Thứ năm, ngày 25/07/2024

Sổ tay phóng viên

Một số thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí


(11/08/2009 09:23:53)

Chức năng quan trọng hàng đầu của báo chí là thông tin. Nhưng nếu trong ngôn ngữ báo chí người viết chỉ dùng các từ ngữ, cách diễn đạt có tính chất khuôn mẫu để phản ánh các sự việc, hiện tượng, vấn đề,... thì thông tin khó tránh khỏi khô cứng, đơn điệu, thậm chí tẻ nhạt. Để khắc phục các nhược điểm này, các tác giả đã sử dụng khá nhiều những thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm khác nhau và nhờ đó, thông tin của họ trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ đọc và dễ tiếp thu hơn đối với độc giả. Ở phần trước, NSTT đã đề cập đến một số thủ pháp, xin tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc.

            Sử dụng thành ngữ, tục ngữ, danh ngôn... cùng các biến thể của chúng

            Các phương tiện ngôn ngữ này thường có ý nghĩa rõ ràng, dễ hiểu, lại xuất hiện với tần số cao trong hoạt động giao tiếp thường ngày (nhất là thành ngữ, tục ngữ), cho nên việc sử dụng chúng rất thuận lợi đối với cả người viết lẫn người đọc.Ví dụ:

            "Giận cá chém thớt" (Lao động, 14/5/2001);

            "Nhất cận thị, nhị cận giang" (Nhân dân hằng tháng, tháng 5/1998);

            "Cái nết đánh chết không chừa" (Thanh niên, 15/3/1998);

            "Làm vua chơi lan, làm quan chơi trà" (Tuổi trẻ, 22/1/2001);

            "Đầu xuôi, đuôi chưa lọt" (Nhà báo và Công luận, số 10/1998);

            "Tên cướp Nguyễn Văn Thi đã từng hai lần vào tù vì tội "cưỡng đoạt tài sản công dân" nay vừa ra tù được vài tháng, mặc dù có sức khoẻ nhưng vẫn không chịu lao động kiếm sống một cách lương thiện mà vẫn mắc chứng "ngựa quen đường cũ " (Tiền phong, 21/5/2001);

            "Xung quanh vấn đề nhà đất này, cả cán bộ nhà nước và nhân dân đều kêu khổ, kêu cực vì còn những kẻ cơ hội "đục nước béo cò", lợi dụng các kẽ hở mà làm ăn bất chính" (Tuổi trẻ, 20/1/2002);

            "Thế đấy, mua danh ba vạn nhưng bán danh chỉ cần năm bảy năm tổ chức lễ hội không ra gì" (Thể thao & Văn hoá, số 18/2001);

            "Hãy nói cho tôi biết, bạn yêu như thế nào, tôi sẽ nói bạn là người ra sao" (Thế giới trẻ, số 34/1997 );

            "Có một danh nhân đã nói, đại ý rằng: "Hạnh phúc là một thứ nước hoa mà khi ban phát cho người khác vẫn còn vương lại vài giọt" (Thanh niên, 16/10/ 2000); ...

            Khảo sát cho thấy, việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ đang là thủ pháp tăng cường giá trị biểu cảm được ưa dùng nhất hiện nay trên nhiều tờ báo.

 

            Chơi chữ

           Các trường hợp chơi chữ gặp không nhiều trong các tác phẩm báo chí. Vì so với các thủ pháp tạo giá trị biểu cảm khác, việc chơi chữ khó khăn hơn, đòi hỏi người viết nhiều phải có sự tìm tòi, khám phá công phu hơn. Ví dụ:

            "Pháp Mỹ hợp tác hay hợp tát ? (Nhân dân, số 73/1972);

            "Ẩn hoạ văn hoá " (Hà Nội mới, Tết Nhâm Ngọ, 2002);

            "Gặp nhau đuối ... dần" (Đầu tư, 12/1/2002);

            "Nhiều người ngại đấu tranh vì họ biết rằng hậu quả họ sẽ phải gánh chịu là "tránh đâu"..." (Lao động, 15/3/1998);

            "... Cậu phải chịu ít nhất một lần tiếng chửi thề vì cán phải chân đứa đi bên cạnh khi dừng đèn đỏ để đến cái lớp Anh văn đàm thoại; nhưng "thoại hoài mà vẫn cứ bị loại" (Áo trắng, số 7/2000 );...

            Thực tế khảo sát cho thấy, trong báo chí cách mạng Việt Nam, người chơi chữ thường xuyên, hiệu quả và tạo nên hẳn một phong cách riêng, là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn ở các tác giả khác, việc chơi chữ thường được dùng rất hạn chế, mang nặng tính ngẫu hứng.

 

            Dùng dấu câu

           Các dấu câu cũng là những phương tiện đắc dụng trong việc tạo nên giá trị biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí. Song ở đây, chúng tôi chỉ bàn đến dấu ngoặc kép và dấu chấm lửng (dấu ba chấm) như là hai loại dấu câu nổi bật hơn cả về phương diện này.

            Dấu ngoặc kép: Có giá trị biểu cảm cao khi báo hiệu rằng những từ ngữ nào đó được dùng không phải với ý nghĩa hay phong cách thông dụng của chúng. Nó mang đến cho câu văn sắc thái dí dỏm, hài hước hoặc mỉa mai, châm biếm. Ví dụ:

            "Khán giả đã quá "no" với những gì được thưởng thức và đang tìm một "món ăn" khác hợp khẩu vị hơn" (Gia đình và Xã hội, số 100/2001);

            "Trong đêm xứ Lạng giá rét, chúng tôi tình cờ gặp tốp 4, 5 cô gái "tóc xù mỳ" kiểu Hàn Quốc đứng trước quán Karaoke trên đường Đông Kinh "phát ngôn" với những lời lẽ, thô tục..." (Tiền phong, 9/1/2002);

            "... Tuy vậy, không phải cứ sắm máy rồi muốn bơm lúc nào thì bơm, mà còn phải theo sự phân phối của "trưởng dãy". Bắt đầu vào hè năm nay, ông Thắng, trưởng khu nhà, đã "lên lịch" phân phối như sau [...]. Còn một hộ không được bơm nhưng ngày nào cũng được "đặc quyền" dùng xô múc nước đủ dùng trong ngày. Phân phối như thế hoá ra anh ta lại "bở" nhất. Cái bể công cộng suốt ngày khô như rắn ráo" (Nông nghiệp Việt Nam, 19/3/2000);

            "Cũng có nghĩa rằng, dù đã rất cố gắng nhưng một lần nữa, Công an và Viện Kiểm sát quận Kiến An lại "ôm nhầm" một văn bản không có giá trị pháp lý (Lao động, 24/5/2001);

            "61% lưu học sinh Việt Nam "bốc hơi" sau khi tốt nghiệp. Họ đi đâu?" (Thể thao & Văn hoá, số 12/2001);...

            Dấu chấm lửng:  tăng cường đáng kể tính biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí khi nó thực hiện chức năng làm giãn nhịp câu văn, báo hiệu sự bất ngờ hoặc gợi mở các định hướng suy nghĩ khác nhau cho người đọc. Ví dụ:

            "Các nam ca sỹ ngày càng... đẹp gái" (Thể thao & Văn hoá, 17/6/2001);

            "Về thành phố mua ... cỏ " (Lao động, 24/5/2002);

            "Lời hứa cũng ... ô nhiễm " (Lao động, 21/5/2001);

            "Tôi đi mua... vợ" (Gia đình và Xã hội, số 4/2001);

            "Nhưng đến một nơi như Kalona, làng truyền thống ở Iowa, một thành phố miền Trung nước Mỹ mà còn dùng hàng Trung Quốc thì..." (Tiền phong, 15/4/2002);

            "Tôi rời làng, đứng trên đồi cao nhìn xuống thấy Cam Nghĩa và Cam Chính có thân hình còng ngoặt như một dấu hỏi lớn. Dấu hỏi gieo vào giữa trời, đất, vào biết bao nhiêu thân phận ở làng và khóc nghẹn không có câu trả lời..." (Lao động, 29/3/2001);...

 

            Dùng ẩn dụ

            Ẩn dụ trong ngôn ngữ báo chí thường mang tính chất văn cảnh. Nó là sáng tạo riêng của người viết và in đậm dấu ấn cá nhân. Ví dụ:

            "Các tân binh với nỗi lo muôn thuở: trụ hạng" (Nhà báo và Công luận, số 11/1998);

            "Bóng đá Đức tăng quân trong cuộc chiến vùng vịnh" (Hà Nội mới chủ nhật, 22/2/1998);

            "Những sáng kiến này có thể giúp Việt Nam loại bỏ những ổ gà trên con đường trở thành "điểm đến của thiên niên kỷ mới" (Gia đình và Xã hội, số 37/2002);

            "Ở Trường Sa, tình yêu của một lính đảo lặng sóng là anh em cả phòng đều vui" (Tiền phong, 7/3/2002);

            "Vàng trắng lên ngôi" (Lao động, 19/2/2002 );...

            Có thể nói, không theo đuổi mục đích khám phá và phản ánh thế giới một cách hình ảnh như trong văn học nghệ thuật, nhà báo sử dụng ẩn dụ như một phương tiện đối lập với khuôn mẫu, một phương tiện nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của độc giả nhưng lại gây được ấn tượng lớn.

         

            Nói dựa, trích dẫn

            Ở đây, tác giả chỉ ra nguồn gốc, xuất xứ của những cách diễn đạt gợi cảm nào đó mà anh ta vay mượn nhằm thông báo cho độc giả biết rằng: anh ta chỉ đồng tình với những kiểu nói ấy chứ không phải chịu trách nhiệm về chất lượng của sự gợi cảm trong chúng. Và chính cái thủ pháp nói dựa, trích dẫn như vậy đã làm cho giọng điệu câu văn bớt đi cái sắc thái chủ quan, trở nên mềm mại, nhẹ nhàng, và thông tin hàm chứa trong nó cũng có độ xác thực cao hơn. Ví dụ:

            "Giai tầng như tôi, mua cái xe làm phương tiện bươn chải (nói như ông Gorki, về vai trò của văn học dân gian) là để "cho lao động được nhẹ nhàng hơn" thì..." (Lao động, 4/3/1998);

            "Nói theo cách của nhà thơ Evgheni Evtushenko, không nên hạ thấp phụ nữ xuống bằng... đàn ông!" (Văn hoá, 8/3/1998);

            "Dân chúng gọi hồ là biển, lâu ngày thành quen nên gọi là Biển Hồ" (Nhà báo và Công luận, số 13/1998);

            "Người đàn bà ấy tuy còn chút nhan sắc, nhưng nói theo ngôn ngữ của giới trẻ, cũng thuộc loại quá "đát" rồi" (Tuổi trẻ Thủ đô, 12/3/2000);

            "Tôi đi tìm mua cho con gái một chiếc đàn Organ Yamaha "made in Japan" chính hiệu, tại một Duty Free Shop (cửa hàng miễn thuế) trên phố "điện tử" (theo cách gọi của những người Việt ở đây" (Lao động, 24/6/1998 );...

             Khi sử dụng bất kỳ thủ pháp nào nhằm tăng cường tính biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí (mà những cái kể trên chỉ là một số tiêu biểu), người viết phải lưu ý tới một loạt các yêu cầu như: đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng (không phải với thể loại báo chí nào cũng có thể vận dụng chúng; và với các thể loại có thể vận dụng thì mức độ vận dụng cũng khác nhau)..., nhưng có lẽ yêu cầu đang được đặt ra bức thiết hơn cả là phải thể hiện sự độc lập, sáng tạo. Chính sự tìm tòi, sáng tạo sẽ sản sinh ra sự mới mẻ vốn là cội nguồn của sự hấp dẫn.Thực tế cho thấy, nếu người viết chỉ biết lặp lại người khác một cách máy móc thì các hình thức biểu cảm mà anh ta đưa ra không chỉ mất đi dấu ấn cá nhân mà còn mất đi cả tính hiệu quả. Chức năng biểu cảm của chúng bị vô hiệu hoá và chúng dần dần trở thành khuôn mẫu. Trong thực tế chúng ta đã gặp không ít trường hợp như vậy. Chẳng hạn, từ câu hát "Em ơi, Hà Nội phố" người ta đã "tái bản" thành tiêu đề của một loạt các bài báo khác nhau: nào là "Em ơi, Hà Nội... mũ", nào là "Em ơi, Hà Nội ... shop ", rồi thì "Em ơi, Hà... lội nước", v.v.; rồi từ tiêu đề truyện ngắn "Có một đêm như thế" của Nguyễn Thị Minh Thư người ta đã cải biên thành "Có một tập thể như thế", "Có một lò võ như thế, "Có một kiểu đào tạo cán bộ như thế"... Đối với các trường hợp kiểu này, chỉ có vay mượn lần đầu tiên là được người đọc hưởng ứng, vì nó độc đáo và mới lạ. Còn sự lặp lại lần thứ hai, lần thứ  ba... rất dễ gây cảm giác nhàm chán.

TS. Hồng Anh
Theo NSTT số 7/2009