Thứ năm, ngày 02/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Biên tập viên - những người "trầm lặng" trong nghề báo


(12/07/2011 16:30:08)

Có một lần, sau khi công bố giải báo chí, nhìn thấy tên một tác phẩm báo chí đoạt giải, một biên tập viên nói nửa đùa nửa thật: "Trong tác phẩm này, đáng lẽ phải ghi cả tên biên tập viên (BTV) bên cạnh tên tác giả mới đúng".

 Theo dõi bài báo này ngay từ khi là bản thảo gửi đến tòa soạn, tôi biết để lên được mặt báo, BTV đã phải "đánh vật" với bản thảo, chữa đỏ nhoe đỏ nhoét và cuối cùng gần như là... viết lại; mồ hôi, công sức, chất xám đổ ra không phải ít. Điều này cho thấy một sự thật, để có được những tác phẩm báo chí đến tay bạn đọc, công sức của người biên tập đóng góp không hề nhỏ; và có trường hợp đóng vai trò quyết định. Nhưng thực tế, biên tập viên là những người rất "trầm lặng" trong nghề, ít ai biết được vai trò của họ trong tác phẩm báo chí.

            Kể cả những người đã làm báo, nhưng nếu chưa một lần làm công tác biên tập cũng khó có thể hiểu và thấm thía công sức của người biên tập.

            Chưa nói đến khía cạnh nội dung và kỹ năng thể hiện, ngay các vấn đề thuộc về "kỹ thuật" cũng đã có lắm chuyện phải bàn.

            Bài vở bây giờ không phải ai cũng đã "sạch nước cản"; mà ngay cả những phóng viên kỳ cựu vẫn mắc lỗi chính tả là chuyện... không lạ. Ngay cả những BTV, trong đó không loại trừ tôi, đôi khi viết bài cũng vẫn mắc lỗi... chính tả. Nói thế không phải để bao biện cho những lỗi chính tả mà để thấy, BTV phải hết sức tỉ mỉ, để làm sao khi bài báo lên trang được... sạch sẽ. Chẳng thế mà trong phòng Thư ký các tòa soạn luôn phải để một cuốn Từ điển tiếng Việt để... sẵn sàng tra cứu.

            Sau chính tả là đến... ngữ pháp. Phải công nhận, không cứ tiếng Việt mà bất cứ tiếng nước nào thì ngữ pháp cũng là vấn đề quá phức tạp và rắc rối. Và, tôi không biết có ai dám bảo đảm mình thật rành rẽ ngữ pháp tiếng Việt đến mức không bao giờ sai hay không. Nhưng có một sự thật là bài vở bây giờ lỗi ngữ pháp không phải là ít. Ngữ pháp nắm không chắc, nhưng không ít người lại hay viết câu phức hợp đến mức quá phức tạp nên khó tránh khỏi sai sót. Do vậy, câu què, câu cụt..., những lỗi mà từ thời mài đũng quần trên ghế nhà trường ai cũng đã từng được các thày cô nhắc đi nhắc lại, nhưng đến khi đi hành nghề viết báo rồi cũng vẫn xảy ra. Có điều, sửa lỗi chính tả, nếu mình vẫn chưa nắm chắc thì chỉ cần... tra từ điển là yên tâm; còn sửa lỗi ngữ pháp thì không hề đơn giản. Vì vậy, tôi phải thừa nhận một điều rằng, có những lúc, BTV cũng phải... cho qua những lỗi ngữ pháp không quá trầm trọng.

            Có một vấn đề mà bất cứ một BTV nào cũng phải đối mặt, đó là: Phóng viên thì thường được giao theo dõi những "mảng" ngành nghề, địa bàn... nhất định nên thường chuyên sâu, nắm chắc vấn đề; còn BTV thì phải biên tập thập cẩm nên thường vấp phải những khó khăn khi đụng chạm đến vấn đề chuyên môn sâu và những thuật ngữ chuyên ngành. Vừa biên tập một bài "văn hóa văn nghệ" đi sâu vào khảo cổ chuyển sang biên tập một bài thể thao đã đành, nhiều khi lại phải biên tập bài chuyên sâu về tài chính ngân hàng, hoặc một bài chuyên sâu về một lĩnh vực thuộc khoa học kỹ thuật chẳng hạn... thì quả là không hề đơn giản. Vấn đề nắm không sâu, không cập nhật đã đành, mà ngay cả các thuật ngữ chuyên ngành hay từ ngữ chuyên môn cũng là một trở ngại đối với BTV. Vì thế, không khó khăn để nhặt ra những lỗi ngay cả trong những tin bài đã được sử dụng trên bản tin hay mặt báo. Trong đó, những nhầm lẫn về khái niệm hay đơn vị đo lường là thường thấy nhất.

            Nắm không sâu, không chắc bằng phóng viên mà lại đi biên tập bài của người ta thì quả là... nghịch lý. Nhưng đó là thực tế. Điều đó đòi hỏi BTV phải không ngừng tự học hỏi, tự tích lũy làm cho vốn kiến thức của mình không ngừng đầy đặn lên mà thôi. Không còn con đường nào khác. Có như thế mới có thể nhặt ra những sai sót trong tin, bài mà mình biên tập, chỉnh sửa lại cho chính xác và biên tập lại cho tin, bài hay hơn.

            Nói là biên tập, nhưng thực sự, nhiều khi có những tin bài không biên tập nổi. Có không ít BTV phải than thở: Vấn đề trong bài viết rất hay, có tính phát hiện, tư liệu ngồn ngộn, chi tiết sinh động nhưng đọc xong thì chẳng biết phóng viên muốn.. nói gì. Bỏ thì... tiếc, nhưng biên tập thì không nổi, giải pháp cuối cùng là trao đổi với tác giả xem mục đích viết bài này là gì rồi... viết lại. Thế mới có chuyện BTV "đòi" bản quyền cùng phóng viên trong tác phẩm báo chí như đầu bài này đã dẫn.

            Nói như thế không phải để so sánh ai hơn ai, vì mỗi người một công việc, mà là để nói một điều, lao động biên tập quả tình là một lao động đặc thù, vừa có tính bao quát, vừa có tính chuyên sâu, vừa phải "nhìn thấy rừng", vừa phải "nhìn thấy cây", thậm chí phải rất tỉ mỉ nhìn thấy từng "cành cây", từng "chiếc lá"; và cũng là một công việc đòi hỏi tính sáng tạo. Nói đến tính sáng tạo trong công tác biên tập, có thể nhiều người không đồng ý nhưng có một thực tế thế này: Nếu không có tính sáng tạo, cùng lắm việc biên tập cũng chỉ có thể làm cho bài báo không sai chứ không thể làm cho bài báo hay hơn.

            Thế nhưng, sáng tạo gì thì cũng phải nằm trong khuôn khổ... biên tập. Nếu không thì hoặc là bài báo sau khi biên tập sẽ không còn là của tác giả nữa, hoặc là bài báo đi chệch hướng mà tác giả chọn, thậm chí còn ngược lại với mục đích ban đầu của tác giả. Đó là mặt trái của công tác biên tập.

            Trong thực tế cũng đã có không ít trường hợp phóng viên phàn nàn về biên tập. Rằng lợn lành chữa... lợn què. Rằng sau khi đăng, phát, phóng viên... không dám nhận bài viết là của mình nữa. Thậm chí, có phóng viên còn bị địa phương hoặc những người được đề cập trong bài báo kéo đến chất vấn; nhưng chẳng lẽ lúc đó phóng viên lại thanh minh là: Tôi có viết thế đâu. Nhẹ thì có phóng viên kêu, rằng bài viết như một cái cây sum suê với nhiều chi tiết sinh động nhưng sau khi biên tập thì chỉ còn như một cái... cọc chuồng trâu. Rằng tin, bài phóng viên viết có dẫn nguồn hẳn hoi nhưng sau khi biên tập lại thì tất cả thông tin hoặc là biến thành chung chung, hoặc cứ như là do phóng viên phát ngôn, mất hết tính cụ thể và xác thực.

            Và đây là hai câu chuyện có thực:

            1/ Khi về báo Tin Tức, tôi thường được nghe câu chuyện, rằng trong một bài báo, phóng viên có viết về "những đồ minh khí được phát hiện trong một ngôi mộ cổ khi khai quật", nhưng BTV chắc là chưa nghe khái niệm này bao giờ nên mới sửa lại là "đồ binh khí". Trong khi đó, nếu ai học sâu về lịch sử thì đều biết "đồ minh khí là vật thu nhỏ tượng trưng cho đồ dùng hằng ngày người xưa thường chôn theo trong mộ người chết". Vậy là khi báo phát hành, phóng viên chỉ còn biết... kêu trời...

            2/ Bản thân tôi có lần đưa một tin ngoại giao cho một BTV biên tập; khi nhận lại tin tôi mới giật mình khi nhìn vào nét bút đỏ, chữ "đại biện lâm thời" bị sửa lại thành "đại diện lâm thời". Ai đã làm tin ngoại giao thì đều biết, đại biện là đại diện ngoại giao thấp hơn đại sứ và công sứ, nhưng có đầy đủ quyền hạn để nhân danh nhà nước mình giao thiệp với nước sở tại; và đại biện lâm thời là cán bộ ngoại giao tạm thời thay thế đại sứ đặc mệnh toàn quyền hay công sứ đặc mệnh toàn quyền khi đại sứ hay công sứ vắng mặt. Và, vấn đề cốt lõi ở đây là: Đại biện là một chức danh trong lĩnh vực ngoại giao, còn đại diện chỉ là danh từ chung chỉ người đại diện cho tập thể hay cá nhân đi làm một việc gì đó. Tất nhiên, với một người không chuyên theo dõi lĩnh vực ngoại giao thì việc không nắm vững các khái niệm nói trên là điều dễ hiểu. Vấn đề là ở chỗ, khi có vấn đề chưa hiểu rõ và không nắm vững, BTV cần phải trao đổi lại với phóng viên hoặc hỏi những người nắm vững lĩnh vực đó, tuyệt đối không được suy đoán, sửa chữa theo ý chủ quan của mình.

            Bản thân tôi có một nguyên tắc khi hành nghề... biên tập: Trừ những lỗi sai rõ ràng, còn bất cứ vấn đề, khái niệm nào mà mình chưa nắm chắc đều phải hỏi và trao đổi lại với phóng viên. Thà "hỏi thừa" còn hơn "chữa sai". Bởi khi đã lên mặt báo thì không thể "sửa sai" được nữa. Và, những cái lỗi "chuyên ngành" như thế không những làm giảm uy tín của báo đối với bạn đọc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của phóng viên đối với cơ sở và nguồn tin.

            Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đôi điều lan man về công tác biên tập để rút ra một điều: Bể học đã là mênh mông, bể học đối với người làm công tác biên tập càng mênh mông biết chừng nào.

Bùi Văn Doanh
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2011