Thứ tư, ngày 24/04/2024

Tin tức trong ngành

Phút giây sinh tử


(03/11/2020 14:50:12)

Phóng viên Thanh Thủy, cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Trị, dẫn hiện trường tại điểm sạt lở núi trên đường vào nơi tìm kiếm 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 bị vùi lấp

Ngày 18/10 không chỉ khó quên với người dân Quảng Trị nói chung mà còn là một ngày đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Gần 10 năm gắn bó với nghề báo, trải qua biết bao mùa mưa lũ trên dải đất khắc nghiệt này, nhưng phải đến hôm ấy, tôi mới thấu hết ý nghĩa của hai từ “sinh  tử”.

Năm giờ sáng, khi hai con nhỏ đang say giấc ngủ, dặn dò ông bà nội trông con, tôi lặng lẽ thu xếp hành lý cùng phương tiện tác nghiệp, dắt xe ra khỏi nhà, một lòng hướng về tâm lũ. Tư trang tôi mang theo gồm: máy quay, xạc dự phòng, máy tính, lương khô và vài hộp sữa.

Khoảng 5 giờ 30 phút, đoàn xe của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị do đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh xuất phát lên xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa để chỉ đạo công tác tìm kiếm 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (Quân khu 4) bị vùi lấp trong một trận lở đất lúc 1 giờ 30 phút sáng cùng ngày.

Cách khu vực bị nạn khoảng 3km, đoàn phải dừng lại vì đoạn đường bị sạt lở nặng, không thể tiếp tục di chuyển bằng ô tô. Tuy nhiên, vì mong muốn sớm tiếp cận hiện trường nên tôi và một đồng nghiệp báo Nhân Dân quyết định đi theo đoàn của bộ đội biên phòng, lội bộ qua điểm sạt lở thứ nhất để vào bên trong khu vực xảy ra tai nạn. Khi cách hiện trường khoảng 1,5km, chúng tôi gặp điểm sạt lở thứ hai. Tôi hăm hở lội qua bùn nhão ngập đến bắp chân, đi qua đường tắt trên núi để sang bên kia nhưng vì dòng nước quá lớn và chảy xiết nên chúng tôi quyết định quay lại. Phải mất gần 30 phút mới quay ngược lại được và có khoảng 5 phút để nghỉ ngơi trước khi tiếp tục di chuyển. Vừa đúng lúc, chúng tôi gặp một đoàn khoảng 50 người gồm cán bộ, chiến sỹ cùng phóng viên các báo, đài và người nhà nạn nhân cũng đang chuẩn bị vượt qua đoạn sạt lở này. Chúng tôi quyết định đi theo. Do vừa phải mang theo máy quay và thiết bị tác nghiệp, sức lực lại dần cạn kiệt vì lội bùn gần một tiếng đồng hồ, tôi chỉ biết bám theo sau.

Bỗng nhiên có một người đập vào vai tôi, chỉ lên núi và nói dứt khoát: “Lũ xuống!”. Lúc ấy, tôi hoảng quá, chỉ biết hét thật to: “Quay lại, quay lại hết! Lũ xuống...”. Mọi người hò hét nhau chạy bạt mạng. Chưa đầy 20 giây sau, nước lũ đổ xuống ầm ầm như bom nổ khiến ai nấy đều hãi hùng. Sự việc xảy ra quá nhanh, quá bất ngờ. Khi tôi còn chưa kịp hoàn hồn thì nhận ra không thấy bạn đồng nghiệp đi cùng mình đâu cả. Tôi hoảng loạn, thật sự rất hoảng loạn và đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất. Nhưng rất may mắn, một lúc sau, chúng tôi đã liên lạc được với nhau và biết được bạn ấy kịp chạy thoát về phía bên kia an toàn.

Vài ngày sau, tôi và bạn gặp nhau ở buổi họp báo tại UBND tỉnh. Chúng tôi nhìn nhau, chả ai nói được câu nào mà nước mắt hai đứa cứ ứa ra. Chỉ thầm nghĩ, nếu hôm đó chậm chân một giây thôi, thì hôm nay chúng tôi đã không còn được đứng đây nữa rồi. May mắn cả đời của tôi được dùng hết trong một vài giây sinh tử.
 
Phóng viên Hoàng Ngà, cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Tĩnh, trên đường đi tác nghiệp mưa lũ

Trở lại với khoảnh khắc khó quên hôm ấy, tôi mau chóng tự trấn an mình, trước mắt phải tập trung hoàn thành nhiệm vụ. Tìm được chỗ an toàn, tôi bắt đầu gửi tin, hình ảnh vừa ghi lại được về những khó khăn khi tiếp cận hiện trường vụ sạt lở cũng như triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân. Những thông tin này mau chóng được sử dụng trên các ấn phẩm của cơ quan cũng như được đông đảo các báo sử dụng lại. Đây là niềm động viên to lớn, giúp tôi có nhiều động lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan giao. Cuộc sống luôn đầy rẫy những bất ngờ và biến cố. Vượt qua những khó khăn để vươn lên phía trước luôn là phương châm sống của tôi.

Quảng Trị những ngày này liên tiếp nhận những hung tin. Nhà của ba mẹ tôi ở Quảng Bình cũng đang ngập hơn 2m và vẫn chưa liên lạc được. Có người quen đã hỏi tôi rằng: nếu hôm ấy biết trước sự việc xảy ra, em có đi không? Không ngần ngại, tôi trả lời ngay rằng “có”. Bởi lẽ, đối với một phóng viên, việc có mặt tại hiện trường để tiếp cận thông tin là điều tối quan trọng. Chỉ những điều mắt thấy, tai nghe, trái tim cảm nhận mới được độc giả đón nhận chân thành. Nguy hiểm là điều không mong muốn và không tránh được nhưng sẽ là bài học, kinh nghiệm quý giá để tôi có một hành trang tốt mang theo trên những nẻo đường tác nghiệp sau này./.

Thanh Thủy - Phóng viên CQTT tại Quảng Trị
Nội san Thông tấn số 10/2020