Thứ hai, ngày 29/04/2024

Đào tạo

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Cùng góp sức cho công tác đào tạo


(01/12/2016 08:57:39)

Những năm qua, công tác đào tạo bồi dưỡng luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo cơ quan, sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các đơn vị, cùng góp sức để tạo dựng nên đội ngũ phóng viên, biên tập viên thông tấn yêu nghề, thành thạo các kỹ năng làm báo hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Trong số này, Nội san thông tấn xin được giới thiệu một số chia sẻ của cán bộ phóng viên các đơn vị thông tin trong ngành từng tham gia hướng dẫn tại các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên mới thời gian gần đây.

1. Khích lệ đam mê làm báo

Nhà báo Chu Quốc Hùng (ngoài cùng bên phải) phỏng vấn người dân Điện Biên về hậu quả của đợt rét đậm rét hại, tháng 1/2016

Tháng 8/2016, tôi nhận được lời mời của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn, đến trao đổi với các phóng viên trẻ lớp K28 về kinh nghiệm tác nghiệp đa phương tiện của phóng viên thường trú tại địa phương. 

Với một phóng viên tầm “trung”, đã có 16 năm lăn lộn ở trên rừng như tôi, những lý thuyết khô khan được đào tạo trong trường đã rơi rụng khá nhiều, chỉ có kiến thức thực tế được bồi đắp qua năm tháng ngày một nhiều lên. Cảm giác rất lạ, một chút bất ngờ xen lẫn bối rối.

Bước vào phòng học, điều không ngờ là các anh chị trong Ban phụ trách lớp học đã chuẩn bị sẵn một phóng sự truyền hình về chuyến đi Trường Sa và nhà giàn DK1 của tôi để chiếu trước lớp. Rồi những bức ảnh trên đường tác nghiệp, vui có, buồn có, gian khổ cũng có của tôi được giới thiệu cho hơn 70 học viên, khiến tôi cảm thấy tự tin hơn.

Điều tôi muốn chia sẻ với lớp phóng viên trẻ là những trải nghiệm khi đi tác nghiệp ở những vùng khó khăn, gian khổ của miền núi; kinh nghiệp phối hợp với đồng nghiệp trong chuyến tác nghiệp trên đất bạn Thái Lan; hay cảm xúc “lần đầu tiên ra với biển lớn” trên Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; kinh nghiệm khi tác nghiệp độc lập, một mình, cùng lúc làm nhiều loại hình báo chí… 

Thật vui và hạnh phúc khi các bạn phóng viên trẻ đều rất quan tâm đến công việc của một phóng viên đa phương tiện; cảm xúc của phóng viên thường trú trên một địa bàn khó khăn, gian khổ, quan tâm đến những gì tôi đang nói. 

Nhìn thấy các bạn háo hức với những tình huống dở khóc dở cười tôi đã từng trải qua và kể lại, tôi thấy trong họ căng tràn một niềm đam mê giống như mình ngày nào, khi mới bước chân gia nhập đại gia đình TTXVN.

Trở về với Cơ quan thường trú ít ngày sau, tôi nhận được thông tin: Đơn vị của mình được nhận thêm một phóng viên trẻ trong khóa K28. Hóa ra, không phải ai khác mà chính là một trong ba cậu học viên tôi đã ở chung phòng tại nhà khách của cơ quan, khi xuống Tổng xã trao đổi nghiệp vụ.

Còn nhớ hôm đó, cả ba phóng viên trẻ đã “túm” lấy tôi hỏi về TTXVN, về kinh nghiệm tác nghiệp của phóng viên đa năng. 

Cảm ơn các bạn. Vậy là, các bạn đã rất có ý thức khi chuẩn bị hành trang, để bước vào cuộc đời của một phóng viên thường trú rồi đấy!

2. Học viên cũng là đồng nghiệp
Nhà báo Thanh Hà hướng dẫn kỹ thuật máy ảnh cho phóng viên khu vực phía Nam

Tôi được giao nhiệm vụ cùng một số anh em cầm máy lâu năm trong Ban biên tập Ảnh, tham gia các lớp hướng dẫn nghiệp vụ chụp ảnh báo chí cho các phóng viên trẻ. 

Những năm tháng bám ngành, chụp ở các thể loại, môi trường khác nhau, được tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước, đến nay, tôi đã có lưng vốn kiến thức trong tạo hình nhiếp ảnh báo chí, cũng như về kỹ thuật máy ảnh. Tuy nhiên, để truyền tải những kiến thức đó đến các bạn phóng viên trẻ một cách đơn giản và dễ hiểu lại không hề dễ dàng. 

Những buổi đầu lên lớp, anh Phạm Tiến Dũng, nguyên Trưởng Ban biên tập Ảnh luôn động viên: Chưa có kinh nghiệm trong soạn giáo trình, giáo án, kinh nghiệm đứng lớp như các giảng viên chuyên nghiệp, nhưng chúng ta có kinh nghiệm làm nghề, hiểu hơn ai hết về đặc thù của ngành, người trong nhà dạy nhau sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. 

Với giáo cụ trực quan là chiếc máy ảnh bao năm gắn bó, tôi đã chia sẻ với các bạn trẻ không chỉ về các chi tiết cấu tạo, nguyên lý hoạt động cơ bản của máy ảnh mà còn về những tình huống tác nghiệp thực tế đúc rút sau hàng chục năm cầm máy. 

Dần dần, thông qua các cuốn sách nghiệp vụ về ảnh, sách hướng dẫn của các hãng máy ảnh, tôi cũng soạn ra một số nội dung cần thiết nhất về máy ảnh, để các phóng viên trẻ dễ nhớ và tiếp thụ kiến thức tốt hơn.

Nói nhiều cũng không bằng thực hành, bởi ngoài chế độ chụp tự động, muốn bức ảnh có độ nét sâu, thể hiện được ý tưởng, phải mất rất nhiều công. Nhiều học viên lúc đầu còn mắc những lỗi sơ đẳng như: Bố cục chưa được gọn, chủ đề chính cần được nhấn mạnh thì lại chơi vơi, ánh sáng, nguồn sáng chưa đạt. Nhưng sau nhiều lần được hướng dẫn cách xử lý, cắt cúp, chỉnh màu sắc, các em đã tự rút ra cho mình bài học để chụp được những bức ảnh tốt hơn.

Tham gia hướng dẫn nghiệp vụ ảnh cho khóa phóng viên K27 tại TP. Hồ Chí Minh cách đây hai năm đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Sau giờ lên lớp, buổi tối, anh em, chú cháu cùng nhau đi chụp ngoài trời, mải miết thực hành các góc chụp, chế độ chụp phơi sáng, chụp nhanh, đến tận 11-12 giờ đêm mới về. 

Sau các khóa học, các em vẫn thường xuyên giữ liên lạc với tôi. Có tối, phóng viên Đỗ Vân, khi ấy đang thường trú tại Úc hối hả gọi về hỏi: “Tại sao đã làm đúng các hướng dẫn, mà khi chụp đường chân trời cứ nghiêng đổ?”.  

Những cú điện thoại như vậy luôn khiến tôi rất vui, gợi nhắc đến trách nhiệm của người đứng lớp, trách nhiệm của người đi trước với đồng nghiệp của mình. Và tôi càng vui hơn khi sau đó, Đỗ Vân đã chụp được rất nhiều bức ảnh tốt về đường phố, giao thông của Úc được đánh giá cao.

3. Nhân lên tình yêu nghề
Nhà báo Hoàng Đức Long hướng dẫn kỹ năng quay phim bằng điện thoại di động tại lớp phóng viên K28, tháng 9/2016

Cách đây khoảng 5 năm, tôi được Phó Tổng giám đốc TTXVN, Giám đốc Vnews Nguyễn Hoài Dương gọi lên và bảo: “Cậu tham gia nhóm trao đổi kinh nghiệm với anh em khóa K26 về truyền hình nhé”. Nghe “mệnh lệnh đó” quả thực tôi rất run.

Lần đó, tôi dặn mình phải chuẩn bị thật cẩn thận, không được chủ quan. Học viên đều là những đồng nghiệp của mình. Nếu không chuẩn bị tốt, hướng dẫn không cẩn thận thì không những ảnh hưởng đến Trung tâm Truyền hình thông tấn, đến niềm tin của học viên về công tác đào tạo của ngành, mà còn là một sự lãng phí lớn về thời gian, nhân lực của biết bao con người. Thật may mắn, mọi việc diễn ra khá trôi chảy, các anh chị học viên cũng không chê trách nhiều.

Tham gia hướng dẫn các phóng viên mới vào ngành đến các anh chị đi thường trú trong và ngoài nước, đã cho tôi không ít những kỷ niệm khó quên, những cảm xúc đẹp. 

Một buổi sáng, khi mở email cá nhân, tôi nhận được thư của một bạn nữ phóng viên K27 thường trú tại Bến Tre gửi từ đêm hôm trước, trong đó có viết: Nói thật với anh, giờ viết thư này cho anh mà nước mắt em cứ chảy dài, thấy ấm ức lắm anh ạ. Em trách mình biết thế làm ảnh cho khỏe. Nhưng rồi em nghĩ, đó là trách nhiệm của mình, làm cái này, bỏ cái kia với em đều không đành lòng. Nhưng lúc tối một mình em xoay không xuể. Em làm tất cả ba loại hình nhưng ảnh thì không chất lượng. Còn truyền hình thì cũng như thế nên không được phát. 

Đọc lá thư tôi như cảm thấy có lỗi. Cũng chỉ biết gửi thư lại để chia sẻ và động viên là mọi thứ ban đầu ai cũng vậy, dần dần sẽ tốt hơn. Cho đến giờ, những thông tin truyền hình do CQTT Bến Tre vẫn xuất hiện đều đặn trên các bản tin của Vnews, thậm chí đã đoạt giải trong kỳ liên hoan truyền hình TTXVN khu vực phía Nam năm 2015.

Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ với lớp học K28 tại khu vực phía Nam. Trong bữa liên hoan kết thúc khóa học, mọi người chợt phát hiện thấy thiếu một bạn nữ. Lớp trưởng báo cáo là đã gọi điện nhưng bạn không nghe máy. Mấy bạn ở cùng phòng tiết lộ là bạn đó buồn vì bài thực hành truyền hình không được tốt. Nghe vậy, tôi và một bạn trở về nhà khách cơ quan tìm. Thấy chúng tôi, bạn òa lên khóc nức nở. Tôi đã động viên bạn rằng một sản phẩm truyền hình đầu tay chưa hay là chuyện rất bình thường, quan trọng là em biết rút kinh nghiệm để có những sản phẩm tốt hơn.

Trở về với công việc thường nhật, nhìn những sản phẩm truyền hình ngày một chuyên nghiệp, chất lượng của thành viên các khóa học được phát sóng trên kênh Vnews, tôi cũng vui lây. 

Qua mỗi lần đứng lớp, tôi lại cảm nhận được sự chuyên nghiệp, bài bản và chu đáo tăng lên theo từng kỳ, từng năm trong các khâu tổ chức, từ nội dung đào tạo đến tổ chức lớp học, hoạt động ngoại khóa, đến công tác hậu cần giúp chúng tôi yên tâm khi tham gia trao đổi nghiệp vụ với học viên. Và tình yêu với nghề, với kênh truyền hình thông tấn cứ thế nhân lên.

 

Theo Nội san thông tấn số 11/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ (04/08/2014 15:09:06)

Bồi dưỡng nghiệp vụ viết bình luận cho PV, BTV các đơn vị thông tin (30/12/2013 15:41:39)

Khóa đào tạo nâng cao về nghiệp vụ ảnh báo chí (06/06/2013 16:00:50)

Tin đào tạo (05/04/2013 14:50:50)

Kết thúc lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính:Trên 40% học viên đạt loại giỏi (02/08/2012 11:09:15)

Tin đào tạo (03/05/2012 11:38:20)

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ (05/08/2011 09:37:15)

Bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình cho phóng viên phân xã trong nước (09/02/2010 16:00:18)

Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ cấp phòng (05/10/2009 11:16:33)

Khai giảng lớp bồi dưỡng về quản lý nhà nước, chương trình chuyên viên chính (07/10/2008 10:28:36)