầu. Những khúc gỗ lớn lộc cộc chìm, nổi giữa dòng…
Tại km số 324, quốc lộ 32, một đoạn đường dài gần 100m đã bị lũ cuốn đi, phía dưới là dòng nước chảy xiết có độ sâu 2-3m. Để đi qua đây, anh em phóng viên cùng các lực lượng cứu hộ phải men theo vách núi đá được giăng dây để bám tay vào, dưới chân là những cây gỗ nhỏ lắp tạm, trơn tuột. Trước tình hình rất nguy hiểm đó, chúng tôi đành để máy quay, máy tính lại, rồi khoác vội balo đựng máy ảnh, máy quay cầm tay để tiếp tục hành trình. Tại đây, một phóng viên báo Tuổi trẻ đã bị trượt chân, ngã xuống dòng nước xiết, may mắn là kịp thời bám được vào đoạn dây mà lực lượng cứu hộ đã căng hai bên nên mới có thể an toàn vượt qua.
Tới bên kia đường, khung cảnh tan hoang mà cơn lũ để lại khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy xót xa. Đường sá bị chia cắt gần như không thể nhận ra. Bùn đất nhầy nhụa, lầy lội, kèm theo cây cối và đá tảng lũ cuốn về vẫn còn mắc lại la liệt. Khu vực trạm y tế xã Hồ Bốn biến thành ốc đảo, nằm giữa dòng chảy của lũ. Nhiều ngôi nhà không còn dấu tích, một số nhà chỉ còn trơ lại khung. Bên những mỏm đá trơ lại sau cơn lũ là những gương mặt thất thần, những ánh mắt đỏ ngầu sau một đêm trắng “chạy trốn” mưa lũ.
Chúng tôi bắt tay ngay vào việc ghi lại hình ảnh những đau thương mà người dân vùng lũ đang phải trải qua, để kịp thời chuyển tới người dân cả nước, kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng.
Những hình ảnh lay động từ tâm lũ
Chúng tôi tiếp tục dò dẫm, lần theo quốc lộ 32 đã hư hỏng để vào trung tâm xã Hồ Bốn - nơi trước đây từng rất đông đúc, nhộn nhịp, giờ tan hoang, ngập chìm trong bùn đất, cây cối. Con suối nhỏ từ trên núi vẫn không ngừng chảy xuống cạnh trụ sở UBND xã, gây tê liệt toàn bộ mọi hoạt động. Trời vẫn mưa như trút nước, người dân khu trung tâm đã sơ tán lên các điểm an toàn. Toàn bộ xã bị cắt đứt hoàn toàn cả về giao thông, điện, thông tin liên lạc và nhu yếu phẩm. Chỉ có một số đoàn cứu hộ của huyện đã vào trước, kịp thời mang theo ít lương khô, mì tôm để cứu trợ cho bà con nơi đây.
Sau khi ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn người dân và chính quyền địa phương, việc khó khăn nhất của anh em phóng viên là gửi tin, bài về Tổng xã. Lúc này, nhiều cột điện, cột phát sóng bị thiệt hại, việc truyền phát thông tin về là gần như không thể. Các phóng viên buộc phải dời khu vực trung tâm xã tìm các điểm có sóng điện thoại.
Cả xã Hồ Bốn khi đó chỉ có nhà ông Lìm Văn Hòa, ở bản Trống là có máy phát điện. Vì thế, chúng tôi quyết định dừng chân nơi đây để tìm cách chuyển tin, bài. Ông Hòa cho biết, mỗi ngày có đến hàng trăm người từ xã đến các bản xin dùng nhờ máy phát điện để sạc đèn tích điện, đèn pin. Bà con khó khăn, vất vả nên ai đến hỏi gia đình cũng đều cho sạc nhờ. Mỗi ngày phải dùng hết hơn 10 lít xăng nhưng cũng không lấy của bà con đồng nào, giúp được mọi người là vui lắm rồi.
Tại đây, chúng tôi được nghe bà con chia sẻ thêm: đêm xảy ra mưa lũ, xã bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, không có bất cứ thông tin gì từ các bản, mọi người đều hoang mang và lo lắng. Sáng sớm 6/8, lực lượng 4 tại chỗ của xã đã cố gắng tiếp cận các bản, tìm cách liên hệ với chính quyền huyện để báo cáo tình hình, nhưng cũng phải đến gần trưa mới tìm được một chiếc điện thoại bắt được “sóng” để liên lạc. Từ đó, chiếc điện thoại này là thứ duy nhất để bà con cũng như chính quyền dùng để liên hệ với “thế giới bên ngoài”.
Huyện Mù Cang Chải, Yên Bái tan hoang sau cơn lũ dữ. Ảnh do phóng viên Đỗ Tuấn Anh chụp |
Chiều tối 6/8, sau khi đã thu thập đủ thông tin cần thiết, chúng tôi quay về trung tâm huyện để “hứng sóng” chuyển tin, bài. May mắn là vào chập tối, huyện bố trí phòng họp của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nơi có máy phát điện để anh em phóng viên tác nghiệp. Ngoài việc khẩn trương làm việc, các phóng viên cũng tranh thủ lau chùi lại máy móc, sạc pin máy ảnh, điện thoại, sạc dự phòng… chuẩn bị cho hành trình ngày hôm sau.
Liên tục các ngày sau đó, cứ sáng sớm, nhóm phóng viên lại chia nhau theo các đoàn công tác của huyện đi tiếp cận các điểm bị ảnh hưởng do mưa lũ để triển khai thực hiện các mảng đề tài khác nhau. Người thì phản ánh những mất mát của đồng bào; người đưa tin về những khó khăn trong công tác cứu hộ cứu nạn, hay nỗ lực khắc phục điện, đường, trường, trạm…
Bằng nhiều cách thức, loại hình và đề tài, phóng viên CQTT tại Yên Bái đã kịp thời mang đến cho độc giả cả nước những hình ảnh chân thật nhất về sự tàn khốc do mưa lũ, sạt lở đất gây ra; những cố gắng của chính quyền địa phương, các cấp, ngành của tỉnh trong việc khắc phục hậu quả do mưa lũ. Từ đây, nhiều tổ chức, cá nhân trên cả nước đã chung tay, ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm đến bà con vùng lũ, xoa dịu những mất mát, đau thương nơi cơn lũ dữ đi qua./.
Đỗ Tuấn Anh - Trưởng CQTT tại Yên Bái
Nội san Thông tấn số 8/2023
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Trưng bày ảnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ (11/09/2023 15:31:18)
Trao học bổng, xe đạp tặng học sinh nghèo Đồng Nai nhân dịp khai giảng năm học mới (11/09/2023 09:51:07)
Khích lệ người lao động nâng cao năng suất lao động (11/09/2023 08:49:16)
Đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp (11/09/2023 08:45:17)
Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập TTXVN (15/9/1945-15/9/2023): Hai tuyến đường ở Bắc Giang mang tên các nhà báo TTXVN (08/09/2023 16:17:12)
Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023: Sức lan tỏa từ cuộc thi (08/09/2023 16:09:08)
Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập TTXVN (15/9/1945-15/9/2023): Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc với Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam (07/09/2023 09:35:13)
Báo Le Courrier du Vietnam: Ba mươi năm vững bước đi lên (06/09/2023 15:55:40)
Báo Le Courrier du Vietnam đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (06/09/2023 09:55:02)
Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Ninh Bình (31/08/2023 12:12:53)