Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Câu ... cú


(07/06/2007 10:58:39)

Một trong những chức năng quan trọng của báo chí là chức năng thông tin, mà yêu cầu của thông tin là tính rõ ràng, chuẩn xác, dễ hiểu.

            Vậy mà trên các bản tin của cơ quan ta, vẫn còn những tin bài viết rất tối nghĩa hoặc rối rắm, mù mờ, khó hiểu, làm cho người đọc không biết tác giả nói gì hoặc thậm chí còn hiểu sai ý tác giả. Xin dẫn ra đây một số ví dụ để cùng trao đổi:

            1. "Không nản chí, đến năm thứ 3, ông Tuấn quyết định bỏ ra hơn 2 tỷ đồng thuê nhân công đắp bờ bao ngăn lũ trên toàn bộ diện tích 70 ha trang trại làm hệ thống bờ bao và các cửa cống thoát nước do nước mưa ứ đọng".

            (Bài "Đồng Nai: Chuyện về người bỏ phố lên rừng lập trang trại làm giàu" của Minh Hưng, tin Kinh tế ngày 15/4/2007).

            "Đắp bờ bao ngăn lũ" để "làm hệ thống bờ bao" thì chẳng khác gì nói "tôi đắp đường để... làm đường". Sự rườm rà ở đây vừa làm cho bản tin bị kéo dài không cần thiết, vừa làm cho câu văn trở nên tối nghĩa. Cuối câu: "và các cửa cống thoát nước do nước mưa ứ đọng" lại hết sức tối nghĩa. Câu trên thực ra chỉ cần viết: "Không nản chí, đến năm thứ 3, ông Tuấn quyết định bỏ ra hơn 2 tỷ đồng thuê nhân công đắp bờ bao ngăn lũ và làm cửa cống thoát nước mưa trên toàn bộ diện tích 70 ha trang trại" là đủ nghĩa và dễ hiểu.

            2. "Được sự giúp đỡ của công ty Nam Cường, UBND tỉnh Hải Dương đã cấp 10.000m2 đất để Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam xây dựng bệnh viện và tổ chức khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho trẻ em tàn tật các tỉnh phía Bắc tại khu đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương".

            (Tin "Kêu gọi đóng góp xây dựng bệnh viện cho trẻ tàn tật" của Phúc Hằng, tin Trong nước ngày 12/11/2006).

            Cứ theo ngữ nghĩa mà suy thì nhờ có "sự giúp đỡ của công ty Nam Cường" mà UBND tỉnh Hải Dương mới cấp được đất. Thật là chuyện ngược đời vì theo luật thì chức năng cấp đất là của UBND tỉnh còn doanh nghiệp chẳng hề có liên quan gì đến thẩm quyền cấp đất cả. Có lẽ trong câu trên, tác giả định diễn đạt ý UBND tỉnh cấp 10.000m2 đất cho Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam và công ty Nam Cường đã giúp đỡ Hội xây dựng bệnh viện. Nếu thế thì câu trên nên bỏ chi tiết UBND tỉnh cấp đất đi vì việc cấp đất chỉ là một thủ tục hành chính thuộc chức năng của UBND tỉnh, không phục vụ cho chủ đề của tin là "kêu gọi sự đóng góp xây dựng bệnh viện cho trẻ tàn tật".

            Mặt khác, mệnh đề trạng ngữ chỉ địa điểm "tại khu đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương" cũng nên đưa lên sát từ "bệnh viện" vì nó bổ nghĩa trực tiếp cho từ này. Còn nếu viết như câu trên, nó sẽ bổ nghĩa cho từ "các tỉnh phía Bắc", như vậy hóa ra các tỉnh phía Bắc lại nằm "tại khu đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương" hay sao.

            Theo chúng tôi, câu văn có thể sửa cho ngắn gọn và sát ý hơn như sau: "Được sự giúp đỡ của công ty Nam Cường, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã xây dựng một bệnh viện tại khu đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương để tổ chức khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho trẻ em tàn tật các tỉnh phía Bắc".

            3. "Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Thủy sản) vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu cá nóc, một loài cá có chứa độc tố cao với quy mô lớn nhằm nhận diện, phân loại cùng các giải pháp xử lý chúng trên vùng biển nước ta".

            (Tin "Hải Phòng: Hoàn thành chương trình nghiên cứu về cá nóc trên quy mô lớn" của Nguyễn Xuân Soạn, tin Trong nước ngày 23/3/2007).

            Cứ theo trật tự ngữ pháp trong câu trên thì cụm từ "quy mô lớn" bổ nghĩa trực tiếp cho danh từ "loài cá". Như vậy phải hiểu là loài cá nóc có độc tố cao và có "quy mô lớn"; nhưng nếu hiểu "loài cá có quy mô lớn" sẽ rất tối nghĩa. Trong trường hợp đó, "quy mô lớn" có nghĩa là sống ở nhiều nơi thì phải viết là "phân bổ rộng rãi" mới đúng.

            Tuy nhiên, trong câu trên, chúng tôi cho rằng tác giả định diễn đạt ý: Đề tài được nghiên cứu với quy mô lớn. Nhưng nếu như thế thì nên xử lý theo một trong hai cách sau:

            Cách thứ nhất: Đưa cụm từ "quy mô lớn" lên sát cụm danh từ "đề tài nghiên cứu" vì nó bổ nghĩa trực tiếp cho cụm danh từ này. Khi đó câu trên thành: "Viên Nghiên cứu Hải sản (Bộ Thuỷ sản) vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu với quy mô lớn về cá nóc, một loài cá có chứa độc tố cao nhằm nhận diện, phân loại cùng các giải pháp xử lý chúng trên vùng biển nước ta."

            Cách thứ hai: Cụm từ "một loài cá có chứa độc tố cao" thực chất là nhằm giải thích cho danh từ "cá nóc" nên có thể tách ra bằng dấu gạch ngang (-) hoặc cho vào trong ngoặc đơn (...). Khi đó, câu trên thành: "Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Thủy sản) vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu cá nóc (một loài cá có chứa độc tố cao) với quy mô lớn nhằm nhận diện, phân loại cùng các giải pháp xử lý chúng trên vùng biển nước ta."

            4. "Khánh Hòa là tỉnh có nhiều khu vực bị nhiễm fluor trong nước ngầm dùng trong sinh hoạt, nặng nhất là tại huyện Ninh Hòa với 11 xã có nguồn nước bị nhiễm, hàm lượng phổ biến từ 2,5-3mg/l, thậm chí có nơi lên đến 9,4 mg/l (xã Ninh Thượng) và 13 mg/l (xã Ninh Hải)".

            (Tin: "Khánh Hòa: Cải thiện cơ bản tình trạng nhiễm fluor trong nước sinh hoạt" của Tiên Minh, tin Trong nước ngày 18/3/2007).

            "Nước ngầm" là để chỉ chung nước ở trong lòng đất; còn khai thác nó để dùng vào mục đích gì là do con người. Nếu viết như câu trên, chẳng hóa ra có thứ nước ngầm dùng trong sinh hoạt riêng, lại có thứ nước ngầm dành riêng cho công nghiệp hay nông nghiệp  hay sao?

            Mặt khác, nước ngầm muốn khai thác để dùng trong sinh hoạt đều phải qua xử lý mới xử dụng được chứ không thể khai thác dùng ngay được nên càng không thể viết 'nước ngầm dùng trong sinh hoạt" được. Vì vậy, câu trên nên bỏ cụm từ "dùng trong sinh hoạt" đi, còn muốn diễn đạt ý vì nước ngầm bị nhiễm fluor nên nước dùng trong sinh hoạt không bảo đảm chất lượng thì giải thích bằng một câu khác.

            5. "Bộ Y tế vừa có công văn trình Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết và điều chỉnh 6 vấn đề nhằm từng bước phát huy hiệu quả, giảm thủ tục phiền hà không cần thiết và thiếu đồng bộ trong khám chữa bệnh chi trả bằng bảo hiểm y tế".

            (Tin "Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh 6 vấn đề liên quan khám chữa bệnh chi trả bằng bảo hiểm y tế" của Nguyễn Thị Thúy, tin Trong nước ngày 20/4/2007).

"Phiền hà" là việc làm rầy rà, rắc rối, gây khó khăn trở ngại cho người khác, vì vậy đã bao hàm "những thủ tục không cần thiết", cần phải loại bỏ rồi. Còn nếu viết như câu trên: "giảm thủ tục phiền hà không cần thiết" thì chẳng hóa ra có thứ "phiền hà cần thiết" hay sao? Vì vậy câu trên cần bỏ cụm từ "không cần thiết" đi, khi đó câu vừa ngắn gọn, vừa trong sáng.

            6. "Sang hiệp II, đội Adelaide Unitedfc dẫn trước 2-0 cũng có vì nôn nóng, chơi bóng chậm lại và dùng chiến thuật phòng thủ chắc, chuyền bóng dài phản công nhanh ở hai cánh. Đội ĐT quyết tâm sang bằng tỷ số đưa Thái Dương vào thay Minh Trí tăng cường hàng tấn công nên trận đấu có phần cân bằng và đội ĐT bỏ lỡ ít nhất 2 cơ hội ghi bàn".

            (Tin "Đội Gạch Đồng Tâm thua đội Adelaide Unitedfc 0-2" của Thanh Tuấn, tin Trong nước ngày 21/3/2007).

            Cách diễn đạt trong đoạn văn trên vừa tối nghĩa, vừa mâu thuẫn. Nếu đội Adelaide Unitedfc đã "dẫn trước 2-0" thì việc gì phải "nôn nóng" nữa; nhưng nếu đã "nôn nóng" thì sao lại còn "chơi bóng chậm lại"?

            Trong đoạn "đội Adelaide Unitedfc dẫn trước 2-0 cũng có vì nôn nóng" thì bạn đọc đoán mãi cũng không hiểu tác giả định nói gì và từ "cũng có" ở đây có nghĩa gì. Chẳng lẽ dẫn trước 2-0 là "vì nôn nóng"? Nếu vậy thì đội bóng nào cũng thích nôn nóng cả. Nhưng nếu thế thì dùng từ "cũng có" ở đây là có nghĩa gì?

            Lại nữa, trong câu thứ hai, khi đội Đồng Tâm tăng cường hàng tấn công nên "trận đấu có phần cân bằng" thì tác giả lại viết 'và đội ĐT bỏ lỡ ít nhất 2 cơ hội ghi bàn". Như vậy chẳng hóa ra, "bỏ lỡ cơ hội ghi bàn" là sự "cân bằng" sao. Đã đành tạo được cơ hội ghi bàn cũng là một sự lập lại cân bằng nhưng cơ hội ấy bị bỏ lỡ thì thực chất sự cân bằng vẫn chưa được lập lại. Vì vậy trong câu trên nên thay từ "" bằng từ "nhưng" sẽ hợp lý hơn: "Đội ĐT quyết tâm sang bằng tỷ số, đưa Thái Dương vào thay Minh Trí tăng cường hàng tấn công. Trận đấu có phần cân bằng, và đội ĐT bỏ lỡ ít nhất 2 cơ hội ghi bàn".

            7. "Sau khi chặn dòng sông Sê Rê Pốc của công trình thủy điện (thuộc địa bàn tỉnh Đắc Lắc), nước hồ dâng cao. Khi dâng lên, nước chảy vào sườn đồi và đi vào những khe nứt, lỗ hổng đá bazan rồi thoát ra phía bờ trái hạ lưu sông gây nên sự thất thoát nước rất lớn".

            (Tin "Đắc Lắc: Tập trung xử lý sự cố thất thoát nước hồ thủy điện Buôn Kuốp" của Nguyễn Tiên Tri, tin Trong nước ngày 25/3/2007).

            Viết "nước chảy vào sườn đồi" là cách diễn đạt tối nghĩa, nghe cứ "nghịch nhĩ" thế nào, vì theo cảm nhận thông thường, sườn đồi là bề mặt nghiêng, đặc nên nước không thể chảy vào được. Trong trường hợp cụ thể ở đây, nước chảy vào các lỗ hổng, kẽ nứt ở sườn đồi thì nên viết thẳng ra là: "Khi dâng lên, nước chảy vào những khe nứt, lỗ hổng đá bazan ở sườn đồi rồi thoát nước rất lớn" vừa ngắn gọn, nghe vừa thuận tai hơn.

Tuệ Duyên
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Một số suy nghĩ về công tác tuyển dụng, đào tạo, bố trí và luân chuyển phóng viên tin các phân xã trong nước (07/06/2007 10:55:36)

"Nhà bÃắo - ngẳồáỪŨi làm du láỪỀch thÃƠng thÃắi" (07/06/2007 10:53:00)

Nâng cao chất lượng biên tập, biên soạn tin, bài tư liệu (15/05/2007 11:15:48)

Cần làm việc chuyên nghiệp hơn (15/05/2007 11:13:42)

Người hai lần được giải A giải báo chí trẻ - Nữ nhà báo Phạm Thùy Hương (15/05/2007 09:06:53)

Tản mạn chuyện tít (15/05/2007 09:04:40)

15 phóng viên TTXVN trẻ dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ (08/05/2007 14:24:53)

Kết quả giải báo chí Trẻ TTXVN năm 2007 (18/04/2007 16:39:16)

Đồng nghiệp ơi, thương lấy chúng tôi cùng! (18/04/2007 15:55:42)

"ChÃỨng tÃƠi khÃƠng sáỪỔng tháỪŨ ẳắ, thÃễch hẳồáỪỲng tháỪầ" (18/04/2007 15:05:53)