Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Sổ tay phóng viên

Chào Atlanta, chào TPP!: Chuyến công tác không thể quên


(05/11/2015 09:33:01)

            

P/V TTXVN Trần Thanh Tuấn (bên trái) và Trưởng đoàn Đàm phán TTP Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, tại cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng TPP ở Atlanta

                                                                                    Gấp gáp lên đường

Sau khi vòng đàm phán cấp bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii hồi tháng 7/2015 rơi vào bế tắc, nhóm phóng viên thường trú TTXVN tại Mỹ dự đoán, nhanh nhất thì cũng phải cuối năm Hội nghị Bộ trưởng TPP mới diễn ra. Đùng một cái, trưa 28/9, Cơ quan thường trú (CQTT) Washington nhận được thông báo qua e-mail của Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ rằng các bộ trưởng sẽ nhóm họp từ ngày 30/9 - 1/10 tại thành phố Atlanta, thuộc tiểu bang Georgia của Mỹ. Chiều cùng ngày, Tổng xã cũng gửi công văn yêu cầu CQTT cử phóng viên (PV) xuống Atlanta đưa tin về sự kiện đang được dư luận trong nước đặc biệt quan tâm này.

Vào thời điểm đó, đồng chí Trưởng CQTT đang đi công tác tại bang California mãi bên Bờ Tây, một PV phải ở nhà trực văn phòng. Tôi được lệnh lập tức chuẩn bị lên đường, một mình đi Atlanta. Máy bay chỉ còn chuyến sớm nhất là trưa 30/9 thì chiều 29/9 bất chợt nhận được thông báo tất cả PV phải có mặt tại Khách sạn Westin, nơi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng TPP, để lấy thẻ tác nghiệp trước 11 giờ ngày 30/9, nếu không sẽ không được dự họp báo. Không còn lựa chọn nào khác, tôi quyết định chạy ô tô ngay trong đêm với "hai người bạn" đồng hành là một đĩa CD nhạc Đỏ và chai cafe đen không đường. Lái suốt đêm, vượt qua quãng đường hơn 1.000km, tôi tới Atlanta lúc 10 giờ sáng 30/9, vừa kịp giờ nhận thẻ tác nghiệp. Tuy nhiên, Ban Tổ chức cho biết là trong danh sách không thấy có thẻ tác nghiệp của PV Tuan Tran (Tuấn Trần) - Vietnam News Agency (TTXVN). Tá hỏa, tôi bốc điện thoại gọi ngay cho Trợ lý phụ trách báo chí của đại diện Thương mại Mỹ Trevor Kincaid thì được giải thích rằng do Hội nghị diễn ra quá gấp, số lượng PV đăng ký đưa tin tăng đột biến, do đó Ban tổ chức sẽ cấp thẻ bổ sung sau. Yên tâm phần nào, tôi quay sang tìm khách sạn làm nơi "đóng quân" để chuẩn bị cho "trận chiến". Song Atlanta quả không hổ danh là "quê hương của ngành tài chính Mỹ" vì giá cả đắt đỏ, khách sạn nhiều thật nhưng "bèo nhất" cũng phải 3 sao. Cuối cùng, cậy nhờ người quen, tôi thuê được một phòng cách Trung tâm Hội nghị có vài kilômét, giá cũng tương đối ổn. Thế là tốt lắm rồi.         

 

Một ấn tượng khó quên nữa trong chuyến tác nghiệp của tôi ở Atlanta đó là sợi dây liên lạc, mối tương tác thông suốt giữa PV tại hiện trường và các đầu mối thông tin ở Tổng xã. Dù múi giờ giữa Mỹ và Việt Nam chênh nhau tới 11 tiếng, dù đêm khuya hay bất kỳ thời điểm nào, các cuộc gọi của PV từ Atlanta luôn được các đồng nghiệp ở nhà tiếp nhận và xử lý rất kịp thời.

Tôi cảm nhận đây là một sự cộng hưởng quan trọng mang lại thành công cho chuyến công tác để đời này.

Kỷ niệm một chuyến "săn tin"

Theo thông báo của Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ, vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn sẽ diễn ra từ ngày 25/9 - 29/9 để chốt các nội dung cuối cùng trước Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia TPP. Tuy nhiên, Hội nghị Bộ trưởng khai mạc ngày 30/9 mà đàm phán cấp trưởng đoàn vẫn đang diễn ra song song và chưa ngã ngũ. Phía Mỹ cho biết, trọng tâm chương trình nghị sự của hội nghị ở Atlanta là tìm cách thu hẹp các bất đồng trong ba vấn đề then chốt vốn đã khiến vòng đàm phán cấp bộ trưởng mới nhất ở Hawaii không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Đó là việc dỡ bỏ các rào cản đối với sản phẩm linh kiện ô tô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, vấn đề Mỹ và Canada mở cửa thị trường đối với các sản phẩm sữa của New Zealand và thời gian bảo hộ độc quyền đối với mặt hàng dược phẩm mới. Tất cả những gì báo giới biết chỉ có thế vì hội nghị họp kín như bưng. Tầng 7 khách sạn Westin được cách ly và dày đặc cảnh sát. PV các hãng, trong đó có PV TTXVN, phải tác nghiệp dưới tầng 6 và việc tiếp cận với nguồn tin "rò rỉ" từ hội nghị vô cùng khó khăn.      

Sau ngày làm việc đầu tiên, thông tin PV có được thật đáng thất vọng. Ngày làm việc thứ hai của hội nghị cũng bắt đầu bằng tin không mấy vui: Sẽ không có họp báo về kết quả đàm phán như dự kiến và hội nghị sẽ phải kéo dài thêm ít nhất một ngày. Song đến ngày 2/10, tín hiệu khởi sắc đầu tiên bắt đầu xuất hiện khi các PV của Nhật Bản và Mexico dẫn nguồn tin từ đoàn đàm phán của hai nước này cho biết Mexico, Canada, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được thỏa hiệp trong vấn đề linh kiện ô tô nhập khẩu, một trong những nút thắt phức tạp nhất ngăn cản hiệp định TPP.

Ngày 8/10, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức lợi đã ký Quyết định biểu dương và kèm theo tiền thưởng hai triệu đồng cho PV Trần Thanh Tuấn, "vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thông tin về hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương".

Tối 2/10, phái đoàn Việt Nam cho biết Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đổi vé máy bay, hội nghị tiếp tục kéo dài và thời gian họp báo sẽ thông báo sau. Bước sang ngày 3/10, tình hình có vẻ xấu đi khi Ban tổ chức thông báo dù Hội nghị đã vượt qua được rào cản trong vấn đề linh kiện ô tô, song các bên vẫn bế tắc xoay quanh hai vấn đề sản phẩm bơ sữa và đặc biệt là vấn đề thời gian bảo hộ độc quyền các mặt hàng sinh dược mới. Phái đoàn Nhật Bản thậm chí đã ấn định trưa 4/10 là thời hạn chót, dù đạt được hay không thỏa thuận TPP thì đoàn Nhật Bản cũng rời Atlanta. Tới trưa 4/10 theo giờ Mỹ (đêm 4/10 theo giờ Việt Nam), một loạt tín hiệu vui xuất hiện và hy vọng bắt đầu nhen nhóm. Lê la tán chuyện với cánh PV Nhật Bản thì được biết Mỹ, Australia và các nước đã đạt được thỏa hiệp về thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược mới; Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thêm một lần nữa đổi vé máy bay và hội nghị sẽ tiếp tục kéo dài nhằm cố gắng đạt được thỏa thuận cuối cùng.      

Linh cảm nghề nghiệp mách bảo tôi rằng có lẽ thỏa thuận về TPP đã ở rất gần rồi vì không phải vô cớ mà các bộ trưởng kéo dài hội nghị tới ba lần, trong khi hai vấn đề gai góc nhất là linh kiện ô tô và sinh dược đã được tháo gỡ. Hai việc cần làm lóe lên trong đầu tôi lúc đó là gọi điện báo tin về để Tổng xã nắm bắt tình hình và liên hệ với Đoàn Việt Nam để đề nghị phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng đã nhận lời.Tôi quay sang viết tin chuẩn bị gửi cho các ban biên tập và làm tin truyền hình. Để "chắc ăn", tôi gọi điện nhờ Trưởng đại diện Thương mại Việt Nam tại Mỹ, ông Đào Trần Nhân, rằng khi nào hội nghị ra tuyên bố thì nhắn giúp về để tôi chuyển tin về Tổng xã. Tuy nhiên, điệp khúc "chờ" một lần nữa lặp lại. Ban tổ chức thông báo các bộ trưởng sẽ có cuộc họp báo vào lúc 16 giờ ngày 4/10, nhưng sau đó tới tận 21 giờ vẫn không thấy đâu. Nói chuyện với Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh, thì được biết "gió đang đổi chiều" do New Zealand "lật kèo" khi vào phút chót yêu cầu Canada phải mở cửa thị trường sữa hơn nữa. Gần 2 giờ sáng 5/10 thì phía Mỹ thông báo các bộ trưởng sẽ họp báo vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày. Dậy thật sớm, đang kiểm tra máy ảnh và máy quay phim sẵn sàng tác nghiệp tại "cuộc họp báo lịch sử" thì điện thoại reo. Đầu dây bên kia, ông Đào Trần Nhân nói như quát vào tai: "TPP có rồi. Phát tin đi em. Xem tin nhắn nhé". Cúp máy. Tôi mở lại điện thoại thì quả là có tin nhắn quý như vàng, đó là bản chụp iPhone Tuyên bố Kết thúc đàm phán Hội nghị Bộ trưởng TPP. Tôi tức tốc gọi điện về báo tin với Tổng xã. Lúc đó là 7 giờ 40 phút ngày 5/10 theo giờ Mỹ (18 giờ 40 phút giờ Việt Nam) và tin được phát 8 phút sau đó. Chạy sang khách sạn Westin, thấy mấy PV của Reuters, AP và Nhật Bản chạy như ma đuổi, vượt cả đèn đỏ để phi lên tần 6. Gặp nhau ở chân cầu thang, ông PV Reuters còn hỏi với: "Tao nghe nói hội nghị đạt được TPP rồi, mày phát tin chưa?. Giọng rất kiêu. Gần 20 phút sau tôi thấy máy điện thoại di động báo "Breakingnews" của hãng tin Reuters về việc các nước đã đạt được TPP tại Atlanta. Vậy là tin TTXVN về TPP nhanh hơn các hãng tin lớn Reuters hay AP nhiều dấy chứ!!

Theo Nội san Thông tấn, số 10/2015