Thứ tư, ngày 04/12/2024

Trao đổi - Thảo luận

Quan tâm đến đặc thù của các cơ quan thường trú


(01/10/2019 14:44:22)

Hội thảo “Nâng cao chất lượng hình ảnh trên Truyền hình Thông tấn” tổ chức ngày 9/9 đã nhận được nhiều ý kiến, tham luận trao đổi nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung và hình ảnh trên kênh Vnews, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị làm thông tin truyền hình trong ngành. Nội san Thông tấn xin trích giới thiệu tham luận của phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) Điện Biên Trịnh Xuân Tư trình bày tại hội thảo.

PV Trịnh Xuân Tư (trái) và Võ Văn Dũng, CQTT Điện Biên tác nghiệp trong trận mưa lũ gây ngập lụt cục bộ tại TP. Điện Biên Phủ năm 2018

1. Từ khi phát sóng đến nay, Vnews thực sự là “sân chơi” nghiệp vụ bổ ích cho phóng viên các Cơ quan thường trú (CQTT). Với mạng lưới 63 CQTT trong nước và 30 CQTT nước ngoài, thông tin của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), trong đó có thông tin truyền hình, luôn đa dạng, phong phú và đa chiều. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, thông tin truyền hình của các CQTT chỉ ở mức đúng, đủ chứ chưa xuất sắc.

Nguyên nhân do phóng viên thường trú trong nước chủ yếu là phóng viên viết, chưa được đào tạo chuyên sâu về truyền hình, tư duy về hình ảnh, góc hình, viết lời bình… còn mang phong cách của tin văn bản.

CQTT Điện Biên hiện tại có ba phóng viên đều là nam giới với tuổi đời còn khá trẻ, say nghề, không ngại khó khăn, ham học hỏi và đều có thể thực hiện khá tốt cả ba loại hình thông tin. Trung bình một phóng viên thực hiện 12 tin, bài truyền hình/tháng.

Điện Biên là tỉnh có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nhiều huyện cách trung tâm tỉnh hơn 200km, đặc biệt các xã biên giới cực Tây huyện Mường Nhé phải đi gần 300km, nhiều nơi chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Có những chuyến công tác, chúng tôi phải mang theo lương thực, thực phẩm, nước uống, thậm chí mang theo cả xăng, dụng cụ sửa xe máy thông thường.

Việc phỏng vấn các nhân vật ở vùng sâu vùng xa ở tỉnh Điện Biên không phải chuyện đơn giản, do đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn không biết nói tiếng phổ thông, đặc biệt là phụ nữ. Người có thể hiểu nội dung phóng viên hỏi thì lại không biết diễn đạt sao cho mạch lạc, gây nhiều khó khăn cho phóng viên khi dựng hình. 

2. Trước thực tế hết sức đặc thù trên, để nâng cao chất lượng thông tin truyền hình, CQTT Điện Biên đã có một số giải pháp cụ thể. Theo đó, phóng viên phải nghiên cứu kỹ đặc điểm địa hình, khí hậu, phong tục tập quán của địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch thông tin nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và có những sản phẩm hấp dẫn.

Tại CQTT Điện Biên, trung bình phóng viên đi công tác hai chuyến/tháng, mỗi chuyến ít nhất 4 ngày. Trước khi đi cơ sở, phóng viên xây dựng đề cương để Trưởng CQTT xem, cùng bàn bạc, trao đổi, lên ý tưởng cho hình ảnh cần quay, nhân vật cần phỏng vấn... Sau chuyến công tác, ekip xem lại những hình ảnh đã quay, nghe lại các phỏng vấn để thống nhất lựa chọn hình ảnh, nội dung trước khi dựng, viết lời bình, cắt phỏng vấn cho phù hợp.

Mặt khác, phóng viên cũng thường xuyên xem các chương trình thời sự của Vnews và các kênh truyền hình khác, trao đổi với đồng nghiệp địa phương, qua đó học hỏi thêm về tư duy hình ảnh, lời bình; cập nhật trên mạng về kỹ năng dựng hình, cắt cúp…

Các phóng viên cần hình thành thói quen luôn chuẩn bị một ba lô đầy đủ máy móc trang thiết bị, xe máy sẵn sàng lên đường; CQTT dự trữ xăng để khi cần thiết có thể bổ sung kịp thời cho anh em. Khi đi tác nghiệp những sự kiện đột xuất, đêm tối, phóng viên cần có kinh nghiệm đi xe đường trường, chạy xe trong đêm để đảm bảo an toàn. Khi không có máy quay, phóng viên có thể dùng máy ảnh để quay hình, hoặc phối hợp với đồng nghiệp địa phương.

Bên cạnh đó, cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, các ngành nhất là cán bộ cơ sở, mở rộng mạng lưới cộng tác viên, phát huy các mối quan hệ cá nhân để khai thác thông tin và sự giúp đỡ khi đi tác nghiệp tại cơ sở. Phối hợp tốt với các phóng viên từ Tổng xã lên thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn để đạt hiệu quả cao nhất.

CQTT Điện Biên mong muốn, khi phóng viên gửi tin, phóng sự về, Trung tâm Truyền hình Thông tấn cần có phản hồi, tin có được sử dụng hay không, phát mấy giờ, chuyên mục nào. Việc này rất cần thiết bởi ở cơ sở, nhiều cán bộ, người dân liên quan đến thông tin đó rất quan tâm và muốn được theo dõi. Đây cũng là cách để tăng lượng khán giả cho Vnews.

Trịnh Xuân Tư
Nội san Thông tấn số 9/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tăng cường phối hợp giữa CQTT ngoài nước với Vnews (01/10/2019 10:23:53)

Một số vấn đề thường gặp trong sản phẩm truyền hình của các CQTT (01/10/2019 10:22:20)

Cuộc chiến với Facebook: Mặt trận thật trên mạng xã hội ảo (04/09/2019 10:40:36)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Đổi mới thông tin ảnh thời sự  (01/08/2019 16:37:59)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Thẳng thắn nhìn nhận để tạo đột phá (01/08/2019 16:36:33)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Khi phóng viên thường trú tham gia làm ảnh (01/08/2019 16:35:31)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Tư duy bằng hình ảnh để có những "câu chuyện bằng ảnh" tốt (01/08/2019 16:34:39)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Tác nghiệp ảnh báo chí bằng smartphone (01/08/2019 16:31:31)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Nhu cầu ảnh cho các tòa soạn báo điện tử là rất lớn (01/08/2019 15:13:32)

Nâng cao chất lượng ảnh thời sự TTXVN: Để tiệm cận với xu hướng ảnh báo chí thế giới  (01/08/2019 15:13:02)