Thứ bảy, ngày 27/07/2024

Tin trong ngành

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật đợt V: Vinh danh nhiếp ảnh thông tấn


(12/10/2016 10:24:28)

Ngày 13/7/2016, Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt V đã làm việc phiên cuối cùng dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hội đồng cấp nhà nước - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Hội đồng đã công bố kết quả đề nghị xét tặng giải thưởng của các lĩnh vực, trong đó nhiếp ảnh có một Giải thưởng Hồ Chí Minh và bốn Giải thưởng Nhà nước. Điều đáng đáng mừng là Giải thưởng Hồ Chí Minh duy nhất và hai Giải thưởng Nhà nước đã thuộc về TTXVN.

Sức mạnh của sự thật, sức mạnh của lịch sử
Ở đợt xét tuyển lần này, cả ba cụm tác phẩm của ba nhà nhiếp ảnh TTXVN được đề nghị xét tặng đều là những bức ảnh được chụp trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Cách đây 10 năm, bức ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu của nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng và bức ảnh Đánh chiếm Đồn Cái Keo của nhà báo Trần Bỉnh Khuôl được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt III. Lúc đó, với cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, tôi đã trình bày ngắn gọn về tác phẩm và sự nghiệp của hai tác giả trước Hội đồng cấp nhà nước và hy vọng nhiếp ảnh chiến tranh chống Mỹ cứu nước Việt Nam sẽ được khẳng định đúng vị trí với hai cánh chim đầu đàn là Trần Bỉnh Khuôl trong Nam và Lương Nghĩa Dũng ngoài Bắc. Nhưng rất tiếc, khi bỏ phiếu, mỗi tác giả đều bị thiếu một phiếu! 
 

Phóng viên Hứa Kiểm trò chuyện với nhân dân Sài Gòn ngày 30/4/1975


Theo quy định, hồ sơ đăng ký dự giải thưởng nào thì phải giữ nguyên ở cấp đó. Ví như: Nếu tác phẩm không được Giải thưởng Hồ Chí Minh thì cũng không được chuyển xuống cấp Giải thưởng Nhà nước. Điều đó có nghĩa, hai anh Lương Nghĩa Dũng và Trần Bỉnh Khuôl sẽ không được danh hiệu gì. Chúng tôi phải lấy lý do vì hai anh đã hy sinh, không tự đăng ký hoặc đề nghị, nên Hội đồng đã nhất trí thông qua quyết định để tác phẩm của hai anh vào diện Giải thưởng Nhà nước. Thật đáng tiếc, chỉ thiếu một phiếu thôi mà ta mất đi hai giải thưởng cao nhất trong nhiếp ảnh. Tôi tự trách mình chuẩn bị chưa kỹ và day dứt, nuối tiếc mãi. Đến hôm nay, sau 10 năm mới vơi đi một nửa. Một nửa nữa còn đau đáu về Trần Bỉnh Khuôl.

Nhà báo Lương Nghĩa Dũng với những bức ảnh bi tráng và khốc liệt
Trước khi nói về những bức ảnh vô cùng giá trị của nhà báo Lương Nghĩa Dũng, tôi xin nói về rất nhiều cái khó của đợt xét tuyển lần này. Thứ nhất, đợt xét tuyển lần trước, bức ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu được coi như tác phẩm số một của tác giả Lương Nghĩa Dũng rồi. Bây giờ liệu có thể tìm được bức ảnh nào hoặc cụm tác phẩm nào hay hơn, trội hơn, thuyết phục hơn?
 
Thứ hai, điều kiện dự giải là các tác phẩm phải đoạt giải nhất, hoặc giải A tại các cuộc thi của Hội chuyên ngành Trung ương hoặc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong khi đó, Lương Nghĩa Dũng chưa một lần tự gửi ảnh tham gia cuộc thi nào, lấy đâu ra giải thưởng. Hơn 6 năm cầm máy, anh liên miên đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, rồi không may, ngày 1/5/1972, phải buông tay máy tại chiến trường Quảng Trị, trước ngày hòa bình. 
 

Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sĩ lái xe - bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Đường 20 - Quyết thắng” của nhà báo Hứa Kiểm được đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước đợt này


Thứ ba, chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm. Hiện nay, nhiều thành viên hội đồng xét giải thưởng từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước trưởng thành sau chiến tranh, e rằng trong số họ có người chưa hiểu hết chiến tranh, khó rung cảm với ảnh chiến tranh, ảnh hưởng đến việc đánh giá. Trong bối cảnh đó, để có được tỷ lệ 90% số phiếu thuận của Hội đồng là một cái cân khắc nghiệt.

Tôi trao đổi với nhà báo Lương Xuân Trường, con trai liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, về hướng tìm kiếm, ngoài cuốn sách Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn của Lương Nghĩa Dũng, xuất bản năm 2012, cần chọn lại các ảnh trọng điểm trong số hơn 2.300 ảnh của ông tại kho tư liệu Ban biên tập Ảnh. Lúc ấy, Trường tìm được ảnh Chiến sĩ quân Giải phóng gọi loa vận động quân đội Sài Gòn ra hàng tại mặt trận Đường 9. Hay quá, hình ảnh rất nhân văn. Nhưng ngay sau đó, Trường linh cảm thấy không ổn, vì ngờ rằng đó là tác phẩm của Vũ Tạo - bố vợ anh. Khớp lại các dữ liệu thì đúng là có nhầm lẫn. Đấy là ảnh của Vũ Tạo! Có sự lẫn lộn này là do hai ông Dũng và Tạo cùng đi chiến dịch Quảng Trị, cùng gửi phim ra, có thể lẫn trong lúc tráng phim, in ảnh mẫu, hoặc khi dựng maket… Vậy nên phương án này bị đổ. 

Tôi đã trực tiếp tới Phòng tư liệu ảnh cùng với Trường dò tìm một lần nữa. May thay, chúng tôi đã tìm thấy bức ảnh Đánh chiếm cứ điểm 365. Ảnh mẫu cỡ 4x6 cm nhỏ, in quá đậm, đen kịt, mất hết chi tiết, trông bình thường như nhiều ảnh khác, nên chưa hề được khai thác. Tuy nhiên, khi soi kính lúp rồi phóng to, chỗ đen kịt ấy hiện lên mờ mờ như khói, mà đúng là khói đạn pháo còn đặc quánh chưa tan phủ kín lô cốt và thi thể người lính Sài Gòn. Khâm phục sự lăn xả của anh, tôi thầm nói: Anh Dũng ơi! Cái chốt của seri ảnh là đây rồi. Thế là bộ ảnh Những tấm ảnh để lại được hình thành. Đây là bức ảnh số 5, tột cùng bi tráng, tột cùng khốc liệt! Từ bức ảnh chốt ấy, chúng tôi chọn lựa thêm bốn ảnh khác tạo thành một tuyến thời gian đánh dấu từ những năm đầu cầm máy cho đến những ngày cuối cùng của anh tại mặt trận và một tuyến không gian được chuyển dịch từ Bắc vào Nam - nơi in dấu chân anh.

Nhà báo Hứa Kiểm và những khoảnh khắc trên cung đường lửa
Năm 1965, VNTTX mở lớp phóng viên tin, ảnh ngắn ngày cho chiến trường miền Nam. Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo và Hứa Kiểm là ba sĩ quan quân đội được Tổng cục Chính trị gửi sang học. Cùng học có Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Phạm Văn Thính và  mấy chục người nữa. Lớp đi B này trở thành lực lượng chủ lực cho TTXGP. Ở ngoài Bắc, nhóm ba sĩ quan trẻ Dũng - Tạo - Kiểm cùng Đoàn Tý, một sĩ quan, biên tập viên lớn tuổi làm nòng cốt Tổ ảnh Quân sự đặt tại Phân xã nhiếp ảnh VNTTX. Phía dân sự có Văn Bảo - tổ trưởng, Lâm Hồng Long, Phạm Hoạt, Đinh Hữu Thứ, sau bổ sung Xuân Lâm, Chu Chí Thành… Đây là tổ mũi nhọn, được tung vào những vùng chiến sự ác liệt nhất, gồm cả chiến trường B,C,K (miền Nam, Lào, Campuchia), nhưng đi nhiều chiến dịch lớn vẫn là bộ ba Dũng - Tạo - Kiểm.

Hứa Kiểm người dân tộc Nùng, quê ở Bắc Sơn, tỉnh Lạng sơn, sống hồn nhiên, khiêm tốn, vui vẻ. Cũng như Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, trong công tác, anh không nề hà khó khăn, nguy hiểm, không ngại chiến dịch gần hay xa. Anh lăn lộn với các binh chủng Bộ binh, Tăng thiết giáp, Phòng không- không quân, Hải quân, Công binh, Thanh niên xung phong, Dân quân tự vệ… Anh đi suốt cuộc chiến từ Bắc vào Nam, từ Lào tới Campuchia và cùng Vũ Tạo có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Hàng ngàn tấm phim ảnh về chiến tranh do Hứa Kiểm chụp đang được lưu trữ tại kho tư liệu ảnh TTXVN. 

Bộ ảnh Đường 20 - Quyết thắng của Hứa Kiểm được ba Hội đồng cấp cơ sở, cấp chuyên ngành và cấp nhà nước bỏ phiếu 100% đồng ý đề nghị trao tặng Giải thưởng Nhà nước. Bộ ảnh gồm 5 bức ảnh: Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sĩ lái xe; Công binh vượt lầy; Chiến sĩ Lê văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, lái xe vượt Đường 20- Quyết thắng; Mở đường tại Ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ; Xe qua Cua chữ A - một trọng điểm ác liệt trong cụm liên hoàn ATP (Cua chữ A, Ngầm Tà Lê, Đèo Phu La Nhích trên Đường 20- Quyết thắng).

Bức ảnh Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sĩ lái xe (ảnh trên) đặc biệt gây xúc động, bởi chuyến đi nào cũng gặp bom đạn, chuyến đi nào cũng không tránh khỏi thương vong. Tuyên thệ là lời thề sẵn sàng hy sinh vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất đất nước. Ảnh lễ tuyên thệ bình dị mà thiêng liêng, hôm nay còn đông đủ cả đại đội, nhưng ngày mai sẽ mất đi một vài cánh tay từng giơ cao, nắm chặt lời thề. Những con người đó, đặt trong bối cảnh Ngầm Tà Lê bị bom đạn đào xới nát vụn như sa mạc, trong bối cảnh Cua chữ A cây cối cháy trụi ngổn ngang, rừng già biến thành đồi trọc, đồi đất đỏ thành ao lầy,… đã tạo nên một ý nghĩa lớn lao. 


Nhà báo Lâm Tấn Tài vào trận như một biệt động Sài Gòn
Là học sinh miền Nam tập kết, năm 1961, Lâm Tấn Tài được sang Liên xô học tập tại trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop, Moskva. Nhưng do tình hình chính trị ở Liên Xô và Đông Âu có biến động, năm 1963, anh và tất cả lưu học sinh Việt Nam phải về nước. Lâm Tấn Tài tiếp tục học tại Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh theo học khóa nghiệp vụ thông tấn báo chí để đi B (miền Nam). Lâm Tấn Tài là người yêu nghề và có ý thức về giá trị tài liệu của nhiếp ảnh. Ngay trên đường công tác từ Bắc vào Nam, tới đâu thấy cảnh đẹp và lạ mắt anh cũng chụp và chụp ngay chính đoàn đi B của mình.

Chín năm lăn lộn tại chiến trường Nam bộ, Lâm Tấn Tài là phóng viên mũi nhọn của TTXGP, khi ở Trung ương cục, hoặc ở bên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khi theo bộ đội về đồng bằng, xâm nhập thành phố như một biệt động quân. Tết Mậu thân 1968, Lâm Tấn Tài đi theo tiểu đoàn 6 Quyết thắng, chụp cảnh quân và dân ta nổi dậy tấn công vào khu vực chùa Ấn Quang, Tây Bắc Sài Gòn. Khi đang chụp, anh bị mảnh đạn găm vào mắt. Đồng đội và nhân dân tìm cách đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy, khi ấy thuộc chính quyền Sài Gòn, cứu chữa. Việc một nhà báo Việt cộng nhập viện của đối phương mổ mắt bị trúng đạn là một câu chuyện ly kỳ như một giai thoại. 

Khi lành vết thương, anh lại theo đường dây trở ra căn cứ. Ngày thi hành Hiệp định Paris, với danh nghĩa phóng viên TTXGP thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời, Lâm Tấn Tài đi cùng phái đoàn quân sự bốn bên chụp hoạt động của các phái đoàn và cảnh quân đội Mỹ lũ lượt kéo nhau lên máy bay rút về nước. 
 

Nhà báo Lâm Tấn Tài (người đứng bìa phải) đang theo dõi truyền tin bài về cứ.


Ngày 30/4/1975, anh theo bộ đội vào giải phóng Sài Gòn. Bức ảnh Thần tốc tiến về Sài Gòn của anh được chụp trong giờ phút lịch sử sau 30 năm mong đợi, nhân dân Sài Gòn đổ ra hai bên đường mừng đón quân Giải phóng. Ngày hôm đó, mấy chục nhà quay phim, chụp ảnh gặp nhau tại Dinh Độc Lập. Niềm vui giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nghẹn ngào trào dâng trong ống kính của họ.

Sau ngày thống nhất đất nước, Lâm Tấn Tài xuất bản hai cuốn sách ảnh về chiến tranh. Cuốn Đường Hồ Chí Minh nói về đường mòn Trường Sơn từ thuở heo hút đi bộ đến lúc dài rộng đưa được cả xe vận tải các loại và xe tăng tới tận Dinh Độc Lập. Cuốn  Ảnh thời chiến tập hợp những bức ảnh tâm đắc về những kỷ niệm chiến tranh, bạn bè, đồng đội, đồng chí… như tập hồi ký trong 9 năm công tác tại chiến trường của anh.

Từ những tấm ảnh trong hai cuốn sách trên, gia đình Lâm Tấn Tài và Hội nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh đã chọn ra một cụm tác phẩm năm bức ảnh đăng ký Giải thưởng Nhà nước. Năm bức ảnh như năm cột mốc chạy dọc theo thời gian công tác của Lâm Tấn Tài, gắn liền với các sự kiện mang dấu ấn của lịch sử chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam anh hùng: Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua; Vượt Trường Sơn; Biệt động Sài Gòn; Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân; Thần tốc tiến về Sài Gòn. Tên các bức ảnh chân xác, ngắn gọn, đã gợi mở cho người xem phần nào vị trí, tầm vóc của sự kiện và ý nghĩa của các bức ảnh. Cách viết cụ thể, xúc tích kiểu thông tấn lại có ấn tượng và sức nặng nhiều hơn các ngôn từ bóng bẩy.

Trong ngày vui chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Lâm Tấn Tài và nhiều nhà nhiếp ảnh chẳng thể nghĩ, chiếc máy ảnh là cái duyên đưa họ đến với cuộc hội ngộ lịch sử cùng các đồng môn nhiếp ảnh năm xưa giữa Sài Gòn. Chiến thắng này quá lớn lao, ngợp tràn tất cả. Điểm lại có thể thấy, ngày vui ấy có Vũ Tạo, Hứa kiểm, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng… Cái lớp học ngắn ngày của cơ quan ta thuở ấy đã giúp họ đi xa đến vậy. Lớp ấy có mấy người thầy truyền nghề đầy nhiệt huyết: Nguyễn Văn Phú, Phạm Vũ Thực, Văn Khiêm…, luôn mong mỏi học trò của mình chụp được người thật, việc thật, tốt nhất, hay nhất, chứ chưa nghĩ tới những giải thưởng cao quý như hôm nay. Cuộc chiến anh hùng đã nâng tầm dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Và cũng chính cuộc chiến ấy đã ghi nhận những đóng góp tuyệt vời của thầy trò nhiếp ảnh thông tấn với nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

Kỳ sau: Tiêu chí nào cho giải thưởng?

Chu Chí Thành
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bộ ảnh “Những tấm ảnh để lại” – được đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V (12/10/2016 10:11:32)

Tổng hợp tin trong ngành (Theo Nội san Thông tấn số 8/2016)  (11/10/2016 10:37:04)

Mở rộng tầm nhìn khi tới Trường Sa (10/10/2016 16:31:02)

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (10/10/2016 16:01:58)

Đồng hành cùng những số phận không may mắn (10/10/2016 15:44:48)

Tăng sức lan tỏa của thông tin trên mạng xã hội (10/10/2016 15:39:23)

Thông tin đối ngoại có nghị quyết chuyên đề (10/10/2016 15:04:50)

Tổng hợp tin trong ngành (Theo Nội san Thông tấn số 7/2016)  (06/10/2016 09:38:12)

Phóng viên TTXVN đa năng  (05/10/2016 09:07:30)

Nhiều hoạt động ý nghĩa tại chiến khu Tây Ninh  (04/10/2016 15:39:20)