Thứ năm, ngày 25/07/2024

Sổ tay phóng viên

Chúng tôi đi làm tin da cam ở Pháp


(31/08/2009 15:23:18)

Mang cả máy quay, máy ảnh và máy tính xách tay đến phiên tòa. Người lắng nghe và ghi chép, người chụp ảnh và ghi hình. Làm tin ngay tại chỗ và chuyển về nhà. Tin được Đài truyền hình dẫn ngay buổi tối, sáng hôm sau một số báo nước ngoài trích đăng lại. Vui và tự hào, đó là cảm xúc chung của nhóm phóng viên TTX tại Pari phục vụ Tòa án lương tâm quốc tế ủng hộ các nạn nhân Việt Nam diễn ra vào tháng 5 vừa qua tại thủ đô nước Pháp.

          Ring, ring... tiếng chuông điện thoại reo vang phòng làm việc. Ở đầu dây bên kia, một giọng nói vui vẻ cất lên: "Ngày mai ở đại lộ Saint Michel có buổi phát động lấy chữ ký ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, Thu Hà cùng anh em phóng viên phân xã Pa-ri đến tham dự nhé". Đó là Võ Định Kim, một thanh niên người Pháp gốc Việt - phụ trách điều phối tổ chức Collectif Vietnam Dioxine.

          Những cú điện thoại như vậy đối với chúng tôi không phải là hiếm. Dường như đã thành thói quen, cứ có hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/điôxin của một tổ chức nào đó, dù là của Việt kiều hay của bạn bè Pháp, họ đều nghĩ đến việc thông báo hoặc mời chúng tôi đến tham dự. Không phải là để "khoe khoang" việc làm của họ mà chỉ đơn thuần là nhờ sức mạnh của báo chí, truyền thông, để tuyên truyền về tác hại của chất độc da cam/điôxin và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các nạn nhân Việt Nam, đồng thời cũng là để các nạn nhân và nhân dân Việt Nam thấy được rằng họ không đơn độc trong cuộc đấu tranh chống lại bất công và bệnh tật.

          Trong phong trào quốc tế ủng hộ nạn nhân Việt Nam, Pháp là một trong những nước có nhiều hoạt động nhất: hội thảo khoa học, chiếu phim, triển lãm ảnh, hòa nhạc từ thiện, bữa cơm quyên góp... Lớn hay nhỏ, tùy thuộc vào mức độ và khả năng tài chính của nhà tổ chức, không tháng nào là không có những hoạt động kiểu này. Ở Pháp, có khoảng gần 20 hội đoàn ủng hộ nạn nhân da cam/điôxin Việt Nam, trong đó có Collectif Vietnam Dioxine, Hội cựu chiến binh cộng hòa Pháp, Ủy ban Pháp vì làng hữu nghị Vân Canh, Hội luật gia dân chủ quốc tế, Ủy ban quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam trong vụ kiện các công ty Mỹ, D.E.F.I Vietnam, Vietnam - những đứa con của điôxin, Hoa da cam, v.v. Đó là chưa kể những hoạt động thường xuyên do Hội người Việt Nam tại Pháp và Hội hữu nghị Pháp-Việt tổ chức.

          Các hoạt động không chỉ diễn ra tại Pari mà ở nhiều tỉnh, thành phố khác nữa. Nhiều khi chúng tôi phải đi hàng trăm cây số, lặn lội đến cả những vùng xa xôi hẻo lánh của nước Pháp chỉ để tham dự một buổi hòa nhạc từ thiện, hay một cuộc triển lãm quyên góp ủng hộ nạn nhân da cam. Quãng dường dài mệt mỏi thường tan biến mỗi khi chứng kiến cảnh bạn bè Pháp bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với nạn nhân da cam/điôxin Việt Nam. Thật cảm động khi được biết có những người bạn Pháp, bản thân họ cũng là người tàn tật do di chứng của những căn bệnh có liên quan đến chất điôxin, cũng tham gia nhiệt tình vào các hoạt động này. Đó là anh André Bouny, người sáng lập ra tổ chức D.E.F.I Vietnam và Ủy ban quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam/điôxin Việt Nam trong vụ kiện các công ty Mỹ. Bị liệt cả hai chân, nhưng với đôi nạng gỗ, anh vẫn "lê lết" hết hội nghị này đến diễn đàn khác, viết hàng ngàn bài báo nói về hậu quả chất độc da cam và những đau đớn mà người dân và môi trường Việt Nam đang phải gánh chịu, từ đó kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh của họ.

 

Tòa án lương tâm quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam/điôxin Việt Nam, ngày 15 và 16/5/2009 tại Pa-ri, thủ đô nước Cộng hòa Pháp

          Tòa án lương tâm, nơi cộng đồng quốc tế lên tiếng

          Có lẽ trong những lần đưa tin về ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, kỷ niệm lớn nhất đối với nhóm phóng viên phân xã Pa-ri chúng tôi là chiến dịch đưa tin về Tòa án lương tâm quốc tế ủng hộ các nạn nhân Việt Nam.

          Diễn ra trong hai ngày 15-16/5/09 tại thủ đô nước Pháp theo sáng kiến của Hội luật gia dân chủ quốc tế, phiên tòa đã thu hút sự tham dự của gần 200 người. Những câu chuyện của các nhân chứng, là nạn nhân chất độc da cam đến từ Việt Nam, Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,... đã khiến nhiều người tham dự phải rơi nước mắt. Bản thân chúng tôi, dù đang tác nghiệp cũng không giấu nổi xúc động khi nghe những câu chuyện và chứng kiến hình hài biến dạng của họ. Nếu như những lời kể của các nạn nhân da cam khiến phiên tòa rơi lệ, thì những bài tham luận của các nhà khoa học lại tạo nên cảm giác bất bình và phẫn nộ đối với các hành động mà giới khoa học gọi là "tội ác hủy diệt môi sinh".

          Đặc biệt, cả phiên tòa đã lặng đi khi nghe luật sư Roland Weyl, 90 tuổi, Chủ tịch Tổ chức Quyền và Tự do, đồng thời là thành viên của Hội luật gia dân chủ quốc tế, lên tiếng bào chữa cho các nạn nhân Việt Nam. Những lập luận đanh thép và đầy sức thuyết phục của ông đã chứng minh được tội ác mà chất độc da cam/dioxin gây ra là không thể chối cãi; đất nước và con người Việt Nam cần phải được đền bù thỏa đáng vì cho đến giờ họ vẫn là nạn nhân của chất độc này mặc dù chiến tranh đã lùi xa từ gần 40 năm nay; đồng thời những kẻ gây tội, cụ thể là quân đội Mỹ và các công ty hóa chất cung cấp chất diệt cỏ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cần phải có trách nhiệm đền bù phần nào những mất mát và đau đớn cả về thể xác và tinh thần của các nạn nhân, cũng như môi trường Việt Nam. Ngay sau khi dứt lời biện hộ, vị luật sư người Pháp, từng có 70 tuổi nghề, đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt của phiên tòa, sự tán thưởng của người nghe và thái độ đồng tình của các thẩm phán.

          Đưa tin sự kiện quan trọng này không phải là chuyện đơn giản với chúng tôi vì phiên tòa diễn ra vào cuối tuần và do chênh lệch múi giờ với Việt Nam nên thời gian làm tin và chuyển tin về Tổng xã rất hạn hẹp. Để bảo đảm tính thời sự của thông tin, chúng tôi đã phải mang cả máy quay, máy ảnh và máy tính xách tay đến phiên tòa làm việc. Người lắng nghe và ghi chép, người chụp ảnh và ghi hình. Cứ thế, chúng tôi làm tin ngay tại chỗ và chuyển về nhà kịp phát bản tin buổi tối. Khi được đồng nghiệp ở Hà Nội thông báo: "Tốt rồi, tin đã được phát trên chương trình thời sự 19 giờ của kênh truyền hình VTV1", và nhất là sáng hôm sau đọc thấy một số báo nước ngoài trích dẫn nguồn tin của TTXVN về sự kiện này, chúng tôi cảm thấy vừa vui, vừa tự hào. Vui vì mình đã hoàn thành công việc được giao, kịp thời thông tin tới tới độc giả trong và nước ngoài về một sự kiện quan trọng, và tự hào vì đã góp phần quảng bá thương hiệu của TTXVN ở trong nước và trên trường quốc tế.

          Để tạo thêm tiếng vang cho sự kiện này, trước đó chúng tôi đã phân công nhau tìm kiếm và viết bài về những người bạn Pháp và Việt kiều có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh ủng hộ nạn nhân da cam/điôxin Việt Nam.

          Phải thú thật một điều: nếu như đưa tin các hoạt động ở Pháp ủng hộ nạn nhân dễ bao nhiêu, thì viết về những gương mặt điển hình trong cuộc đấu tranh này khó bấy nhiêu. Những nhân vật mà chúng tôi lựa chọn có thể ngồi nói say sưa hàng giờ về xúc cảm của họ khi gặp gỡ các nạn nhân, những việc họ đã làm cũng như những dự định trong tương lai. Nhưng khi chúng tôi đề cập đến chuyện viết bài về riêng họ thì ai cũng từ chối, vì cho rằng đóng góp của mình không thấm vào đâu so với những nỗi đau của các nạn nhân phải chịu và cũng không nhiều để có thể đăng báo như một điển hình. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được các nhân vật này cho ghi hình và viết bài. Nhưng sự vất vả của chúng tôi cũng được đền đáp khi những bài báo, những thước phim do mình thực hiện được đăng tải trong nước và trên các kênh thông tin đối ngoại nhân dịp diễn ra phiên tòa quốc tế tại Pa-ri.         

          Đối với chúng tôi, những bài báo đó không chỉ là nguồn động viên lớn lao đối với nạn nhân chất độc da cam và nhân dân Việt Nam, mà còn là sự cổ vũ cho những hoạt động ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè Pháp và bà con Việt kiều, đồng thời cũng là sự đóng góp nhỏ bé của chúng tôi vào cuộc đấu tranh chung của các nạn nhân và dân tộc Việt Nam, cũng như của cộng đồng quốc tế chống lại tội ác màu da cam.

Nguyễn Thu Hà
Theo NSTT số 8/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trường nghĩa ẩm thực trong các tác phẩm báo chí viết về bóng đá (31/08/2009 15:15:08)

Xử phạt vi phạm về nội dung thông tin báo chí (11/08/2009 10:28:29)

Làm đẹp màn hình nền máy tính (11/08/2009 09:30:56)

Một số thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí (11/08/2009 09:23:53)

Hình thức xử phạt hành vi vi phạm quy định sử dụng thông tin của cơ quan báo chí (10/07/2009 09:40:44)

Vi phạm giấy phép hoạt động và trình bày sản phẩm thông tin báo chí (10/07/2009 09:39:28)

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Quản lý hành chính (10/07/2009 09:30:07)

"Phóng viên cộng đồng" ở Nga (10/07/2009 09:24:36)

Tâm sự phóng viên ảnh (08/07/2009 15:24:14)

Một ngày ở toà soạn báo Tin Tức (08/07/2009 15:18:28)