Thứ bảy, ngày 27/07/2024

Tin trong ngành

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt V: Nhà báo Hứa Kiểm - Tay máy gan dạ của nhiếp ảnh thông tấn


(01/12/2016 09:27:53)

Đầu năm 1966, sau 6 tháng được đào tạo nghiệp vụ báo chí tại VNTTX, nhà báo Hứa Kiểm và hai sĩ quan trong tổ phóng viên Thông tấn quân sự được tung vào chiến trường, có mặt tại những vùng chiến sự ác liệt nhất. Vượt lên khó khăn, các nhà báo chiến sĩ đã liên tục chuyển về Tổng xã những thông tin và hình ảnh chân thực, phản ánh khí thế chiến đấu, những hy sinh, gian khổ của quân và dân ta. Những tác phẩm ảnh xuất sắc ra đời trong khói lửa chiến tranh của ông được đề nghị trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt V - năm 2016

Cuối tháng 9, trong một chuyến công tác “đặc biệt” của ngành, chúng tôi đến thăm gia đình ông Hứa Kiểm, nguyên phóng viên phòng Thông tấn quân sự, tại xã Hải Nam, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Được chứng kiến cuộc sống điền viên thảnh thơi với vườn cây, ao cá, được nghe ông kể những câu chuyện về thời chiến tranh, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. 

Nhà báo Hứa Kiểm (thứ hai bên phải) cùng đoàn tháp tùng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đông Âu, năm 1980

Đã gần 80 tuổi, nhưng ông Hứa Kiểm vẫn rất nhanh nhẹn. Đón các đồng nghiệp tại phòng khách của gia đình, ông Hứa Kiểm rưng rưng xúc động khi được nhận lại các bức ảnh mà ông đã chụp cách đây hơn 40 năm trên cung đường lửa phía Tây Quảng Bình. Bộ ảnh “Đường 20 - Quyết thắng” của ông hiện đang được đề nghị trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt V năm 2016 sau khi nhận được 100% phiếu đồng thuận từ Hội đồng bình chọn cấp nhà nước.

"Có được những bức ảnh này, chính là nhờ cơ quan TTXVN đã ưu ái, quan tâm và trang bị cho phóng viên chiến trường, những cuộn phim, máy ảnh tốt nhất mà cơ quan có lúc đó”, ông khẳng định. 

Trước đó, tôi đã có dịp gặp và phỏng vấn ông khi thực hiện phóng sự truyền hình tại gia đình nhà báo liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng ở Hà Nội. Khi ấy, ông đã kể rành mạch về những lần “chết hụt” cùng đồng đội trong những năm tháng thường trú ở chiến trường Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị giai đoạn từ năm 1966 đến 1972. Vượt lên mọi hiểm nguy, ống kính của nhà báo Hứa Kiểm đã ghi lại được những khoảnh khắc bi tráng của cuộc chiến, những hình ảnh chân thực của cả người trong ảnh và người cầm máy trước ranh giới của sự sống và cái chết. 

Trong cuộc đời cầm máy của mình, ông tâm đắc và ấn tượng nhất là những bức ảnh chụp ở vùng đất phía Tây Quảng Bình, tiếp giáp với đất Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Đó là những bức ảnh các chiến sỹ tuyên thệ, quyết tâm tiến vào cung đường lửa, anh em công binh, lái xe vác cuốc, xẻng đi vượt lầy, cảnh san lấp hố bom trên ngầm… Lúc hiện trường im ắng không khói bom đạn, lại là lúc công tác chuẩn bị rất khẩn trương với khí thế quyết tâm của những người lính trước giờ nổ súng.

Ông tâm sự: Chứng kiến thời khắc đó, khi bấm máy, tôi luôn có cảm giác tin tưởng vào một chiến thắng đang đến rất gần, đâu nghĩ chụp ảnh để tham gia giải thưởng như ngày hôm nay. 

Ông còn chia sẻ nhiều kỷ niệm về chuyến đi công tác ở tuyến lửa Vĩnh Linh. Nơi đó có binh trạm 14 là binh trạm cửa khẩu, có nhiều trọng điểm ác liệt nhất như: Cua chữ A, ngầm Tà Lê và đèo Pu La Nhích. Những năm 1967 - 1969, vùng Vĩnh Linh được coi là túi bom. Máy bay địch đánh phá dữ dội ngày đêm, nhằm cắt đứt con đường huyết mạch chi viện chiến trường miền Nam. 

Chuyến đi với chiến sĩ lái xe Lê Văn Bạch, quê Hải Dương, chở hàng qua đèo Pu La Nhích làm ông nhớ mãi. Để tránh máy bay địch phát hiện, xe chỉ được sử dụng đèn gầm đi trong đêm tối, tầm nhìn bị hạn chế. Thùng xe chất đầy hàng, tiếng động cơ gằn lên vì phải gài số thấp, ì ạch bò qua những khúc cua tay áo, vài lần xe suýt lao xuống vực.

Về đến điểm tập kết, ông nói với anh lái xe trẻ: “Chuyến đi này mình chết hụt tới mấy lần”. Anh lái xe chỉ cười và nói: “Thủ trưởng ơi, nếu tính như vậy thì lúc nào cũng là suýt chết, lúc nào cũng chết hụt. Với bọn em, nói đơn giản là tối nay ta chưa chết!”.

Chính tinh thần lạc quan của chàng lính trẻ ấy đã truyền cảm hứng để ông tiếp tục tác nghiệp tại cung đường lửa. Anh lính lái xe gan dạ này đã trở thành nhân vật đặc biệt trong bộ ảnh “Đường 20 - Quyết thắng” của ông. 

Cuộc đời của nhà báo Hứa Kiểm gắn liền với các mặt trận. Cuối năm 1970, ông đi cùng quân dân Campuchia, chụp ảnh các trận đánh giải phóng vùng Stungtreng và Karachia.

Năm 1971 - 1972, ông lại trực chiến thường xuyên ở các trận địa cao xạ, tên lửa, không quân, hải quân; lăn lộn với binh chủng tăng, thiết giáp ở miền Bắc…

Mùa xuân năm 1975, ông được phân công cùng với các phóng viên Vũ Tạo, Đinh Quang Thành và Trần Mai Hưởng trong tổ tin, ảnh mũi nhọn của TTXVN. Ông đi cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ông là một trong số ít những nhà báo được vinh dự tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi công tác đến nhiều nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô (cũ).

Xin giới thiệu bộ ảnh "Đường 20 - Quyết Thắng" của nhà báo Hứa Kiểm 

 

Theo Nội san thông tấn số 11/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bồi dưỡng nghiệp vụ lái xe an toàn (01/12/2016 09:14:35)

Tập huấn kỹ năng làm báo trên thiết bị di động (01/12/2016 09:11:48)

Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Ban lãnh đạo cơ quan nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (01/12/2016 09:08:08)

Cùng góp sức cho công tác đào tạo (01/12/2016 08:57:39)

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt V: Tiêu chí nào cho giải thưởng (08/11/2016 15:26:58)

Tổng hợp tin trong ngành (Theo Nội san Thông tấn số 10/2016) (08/11/2016 15:26:09)

Trung tâm Thông tin tư liệu: 20 năm trong dòng chảy Thông tấn (08/11/2016 09:59:40)

Le Courrier du Vietnam - điểm sáng của báo chí Pháp ngữ khu vực (08/11/2016 09:53:06)

Năm định hướng phát triển thông tin đồ họa  (07/11/2016 10:33:14)

Đoàn Thanh niên TTXVN đến với đồng bào vùng lũ huyện Hương Khê (24/10/2016 11:10:33)