Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tin tức trong ngành

Tô đậm truyền thống anh hùng và đạo lý uống nước nhớ nguồn


(03/11/2020 14:47:55)

Năm 2020 có lẽ là năm đặc biệt và đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ qua. Một năm phải đối mặt và gồng mình vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là năm chúng ta đã cùng nhau tô đậm thêm truyền thống và đạo lý tốt đẹp của cơ quan thông tấn quốc gia anh hùng.


1. Một trong những chương trình, nhiệm vụ công tác quan trọng trong năm là  tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP). Nhưng dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng và đe dọa nghiêm trọng tới kế hoạch này. Trong những tháng đầu năm, toàn ngành phải tập trung cao độ nhân lực, vật lực cho công tác thông tin và công tác phòng chống dịch bệnh. Và khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, với niềm tin mãnh liệt TTXGP sẽ được trao danh hiệu Anh hùng, Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo ngành nhanh chóng định hướng sẽ tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống TTXVN trong phạm vị nội bộ ngành; tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập TTXGP và đón nhận danh hiệu AHLLVTND tại TP. Hồ Chí Minh với quy mô lớn, có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP.

Đón khách cao tuổi đến dự lễ kỷ niệm 75 năm TTXVN

Thế nhưng, đầu tháng 7, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng khiến kế hoạch tổ chức một lần nữa bị đe dọa nghiêm trọng. Nỗi băn khoăn, lo lắng ngày càng rõ rệt khiến Ban tổ chức thực sự sốt ruột, thậm chí lúng túng, không biết nên tiếp tục hay tạm dừng công tác chuẩn bị. Ở thời điểm khó khăn ấy, chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo ngành rất kiên định và kịp thời: bám sát tình hình dịch bệnh, chủ động thích ứng với mọi tình huống, vẫn sẽ tổ chức hai sự kiện phù hợp với tình hình thực tế. Ngay sau đó, Đại hội Thi đua yêu nước TTXVN lần thứ V và Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức thành công với hình thức bán trực tuyến, phù hợp và thích ứng với tình hình mới, đã củng cố thêm niềm tin cho các thành viên Ban tổ chức. Ngày 7/8, thông tin 100% thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thương Trung ương bỏ phiếu đồng ý trao tặng danh hiệu AHLLVTND cho TTXGP đã tiếp thêm động lực và quyết tâm cho toàn ngành để tổ chức thật tốt, thật ý nghĩa sự kiện quan trọng này.

Đầu tháng 9, sau buổi làm việc riêng với Thủ tưởng Chính phủ, Tổng giám đốc thông báo quyết định sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống TTXVN, có sự tham dự của Thủ tướng cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Kế hoạch thay đổi vào những giờ chót, khi chỉ có 8 ngày để chuẩn bị cho buổi lễ trọng, cả về nội dung, hậu cần và khánh tiết, nhưng chúng ta đã làm rất tốt. Lễ kỷ niệm 75 năm TTXVN diễn ra ngắn gọn nhưng trang trọng và ý nghĩa, tràn đầy phấn khởi, tự hào, thấm đẫm truyền thống vẻ vang của một hãng thông tấn anh hùng. Phát biểu của Thủ tướng, bên cạnh những chỉ đạo mang tính chiến lược, là sự tri ân xúc động trước những mất mát, hy sinh, là tình cảm và suy nghĩ chân thành dành cho TTXVN, cho thế hệ những người làm báo trẻ, đã thực sự lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người dự lễ.

Sau thành công đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, lãnh đạo ngành quyết định tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm TTXGP theo đúng kế hoạch, với hai mục đích rõ ràng. Một là tôn vinh thành tích và những đóng góp to lớn của TTXGP cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giúp những người làm báo TTXVN thêm tin tưởng, phấn khởi, tự hào và trách nhiệm với truyền thống của ngành. Hai là tạo điều kiện để các thế hệ từng tham gia TTXGP ở cả ba miền được gặp gỡ, giao lưu và trực tiếp đón nhận danh hiệu cao quý, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của TTXVN.

2. Với một kế hoạch lớn, quy mô chưa từng có, Ban tổ chức phải giải quyết hàng loạt khó khăn lớn: kinh phí tổ chức (trong điều kiện toàn bộ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh); khả năng tập hợp đầy đủ các cán bộ, phóng viên từng tham gia TTXGP; công tác di chuyển, ăn ở với số lượng lớn các bác cao tuổi... Không phải không có những lo ngại nhưng ý kiến chỉ đạo rõ ràng, kiên quyết của Tổng giám đốc đã được tất cả thành viên Ban tổ chức và các đơn vị liên quan quán triệt thực hiện để có một lễ kỷ niệm tốt nhất, an toàn nhất và trang trọng nhất.

Việc di chuyển, lo ăn ở cho hơn 400 cựu cán bộ, phóng viên cao tuổi về dự lễ là quan trọng và khó nhất, cần lên kế hoạch rất chi tiết và khoa học. Phương án cuối khả thi nhất là sẽ chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm có các tình nguyện viên theo sát 24/24 giờ, vừa để dễ chăm sóc vừa là đầu mối cung cấp và tiếp nhận thông tin với từng bác đầy đủ và kịp thời nhất. Việc phân chia nhóm và chọn tình nguyện viên được thực hiện thận trọng, tỉ mỉ, dựa trên tuổi tác, tính tình, quan hệ đồng nghiệp và kế hoạch riêng của từng bác, có sự phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc. Vì thế, ngay trong giai đoạn chuẩn bị, Ban tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến, tâm tư của các bác để kịp thời bổ sung cho công tác chuẩn bị như: bố trí phòng ở, nhóm y tế và xe cứu thương túc trực, mua bảo hiểm du lịch cho các bác… Những tương tác rất trách nhiệm và hiệu quả này đã tạo hiệu ứng tâm lý tốt, giúp các bác hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào sự chuẩn bị của Ban tổ chức.
Cán bộ nhân viên Văn phòng tại lễ kỷ niệm

Sự phối hợp giữa các đơn vị ở cả ba miền cũng rất hiệu quả. Các nhóm chat Zalo và Viber của Ban tổ chức hoạt động hết công suất với những thông báo, trao đổi và thông tin cập nhật liên tục về từng công việc. Sự phối hợp chặt chẽ và thấu hiểu nhau của những thành viên có khi còn chưa biết mặt nhau, ở cách nhau cả ngàn cây số khiến Ban tổ chức nhiều khi phải ngạc nhiên. Vì lẽ đó, trước khi lên đường đi dự lễ, các bác TTXGP đã biết mình đi máy bay với những ai, khi cần thì gọi số điện thoại nào, ai sẽ đón mình ở TP. Hồ Chí Minh, đến khách sạn thì ở phòng nào, ở chung với ai, ăn sáng ở đâu, ăn trưa lúc mấy giờ… Mọi thông tin đều rõ ràng để không chỉ các bác mà người nhà của các bác cũng không băn khoăn, lo lắng. Các đối tác cũng đã dành cho TTXVN nhiều thiện cảm và sự thán phục trong công tác phối hợp, chuẩn bị tổ chức sự kiện. Họ gọi đây là “sự phối hợp kỳ lạ” vì không thấy nhiều người và quá nhiều ý kiến chỉ đạo (điều mà họ rất hay phải gặp ở những sự kiện khác). Chỉ thấy có rất nhiều đơn vị và nhiều người tham gia, mỗi đơn vị một mảng, mỗi người một việc, tất cả đều tròn vai, thuộc bài trong công việc của mình, để khi kết nối với nhau, dù chỉ trong vài giờ, đã thành một kịch bản chặt chẽ, khoa học.

Từ chiều 10/10, những thông tin lần lượt bay về Ban tổ chức: các đoàn, nhóm đã tập trung lên đường đầy đủ, rộn rã tiếng cười, hớn hở, vui mừng như trẻ thơ gặp lại bạn ngày tựu trường, trêu đùa nhau sôi động cả góc sân bay. Cho đến chiều 11/10, không khí ngày hội tưng bừng khắp Trung tâm hội nghị Long Biên Palace ở TP. Hồ Chí Minh trong màu xanh khỏe khoắn, kiên trung của chiến sỹ, của “R”, của TTXGP. Những nụ cười tươi rói, những sải chân phấn chấn, những cái bắt tay siết chặt, những cái ôm ghì rưng rưng và cả những giọt nước chắt chiu lăn trên gò má sạm nắng gió. Không còn dấu hiệu của tuổi tác, lo âu, chỉ thấy niềm vui và tự hào tràn ngập trong mỗi cán bộ TTXGP. Và khi những mái đầu bạc đứng cạnh mái đầu xanh trên lễ đài mát xanh màu giải phóng, cùng nhau đón nhận danh hiệu Anh hùng từ Phó Chủ tịch nước trong nghi lễ trang nghiêm, với tiếng nhạc trầm hùng thôi thúc, thì niềm tự hào và cảm xúc lên tới đỉnh điểm, không chỉ với các bác TTXGP mà còn với tất cả những người làm báo TTXVN. Hai bàn tay run run bám chặt vào cạnh bàn, giọng nói nghẹn ngào, đứt quãng vì xúc động của chú Tư Thiều, một trong những điện báo viên phát bản tin đầu tiên của TTXGP, khi phát biểu tại buổi lễ đã nói lên tất cả.

3. Chúng tôi phải bay ra Hà Nội ngay trong đêm để sáng hôm sau tiếp tục công việc. Về đến nhà đã quá nửa đêm, tôi nhận được bức ảnh gửi qua Zalo chụp các bạn trong nhóm phục vụ của cả ba miền đang ngồi bá vai nhau hát và uống cùng tin nhắn: “Đêm nay ở B2 không ngủ anh ạ!”. Tôi hiểu cảm xúc của các bạn, vì tôi cũng đang mang những xúc cảm ấy về Hà Nội.

Quá trưa ngày hôm sau, 12/10, tin nhắn thông báo: “Đoàn đã về đến Nội Bài, các bác đều khỏe mạnh và rất vui anh ạ. Các bác bảo chả nghĩ cuối đời lại có chuyến đi vui đến thế. Mọi người đều rất xúc động cảm ơn ngành”. Một lát sau là tin nhắn từ B2: “Các bác GP10 vừa có buổi hội ngộ ở cơ quan, chiều đi thăm thành phố và nghỉ ngơi để sáng mai đi miền Tây, thăm lại ‘R’. Anh yên tâm, các bác vui và khỏe lắm, khỏe hơn cả bọn mình”. Đọc những dòng tin nhắn ấy, chợt thấy gắn bó với cơ quan một cách kỳ lạ. Nhớ lại sau cuộc họp Ban tổ chức chiều 10/10 tại TP. Hồ Chí Minh, cô chuyên viên phòng Tổ chức-Hành chính của B2 nửa đùa nửa thật: “Em không sợ mệt, chỉ sợ khi về nhà chồng quên mặt”. Buổi lễ kết thúc, cô vẫn say sưa với công việc: “Lo xong cho các bác GP10 em mới yên tâm về được!”.

Đội ngũ phục vụ lễ kỷ niệm, nhất là các bạn trẻ, có thể còn non kinh nghiệm, thiếu một vài kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, nhưng tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật và niềm tự hào thì lúc nào cũng tràn đầy. Tinh thần ấy là điểm tựa để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, góp phần quan trọng vào thành công của sự kiện có ý nghĩa lịch sử và nhân văn này.

Trong và sau buổi lễ, Facebook của “dân” Thông tấn tràn ngập màu xanh cùng những bức ảnh nóng hổi, sống động và những dòng trạng thái đầy cảm xúc. Cùng với tiết thu se lạnh, lễ kỷ niệm đã truyền cảm hứng cho những người làm báo TTXVN. Với các thế hệ cán bộ, phóng viên TTXGP, chuyến đi là cơ hội quý để gặp gỡ bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp luôn đau đáu nỗi nhớ. “Cảm ơn Ban tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng cho TTXGP! Chuyến đi TP. Hồ Chí Minh dự lễ đã thành công tốt đẹp trên cả mong đợi. Tôi cảm phục và biết ơn các bạn đã rất chu đáo, khoa học. Từ khâu chuẩn bị tới tổ chức lễ và khâu trở về đều hoàn hảo. Một lần nữa, xin cảm ơn các bạn!”. Đó là dòng trạng thái của bác Phạm Việt Long đăng tải trên Facebook ngay sau khi trở về nhà.

Bên cạnh niềm tự hào về danh hiệu Anh hùng thứ ba trao cho TTXVN, sự tri ân và mong muốn mang lại niềm vui cho thế hệ đi trước là bổn phận, là niềm vui của Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên toàn ngành, tôi chắc vậy. Bởi vì, như nguyên Tổng giám đốc Hồ Tiến Nghị đã nói tại lễ kỷ niệm 75 năm TTXVN: các thế hệ TTXVN luôn tự hào với hai điều mà ít cơ quan nào có đủ, đó là truyền thống anh hùng kiên cường, bất khuất và đạo lý uống nước nhớ nguồn thấm đẫm nhân văn.
 
Bác Trương Đại Chiến, lái xe của TTXGP, xúc động chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “…Hôm nay đây, trong ngày hội quân lịch sử, có thể nói, chưa có đơn vị nào, cơ quan nào tổ chức được ngày vinh danh ý nghĩa này. Gần 500 người đã từng vào sinh ra tử nay còn sống sót, được tri ân. Đặc biệt, trong số đó, có những người đã rời TTXGP chuyển cơ quan khác; những người đã từng thường trú ở nơi tuyến đầu bom đạn - đất thép Vĩnh Linh. Tất cả đều được mời về dự lễ tụ quân. Quả thật, đây là động thái tri ân lịch sử có một không hai mà TTXVN đã làm được. Hoạt động này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, xúc động người đương thời, cũng như truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai.

Giờ đây, hô hiệu TTXGP không còn tính đại diện mà đã hòa vào dòng chảy TTXVN để cùng chung một nhịp đập, cùng mục tiêu xây dựng TTXVN ngày càng lớn mạnh để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân tốt, cùng tự hào là những người sống trong ngôi nhà chung TTXVN”.

Đào Đức Huệ - Chánh văn phòng TTXVN
Nội san Thông tấn số 10/2020