Chủ nhật, ngày 01/09/2024

Tin trong ngành

Sắc màu K28


(13/10/2016 11:27:32)

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Dương trao chứng chỉ hoàn thành khóa học cho các học viên K28

Những ngày thu tháng Tám, cái nắng vẫn vàng nhưng đã bớt phần gay gắt. Chúng tôi, gần 90 phóng viên, biên tập viên trẻ của gia đình TTXVN cùng nhau học tập trong khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn K28. Với những cái nhìn ban đầu còn ngại ngùng, những câu nói còn ngượng nghịu, đến bây giờ, chúng tôi đã có thể gọi nhau một cách thân mật, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm làm việc cũng như những vui buồn trong cuộc sống. Mỗi chúng tôi, K28A với màu sắc của ngôn ngữ, K28B là biệt đội “Năm anh em siêu nhân” sôi động, tất cả tạo nên sự đồng điệu của niềm đam mê mang tên báo chí.
 
Cổ tích và hiện thực
Ngày xưa “Tôi đã nghĩ một lớp học như thế này chỉ có trong chuyện cổ tích, nhưng nay điều đó đã trở thành hiện thực”. Câu nói của nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN trong một lần bác bất ngờ ghé thăm, khi cả lớp đang mải mê với kĩ thuật dựng hình khiến chúng tôi ngỡ ngàng.
Sở dĩ bác nói vậy bởi nếu như trước kia, phóng viên thông tấn chỉ được đào tạo viết tin và chụp ảnh, thì nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương  tiện, chúng tôi được đào tạo cùng lúc nhiều loại hình thông tin trong một khóa học. Chúng tôi đang đồng hành cùng xu thế làm báo mới của thế giới là một phóng viên có thể làm mọi việc từ viết tin, làm ảnh hay quay phim, dựng hình... đảm bảo nguồn thông tin đến với độc giả nhanh và chính xác nhất.
Khóa K28 được tổ chức đồng thời tại hai địa điểm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Từng địa điểm có lịch học khác nhau nhưng đều chung một chương trình đào tạo từ viết tin, bài, kỹ thuật chụp ảnh và kỹ thuật truyền hình. Mỗi nội dung đều có các giảng viên là những nhà báo có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong nghề, giúp chúng tôi từng bước, từ làm quen đến có thể làm thành thạo từng loại hình thông tin.

Các học viên K28 tại TP. Hồ Chí Minh

Chúng tôi đến với thông tấn xã từ những ngành học khác nhau, có người được đào tạo về báo chí và từng làm báo, nhiều người được đào tạo về tiếng nước ngoài, về luật, về kinh tế biết đến báo chí với tư cách là người đọc. Thế nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chúng tôi đã hiểu về cách viết tin, cách thực hiện một bài báo, tự mình chụp một bức ảnh đúng bố cục, thao tác với máy quay phim, viết kịch bản và dựng hình. Đó là điều thú vị và đặc biệt chỉ có thể có ở lớp học thế này.
Đứng trong hàng ngũ cán bộ, phóng viên TTXVN, lắng nghe chia sẻ của những người đi trước, tận mắt ngắm nhìn những hiện vật trong phòng truyền thống của ngành, tấm bia tưởng niệm 260 nhà báo liệt sĩ thông tấn, được đến những nơi từng là trụ sở làm việc của TTXVN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, được truyền nghề từ những nhà báo thông tấn giỏi nghề, tâm huyết, chúng tôi thấy mình thật may mắn khi được học tập và làm việc trong môi trường này. Chúng tôi hiểu rằng, đây là sự nỗ lực không ngừng của bao thế hệ những người làm báo TTVXN đã dày công vun đắp.
 
Đơn sắc và đa sắc
Đối với những phóng viên mới trúng tuyển như chúng tôi, cổ tích thành hiện thực có lẽ là ngày cầm giấy thông báo trúng tuyển trên tay. Những giọt nước mắt, những nụ cười, những lời chúc mừng từ người thâncảm xúc không thể nào quên của ngày đầu tiên chúng tôi trở thành phóng viên, biên tập viên TTXVN.
Mang trong mình hoài bão riêng, khi bắt đầu khóa học, chúng tôi ai cũng nghĩ rằng, học để biết cách làm báo và để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao sau này. Nhưng khóa học không dừng lại ở việc đào tạo nghiệp vụ báo chí. Thầy Vũ Quang Hào trao cho chúng tôi sự nhiệt huyết, nhạy bén của người làm báo. Thầy Bùi Văn Doanh lại khiến chúng tôi hiểu rằng người làm báo phải có đam mê và sự chăm chỉ. Nếu như không biết cách lên kế hoạch và phân công làm việc nhóm, chúng tôi sẽ không thể có những tin truyền hình, những phóng sự lôi cuốn. Đó là những gì chúng tôi học được từ các thầy dạy nghiệp vụ truyền hình.
Vào cơ quan với những chức danh khác nhau : phóng viên tiếng Việt, tiếng Khmer, biên tập viên tiếng Anh, tiếng Pháp… nhưng nhờ khóa học này, chúng tôi đã trở thành bạn bè cùng chí hướng. Không phân biệt nam nữ, không phân biệt người mới hay cũ, chúng tôi hòa vào nhau, sôi nổi bàn đề tài, giúp nhau tháo gỡ những vướng mắc, cùng nhau trải qua những cung bậc cảm xúc, từ “cá nhân” đến với “chúng ta”.
 
Gia đình “siêu nhân” vui vẻ
Những ngày đầu K28A phía Bắc và K28B phía Nam cùng học trực tuyến, tưởng rằng khoảng cách sẽ làm cho buổi học bị gián đoạn, nhàm chán. Nhưng ở hai đầu cầu, các bạn lại đặt rất nhiều câu hỏi cho thầy cô, khiến cho buổi học trở nên thú vị và lôi cuốn. Càng về cuối khóa học, bài tập mà chúng tôi phải hoàn thành cũng nhiều hơn. Những buổi thực hành viết tin, chụp ảnh và làm truyền hình ngoài trời, không đơn giản là học tập mà còn là lúc chúng tôi được khám phá cuộc sống quanh mình và hiểu thêm về những người bạn mới. Từng góc phố, từng hàng cây, mỗi người có những góc nhìn khác nhau. Những bức ảnh đôi khi bị vỡ do chụp bằng điện thoại, những khuôn hình bị rung do chưa có kinh nghiệm quay phim…
Còn nhớ trước khi vào giờ học, anh Hoàng Quý, cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn, quản lý lớp K28A phía Bắc thường mở những đoạn phim ngắn về hoạt động của lớp. Đó là khi các thầy đang say mê giảng bài và các trò mê mẩn dõi theo. Đó là những lúc thực hành chụp ảnh, quay phim truyền hình, từng nhóm nhỏ len lỏi khắp các góc phố, mải mê sáng tác. Rồi hình ảnh K28A phía Bắc say sưa tập văn nghệ, chuẩn bị thi kéo co tại Đại hội Thể thao của ngành; K28B phía Nam sôi nổi trong những buổi đá bóng, quán xá ngoài giờ học cũng được chia sẻ lên mạng xã hội. Những khoảnh khắc tuyệt vời đó, mỗi khi ngắm nhìn, chúng tôi đều hạnh phúc.

Các học viên thăm quan phòng truyền thống


Học cùng nhau là niềm vui nhưng được sống cùng nhau lại càng thú vị. Hằng ngày, K28B phía Nam cùng nhau đến lớp, cùng nhau trở về nhà khách, cùng ăn“tập thể” khi đói, tâm sự khi ai đó nhớ nhà, chơi tú lơ khơ chịu phạt, hay những buổi sinh nhật nho nhỏ ngay tại lớp…Dù mới được học và và làm quen với truyền hình, nhưng những phóng sự các bạn thực hiện là một câu chuyện hoàn chỉnh mang thông điệp cụ thể, như các thầy dạy truyền hình luôn nhấn nạnh, ekip làm phóng sự phải đoàn kết. Với ý tưởng làm phóng sự truyền hình về 5 nhóm “siêu nhân” của K28 PHÍA Nam, thực sự K28 đã là một gia đình “siêu nhân” vui vẻ từ Bắc tới Nam.
Khóa học chỉ kéo dài gần hai tháng nhưng những gì chúng tôi nhận được lại không hề nhỏ. Đó không chỉ là kiến thức, đó còn là sự chia sẻ kinh nghiệm của thế hệ đi trước với thế hệ sau. Đó không chỉ là những người bạn học mà còn là gia đình. Khóa học đã cho chúng tôi cái nhìn sâu sắc hơn về cơ quan thông tấn quốc gia, trang bị kiến thức làm báo và hơn hết là cho chúng tôi có được những người bạn, những người đồng nghiệp thân thiết, cùng chung đam mê báo chí và chung một gia đình mang tên TTXVN.
 
BTV NGỌC LY:
Đến lớp, tôi được gặp những người thầy- đồng nghiệp, những người mang lại cho chúng tôi các bài học giá trị, không phải từ sách vở mà từ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm nghề bằng tất cả sự gần gũi, sẻ chia.
Gần hai tháng học, cái khoảng cách tôn nghiêm mà tôi từng gán cho mối quan hệ thầy - trò trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường đã lặng lẽ biến mất giữa những lời chia sẻ cảm động về khoảng thời gian làm việc tại các cơ quan thường trú của cô Hồng Thanh, anh Chu Quốc Hùng, những kiến thức nền tảng quý báu về tin, bài đúc kết từ kinh nghiệm của thầy Vũ Quang Hào và thầy Bùi Văn Doanh, những chỉ bảo tận tình về kỹ thuật chụp ảnh và quay phim của rất nhiều anh chị PV, kỹ thuật viên dày dặn kinh nghiệm của gia đình Thông tấn.
 
PV ĐINH HẰNG:
Bước vào ngôi nhà Thông tấn, bỡ ngỡ nhưng cũng vô cùng háo hức, 24 học viên khu vực phía Nam và miền Trung - Tây Nguyên chúng tôi trở thành lớp K28B “siêu nhân” tại TP. Hồ Chí Minh.
Sau những ngày đầu xa lạ, những buổi học viết tin, phóng sự, chụp ảnh, làm truyền hình đã khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Không thể tránh khỏi những cãi vã, bất đồng khi đi thực tế, làm bài tập nhóm nhưng nhờ thế mà chúng tôi biết đến tinh thần đồng đội, biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ người khác.
Đáng nhớ nhất là chuyến đi thực tế về nguồn tại chiến khu D, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - căn cứ địa cách mạng, nơi khởi phát của TTXGP trong những năm chống Mỹ. Và cũng từ đây, những sản phẩm truyền hình đầu tiên của chúng tôi đã ra đời.
 
BTV BẢO HOA:
Truyền hình là nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của chúng tôi. Càng thực hành quay và dựng, tôi cảm thấy khả năng thể hiện những thông tin, suy nghĩ, tình cảm bằng hình ảnh không chỉ cần thiết cho nghề báo mà còn làm cho cuộc sống thêm phần thú vị. Đã có những buổi trưa tôi mải miết với ứng dụng phần mềm dựng phim trên điện thoại di động đến quên cả buồn ngủ. Dù những đoạn video tôi quay chưa được hoàn hảo, ứng dụng tôi dùng cũng không được chuyên nghiệp, nhưng được tự tay cắt, ghép các đoạn clip, rồi chèn nhạc, chèn hiệu ứng, suy nghĩ xem nên dựng như thế nào để có được một sản phẩm hoàn chỉnh khiến tôi cảm thấy rất hào hứng.
Học truyền hình chúng tôi có cơ hội được đi thực tế, làm việc nhóm, làm quen với thực tế sinh động, vất vả nhưng tràn đầy cảm hứng.
 
PV XUÂN QUÝ:
Tham gia khoá học tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có những buổi học đầy hứng thú, với sự trao đổi thân tình và rất thực tế của các bậc đàn anh đi trước. Những buổi làm việc nhóm với sự tập trung cao độ để xử lý những tình huống được giao, những vấn đề phát sinh bất ngờ và những trận cười thoải mái khi hoàn thành công việc.
Sau những giờ học tập trung đầy căng thẳng, chúng tôi lại trở về với cuộc sống hằng ngày của những phóng viên trẻ xa nhà với những niềm vui, nỗi buồn, khó khăn trong học tập lẫn đời sống. Những buổi liên hoan ngay tại hành lang của nhà khách cơ quan, rất đơn sơ nhưng nhiều tình cảm...
Và những giọt nước mắt đã rơi, khi đề tài của nhóm không hoàn thành như mong đợi. Những giọt nước mắt đó giúp chúng tôi hiểu hơn về những khó khăn mà phóng viên phải vượt qua.
 
Lễ bế giảng khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn K28 được tổ chức trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ngày 14/9. Tới dự buổi lễ có các đồng chí Phó Tổng giám đốc: Nguyễn Hoài Dương, Ngô Hà Thái; Ban giám đốc cơ quan TTXVN khu vực phía Nam và thủ trưởng một số đơn vị thông tin, chức năng trong ngành.
Giao nhiệm vụ cho các phóng viên, biên tập viên trẻ, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Dương nhấn mạnh: sau đây khi trở về các đơn vị công tác, các em cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của người phóng viên thông tấn, tiếp tục trau dồi kiến thức làm báo, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước, rèn luyện kỹ năng tác nghiệp đa năng, đáp ứng yêu cầu thông tin trong giai đoạn hiện nay.

Tại lễ bế giảng, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn đã cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học cho 88 học viên và khen thưởng 15 học viên có thành tích học tập tốt, nhiệt tình tham gia các hoạt động tập thể. Sau khóa học, các phóng viên chuẩn bị đi cơ quan thường trú trong nước được giới thiệu về thực tập, tìm hiểu quy trình sản xuất thông tin tại một số đơn vị như: Ban biên tập tin Trong nước, Ban biên tập tin Kinh tế, Ban biên tập Ảnh và Trung tâm truyền hình.

Theo Nội san Thông tấn, số 9/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Vui tết Trung thu với trẻ em khó khăn (13/10/2016 09:40:28)

Nghị quyết về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại (13/10/2016 09:32:23)

Những khoảnh khắc chân thực, sinh động qua Khoảnh Khắc Vàng 04 (12/10/2016 16:11:42)

Quy tụ hàng ngàn tác phẩm ảnh chất lượng (12/10/2016 15:51:17)

Sôi nổi Đại hội Thể thao TTXVN 2016 (12/10/2016 11:04:50)

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật đợt V: Vinh danh nhiếp ảnh thông tấn (12/10/2016 10:24:28)

Bộ ảnh “Những tấm ảnh để lại” – được đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V (12/10/2016 10:11:32)

Tổng hợp tin trong ngành (Theo Nội san Thông tấn số 8/2016)  (11/10/2016 10:37:04)

Mở rộng tầm nhìn khi tới Trường Sa (10/10/2016 16:31:02)

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (10/10/2016 16:01:58)