Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

TTXVN có những cán bộ và truyền thống vô cùng quý báu


(15/09/2015 10:51:36)

1. Giám đốc Hoàng Tuấn (áo trắng, giữa) với cán bộ, phóng viên VNTTX trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp Sinh ra và lớn lên cùng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đến ngày 15/9/2015, TTXVN vừa tròn 70 tuổi. Thuộc thế hệ đàn em của các bậc anh chị có công xây dựng TTXVN từ những ngày đầu tiên, thế mà tính ra đến nay tôi đã sống, làm việc và gắn bó với ngành quá nửa thế kỷ rồi.

 

Chặng đường dài ấy đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm và tình cảm sâu đậm không thể nào quên về những con người, những phẩm chất và những truyền thống vô cùng quý báu, như những tấm gương luôn nhắc nhở tôi phải noi theo và vươn tới để hoàn thiện mình. Nếu không làm như vậy là mình có tội đối với những người anh, người chị đã dành khá nhiều công sức chỉ bảo, giúp đỡ, kèm cặp và dạy dỗ mình nên người. Cũng nhờ họ mà tôi đã trưởng thành dần, trở thành một cán bộ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao cho những trọng trách lớn sau này. Khi khôn lớn lên, tôi càng có điều kiện tìm hiểu kỹ càng hơn, càng có sự tư duy độc lập và khách quan hơn, nên lại càng thấy khâm phục và vô cùng biết ơn "thế hệ vàng" của một ngành mà tôi luôn coi là một "cái lò tôi luyện con người" ít đâu có được!

2. Phó Tổng biên tập Lê Chân (bên phải) tiễn phóng viên Minh Trường (đội mũ) vào chiến trường

Nhân ngày kỷ niệm trọng đại này, nếu không viết về họ để các thế hệ sau này của TTXVN hiểu và noi theo thì đó là một tội lỗi.

Già nửa thế kỷ rồi mà tôi còn nhớ như in hình ảnh Giám đốc Hoàng Tuấn (tên thật là Nguyễn Văn Minh), một người cao lớn, khôi ngô tuấn tú, nói năng chuẩn xác, ngắn gọn, súc tích, nhất là khi ông truyền đạt các nghị quyết của Đảng hay nói chuyện thời sự.

Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Vũ Linh từ Quân đội chuyển sang nên ông khá nghiêm nghị, chặt chẽ, nguyên tắc, nói năng quyết liệt nhưng hùng biện và đầy sức thuyết phục. Sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, ông được Trung ương cử vào miền Nam chỉ đạo xây dựng và trực tiếp làm Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng ở trong R, lấy tên là Bảy Lý.

Phó Giám đốc Đào Tùng lúc nào cũng năng nổ, nhiệt tình, xốc vác mọi việc nhưng rất quan tâm đến thế hệ trẻ, sống gương mẫu và nhân văn, đúng với tính cách của người Kinh Bắc. Sau khi Giám đốc Hoàng Tuấn được cử đi làm nhiệm vụ khác, Phó Giám đốc Đào Tùng đã lên thay làm Giám đốc, rồi Tổng giám đốc TTXVN lâu năm nhất và để lại nhiều dấu ấn nhất cho ngành trước khi ông tạ thế, đúng vào ngày 15/9/1990.

Tổng giám đốc Đào Tùng (thứ tư bên trái) giới thiệu với Thủ tướng Phạm Văn Đồng các sản phẩm thông tin của VNTTX (1969)

Phó Giám đốc Lê Chân là một người tinh thông nhiều ngoại ngữ. Tính ông nghiêm khắc, chặt chẽ, giống một nhà giáo nhiều hơn là nhà báo. Vì vậy ai cũng kính nể ông.

Phó Giám đốc Lê Bá Thuyên là một người viết hay, nói giỏi, nhất là môn nói chuyện thời sự. Việc gì ông cũng ghi chép cẩn thận, giữ được nhiều tư liệu phong phú. Nếu ai muốn trở thành nhà báo giỏi cần phải học phong cách của ông.

Phó Giám đốc Trần Thanh Xuân, khi đó bị Chính phủ Pháp vô cớ trục xuất về nước, là người đi nhiều, hiểu rộng, luôn nói năng nhẹ nhàng, thân ái, khiêm nhường, khác hẳn với những người quê ở miền Nam thường hay cho mình có quyền nóng nảy.

Phó Giám đốc Hoàng Tư Trai rời vị trí Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc về nhận công tác tại VNTTX. Ông Trai hiền từ, nhân hậu, ân cần, nho nhã, lúc nào ăn mặc cũng chỉnh tề. Có lẽ ông là người làm Bí thư Đảng ủy cơ quan nhiều khóa nhất.

Làm Phó Giám đốc VNTTX lúc bấy giờ còn có ông Ngô Điền, người được giải nhất toán Đông Dương và là cha đẻ của giáo sư toán học Ngô Việt Trung. Sau này, ông chuyển sang Bộ Ngoại Giao làm Thứ trưởng Bộ. Ông Đặng Vũ Khiêu, một nhà văn hóa, "nhà Hà Nội học" sau này chuyển sang công tác khác.

Phó Tổng biên tập Trần Thanh Xuân (người đội mũ) trước giờ dẫn đoàn phóng viên trẻ GP10 vào chiến trường miền Nam (1973)

Mãi tới khi cơ quan triển khai quán triệt Nghị quyết TW9 vào năm 1966 thì ông Đỗ Phượng, nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ Báo chí của Ban Tuyên huấn TƯ mới về nhận công tác ở VNTTX cho tới khi nghỉ hưu.

VNTTX cuối những năm 60 vẫn là cơ quan hai cấp, ở trên là Ban Biên tập, dưới là các phòng biên tập và các phòng nghiệp vụ giúp việc. Ngoài những cán bộ cấp cao như nói ở trên, không thể không nói đến các anh chị ở cấp phòng lúc đó. Ở Phòng biên tập tin Trong nước phải nói đến anh Mai Hữu Phúc (khi vào TTXGP lấy tên là Khả Minh), rất giỏi chuyên môn, viết lách sắc sảo, rất vui tính và luôn luôn ân cần chỉ bảo cho anh chị em đồng nghiệp. Hầu như suốt đời anh cống hiến cho sự nghiệp của ngành. Người nữa mà tới giờ tôi luôn luôn thương cảm và kính phục là anh Võ Thế Ái. Anh ở khu Năm ra Bắc giữa những năm 50, sau khi lập gia đình với chị Nghiêm Thị Tú thì trở thành anh em đồng hao với nhạc sĩ Văn Cao. Đến năm 1959 anh lại là nhà báo đầu tiên của VNTTX trở lại chiến trường khu Năm ác liệt cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói cả cuộc đời anh là một tấm gương hy sinh, cống hiến cho ngành mà không hề đòi hỏi một chút gì, ngay cả khi cuộc đời riêng của anh gặp bao điều bất hạnh. Anh Trần Hữu Năng thì kín đáo, trầm ngâm, viết hay và chặt chẽ, vì anh được đào tạo bài bản về báo chí ở Trung Quốc.

Nhà báo VNTTX Võ Thế Ái (thứ ba từ trái sang) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm đập Thác Huống, Thái Nguyên (12/1954)

Ở Phòng biên tập tin miền Nam có Trưởng phòng Dương Thị Duyên (con gái Giáo sư Dương Quảng Hàm nổi tiếng) vừa giỏi ngoại ngữ, vừa thông minh, nhanh nhẹn, sắc sảo và quyết đoán. Chị là nhà báo nữ duy nhất của Việt Nam có mặt tại Hội nghị Paris và sau này trở thành Trưởng ban biên tập tin Thế giới, rồi được Trung ương cử làm Trưởng Ban Đối ngoại của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ở đây còn có anh Đặng Kiên, vừa bình dân, vừa nhạy cảm với nghề báo và táo bạo trong việc nhận định và phân tích thông tin, nhất là thông tin của phương Tây và Ngụy quyền Sài gòn lúc bấy giờ. Sau này anh được cử làm Trưởng Ban biên tập tin Đối ngoại (khi nước nhà đã thống nhất). Bên cạnh hai người nói trên còn có bác Trịnh Hải (được gọi là bác Hải Đất từ khi ở chiến khu Việt Bắc). Bác là người cần cù, hiền lành, được anh em rất quý mến luôn gọi bằng "Bố Hải" (không biết có phải do ông có nhiều con gái nên chúng tôi lúc đó gọi ông như vậy?).

Ở Phòng biên tập tin Thế giới phải kể đến Trưởng phòng Nguyễn Thế Đức, một cây viết sắc bén, nói năng hùng biện, quyết liệt và xử lý thông tin quốc tế khá chính xác. Ông còn là "chuyên gia" nói chuyện thời sự quốc tế lúc bấy giờ, rất được thính giả mến phục. "Cánh tay phải" của ông là Phó Trưởng Phòng Nguyễn Công Đắc, cần cù, nhu mì, cẩn thận. Sau này, anh Đắc làm Trưởng Ban biên tập tin Thế giới rồi chuyển giao cho tôi để đi làm Trưởng phân xã TTXVN tại New Delhi (Ấn Độ) cho đến khi nghỉ hưu. Ở phòng này còn có anh Nguyễn Đức Giáp, được coi là một "thầy đồ xứ Nghệ" chính hiệu vì anh rất ham đọc, ham học, đa tài và tự học được nhiều ngoại ngữ. Anh được coi là bậc "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý", nhưng cũng có lúc nói hơi "vút lên" một tý.

Các nhà báo Dương Thị Duyên (thứ hai bên phải) và Đỗ Chuyên (thứ hai bên trái) trong tổ báo chí, Hội nghị Paris (1972)

Ở Phòng biên tập tin Đối ngoại (VNA) có Trưởng phòng Hoàng Thịnh được xếp vào loại chặt chẽ và cẩn trọng hạng nhất của TTX. Anh giỏi ngoại ngữ, làm việc rất nguyên tắc, ít ai có thể "qua mắt" được anh điều gì. Ở đây còn có "chuyên gia tiếng Anh" Trần Văn Chương, rất giỏi vận dụng tiếng Anh ngắn gọn, hợp với văn phong thông tấn. Ông được gọi là "Mệ Chương" vì là người xứ Huế, luôn luôn trầm lặng, nghiêm túc, chặt chẽ nhưng cũng dễ gần, nếu hiểu được tính ông. Ở VNA còn phải nói tới anh Nguyễn Phan Oanh (con trai của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Phan Chánh). Anh là một cán bộ trẻ, thông minh, sắc sảo, ăn nói khúc chiết. Sau này anh lấy tên là Phạm Văn Chương, khi được cử đi công tác cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam rồi trở thành Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho tới khi nghỉ hưu. Bên cạnh những người nói trên, ở phòng này còn có chị Bùi Bội Anh (con gái của chí sĩ Bùi Bằng Đoàn). Chị là một người rất giỏi ngoại ngữ, ân cần, nhân hậu, quán xuyến mọi công việc như một người chị cả trong nhà. Sau này chị Bội Anh còn tham gia công tác Công đoàn và làm Trưởng Ban nữ công của TTXVN.

Ở Văn phòng cơ quan có anh Phạm Đình Đăng (có biệt hiệu là Đăng Voi) vì anh to lớn, khỏe mạnh, năng nổ, chu đáo và quán xuyến mọi việc hành chính quản trị vất vả. Bên cạnh anh Đăng, có bác Nguyễn Như Tiếp, chuyên lo về công tác tài chính "cơm, áo, gạo, tiền" cho anh em. Ở Phòng biên tập Ảnh có các anh Phạm Nho Nghĩa, Lâm Hồng Long, Văn Bảo, Đinh Quang Thành... là những nhà nhiếp ảnh xuất sắc, đã có công ghi lại nhiều hình ảnh lịch sử của đất nước. Chính các anh đã đem về cho cơ quan nhiều giải thưởng danh giá về ảnh, ở cả trong nước và nước ngoài.

Nhà báo Nguyễn Đức Giáp (ngồi sau) cùng đồng nghiệp trên đường tiến về Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975)

Ở Phòng Điện vụ (nay là Trung tâm Kỹ thuật) có Trưởng phòng Lê Bá Tâm cần cù, quán xuyến mọi việc; có các anh Lương Văn Hóa, Lê Ninh... luôn chăm lo công tác đào tạo cán bộ, tìm mọi cách nghiên cứu, cải tiến, nâng cao và đổi mới công nghệ thông tin để giúp cho thông tin của ngành luôn theo kịp với sự phát triển của công nghệ thông tin quốc tế như ngày nay. Anh Lương Văn Hóa sau này còn đảm đương trách nhiệm là Bí thư Đảng ủy của TTXVN nhiều khóa...

Nếu kể tiếp thì còn nhiều lắm, không báo nào đăng tải hết được, đấy là chưa tính đến các thế hệ kế tiếp sau đó cho tới ngày nay. Tựu trung, đây là những con người rất đáng quý và trân trọng, vì họ đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng, phát triển ngành và đã cống hiến hết mình vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao cho ngành ta ngay từ những ngày đầu cách mạng đầy gian khổ, khó khăn, đòi hỏi một sự hy sinh to lớn. 

 

Tuy mỗi cán bộ có một tính cách khác nhau, nhưng ở họ đều thể hiện những đặc điểm chung sau đây: Một là có lòng yêu nước nồng nàn, giàu nhiệt tình cách mạng, không quản ngại gian khổ hy sinh, sống nghiêm túc, gương mẫu và có nguyên tắc. Hai là có kiến thức rộng về nhiều mặt, thành thạo nghề nghiệp, giỏi ngoại ngữ nhưng khiêm tốn, giản dị, tự giác học tập và rèn luyện để nâng mình lên đóng góp cho sự nghiệp cách mạng chung. Ba là luôn quan tâm, giúp đỡ, đào tạo và rèn luyện những thế hệ đàn em, những người kế cận, giúp cho TTXVN có được đội ngũ cán bộ hùng hậu như hiện nay. Bốn là những người có văn hóa, giàu tính nhân văn, có tình thương yêu và quan tâm giúp đỡ nhau, nhờ đó mà TTXVN vẫn tiếp tục duy trì được các truyền thống này cho tới ngày nay. Năm là những con người từng trải cả trong công tác và cuộc sống; luôn giữ được quan hệ với trên, với dưới, với bên trong và bên ngoài nên tạo ra được một sức mạnh tổng hợp to lớn từ nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, gây được lòng tin yêu và nể trọng. Và cuối cùng, họ đã trở thành nguồn cán bộ cung cấp cho nhiều cơ quan khác. Nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ cao cấp có uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hồ Tiến Nghị - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 7/2015) (05/08/2015 16:07:56)

Cho dòng tin chảy mãi... (05/08/2015 15:04:00)

Đảng bộ TTXVN: Đại hội các tổ chức đảng trực thuộc - Nghiêm túc, đúng quy trình (04/08/2015 15:13:58)

Liệt sĩ Đỗ Văn Nhân - Ông nội kính yêu của tôi (04/08/2015 14:41:14)

Tri ân các liệt sĩ, thương binh thông tấn (04/08/2015 14:17:50)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 6/2015) (07/07/2015 15:34:20)

Tác phẩm đoạt giải A Giải báo chí quốc gia 2014: Chớp được khoảnh khắc cao trào (07/07/2015 11:01:36)

Chuẩn bị cho một sự kiện “chưa có tiền lệ”  (07/07/2015 10:57:51)

Thắp lên ngọn lửa nghề (07/07/2015 10:53:32)

Tôi được chứng kiến lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam (07/07/2015 10:48:36)