Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Phóng viên đi, phóng viên viết

"Phóng viên cộng đồng" ở Nga


(10/07/2009 09:24:36)

Nếu bạn là phóng viên TTXVN thường trú tại Mátxcơva thì những cú điện thoại cầu cứu lúc nửa đêm không phải là chuyện lạ. Căn hộ chật chội của bạn thường xuyên trở thành nơi trú ngụ của những người Việt sang Nga làm ăn gặp hoạn nạn. Chính đó là một mảng của "công tác cộng đồng" mà các phóng viên dù muốn dù không, cũng phải đảm nhận.

            Mùa đông 2006, sang Nga "chưa ấm chỗ", tôi đã nhận được một cú điện thoại lúc nửa đêm. Cho đến nay tôi vẫn chưa hiểu số điện thoại "mới toe" của tôi đã được "cộng đồng hóa" bằng cách nào mà nhanh như vậy.

             Hóa ra, hai cặp vợ chồng T- Đ và H - P, một quê Ninh Bình, một quê Hà Tây cũ, bị mê hoặc bởi những lời mồi chài ngon ngọt, đã liều mình sang Nga hòng "đổi đời". Nhưng khi vừa đặt chân đến Mátxcơva, phía tiếp nhận (là người Việt) đòi họ nộp thêm 1.000 USD do đối tác ở Hà Nội thiếu nợ. Giấy tờ tùy thân bị giữ, việc làm chưa có, không nơi bấu víu. Họ bị đẩy ra khỏi "ốp" (ký túc xá) vào giữa đêm đông, khi nhiệt độ xuống dưới âm 20oC...

            Tôi phải làm gì sau cú điện thoại đó ư? Trước hết là gọi điện đến ban quản trị "ốp" Phương Đông, xin cho người lao động được trú qua đêm, hẹn mai đến giải quyết. Sáng hôm sau, đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, tôi cấp tốc mở chiến dịch quyên góp trong số các nhà báo Việt ở Nga. Các đồng nghiệp, cũng như tôi, chẳng giàu có, nên không giúp được nhiều. Thật may, đúng hôm đó tôi có cuộc hẹn với anh Bùi Văn Hòa, Tổng giám đốc công ty Mekong Emeral. Và thế là tôi đem câu chuyện về cú điện thoại lúc nửa đêm để "làm quà". Là người có tấm lòng nhân hậu, lập tức anh cùng tôi đến "Phương Đông" tìm hiểu cặn kẽ và quyết định chu cấp một tháng tiền ăn, tiền nhà, thẻ điện thoại gọi về Việt Nam cho hai cặp vợ chồng nọ và hứa tìm việc cho họ.

            Nhưng còn giấy tờ tùy thân? Ở Nga không có hộ chiếu, đăng ký hộ khẩu và quyền lao động thì người lao động Việt Nam không dám ra đường, nói chi đến chuyện đi làm. Vậy là tôi và nhân viên của Mekong Emeral lại lần mò đến "ốp" Rybak, tìm gặp người đang giữ hộ chiếu của T- Đ và H - P. Sau khi nghe tôi trình bày và đứng ra bảo lãnh về khoản tiền nợ làm thủ tục giấy tờ, họ đã đồng ý trả lại hộ chiếu và ủng hộ luôn khoản tiền. Một tháng sau hai cặp vợ chồng nói trên tìm được việc làm ổn định ở thành phố xa...

            Xin kể tiếp về một cú điện thoại lúc nửa đêm khác, vào mùa hè 2008. Anh H (quê Cao Bằng) và chị L bị chủ một xưởng may "đen" (bất hợp pháp) của người Việt ức hiếp, đánh đập, quỵt lương. Họ bỏ trốn và bị lạc trong một cánh rừng thưa cách Mátxcơva hơn 100 km. "Bảo bối" duy nhất mà họ có là số điện thoại của phóng viên TTXVN. Chẳng thể từ chối lời cầu cứu, tôi lái chiếc Volvo già nua đi theo lời chỉ dẫn mơ hồ của anh H qua điện thoại. Sau hơn chục cú điện thoại và ba tiếng lần mò, chúng tôi gặp được nhau bên một hồ nước giữa rừng. Về đến nhà thì trời đã sáng. Rồi tiếp đó là chuỗi ngày xin việc cho anh H, chị L, liên hệ với chủ xưởng cũ xin lại giấy tờ...

           Cú điện thoại lúc nửa đêm cuối cùng tôi muốn kể, xảy ra vào xuân 2009, khi ngày về Việt Nam của tôi chỉ tính bằng tuần. 17 người thợ Việt Nam vượt gần 100 cây số đến Đại sứ quán kêu cứu về chuyện bị lừa gạt - nợ lương, việc làm không đúng theo hợp đồng, điều kiện sinh hoạt cực kỳ tồi tệ. Họ muốn hồi hương nhưng bị chủ giữ mất giấy tờ.

            Đại sứ quán tiếp nhận đơn, hứa giúp giải quyết vấn đề giấy tờ về nước, nhưng không có điều kiện lo cho người lao động nơi ăn chốn ở trong thời gian chờ đợi. Căn hộ của phóng viên phân xã lại là nơi cuối cùng bà con tìm đến. Không thể để người lao động ngủ ngoài trời tuy đã vào xuân nhưng vẫn còn băng giá, sau khi trao đổi với đại diện Đại sứ quán Việt Nam và ban quản trị Nga, hai phóng viên Quang Vinh và Hồng Quân đã mở rộng cánh cửa căn hộ của mình. Sàn nhà, hành lang, căn bếp nhỏ... đều biến thành chỗ ngủ tạm thời. Sáng hôm sau, tôi vừa liên hệ với bạn bè vận động quyên góp, vừa tìm nơi gửi gắm "người tỵ nạn". Nhóm thợ 17 người được chia thành các tốp nhỏ 2 - 4 người, đến tá túc ở một số gia đình quen biết. Ba tuần sau đó, người cuối cùng trong nhóm thợ nói trên rời Mátxcơva, cũng là lúc tôi sửa soạn hành trang về nước...

            Trong suốt 3 năm qua, nhiều người Việt sang Nga lâm vào hoàn cảnh bế tắc đã tìm đến với phân xã TTXVN tại LB Nga. Người chỉ ngả lưng một đêm, ăn một bữa cơm đạm bạc. Có người gắn bó với chúng tôi một tuần, hai tuần. Một số trường hợp được phóng viên cưu mang 3 - 4 tháng. Trong sổ tay của tôi có hàng chục số điện thoại của các chủ xưởng may, chủ vườn rau, thầu xây dựng, cơ sở môi giới việc làm... Họ đã quen với việc nhà báo giới thiệu các "trường hợp khó khăn cần được quan tâm". Họ cũng không ngạc nhiên với chuyện nhà báo đến trao đổi theo đơn khiếu nại, lời kêu cứu của người lao động.

            Công tác phóng viên thường gắn với hoạt động từ thiện. Ở đâu cũng vậy. Nhưng ở Nga đây là chuyện không đơn giản. Chúng tôi đã gặp khá nhiều rắc rối vì vô tình đụng chạm đến lợi ích lắm khi trái ngược nhau giữa các nhóm cộng đồng Việt ở Nga. Rồi còn các điều tế nhị trong quan hệ ngoại giao. "Cưu mang" trong nhiều trường hợp bị chính một số người Việt soi mói là "chứa chấp". Việc làm từ thiện của các phóng viên TTXVN có khi bị những lời đồn thổi bóp méo...

             Tuy nhiên, tôi thấy mình có "lãi", lãi rất nhiều, bởi một danh hiệu chưa từng có trong bất cứ văn bản chính thức nào - "phóng viên của cộng đồng".

Trần Quang Vinh
Theo NSTT số 6/2009