Thứ hai, ngày 29/04/2024

Tin tức trong ngành

Sáng tạo trong các nền tảng kể chuyện


(05/09/2022 14:42:50)

Tin tức trên Internet thường có độ dài từ 500 đến 800 từ. Đó là di sản của báo chí. Dù các bài báo trên nền tảng số đã được cải thiện nhờ công nghệ mới, hiện nó vẫn được sản xuất với tư duy “một kiểu cho tất cả”. Hiểu rằng, rất khó để phá vỡ thói quen, nhóm nghiên cứu và phát triển (R&D) của BBC đã quyết định phải sáng tạo trong các nền tảng kể chuyện.

Các định dạng sáng tạo đều được thiết kế cho thiết bị di động, vì đó là cách đọc tin phổ biến hiện nay

Năm 2019, nhóm nghiên cứu đã lên ý tưởng và thử nghiệm gần 40 cách kể chuyện trên di động, với mức chuẩn mỗi bài 500-800 từ. Hơn một năm, đội ngũ bốn người, gồm cả một nhà báo kỳ cựu, đã tạo ra 35 mẫu thử có thể sử dụng được. Trong đó có hai định dạng được BBC áp dụng vào thực tế đưa tin, các định dạng khác đang chờ để áp dụng. Những nỗ lực sáng tạo thành công bắt đầu bằng nguyên tắc xác định đối tượng mục tiêu và lập ra đội ngũ.

Trong giai đoạn đầu, nhóm chọn thiết kế các định dạng kể chuyện mới dành cho người trẻ - những người luôn ưu tiên cho nội dung số và di động, sẵn sàng với trải nghiệm mới. Đó cũng là những độc giả quan trọng nhưng khó tiếp cận với BBC.

Họ làm các nghiên cứu cả trên mạng và trực tiếp, để nhận ra những khán giả độ tuổi 18-26 muốn điều gì: đọc lướt, nhưng đọc sâu hơn khi họ quan tâm; hiểu những câu chuyện phức tạp; đọc tất cả thông tin ở một chỗ; giúp họ có quan điểm của mình; có lựa chọn về loại truyền thông phù hợp với bối cảnh…

Tristan Ferne, Ban nghiên cứu Internet và các dịch vụ tương lai của BBC viết trên BBC News Lab: “Chúng tôi nhận thấy công chúng trẻ đang nỗ lực tìm lối đi, giữa quá tải thông tin và nỗi sợ bị bỏ lỡ thông tin. Nhìn chung, họ muốn lựa chọn cách để tiêu thụ thông tin. Rõ ràng, chữ văn bản được ưa thích hơn nhưng luôn tùy thuộc vào bối cảnh và câu chuyện. Ví dụ, với các gói cước di động giới hạn, người đọc sẽ xem video nhiều hơn ở nhà”.

Sau giai đoạn nghiên cứu, Ferne sắp xếp một đội ngũ thuộc nhiều chuyên ngành, với kỹ năng chính là lập kế hoạch và xây dựng mẫu thử không theo quy chuẩn, gồm: một phóng viên đa phương tiện, một người thiết kế UX (nghiên cứu và đánh giá thói quen của người dùng), một chuyên gia nghiên cứu về người dùng và một lập trình viên. Ông gọi đó là một “đơn vị BBC độc lập tối thiểu”.

Để bắt đầu thử nghiệm các ý tưởng, nhóm đã tạo ra các mẫu thử, sử dụng nội dung mà BBC sản xuất, sao cho chỉ cần thay đổi định dạng chứ không cần tạo ra nội dung. Với việc ứng dụng rất tốt mô hình sáng kiến chạy nước rút (tạo nhanh, thử nhanh, thất bại hoặc thành công nhanh), đội ngũ đã biến các sáng kiến thành các mẫu thử theo tuần, sử dụng những bản tin có thật và trong 8 tuần thử được 12 mẫu với 26 thành viên thuộc các nhóm đối tượng độc giả. Để đánh giá phản ứng của độc giả, họ đưa ra những tiêu chí sau: người dùng có thể hiểu và sử dụng định dạng một cách trực giác; phù hợp với nhu cầu, bối cảnh và công nghệ của người dùng; hiệu quả trên quy mô lớn; cho phép phóng viên kể chuyện hiệu quả và sáng tạo.

“Nhìn chung, chúng tôi tìm kiếm các định dạng khả thi, đáng mơ ước, mới và sáng tạo, đáp ứng nhu cầu người dùng. Các ý tưởng bao gồm việc sử dụng âm thanh tạo không gian cảm xúc cho câu chuyện; video có thể tua nhanh được; vuốt màn hình để xem các quan điểm; chọn định dạng, chọn bài báo; giới thiệu bài viết như kiểu giới thiệu phim và phần giải thích có thể mở rộng... Mọi thứ được thiết kế cho di động vì đó là cách đọc tin phổ biến”, Ferne cho biết.

Sau đây là một số mẫu thử:

Mở rộng được - Tích hợp bối cảnh

Nhóm nghiên cứu đã xem xét rất kỹ những lời phê bình dành cho BBC, trong đó, nhiều nhà phê bình nhận xét BBC đánh giá quá cao độc giả, cho rằng độc giả có kiến thức về mọi chủ đề, nên hay sử dụng những từ chuyên ngành, các khái niệm phức tạp trong các bài viết có sắc thái địa chính trị. Vì thế, mẫu thử đầu tiên có tên gọi “Mở rộng được - tích hợp bối cảnh”, cung cấp các thông tin có thể giúp lấp đầy lỗ hổng về kiến thức, nhưng được “giấu” ở trong các hộp (box) có thể mở rộng được.

Với cách làm này, nếu độc giả không cần thông tin, có thể đọc ngắn và không cần mở hộp. Với những độc giả muốn hiểu rõ hơn về thông tin chủ đề, về những khái niệm mới (ví dụ hồ sơ của một nhân vật, định nghĩa theo từ điển hay thông tin nền, một khía cạnh khác của câu chuyện), họ sẽ click vào biểu tượng dấu chấm lửng màu vàng, ngay lập tức phần thông tin bổ sung sẽ mở ra. Nếu bạn click vào biểu tượng “mắt” màu xanh, thông tin bổ sung đó sẽ thuộc loại thị giác (hình ảnh, video hay truyền thông xã hội dạng nhúng). Một thành viên nam 22 tuổi của nhóm thử mẫu nhận xét: “Tôi thích cách này, nếu bạn không hiểu điều gì đó, cách này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn”.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, cách làm này đơn giản nhưng hiệu quả. Độc giả thế hệ Z dường như thích thông tin ở một chỗ hơn là các đường link để mở ra trang mới. Cách tiếp cận này sẽ hiệu quả cho loại hình báo chí dạng dài (long-form) và cho các chủ đề cần giải thích bổ sung như chính trị hay kinh tế.

Tăng dần - Chọn định dạng của bạn

Mọi người thường thấy nản vì những bài báo dài, đặc biệt là trên di động. Mẫu thử này gọi là “Tăng dần”, giúp cắt bài viết ra nhiều phần, sau đó cho bạn đọc lựa chọn cách xem mỗi phần theo định dạng họ thích: video, văn bản dạng dài, văn bản dạng ngắn, thậm chí là nhảy cóc qua đoạn đó.

Đây là mẫu thử được yêu thích nhất. Những nội dung có cấu trúc, có thể dùng lại trên các ứng dụng chat hay giao diện âm thanh. Giống như định dạng dài nhưng tàng hình, thu hút những người không muốn đọc bài dài, các phần phụ chú hoặc các link về bài liên quan.

Những người tham gia thử nghiệm cho biết, tít phụ và những hộp thông tin giúp dễ đọc tin tức hơn. Đưa tất cả nội dung vào một chỗ là ý tưởng hay và độc giả có quyền lựa chọn về độ dài, loại hình truyền thông phù hợp hay bối cảnh khi đọc.

Các góc nhìn - Vuốt màn hình để đọc các ý kiến

Kết quả nghiên cứu cho thấy độc giả thực sự muốn hiểu các chủ đề phức tạp, cần biết rõ “tại sao” chứ không chỉ là “cái gì”. Họ muốn tiếp cận với hàng loạt các quan điểm giúp hình thành quan điểm của riêng họ. Vì vậy, mẫu thử này được thiết kế để cung cấp thông tin nền trong định dạng di động. Đó là một loạt tấm thẻ, thẻ đầu tiên chứa thông tin tổng quan về vấn đề; vuốt tấm thẻ tiếp theo chứa video ngắn có phân tích sâu chủ đề và vuốt lần cuối hiện lên mục bình chọn.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, việc tương tác vui vẻ có hiệu quả hơn so với nội dung thể hiện ở định dạng tuyến tính.

Tua nhanh - Các video có tốc độ xem nhanh

Bạn thường xuyên gặp những video dài, đôi khi bạn ước mình có thể chỉ xem lướt qua nội dung và chọn phần mình muốn xem. Mẫu thử này cho phép người xem có thể xem lướt video tới những phần họ muốn bằng cách hiện nội dung văn bản song song với nội dung video. Mẫu thử cũng có cả phần điều chỉnh khu vực hiện chữ, giúp người xem có thể mở rộng chữ ra tràn màn hình nếu họ thích đọc hơn là xem và ngược lại./.
 
 

(Theo cuốn “Đổi mới sáng tạo trong báo chí 2020-2021”)
Nội san Thông tấn số 8/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

40 năm báo Thể thao và Văn hóa (21/8/1982-21/8/2022): Hài hòa giữa giá trị thông tin, thẩm mỹ và hàm lượng tri thức (05/09/2022 14:41:36)

Phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa người làm báo TTXVN” (31/08/2022 15:12:21)

Tập huấn nghiệp vụ marketing sản phẩm báo chí (31/08/2022 14:35:14)

TTXVN triển khai tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 mũi 4 (31/08/2022 14:34:06)

Bóng đá & mối lương duyên với Thể thao và Văn hóa (31/08/2022 14:33:07)

Từ Espana 82 đến Mexico 86 (31/08/2022 14:31:13)

Một số hoạt động của Đoàn thanh niên TTXVN nhiệm kỳ 2017-2022 (31/08/2022 14:27:55)

Đại hội Đoàn thanh niên TTXVN nhiệm kỳ 2022-2027: Phát huy bản lĩnh, tinh thần xung kích, tình nguyện (31/08/2022 14:24:31)

Tiếp sức học sinh vùng cao đến trường  (29/08/2022 14:36:29)

Ra mắt Câu lạc bộ Cầu lông TTXVN (29/08/2022 14:35:31)