Thứ tư, ngày 03/07/2024

Truyền thống

Vinh danh phóng viên ảnh thông tấn tại Pháp


(04/12/2014 11:34:16)

Visa pour l´Image (Thị thực cho hình ảnh, cơ quan tổ chức Liên hoan ảnh báo chí thế giới của Pháp) đã chọn đề tài chiến tranh ở Việt Nam làm tiêu điểm cho Festival ảnh báo chí thế giới lần thứ 26, từ ngày 30/8 đến 14/9/2014 tại Perpignan, thành phố miền Nam nước Pháp. 8 bức ảnh mô tả sự khốc liệt của cuộc chiến cũng như tinh thần quả cảm của bộ đội Cụ Hồ, do các nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, Hứa Kiểm, mai Nam và Đoàn Công Tính chụp trong giai đoạn 1966 – 1973 đã thu hút sự quan tâm của báo giới cũng như công chúng quốc tế.

“Đón các chiến sĩ từ nhà tù Mỹ Ngụy trở về (Quảng Trị, năm 1973)” của tác giả Chu Chí Thành, một trong những bức ảnh tiêu biểu được trưng bày tại triển lãm

 

Ông Jean Francoi Leroy, Giám đốc điều hành Festival, cho biết: Nhiều năm qua, công chúng Pháp và các nước phương Tây chỉ biết chiến tranh Việt Nam qua ảnh của các phóng viên phương Tây, như Larry Burows, Don McCullin, Philip Jones Criffiths, Gilles Caron, Horst Faas và Henri Huet… Ðó là những nhà nhiếp ảnh thuộc chiến tuyến của Mỹ, ở miền Nam Việt Nam. Người ta thấy cuộc chiến đó thật tàn bạo và khủng khiếp... Ðộc giả chưa biết, hoặc ít biết, về những người miền Bắc - người chiến thắng - sống và làm việc ra sao, đánh trả sự tấn công của Mỹ như thế nào? Có gì bí ẩn mà thế giới chưa biết? Bởi vậy chúng tôi mời các nhà nhiếp ảnh- nhà báo chiến trường, ở Bắc Việt Nam: Mai Nam, Hứa Kiểm, Ðoàn Công Tính Chu Chí Thành tham gia  liên hoan. Ban tổ chức mạn phép đặt tên cho triển lãm ảnh của 4 ông là Người Miền Bắc (Ceux du Nord).
Triển lãm ảnh được tổ chức tại gian giữa tu viện cổ Cuvent des Minimes. Dù 10 giờ sáng  gian trưng bày mới mở cửa, nhưng hàng ngày khoảng 9 giờ 30 đã có nhiều người đứng chờ. Gặp chúng tôi mọi người vẫy chào: Bonjour Việt Nam! Chúng tôi vui vẻ vãy tay đáp lại.
Những ngày đầu chúng tôi dành thời gian cho các cuộc phỏng vấn của New York Times Lens Blog, tạp chí Red dot, kênh truyền hình France 3, đài RFI của Pháp, báo Le Temps của Thụy sĩ, Mois- tạp chí Nhiếp ảnh của Pháp, nhật báo Le Soir của Bỉ, báo điện tử Quesabesde.com của Tây Ban Nha... Chúng tôi cũng tranh thủ gặp gỡ, giao lưu với khách xem ảnh. Đôi lúc không có phiên dịch, nhiều người bày tỏ tình cảm bằng cách bắt tay, hoặc nắm tay, giơ ngón tay cái lên nhìn từng tác giả gật đầu, mỉm cười biểu thị sự tán thưởng.
Các nhà nhiếp ảnh của “hai chiến tuyến” gặp nhau. Từ trái sang: Hứa Kiểm, Đoàn Công Tính, Don McCullin, Patrick Chauvel, Chu Chí Thành, Mai Nam và Jean Francois Leroy

Thành phố Perpignan thời điểm đó tràn ngập không khí nhiếp ảnh. Ở nội thành có 10 địa điểm triển lãm ảnh, hai khán đài ngoài trời trình chiếu ảnh vào buổi tối, có người thuyết minh. Các đường phố lớn đều căng biểu ngữ, cờ phướn, băng rôn giới thiệu “Visa pour l´Image 26”. Có tới 3.000 người đăng ký tham gia liên hoan ảnh này. Trên xe bus, bên hè phố, trong các quán ăn uống, các khách sạn lớn nhỏ đều gặp các nhiếp ảnh gia, các nhà báo quốc tế đeo phù hiệu của liên hoan. Ấn tượng nhất với chúng tôi là trên dòng suối chảy qua khu trung tâm, Ban tổ chức căng 5 ảnh to ngang suối, trong đó có tới 4 bức ảnh của Việt Nam: “Bộ đội ta dùng điện đàm để hợp đồng tác chiến ở mặt trận Quảng Trị” của Ðoàn Công Tính, năm 1971; Ðón các chiến sỹ từ nhà tù Mỹ Ngụy trở về, tại cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam trên sông Thạch Hãn năm 1973 của Chu Chí Thành; “Nữ dân quân tay súng sẵn sàng chiến đấu trên một chiếc thuyền buồm” của Mai Nam, năm 1966; “Công binh Trường Sơn vượt lầy tại trọng điểm ném bom B52” của Hứa Kiểm năm 1971.
21 giờ 45 phút ngày 4/9, cuộc trình chiếu những bức ảnh giá trị của Festival diễn ra tại khán đài Campo Santo. Một màn hình to được căng lên dưới chân đồi, đủ cho khoảng 1.500 người ngồi trên ghế băng kê thoai thoải theo triền dốc nhìn rõ từng chi tiết trong ảnh. Tới phần ảnh Việt Nam, đích thân Giám đốc Jean-Francois Leroy giới thiệu, mọi người hồ hởi vỗ tay. Những bức ảnh đen trắng xuất hiện lần lượt qua các chủ đề: Chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc; mở đường Trường Sơn; các chiến dịch lớn ở Miền Nam; Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968; đường 9 Nam Lào 1971; mùa hè Quảng Trị rực lửa 1972; Hà Nội, Hải Phòng chiến thắng B52 năm 1972; trao trả tù binh năm 1973 và giải phóng Sài Gòn 30/4/1975. Một kịch bản chân thực, sâu sắc tuyệt vời đã cuốn hút người xem mạnh mẽ.

Khi ông Jean-Francois Leroy mời chúng tôi tới đứng trước màn ảnh rộng và giới thiệu, tiếng hoan hô lại vang lên không ngớt. Nhìn công chúng hâm mộ hân hoan vỗ tay, reo hò “Việt Nam! Việt Nam!...” chúng tôi vô cùng xúc động. Phần thưởng này trước hết xin được dành cho các liệt sĩ nhiếp ảnh Ðinh Thúy, Trần Bỉnh Khuôl, Lương Nghĩa Dũng, Ðinh Dệ... và hơn 40 phóng viên ảnh, kỹ thuật viên buồng tối của ngành thông tấn, đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ, cũng như dành cho rất nhiều nhà nhiếp ảnh dũng cảm và tài ba của chúng ta trong chiến tranh - những người đã tạo nên tầm vóc nhiếp ảnh báo chí Việt Nam, được bạn bè quốc tế khâm phục.
Liên hoan ảnh báo chí quốc tế Visa pour l’Image được tổ chức hàng năm tại Perpignan, nhằm giới thiệu và bình chọn những tác phẩm xuất sắc do các phóng viên, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thực hiện về các vấn đề thời sự như chiến tranh, thiên nhiên, môi trường, dân cư, tôn giáo... Liên hoan năm nay dành sự quan tâm đặc biệt đối với các cuộc xung đột tại Ukraine, Dải Gaza, Syria và Iraq. Các nhà tổ chức sự kiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro mà phóng viên chiến trường phải đối mặt.

Theo Nội san Thông tấn, số 11/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hai mươi năm rực rỡ! (04/12/2014 10:35:37)

Bắt đầu từ số này, Nội san Thông tấn lần lượt đăng tải các bài viết tham gia cuộc thi viết "Thông tấn xã trong tôi" của ngành (04/12/2014 09:39:34)

Nữ Trưởng ban đầu tiên của TTXVN (31/10/2014 10:14:23)

Cơ duyên thông tấn với nhà số 5 Lý Thường Kiệt (31/10/2014 09:40:30)

Kỷ niệm 69 năm thành lập TTXVN ( 15/9/1945 - 2014): Tiếp lửa truyền thống (03/10/2014 10:01:44)

Bùi Đình Túy, một nhà báo trung kiên (05/09/2014 14:30:28)

23/8/1945 - Ngày làm việc đầu tiên của cơ quan thông tấn (05/09/2014 14:07:29)

Bữa cơm gạo đỏ  (30/07/2014 15:52:45)

Phân xã TTXGP Nam Tây Nguyên: Hồi sinh từ tận cùng đau thương  (30/07/2014 15:23:54)

Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đức Giáp! (01/07/2014 10:24:34)