Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Cách viết chuyên mục


(05/11/2007 15:59:48)

- Trong các cuộc trao đổi từ trước đến nay, Người Viết Báo không đi vào vấn đề thể loại mà chủ yếu nói về tin, bài thông thường. Có một thể loại tôi rất thích viết, đó là "chuyên mục" như "Chuyện quản lý" nhưng tôi lại thường thất bại. Bài hoặc là không được sử dụng, hoặc có sử dụng thì khi đọc lại tôi thấy cũng không khác gì một cái tin và tự mình đã cảm thấy nhạt nhẽo. Người Viết Báo có thể nói cho tôi biết tại sao được không?

- Đây là một đề tài khá lý thú nhưng trước tiên chúng ta hãy xác định cụ thể vấn đề cần trao đổi. Bởi vì, khái niệm "chuyên mục" có nội hàm rất rộng. Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì đó là một mục chuyên về một lĩnh vực (nhìn từ góc độ nội dung) hoặc một thể loại (nhìn từ góc độ hình thức) nào đó. Ví dụ: Về nội dung như chuyên mục thời trang, chuyên mục về tin học...; về hình thức như chuyên mục bình luận, chuyên mục phóng sự... Theo nghĩa hẹp, "chuyên mục" còn được nhiều người hiểu như là một thể loại có lối viết riêng, nhân một sự việc nào đó mà khái quát lên thành một hiện tượng để phản biện, góp ý hay phê phán. Điển hình của cái gọi là "thể loại chuyên mục" này là tiểu phẩm (mà mỗi báo lấy một tên "chuyên mục" khác nhau như: "Nói hay đừng" của báo Lao Động, "Chuyện hàng ngày" của báo Tuổi Trẻ, "Biết đâu nói đó" của báo Tin Tức, "Mỗi ngày một chuyện" của báo Hà Nội Mới... ) hay các mục cụ thể mà các báo thường sử dụng như "Chuyện quản lý", "Sổ tay phóng viên"... Như vậy, vấn đề mà bạn nêu sẽ rất rộng, trong một cuộc trao đổi ngắn không thể nào giải quyết được. Do đó, chúng ta sẽ "gói" vấn đề lại trong phạm vi một dạng bài cụ thể là "Câu chuyện quản lý". Tất nhiên, trong quá trình trao đổi, có những vấn đề khác nảy sinh chúng ta sẽ cùng giải quyết.

- Nếu vậy, tôi rất muốn hỏi một điều là tại sao những bài tôi viết dạng "Chuyện quản lý" lại thường không đạt?

- Bạn hỏi cụ thể như vậy thì đáng lẽ phải đưa ra một bài viết cụ thể để ta cùng trao đổi thì sẽ dễ dàng hơn. Nhưng thôi, hoàn cảnh nào chúng ta sẽ xử lý theo hoàn cảnh đó.

Về câu hỏi của bạn thì điều đầu tiên tôi có thể đoán rằng, có lẽ bạn viết "chuyên mục" nhưng vẫn chưa thoát ly khỏi cách viết tin bài phản ánh thông thường. Tôi không so sánh cái nào hơn cái nào nhưng rõ ràng viết chuyên mục phải khác với viết tin. Tôi xin hỏi lại bạn: Tại sao bạn lại thích viết "Chuyện quản lý"? Tại sao thông điệp đó bạn lại không muốn chuyển tải qua hình thức tin bài phản ánh mà lại là "Chuyện quản lý"?

-Vì tôi thấy đọc "Chuyện quản lý" hấp dẫn sâu sắc, thâm thúy hơn và lại nói được nhiều điều. 

- Nhưng vì sao nó nói được nhiều điều? Vì sao nó sâu sắc, thâm thúy hơn? Và vì sao đọc "Chuyện quản lý" lại hấp dẫn hơn? Vấn đề chính là ở chỗ ấy. Khi bạn muốn viết "Chuyện quản lý" có nghĩa là bạn muốn chuyển thông điệp dưới một hình thức khác mà bạn cho là thích hợp, có hiệu quả. Nhưng như thế thì bạn phải hiểu được đặc trưng và yêu cầu của hình thức này để xem thông điệp mà bạn định chuyển có phù hợp không. Điều đó cũng có nghĩa, cách tiếp cận vấn đề, lựa chọn chi tiết và cách viết phải khác với làm tin.

- Tôi hiểu như thế... Nhưng cái mà tôi muốn biết chính là khác như thế nào?

- Có một điểm cơ bản nhất, đó là bạn phải phát hiện được mâu thuẫn trong vấn đề định nêu. Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng ta có thể nói thế này: Nếu đặc trưng của tin là cái mới thì đặc trưng của tiểu phẩm là cái bi hài và đặc trưng của "Chuyện quản lý" là sự mâu thuẫn. Mâu thuẫn của sự vật vừa là cái cớ cho ta viết "Chuyện quản lý", vừa có tác dụng đòn bẩy làm nổi bật sự việc cần nêu, lại vừa tạo sự bức xúc thúc đẩy sự việc phải được giải quyết nhanh chóng. Nếu không phát hiện ra sự mâu thuẫn, có nghĩa là không có chất liệu để viết "Chuyện quản lý".

Tôi lấy ví dụ: Trong mục "Chuyện quản lý", một phóng viên viết về một bệnh viện đa khoa cấp tỉnh được xây dựng với kinh phí 60,8 tỷ đồng nhưng không tính đến và không xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Vì vậy rác thải rắn vẫn phải chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện còn nước thải thì xử lý bằng cách sử dụng giếng thấm nhưng các giếng này thấm không xuể nên tràn ra đường ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân xung quanh bệnh viện.

Đây là một thông tin cần nêu. Nhưng nếu chỉ thông tin một cách đơn thuần mà tôi hay nói là "thông tin trên một mặt phẳng" thì nó mới chỉ dừng lại là "tin" chứ chưa phải là "chuyện quản lý". Vì vậy, nếu nhìn nhận nó dưới góc độ của "Chuyện quản lý" thì người đọc sẽ thấy chưa có "chuyện" và cảm thấy nhạt. Đó cũng là nguyên nhân mà ở câu hỏi đầu tiên bạn đã đặt ra là "không khác gì một cái tin và tự mình đã cảm thấy nhạt nhẽo" .

Nếu muốn sự việc trên có cái chất của "Chuyện quản lý", bạn phải "xoay" sự việc đi để lựa chọn một góc nhìn thích hợp, phát hiện cho ra mâu thuẫn của sự việc.

Chẳng hạn bạn có thể rút một cái tít "Bệnh viện... gây bệnh" rồi nhìn sự việc dưới góc độ: Vì không có hệ thống xử lý chất thải nên nguồn chất thải của bệnh viện lại gây ô nhiễm và gây bệnh cho con người. Như vậy, mục đích lập ra bệnh viện là để chữa bệnh nhưng hóa ra trong trường hợp cụ thể này nó lại là tác nhân gây bệnh. Thế là bạn đã vạch được ra sự mâu thuẫn giữa mục đích tốt đẹp của bệnh viện và hậu quả mà nó gây ra, dù là ngoài ý muốn. Cũng như vậy, bạn đã tạo nên sự trớ trêu và sự việc được đẩy đến mức đối lập gay gắt hơn và vấn đề được đặt ra một cách bức xúc, đòi hòi phải được giải quyết nhanh chóng.

Bạn cũng có thể rút tít là "May cái áo, tiếc... cái dải" rồi nhìn sự việc dưới góc độ: Đầu tư đến hàng chục tỷ đồng xây dựng bệnh viện nhưng lại không xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Vì vậy nó chẳng khác gì việc đã dám bỏ tiền may cái áo đẹp nhưng lại tiếc cái dải thành thử nó không những làm hỏng cả "chiếc áo" mà trong trường hợp này còn gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người; từ đó phê phán cách nhìn thiển cận, đầu tư thiếu tính toán của những người có trách nhiệm trong sự việc này.

- Nhưng ở cách xử lý thứ hai này thì đâu là mâu thuẫn?

- Mâu thuẫn ở đây chính là giữa "cái áo" và "cái dải", giữa số vốn đầu tư rất lớn để xây bệnh viện nhưng lại "tiếc" cái "dải" là việc xử lý chất thải, gây nên sự khập khiễng, không đồng bộ, phá hỏng cả hệ thống. Đó cũng là sự mâu thuẫn giữa tầm quan trọng của hệ thống xử lý chất thải trong bệnh viện với cái "tầm" và cách nhìn, cách suy nghĩ hạn hẹp của chủ đầu tư và những cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án này. Và khi đó, vấn đề bức xúc ở đây không chỉ dừng lại ở mối nguy hại của việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà nó còn đặt ra vấn đề về năng lực của đội ngũ cán bộ liên quan đến dự án này nói riêng và đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước nói chung.

- Có phải đó chính là sức khái quát mà Người Viết Báo đã đề cập ở đầu cuộc trao đổi và ý nghĩa sâu xa của những bài thuộc dạng chuyên mục?

- Đúng vậy, chính điều đó làm nên sự hấp dẫn và sức công phá, hiệu quả của chuyên mục.

Qua ví dụ trên ta thấy, việc tìm ra mâu thuẫn có vai trò quan trọng, gần như là then chốt trong việc viết "Chuyện quản lý". Khi sự việc được đặt trong mối mâu thuẫn hoặc trong mối quan hệ có tính chất đối lập, nó sẽ hiện lên với một diện mạo, những đường nét, góc cạnh khác hẳn và làm bật lên sự bất bình thường, sự trớ trêu, sự vô lý... Từ đó tạo nên sự bức xúc đòi hòi phải được giải quyết. Và đó chính là ưu thế của "Chuyện quản lý".

Người Viết Báo
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2007